m3w4-21

Các bài viết sưu tầm: Mar 20-26, 21

Chuyện Phiếm: Con số 3.
Hương Vị Đời
Mỹ Nhân Và danh Tướng

Chuyện Phiếm: Con số 3

© Tiểu Tử.

nui-ba-den

Trong mấy con số từ 1 đến 10, con số 3 là đặc biệt nhứt vì nó lúc nào cũng thấy có mặt trong cuộc sống hằng ngày. Trong mấy con số từ 1 đến 10 con số 3 là đặc biệt nhứt, vì nó lúc nào cũng thấy có mặt trong cuộc sống hằng ngày. Đây ví dụ bà Hai cúng Phật: Bàn thờ Phật được gọi là “Ngôi tam bảo”, trên bàn thờ có bộ ba “lư hương và hai chân đèn”, có ba chung nước, bà Hai xá ba xá rồi lấy ba chung nước đem đi lau rồi cho nước mới vào mang lại đặt lên bàn Phật, thắp ba cây nhang, chắp vào hai bàn tay xá ba lần mới cắm nhang vào lư hương, xong là xá ba xá, mới gõ ba tiếng chuông rồi quỳ xuống lạy ba lạy, đứng lên xá ba xá hướng về bốn hướng. Đó: chỉ việc cúng Phật mà đã có biết bao nhiêu lần ba?

Trong ngôn ngữ thông thường, để nói về một người không đứng đắn, người ta gọi người đó là “thằng ba trợn, thằng ba xạo, thằng ba que xỏ lá, thằng ba gai, thằng ba phải, thằng ba búa ”.

Trường hợp hơi gấp cần gặp nhau để “nói ba điều bốn chuyện rồi đi!”. Lỡ gặp bữa cơm thì “ăn ba miếng rồi đi !”. Bữa nay ngày rằm mà không có cơm chay. Thôi thì “và ba miếng cơm lạt trước khi ăn cũng được!”.

Thông thường, nhà xưa có nền hơi cao nên phải bước lên tam cấp để vào nhà! Ngôi nhà có ba gian hai chái với hàng ba rộng. Trong bếp có ông Táo là ba cục đất, hoặc ba viên gạch… Theo truyền thuyết, đó là “một bà và hai ông”. Họ như vậy mà vẫn chịu nổi sức nóng của lửa củi! Hay quá!

Đàn bà đi chợ, cho dù món hàng chỉ có đôi ba đồng, họ vẫn trả giá đôi ba lần. Để khỏi bị hố! Cuộc sống của họ dính liền với “ba cọc ba đồng” đó mà!

À! Nhân nói về đàn bà mới nhớ ra theo truyền thống, họ phải chịu nép mình vào “Tam tòng tứ đức”! Kẹt lắm chớ không phải chơi đâu! Trong lúc đàn ông thời xưa có “năm thê bảy thiếp”, thì đàn bà thời nào cũng chỉ “chính chuyên một chồng”!

Trên đây là nói về dân dã. Thử nhìn qua cuộc sống của một ông Vua coi ra sao bởi vì ổng là “đối lập” với nhân dân mờ!

Đầu tiên, ổng đi đâu cũng có “tiền hô hậu ủng”, có tới “ba đạo quân” đi theo bảo vệ ổng! Cho nên khi nghe trên sân khấu ông Vua kêu lớn “Tam quân” là nghe dạ rân trên đó! Oai như vậy na!

Khi ông Vua giận kẻ phản tặc nào là ổng ra lịnh “tru di tam tộc” kẻ đó! Ghê chưa! Bằng không thì ổng cho “Tam ban triều điển” để phạm nhân tự xử: đó là chén thuốc độc, sợi giây để thắt cổ, và con dao nhọn để đâm vào bụng.

Chổ ở của ông Vua không phải là loại vi-la mà là một “Tam cung lục viện”, mỗi viện ổng cấp cho một cô gái đẹp. Mấy cô nầy có trách nhiệm “phục vụ” ổng! Sướng vậy đó! Và nơi nầy không ai được vô nên được gọi là “Tử cấm thành”, trong đó có tất cả những gì để ông Vua tiêu khiển, tránh cho ổng khỏi đi lan ban ra ngoài nguy hiểm!

Nhắc đến chuyện Vua chúa, không quên hồi thời đó thường hay đọc truyện Tàu. Có truyện «Tam Quốc Chí» đọc cũng mê! Trong truyện Tàu có những nhân vật làm người đọc khó quên. Tỉ như: ba người kết nghĩa đào viên (Lưu, Quan, Trương), tỉ như Lưu Bị tam cố thảo lư, ba lần đến đứng trước cửa nhà Khổng Minh để cầu hiền, tỉ như ông Trình Giảo Kim nằm mơ thấy Tiên Ông dạy võ công với cái búa bửa củi. Đang học, bổng ông ta giật mình thức dậy và chỉ nhớ có ba đường búa, tỉ như Quan Công Hầu hóa ngũ quan (hai cộng ba) trảm lục tướng (ba lần hai)…vân vân … và vân vân…

Cha! … Con số 3 nó hành tôi từ đầu câu chuyện làm tôi muốn … đo ván! Thôi, ngừng đây nghen! Bái bai!

