ĐBSCL 2020 Cánh đồng chết và 45 năm ảo vọng trí thức


© Ngô Thế Vinh

Source: https://boxitvn.blogspot.com


GS Nguyễn Duy Xuân (trái) và GS Phạm Hoàng Hộ

GS Nguyễn Duy Xuân (trái) và GS Phạm Hoàng Hộ

Tưởng nhớ GS Nguyễn Duy Xuân, GS Phạm Hoàng Hộ,

Hai tượng đài trí tuệ kiệt xuất, bất khuất của Miền Nam

Lời Dẫn Nhập: Giáo sư Phạm Hoàng Hộ sau khi hoàn tất bộ sách đồ sộ “Cây cỏ Việt Nam” mà Giáo sư gọi là “công trình của đời tôi” và vào mấy năm cuối đời, như một Di chúc, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã đề tặng toàn sự nghiệp ấy cho:

“Những ai còn sống hay đã chết trong tù vì tháng Tư năm 1975 đã quyết định ở lại để tiếp tục dâng góp cho đất nước.

Tặng Giáo sư Nguyễn Duy Xuân nguyên Viện trưởng Đại học Cần Thơ, mất ngày 10-11-1986 tại trại Cải tạo Hà-Nam-Ninh.

Tặng hương hồn những ai trên biển Đông đã chết nghẹn ngào”.

Thế hệ sinh sau 30 tháng 4, 1975 nay cũng đã 45 tuổi rồi, cũng là 45 năm của một chính sách ngu dân lãng phí/huỷ diệt nguồn chất xám, và lăng nhục cả một thế hệ trí thức Miền Nam. Và nghĩ xa hơn, một Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ không chết như ngày nay nếu có một nhà nước biết trân trọng sử dụng nguồn chất xám ấy, mà biểu tượng là hai trí tuệ kiệt xuất của Miền Nam như Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, Giáo sư Nguyễn Duy Xuân, là hai thành viên sáng lập Viện Đại học Cần Thơ năm 1966, và sau 1975 cả hai có cùng một ý nguyện chọn ở lại để xây dựng đất nước sau chiến tranh và thống nhất. Để rồi, GS Nguyễn Duy Xuân thì chết thảm sau 11 năm bị đày đọa trong trại tù cải tạo Hà-Nam-Ninh ở Miền Bắc, và GS Phạm Hoàng Hộ thì trải qua một chặng đường vô cùng đau khổ qua “một thời kỳ sống trong ảo vọng là sẽ thấy đất nước đi lên, giai đoạn đi xe đạp, ăn gạo hẩm, tưởng hoa sẽ nở trên đường quê hương” để rồi kết thúc là một cái chết buồn bã xa nửa vòng Trái đất bên ngoài quê hương, một quê hương mà ông suốt đời gắn bó và chẳng bao giờ muốn xa rời. Hình ảnh một Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, một Giáo sư Nguyễn Duy Xuân những năm sau 1975, là tấm gương và cũng là một trải nghiệm đau đớn cho cả một thế hệ trí thức Miền Nam. Trang sử ảm đạm ấy là một bài học đắng cay cho cả một dân tộc sẽ không thể và không bao giờ quên. Với các thế hệ trẻ sau 1975 ở khắp năm châu, cùng với bản tiếng Việt, nay có thêm bản tiếng Anh để các bạn dễ dàng tiếp cận hơn với bài học lịch sử ấy.


Những năm ảo vọng, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ và bộ sách “Cây cỏ Việt Nam”

Peter Shaw Ashton, Giáo Sư Charles Bullard, Ngành Lâm Học, Đại Học Harvard

“Với những ghi chú bằng tiếng Anh, cùng với những nét minh hoạ tinh vi của hơn 10.500 chủng loại, bộ sách Họa hình Cây cỏ Việt Nam/Illustrated Flora of Vietnam của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã cung cấp cho giới độc giả tiếng Anh lần đầu tiên và cập nhật một tài liệu tham khảo thấu đáo mà chúng tôi ít biết đến. Công trình này sẽ đứng như một tượng đài của sự quyết tâm, cống hiến, và uyên bác với lòng can đảm của tác giả. Giáo sư Phạm Hoàng Hộ hầu như đơn độc hình thành một công trình sinh học thực vật có tầm vóc hàn lâm/ academic tại Đại học Sài Gòn giữa những năm tháng khó khăn. Trong hoàn cảnh cực kỳ thử thách ấy, Giáo sư Hộ đã sưu tập được những chất liệu cho bộ sách đặc sắc này và cả những chuyến du khảo nhằm thu thập những mẫu vật để minh hoạ. Và nay công trình được xuất bản, đó sẽ là nguồn khích lệ cho các nhà sinh học trẻ ở Việt Nam và cả ở hải ngoại.