Tiểu Tử

Nguồn: hoainiemtayninh.blospot.com (10/03/21)


Nhà văn Tiểu Tử, tên thật là Võ Hoài Nam. Ông là con trai duy nhứt của giáo sư Võ Thành Cứ, cựu giáo sư trường trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn. Ông tốt nghiệp kỹ sư tại Marseille, Pháp quốc năm 1955. Ông về Việt Nam, dạy tại trường trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký niên khóa 1955-1956. Tháng 10 năm 1956, ông vào làm việc tại hãng xăng Shell Việt Nam cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Năm 1979, ông vượt biên và định cư tại Pháp. Sau đó, ông nhận làm việc cho công ty Đường Mía của nhà nước tại Côte d’Ivoire, Phi Châu, từ 1979 đến 1982. Ông qua làm hãng xăng Shell Côte d’Ivoire cho đến khi về hưu (1982-1991). Hiện ông đang nghỉ hưu tại Paris, Pháp quốc.


Hẹn tuần tới: Con Số 3 kỳ II (Tác giả Vương Trùng Dương)


Hương Vị Đời

© GS Nguyễn Văn Sâm

Nguồn: Nam Kỳ Lục Tỉnh

1.

Thằng Chà hí hửng cầm hai cuốn truyện Tàu bước qua ngạch cửa khi trời vừa hừng sáng. Bữa nay chúa nhựt ba nó ở nhà nhưng đã cho phép nó đi đổi truyện. Ngày thường ông đạp xe máy ra Trà quít làm việc tối mịt mới về, lợi dụng giờ giấc nó tự ý đi không cần phép tắc, nhưng khi ông ở nhà thì phải hỏi phải thưa. Nó bước nhè nhẹ ngang qua chuồng gà tính mở cửa ngỏ thì con Ô nhảy ra chuồng hồi nào không biết lật đật chạy theo quấn quít bên chưn. Con Ô thân thiện thiệt tình nhưng sáng nay sự thân thiện đó không làm cho thằng Chà khoái chí chút nào. Hai cuốn truyện Tàu được đưa ra quơ quơ làm võ khí nhưng con Ô chỉ cần né đầu là tránh được dễ dàng rồi cứ lẩn quẩn theo cản chưn trở cẳng. Thằng Chà tức khí đứng lại tính ăn thua đủ thì con Ô cũng khựng lại, ngóng cao cổ đập cánh phành phạch rồi cất tiếng gáy. Không khí đương yên tĩnh bỗng sôi động lên, đàn gà mái nhao nhao vừa cục tác vừa gục gặc đầu đủng đỉnh đi tới đi lui trong chuồng hay chõ mỏ qua khe rào kêu réo. Thằng Chà thừa cơ hội, lận hai cuốn truyện vô bụng, kéo áo phủ xuống, cuốn nào cũng đã được chủ nhơn đóng bằng giấy dầu nên nó không sợ mồ hôi làm ướt. Mau chưn nó phóng ra ngoài. Con Ô sau một giây ngơ ngác, chạy đuổi theo chủ chừng 5, 7 thước thì bỏ cuộc, quay vô bay đậu lên hàng rào chuồng chừng một vài phút rồi nhảy xuống hăm hở rượt đuổi bầy thê thiếp, không còn tha thiết gì tới chủ nữa.

Đã tờ mờ sáng. Đằng xa kia, nơi chưn trời một chút ánh hồng bắt đầu ló dạng. Tiếng ếch nhái đã hết inh ỏi. Màn sương khuya và gió lạnh báo hiệu cho thằng Chà bằng một cơn nhảy mũi dài tiếp theo một cái rùng mình nổi ốc từ duới chưn cẳng lên tới tay chưn. Nó kéo hai vạt áo lại sát nhau, bẻ cao cổ áo rồi lấy tay đập nhè nhẹ lên đầu để cái nón nỉ cũ của cậu nó vạt ra cho được chắc hơn. Nó nhắm hướng cầu Ngang đi miết… Đọc tiếp @ TẠI ĐÂY

⟩⟩ Trở Về Đầu Trang

Mỹ Nhân Và Danh Tướng

© Huy Phương

Nguồn: nguoiphuongnam52.blogspot.com

anh-minh-hoa-The-Bai-Bao-Tang

Những tấm thẻ bài tượng trưng cho các quân nhân Hoa Kỳ hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam tại cuộc triển lãm ở National Vietnam Veterans Art Museum ở Chicago, Illinois, hồi năm 2005. (Hình minh họa: © Tim Boyle/Getty Images)

Người xưa có câu thơ về cái chết trẻ của những người đẹp và tướng giỏi: “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng. Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu!” Dịch sát nghĩa là: “Người đẹp từ xưa như tướng giỏi. Chẳng hẹn chờ ai thấy bạc đầu!”

Chúng ta xem đây là một lời than tiếc hay chính là định mệnh của con người, tướng giỏi thường chết sớm ngoài trận địa và người đẹp ít khi sống đến già. 

Những câu thơ này phát xuất từ Trung Hoa không phải là sai. Cả “tứ đại mỹ nhân” nổi tiếng nhan sắc khuynh thành của Trung Hoa đều chết yểu, không những chết sớm mà còn bị chết “bất đắc kỳ tử!”

Tây Thi sau khi nhà Ngô bị diệt, bị phu nhân Câu Tiễn cột đá dìm sông; Vương Chiêu Quân uống thuốc độc tự tử; Điêu Thuyền bị Quan Võ chém;  Dương Quý Phi được Đường Huyền Tông “ban” cho một giải lụa trắng để kết liễu cuộc đời. Đúng là “hồng nhan bạc mệnh!”

Sáu danh tướng trong Tam Quốc Chí thì chỉ có Tào Thực sống đến 40, còn thì Tôn Sách, Quách Gia, Bàng Thống, Chu Du… không ai được “hưởng thọ” mà chỉ được đến “hưởng dương…” Đọc tiếp @ TẠI ĐÂY

⟩⟩ Trở Về Đầu Trang

m3w3-21

Các bài viết sưu tầm: Mar 13-19, 21

Chử Tửu
Cơm Chiều 29


Chử Tửu

Chử Tửu, Giỡn Chơi Cùng Chữ Nghĩa (tiếp theo kỳ trước).

Tuần trước loạn bàn về TÌNH chung chung, bây giờ bàn về TÌNH vợ chồng.
Câu này chắc các bà rất “ưa” và cho là câu thơ “siêu tuyệt” nhất trên đời:

Làm trai cho đáng nên trai
Vợ kêu phải dạ, “trả bài” phải thông!
(ca dao cạo)

Trả bài phải “thông” là tốt rồi, nhưng đôi khi mấy bà con muốn “đô” (dose) mạnh thêm nữa, vì nghe theo lời các cụ xưa phán:

Thứ nhất là rượu ngà ngà
Thứ hai là lúc đi xa mới dzìa

– “Đi xa mới dzìa” good lắm, nhưng mấy bà không dám thử “đuổi” mấy ông chồng đi xa rồi trở dzìa, vì sợ mấy ông dzọt luôn theo các “em nhí”.
– “Rượu ngà ngà” thì very good (tuyệt) vì các bà nhớ câu :”Nam vô tửu như kỳ vô phong” – tạm dịch :” Chồng mà không có rượu như cờ không có gió (eo xèo, không căng)”

Chắc chắn “chăm phần chăm” là rượu sẽ kích động TÌNH, sẽ đưa TÌNH lên “tới bến”. Do đó mới có từ TỬU SẮC phải không? Tuy nhiên, đừng “lậm” rượu quá mà quên TÌNH như ngài Bùi Giáng đã nhắn nhe:

Đừng say mút chỉ rầy rà tít mây
Chơi mà mút chỉ đứt dây
Còn chi mà nói thang mây phiêu bồng…
(Uống rượu yêu đời – Bùi Giáng)

Và cẩn thận đừng “lậm” quá nha các ông, nên nhớ đến câu “chểt trên lưng ngựa” (Thượng mã phong)

❖ Tặng các bạn câu chuyện này để giải thích những điều Nguyên Lạc tui “loạn bàn” trên:

Chuyện rằng:

Một buổi chiều tối nọ, cô vợ mặt hồng , mắt biếc tủm tỉm dọn lên cho chồng một xị rượu rắn cùng rùa xé phay và cháo le le

Thương chồng nấu cháo le le
Chồng ăn thêm sức… tối đè hụt hơi (ca dao)

Xong cô nàng vào phòng trong nằm chờ … Cái gì xảy ra thì sẽ xảy ra.

Sáng hôm sau, mặt mài hớn hở, cô nàng liếc xéo chồng với vẻ thán phục.

Chiều đến, cô nàng lại nhìn chồng tủm tỉm cười rồi dọn lên ba xị rượu rắn và mồi như hôm qua. Rồi vào phòng trong hí hửng nằm chờ.

Ông chồng vừa tà tà nhâm nhi rượu, mồi vừa hò ru cho vui “lấy trớn”:

Hò ơ ơ ớ
Nhấp chén rượu cay nhai con ốc đắng
Dạ thương người … ơ ơ … giỏi giắn đảm đang (ca dao)
Hò ơ ơ ớ
Gió lay động nhánh mù u
Vợ chồng oánh lộn … ơ ơ… thằng cu giảng hòa* (ca dao )
Hò ơ ơ ớ…
……….

* Trong câu ca dao trên, thằng cu là thằng con trai nhỏ dân quê gọi; tuy nhiên, các bạn có quyền nghĩ theo ý bạn, không ai cản à nha.
Sau khi hò ru một chập, ông khò khò khò…


Chờ mãi đến gà gái sáng nhưng sao vẫn êm re, chẳng động tịnh gì cả, cô nàng mới hé cửa nhìn ra. Hỡi ôi, ông chồng đang “lật gọng” khò khò ngoài kia!

Sáng hôm sau, với vẻ mặt bức bối, cô dậm chân than:
– Tổ cha nó, ba không bằng một !
Ối thôi, LONG (Rồng) đã hóa thành TRÙN rồi!

Thành ngữ : “Long Hóa Trùn” chỉ sự thất thế của những thằng ác ôn, thất đức. Nó cũng dùng để ám chỉ mấy cụ “xỉn” quá độ, chả “làm ăn” được gì cả, “trả bài” không thuộc đó các bạn!

© Nguyên Lạc




Cơm Chiều 29

© Tưởng Năng Tiến

Nguồn: tuongnangtien.wordpress.com (07/02/21)

Dường như tôi không hợp lắm với không khí gia đình, nhất là cảnh gia đình xum họp hay đầm ấm. Ngay lúc thiếu thời, vào những chiều giáp Tết, thay vì quanh quẩn ở nhà – phụ cha lau chùi lư hương; giúp mẹ bầy biện mâm cơm cúng cuối năm – tôi hay lặng lẽ tìm lên một ngọn đồi cao nào đó (lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang) với tâm cảm của một … kẻ giang hồ, đang trên bước đường phiêu bạt.

Ôi! Tưởng gì chứ chuyện “phiêu bạt” thì nào có khó chi, khi sinh trưởng trong một đất nước chiến tranh và ly loạn. Muốn là được liền thôi. Trời – đôi khi – cũng chiều lòng người, và chiều tới nơi tới chốn!

Những tháng ngày niên thiếu vụt qua như một cánh chim. Tôi bước vào tuổi đôi mươi, đúng vào Mùa Hè Đỏ Lửa, cùng với lệnh Tổng Động Viên. Thế là tôi “xếp bút nghiên để theo việc đao cung.” Hay nói một cách ít kiểu cọ hơn là tôi đi lính… Đọc tiếp @ TẠI ĐÂY

⟩⟩ Trở Về Đầu Trang

m3w2-21

Các bài viết sưu tầm: Mar 6-13, 21

Chữ Tình
Sông Bến Hải
Sâu Hơn Sông Bến Hải

Chữ Tình

Giỡn Chơi Cùng Chữ Nghĩa. Tác Giả: Nguyên Lạc


Chữ TÌNH khiếp lắm, nó chi phối mọi “hành xử” con người. Không có TÌNH thì sẽ không có thơ văn…

ap-phich-chieu-rap-cua-phim Áp phích chiếu rạp của phim, ảnh © wikipedia

Chính vì chữ TÌNH mới xảy ra chiến tranh và đau thương:

– Như việc muốn chiếm đoạt “kiều nữ chân dài” Helen mà gây nên “Chiến tranh thành Troia” (trường thi của Homer: Iliad và Odyssey).
– Làm tiêu tan đất nước, làm toi mạng, tiêu đời… như Trụ Vương / Đắc Kỳ, Ngô Vương/ Tây Thi và Đồng Trác / Điêu Thuyền v.v…

Vậy TÌNH là cái quái gì mà khiếp vậy?
Để tìm hiểu nó, trước hết xin giới thiệu ông thần “chịu chơi” – Cụ ngài Nguyễn Công Trứ nổi tiếng với câu: “Tân nhân dục vấn lang niên kỷ /_ngũ thập niên tiền nhị thập tam“ – tạm dịch: ” Cô dâu hỏi chàng bao nhiêu tuổi / Qua mới hai mưoi ba tuổi thôi … năm mưoi năm trước “.

Đây là chữ TÌNH của cụ Nguyễn :
“Chữ tình là chữ chi chi
Dẫu chi chi cũng chi chi với tình”
Sầu ai lấp cả vòm trời,
Biết chăng chăng biết hỡi người tình chung?
(Chữ Tình – Nguyễn công Trứ)

“Chữ tình là cái chi chi”, ý nói nó là cái gì mà người ta mê đắm dữ vậy? Vua quan, nghèo hèn đều giống “y chang” nhau.

Trên sông một chiếc thuyền nan
Một cô gái Huế, một quan đại thần.
Ban ngày quan lớn như thần
Ban đêm quan lớn tần mần như ma
Ban ngày quan lớn như cha
Ban đêm quan lớn rầy rà hơn con
(Đùa quan đại thần – Nguyễn Công Trứ?)

Đấy bạn thấy chưa, quan lớn cũng chi chi với tình.
Và TÌNH thời hiện đại đây
Hỏi thế gian tình là chi
Mà lương mấy tháng đều chi cho tình?
Thấy chưa? Tất cả vì chữ TÌNH

Gởi tặng các bạn đoạn viết về TÌNH rất “ấn tượng”:

“Các nhà khoa học đã biết từ lâu tình yêu trai gái là do phản ứng hóa học trong cơ thể khi đến tuổi dậy thì. Phản ứng tự nhiên đó cũng là phản ứng chung cho mọi sinh vât. Riêng loài người, tình yêu phức tạp hơn nhiều. Trai gái khi đến tuổi dậy thì, không phải gặp ai cũng yêu luôn. Tình yêu nẩy nở ở con người còn phụ thuộc ba thứ: hình dáng, thanh âm và mùi vị. Khi thấy hình dạng của nàng hay chàng hợp nhãn là đã để ý rồi. Nhưng đó chưa phải là đã yêu ngay. Còn vấn đề nghe tiếng nói giọng cười của đối phương, thanh âm ra sao, tiếng nói có duyên không hay thô lỗ cục cằn. Và sau hết và cũng dễ bị “dính” nhất là “mùi vị”. Ở đây chính cái mầm yêu trong bộ óc đã tự chọn cho ta mà ta không biết. Bởi vì trước khi yêu làm thế nào mà…ngửi được mùi vị để xem có đáng yêu hay không” Loài người khác loài vật là ở chỗ này, vì loài vật không nề hà chuyện đó. Loài vật trước khi yêu, con đực sáp lại gần con cái, ngửi hít thoải mái, như con trâu đực chẳng hạn, khi đi “cua” đào, bèn hít cái đuôi con trâu cái thật lâu, hít đã rồi còn hếch cái mũi lên trời nhe răng cười khoái trá, trông thật chẳng giống ai. Loài người, nếu quý vị đực rựa bắt chước con trâu làm như vậy, chắc phải lãnh cái bạt tai chớ đừng nói đến yêu với đương làm chi cho mệt,” Tình Là Cái Chi Chi? – Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh.
Nguồn: hungviet.org | 06/01/21

Xin xem tiếp kỳ sau…


Sông Bến Hải

Nguồn: Sinh Viên Quân Y

song-ben-hai

Sông Bến Hải, ảnh © svqy.org

Hiệp định Genève 20-7-1954 lấy sông Bến Hải làm ranh giới đình chiến giữa hai miền Nam Bắc, từ đó hai chữ Bến Hải đi vào lịch sử Việt Nam.

Sông Bến Hải còn có tên là Rào Thanh bắt nguồn từ vùng núi Động Chân, tỉnh Quảng Trị, thuộc dãy Trường Sơn, cao hơn mặt biển 500m, chẩy theo hướng từ tây nam sang đông bắc, đổ ra biển ở Cửa Tùng, thuộc quận Vĩnh Linh, Quảng Trị. Sông dài chừng 100km, nơi rộng nhất khoảng 200m, hai đầu sông rất hẹp, ở thượng nguồn nơi có nhà thờ Phước Sơn, sông chỉ rộng 20m, ở Cửa Tùng lòng sông rộng 30m. Sông Bến Hải cũng còn được gọi là sông Bến Hói, theo tiếng địa phương hói có nghĩa là dòng sông nhỏ, từ Bến Hói đọc trại ra là Bến Hải.

Từ đầu nguồn sông Bến Hải chẩy được 80km thì gặp sông Sa Lung từ phía tây bắc đổ vào, hai sông hợp lưu chẩy tiếp ra biển, qua làng Minh Lương ở bờ bắc nên có tên là sông Minh Lương. Do phải kiêng húy tên vua Minh Mạng, nên cả tên làng và tên sông đều đổi thành Hiền Lương, cây cầu gần ngã ba sông cũng mang tên là Hiền Lương… Đọc tiếp @ TẠI ĐÂY

⟩⟩ Trở Về Đầu Trang


Sâu Hơn Sông Bến Hải

© Hoàng Chính

Nguồn: Việt Báo 12/02/21

Người đàn ông hít một hơi dài, rồi thì thầm vào ống nghe điện thoại, “Hello, con đấy hả, bố đây.”

Đầu dây kia, giọng phụ nữ xoáy vào tai ông, “Bố đấy à? Mẹ có đó không vậy?”

Câu hỏi làm cái hăm hở trong lòng người đàn ông rũ xuống như miếng bánh đa nhúng nước. Ông gượng gạo, “Mẹ mày đang ở trong bếp.”

À,” con bé ậm ừ vài giây. “Bố… sao rồi?”

Vẫn vậy.” Ông trả lời nhập nhằng để con gái phải hỏi thêm, để có chuyện mà nói, bởi lâu nay hai bố con chẳng giáp mặt nhau.

Nhưng con gái không chút quan tâm, “Mẹ khỏe không bố?”

Vài giây im lặng, ông không biết phải nói gì, đầu dây kia chắc con gái ông cũng loay hoay tìm câu để nói.

Rồi cái giọng trong veo lại khuấy lên, “Bố ra ngoài có đeo khẩu trang không đấy?”

Bố ra ngoài làm gì vậy?”

Tao chẳng có đi đâu, ra ngoài làm gì?”

Bố không đi giao báo nữa à?”

Covid làm hãng xưởng đóng cửa, có ai quảng cáo nữa đâu!”

Lại im lặng. Như thể đầu dây kia, cô con gái đang ngẫm nghĩ, tìm một câu an ủi bố. Người đàn ông nghĩ vậy, ông đang buồn và cần một lời an ủi, nên ông nghiêng đầu chờ đợi.

Mấy cái khẩu trang con gửi bố đã dùng hết chưa vậy?” Con gái hỏi.

Còn nguyên cả đống đấy chứ đâu.”

Vậy bố không xài đến à?”

Sao bố nói còn nguyên cả đống?”

Người đàn ông ngập ngừng. Con gái vẫn không bỏ được cái tật ấy. Cứ có dịp là tra vấn bố hết câu này đến câu khác. Hệt như bọn công an chấp pháp thẩm vấn ông cái thời ông ở tù. Ý nghĩ làm cái mặt đầy những nếp nhăn của ông nóng lên. Quân khốn nạn. Cứ nghĩ đến chúng nó là ông muốn chửi thề… Đọc tiếp @ TẠI ĐÂY

⟩⟩ Trở Về Đầu trang

m3w1-21

Các bài viết sưu tầm: Feb 27-Mar 05, 21

Thơ Vui Vợ chồng
Quán Đêm
Mussolini, Hitler và Trump.

Thơ Vui Của Vợ Nói Về chồng

Giai đoạn 1 (Năm 20 – 30 tuổi)
 
Chồng em chẳng thích ăn quà
Ngày nào cũng chỉ về nhà ăn cơm
Cơm nhà vừa dẻo vừa thơm
Chồng em chỉ thích ăn cơm ở nhà …
 
Giai đoạn 2 (Năm 30 – 40 tuổi)
 

Chồng em đã biết ăn quà
Bây giờ thỉnh thoảng về nhà ăn cơm.
Cơm nhà vẫn dẻo vẫn thơm, 
Chồng em giờ biết ăn cơm lẫn quà….
 
Giai đoạn 3 (Năm 40 – 50 tuổi)
 
Chồng em chỉ thích ăn quà 
Bây giờ anh chẳng về nhà ăn cơm. 
Cơm nhà vẫn dẻo vẫn thơm, 
Chồng em giờ đã bỏ cơm ăn quà.
 
Giai đoạn 4 (Năm 50- 60 tuổi)
 
Chồng em chẳng thích ăn quà 
Mà giờ cũng chẳng về nhà ăn cơm. 
Cơm nhà hết dẻo hết thơm, 
Chồng em giờ  bỏ cả cơm lẫn quà.
Giai đoạn 5 (Năm 60 – 70 tuổi)
 
Chồng em bỏ cả cơm, quà 
Chỉ ăn được cháo ninh gà mà thôi
Chê quà, chê cả cơm hôi
Phở nhà hàng xóm kề môi húp liền.
 
Giai đoạn 6  (Năm 70 – 80 tuổi)
 
Chồng em tóc bạc như tiên 
Phở ăn chẳng được, có tiền như không. 
Ngồi thèm nhìn ngó các ông
Trẻ trung húp phở mà lòng xôn xao.
 
Giai đoạn 7 (Năm 80 – 90 tuổi)
 
Chồng em hết tuổi cao trào 
Quà, cơm, phở, cháo gà sao chẳng thèm. 
Không còn gì chút tòm tem 
Ngó qua liếc lại nhìn xem đất trời
 
Giai đoạn 8 (Năm 90 – 100 tuổi)
 
Chồng em cháo, phở nhường người
Chán cơm, thèm đất, thích nơi kèn đồng.

Quán Đêm

© Phùng Nguyễn

Nguồn: Tạp Chí Da Màu | Sep 22, 2016

LTS: “Quán Đêm” ngày trước là một truyện ngắn trong Tháp Ký Ức. “Quán Đêm” bây giờ là một địa điểm để tìm ra Phùng Nguyễn, để ngồi uống bia và nghe những mẩu đối thoại đậm đặc tính cách anh, thỉnh thoảng bật cười với lối hài hước của anh. Vào “Quán Đêm” để thấy Phùng Nguyễn luôn có đó, có thể với nụ cười ảm đạm trên môi, nhưng phong cách thì ngạo nghễ và can đảm có thừa.

Quán vắng. Rất vắng là đằng khác. Gã đàn ông chọn chiếc bàn nhỏ cạnh cửa sổ dọc bức tường đối diện quầy thu tiền, kéo ghế ngồi xuống. Chủ quán, một thiếu phụ trên ba mươi có khuôn mặt dễ coi, mang đến tấm thực đơn, mỉm cười chào hắn một cách nghề nghiệp. Hắn cười đáp lễ rồi nheo nheo cặp mắt cúi xuống nhìn vào tờ thực đơn.

tranh-bui-xuan-phai© Tranh Bùi Xuân Phái (Chèo)

Anh uống gì gọi trước rồi chọn món ăn sau cũng được,” chủ quán đề nghị.

Chị cho tôi một chai Michelob.”

Ở đây hỏng có mi-kà-lốp, anh dùng đỡ bớt đi.”

Gã đàn ông ngần ngừ một chút rồi trả lời:

Bớt thì bớt. Chị cho tôi một cái bud cũng được.”

Gã đàn ông ngồi nhâm nhi chai Budweiser, ngó mông ra đường. Đường phố vắng vẻ một cách lạ lùng. Ngắm một hồi chán ngấy, hắn quay lại nhìn vào chỗ quầy tính tiền. Bắt gặp nét bẽn lẽn trên khuôn mặt người chủ quán, tự nãy giờ đang tò mò quan sát ông khách lạ, hắn mỉm cười bắt chuyện:

Cũng may mà quán chị còn mở cửa. Tưởng đâu hôm nay ai cũng đóng cửa để sửa soạn ăn Tết.”

Tết nhứt nhằm ngày thường chán lắm anh ơi. Tui cũng tính nghỉ sớm bữa nay để về nhà đón Giao Thừa, rồi lại tiêng tiếc.

Chị chép miệng nói tiếp:

Biết vắng như vậy thì đã đóng cửa hồi chiều cho rồi.”

Một người đàn ông bước ra từ phía nhà bếp, hai tay bưng khay đựng thức ăn hướng về phía bàn của hắn. Ông ta lặng lẽ đặt mấy đĩa thức ăn lên bàn rồi lặng lẽ quay đi, không thèm trả lời câu cám ơn của gã thực khách. Người thiếu phụ chủ quán nhìn theo, lắc đầu chán nản.

Ông xã chị coi bộ ít nói,” gã đàn ông nhận xét.

Ông xã nào đâu? Đó là anh Năm. Ảnh cứ vậy hoài từ hồi thằng con của ảnh bị tụi nó bắn chết.”

Gã đàn ông nhìn chị, chờ đợi một lời giải thích:

Thì cũng mấy cái vụ băng đảng đó. Vô quán cà phê dành gái rồi bắn nhau tùm lum. Vậy mà cũng được cả năm rồi đó. Tội nghiệp ảnh, có mỗi thằng con!

Vậy còn ông xã chị đâu? Chắc đang lo dọn dẹp nhà cửa ăn Tết hả?”

Chị chủ quán bỗng dưng lựng khựng. Rồi chị cũng trả lời, giọng cao và sắc cạnh hẳn lên:

Thằng chả theo con đĩ ngựa đó qua tiểu bang khác cả năm nay rồi.”

Nhất định là “thằng chả” và “con đĩ ngựa đó” đang làm chị tức giận ghê gớm lắm, hắn nghĩ.

Anh nghĩ coi,” chị chủ quán nói tiếp, giọng đã hòa hoãn hơn một chút, “thằng chả đành đoạn bỏ vợ bỏ con đi theo người ta như vậy đó! Trước sau gì cũng bị nó lột hết rồi đá ra cửa cho mà coi.

Gã đàn ông nâng ly bia lên ngắm nghía, quan sát khuôn mặt biến dạng của người thiếu phụ phía sau màn thủy tinh ẩm ướt của chiếc ly, lên tiếng:

Nếu quả thực như vậy thì chị tính sao?”

Tính sao là tính sao?” Chị chủ quán cao giọng, vẻ khiêu khích.

Hắn cũng chỉ chờ có vậy, đang buồn quá, có dịp cãi lộn cũng vui.

Nếu anh ấy về năn nỉ chị xin ở lại thì chị tính sao?”

Còn lâu à! Tui vác chổi quét ra liền.”

Tôi ngờ lắm. Còn con cái, mấy đứa nhỏ thế nào lại không nhắc đến bố của chúng. Rồi những lúc chúng bệnh hoạn, không có ai bên cạnh để phụ giúp một tay. Rồi lễ lạc, Tết nhất lủi thủi một mình…” Đọc tiếp @ TẠI ĐÂY

⟩⟩ Back To Top


Mussolini, Hitler và Trump

© Đào Tiến Thi

Nguồn: Báo Tiếng Dân | Dec 21, 2020

Trong các cuộc tranh cãi về Trump, những người sùng bái Trump quy kết đối thủ bằng những lý lẽ kiểu như không được quyền xúc phạm một tổng thống được bầu hợp hiến; Trump được hàng chục triệu người ủng hộ, lẽ nào lại sai, lại kém…

Họ không biết rằng Musolini và Hitler từng đều được bổ nhiệm hoặc bầu cử hợp hiến và cũng được hàng triệu người ngưỡng mộ. Hiện tượng Trump, tuy chỉ mới xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn ngủi (4 năm) nhưng đã thấy lặp lại khá nhiều điểm ở hai nhân vật trên (nếu ông trúng cử nhiệm kỳ này, chắc ngày càng giống hơn nữa). Xin nêu tóm lược vài điểm dưới đây.

Mussolini (1883 – 1945)

mussolini-1922-at-romeMussolini trong một cuộc tuần hành (1922) tại thủ đô Rome với sự tham gia của 26.000 người ủng hộ. © Ảnh Báo Tiếng Dân

Xuất thân bình dân nhưng Mussolini hăng hái hoạt động chính trị từ khi còn trẻ (17 tuổi đã tham gia Đảng XH, hăng hái trong hoạt động công đoàn và đặc biệt là báo chí – từng làm tổng biên tập báo Tiền tuyến).

Mussolini bước lên vũ đài chính trị vào lúc nước Ý lâm vào cơn khủng hoảng kinh tế – xã hội trầm trọng do hậu quả của Thế chiến I.

Năm 1919, Mussolini thành lập Đảng Phát xít (Đảng Áo đen). Cương lĩnh của Đảng Phát xít hứa hẹn rất nhiều chính sách có lợi cho bình dân: thiết lập nền cộng hòa (Ý lúc đó đang ở chế độ quân chủ lập hiến), phế bỏ các tước vị quý tộc, ruộng đất về tay nông dân, quy định mức lương tối thiểu cho công nhân…

Mussolini biết kích động sự phẫn nộ của đám đông, sự khát khao một “minh quân” trong lúc bế tắc của nhiều người dân Ý. Mussolini còn kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan: khẩu hiệu “Hãy chiến đấu vì sự thành lập nước Đại Ý”. Đảng Phát xít lấy hình ảnh thịnh vượng của đế chế La Mã cổ đại làm mục tiêu.

Mussolini cũng biết tranh thủ quần chúng bằng cách làm ngược truyền thống. Ông ta từng kích động công nhân phá đường sắt, ngăn cản quân đội ra tiền tuyến, nhưng10 năm sau khi lên cầm quyền, lại ủng hộ phe chủ chiến (để thực thi lý tưởng “nước Đại Ý”). Năm 1920, Mussolini lãnh đạo một đội “cách mạng” đột nhập và đốt phá tài liệu tòa báo Tiền tuyến, nơi y từng làm ký giả nhiều năm và 8 năm trước còn làm tổng biên tập báo này.

Từ Đảng Phát xít, Mussolini thành lập các đội “Hành động cách mạng”, “Phát xít chiến đấu”, được đông đảo binh lính, công nông và tiểu tư sản ủng hộ. Các hoạt động của Đảng Phát xít ngày càng khiến cho chính phủ Ý hoang mang và chia rẽ. Cuối cùng, Mussolini dẫn đội quân 5 vạn người của mình tiến về Roma. Quốc vương Ý Victor Emamuele III mời Mussolini làm thủ tướng. Mussolini hùng dũng tiến vào Roma ra mắt Quốc vương với bản danh sách nội các (30/10/1922)!

Hitler (1889 – 1945)

hitleri-1933-at-nurembergHitler được những người ủng hộ chào đón tại Nuremberg năm 1933. © Ảnh Báo Tiếng Dân

Thế chiến I kết thúc, Đức là nước thua trận, chịu hậu quả nặng nề, đặc biệt là khoản bồi thường chiến phí khổng lồ cho các nước thắng trận. Đã thế, Pháp còn cậy thế nước thắng trận lại gây sức ép nhiều mặt với Đức (có lẽ Pháp cay cú từ thất bại trong chiến tranh Pháp – Phổ 50 năm trước). Những năm hai mươi, kinh tế Đức phát triển nhanh chóng nhưng đến năm 1929 lại lâm vào khủng hoảng (nằm trong cuộc tổng khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933).

Cuộc đời chính trị của Hitler có thể tính từ khi tham gia Đảng Công nhân Đức (1919). Với những bài diễn thuyết sục sôi, Hitler đã chinh phục được các đảng viên của Đảng và quần chúng. Tháng 2/1920, Hitler đề ra “Cương lĩnh 25 điểm” trong đó có những điều làm mê lòng người như xóa bỏ Hòa ước Versailes (Hòa ước bất bình đẳng của phe Hiệp ước thắng trận với phe Liên minh thua trận), quốc hữu hóa các xí nghiệp lớn, hủy bỏ các lợi ích không do lao động, bãi bỏ chế độ binh dịch, xây dựng nhà nước Đại Đức,

Mấy tháng sau, Hitler đổi Đảng Công nhân Đức thành Đảng Quốc gia Xã hội Đức (thường gọi là Đảng Quốc Xã). Chính ông ta thiết kế đảng kỳ. Đó là một hình chữ nhật nền đỏ, giữa có vòng tròn trắng, trong vòng tròn trắng có chữ “vạn” (thập ngoặc) với ý nghĩa: Màu đỏ tượng trưng cho chủ nghĩa xã hội, màu trắng tượng trưng cho quốc gia và chữ “vạn” tượng trưng cho sự chiến thắng của dân Đức trước dân Do Thái. Hitler đã kết hợp được hai tư tưởng thời thượng ở Đức lúc đó là CNXH và chủ nghĩa dân tộc (Đại Đức).

Đêm 8/11/1923, Hitler gây ra vụ bạo động “quán bia”, định cướp chính quyền nhưng thất bại. Y bị kết án 5 năm tù. Trong tù, Hitler viết cuốn “Cuộc chiến đấu của tôi” (có người dịch “Đời hoạt động của tôi”) trong đó đề cao tính siêu việt của người Đức.

Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 – 1933 đối với nước Đức và thế giới là cơ hội vàng cho Hitler. Hitler đi diễn thuyết khắp nơi, nêu lên nỗi thống khổ của nhân dân, sự yếu kém của chính phủ Đức, được công chúng nhiệt liệt hưởng ứng. Đảng Quốc Xã ngày càng có thanh thế.

Năm 1932, Đảng Quốc Xã ra tranh cử, chiếm 230 ghế, là đảng lớn nhất trong Quốc hội Đức. Sau đó 17 nhà tư bản công nghiệp và ngân hàng hàng đầu nước Đức đệ đơn lên Tổng thống Hindenburg đề nghị cho Hitler đứng ra lập chính phủ và đề nghị đó được chấp nhận (30/1/1933).

Tháng 10/1933, Hitler rút nước Đức khỏi Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên hợp Quốc ngày nay), năm 1935 cho phục hồi chế độ binh dịch…

Một năm sau, Hindenburg chết, Hitler công bố “Luật Nguyên thủ quốc gia”, một mình ông ta nắm giữ luôn cả “tam quyền”. Khắp nước Đức, đâu đâu cũng thấy người ta tung hô “Hitler muôn năm”.

Con người và những việc làm của Hitler sau đó thế nào không cần nói cũng biết…

Tóm lại, có thể thấy một số điểm chung giữa Mussolini và Hitler. (Với Trump mỗi người tự liên hệ)

stalin-hitler-mussolini-trumpTT Trump sánh vai cùng các bậc tiền bối © Ảnh Báo Tiếng Dân

1. Xuất hiện vào lúc khủng hoảng quốc gia cũng như quốc tế, cả xã hội khát khao có “người hùng” xuất hiện.
2. Đưa ra nhiều hứa hẹn về chính sách “ích quốc lợi dân”, đem lại niềm tin mới cho quốc dân.
3. Làm nhiều điều ngược truyền thống, có tác dụng giải tỏa bức xúc dân chúng trước cơn khủng hoảng.
4. Đề cao chủ nghĩa quốc gia, chính xác là kích động chủ nghĩa quốc gia cực đoan vào đúng lúc mà quốc dân cảm thấy quốc gia bị thua thiệt, bị sỷ nhục.
5. Biết kích động đám đông (đang mất phương hướng), luôn biết tạo ra “kẻ thù của nhân dân”.

© Đào Tiến Thi @ Báo Tiếng Dân

⟩⟩ Back To Top