“Cây cỏ Việt Nam có thể lên tới 12.000 chủng loại. Bởi vì xứ sở này nằm sát bờ Thái Bình Dương Á Châu nhiệt đới, đó là hành lang cho những chuyển dịch theo chu kỳ Bắc-Nam/periodic North-South migration của thảm thực vật vô cùng phong phú từ phía Nam Trung Hoa và phong phú hơn nữa là thảm thực vật xích đạo Mã Lai / equatorial flora of Malaysia. Trên các rặng núi vẫn còn lưu lại những chủng loại tùng bách / conifer và thực vật có hoa / angiosperm taxa có tầm quan trọng vô song, trong khi các vùng bình nguyên mang dấu ấn của quá khứ có liên hệ tới các vùng hải đảo Phi Luật Tân và Borneo Nam Dương. Đến nay sự phong phú này hầu như tiêu vong. Những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong chiến lược trồng cây tái sinh và bảo tồn sẽ được hỗ trợ bởi công trình của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ như một hồ sơ theo dõi các thảm thực vật đến nay còn tồn tại.” 

Tiểu sử:

GS Phạm Hoàng Hộ, trên giấy tờ ngày sinh là 3 tháng 8 năm 1931 tại An Bình, Cần Thơ. Nhưng theo cáo phó mới đây của gia đình thì GS Hộ sinh năm Kỷ Tỵ 1929, mất ngày 29 tháng Giêng năm 2017 tại Montréal, Canada hưởng thọ 89 tuổi. Anh Phạm Hoàng Dũng, con trai GS Phạm Hoàng Hộ xác nhận là “Ba tôi sinh năm Kỷ Tỵ 1929, nhưng theo lệ ngày xưa thì lâu sau đó mới khai sinh, là năm 1931”.

Văn bằng:

– 1953: Cử nhân khoa học, thủ khoa Thực Vật học, Paris

– 1955: Cao học Vạn Vật học, Paris

– 1956: Thạc sĩ / Agrégé Vạn vật học

– 1962: Tiến sĩ Khoa học / Vạn vật học, Paris

Chức vụ:

– 1957-1984: Trưởng phòng Thực vật Đại học Khoa học Sài Gòn

– 1965-1984: Giáo sư Thực vật học Đại học Khoa học Sài Gòn

– 1962-1966: Giám đốc Hải học viện Nha Trang

– 1963-1963: Khoa trưởng Đại học Sư phạm Sài Gòn

– 1963: Tổng trưởng Quốc gia Giáo dục

– 1966-1970: Viện trưởng sáng lập Viện Đại học Cần Thơ

– 1978-1984: Chủ bút tuần báo Khoa học Phổ thông Sài Gòn

– 1984-1989: Giáo sư Khảo cứu tại Viện bảo tàng Thiên nhiên Quốc gia Paris

Hội viên Khoa học:

— 1956: Hội viên Hội Thực vật học Pháp

— 1963: Hội viện Hội Tảo học Quốc tế (International Phycological Society)

— 1964: Hội viên Sáng lập Hội Sinh học Việt Nam

— 1965: Phó Chủ tịch Uỷ ban Danh từ Việt Nam

— 1967: Hội viện Hội Viện trưởng Đại học Quốc tế (APU)

— 1969: Sáng lập viên Niên san Đại học Cần Thơ

— 1971: Hội viên Uỷ ban Thẩm định hậu quả chất Da cam tại Nam Việt Nam, Viên Hàn lâm Khoa học Quốc gia, Hoa kỳ.

— 1973: Cố vấn Môi sinh Uỷ ban Quốc Tế Sông Mekong (MRC)

Ấn phẩm:

— 1960: Cây Cỏ Miền Nam Việt Nam (Flore Illustrée du Sud Vietnam) – Bộ Giáo dục Việt Nam: 1 vol., 803 pp., 275 pls.

— 1964: Sinh học Thực vật – Bộ Giáo dục Việt Nam: 1 vol., 861 pp., nhiều hình

— 1968: Hiển hoa Bí tử – Trung tâm Học liệu, Bộ Giáo dục Việt Nam: 506 pp., 264 pls.

— 1969: Rong Biển Việt Nam – Trung tâm Học liệu, Bộ Giáo dục Việt Nam: 558 pp., 493 figs.

— 1970: Cây Cỏ Miền Nam Việt Nam, in kỳ 2, quyển I – Trung tâm Học liệu, Bộ Giáo dục Việt Nam: 1115 pp., figs. 2787

— 1972:  Cây Cỏ Miền Nam Việt Nam, in kỳ 2, quyển II – Trung tâm Học liệu, Bộ Giáo dục Việt Nam: 1139 pp., figs. 5272

Cây cỏ Việt Nam: An illustrated Flora of Vietnam

— 1991, Tập 1 Quyển I: Khuyết Thực Vật. Lõa Tử. Hoa-cánh-rời đến Tiliaceae

— 1992, Tập 1 Quyển II Hoa-cánh-rời từ Eleagnaceae đến Apiaceae

— 1993, Tập 1 Quyển III Từ Smilacaceae… Cyperaceae… Poaceae… đến Orchidaceae

— 1991, Tập 2 Quyển I Hoa-cánh-rời từ Sterculiaceae đến Fabaceae

— 1993, Tập 2 Quyển II Từ Daphniphyllaceae… Fagaceae…  Apocynaceae  đến Scrofulariaceae

— 1993, Tập 2 Quyển III Từ Smilacaceae… Cyperaceae… Poaceae … đến Orchidaceae

— 1998: Cây cỏ có vị thuốc ở Việt Nam – NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh: 860 pp., Mô tả 2149 loài có vị thuốc gặp ở Việt Nam

Vẫn trong bản Tóm lược sự nghiệp Khoa học, GS Phạm Hoàng Hộ tâm sự: “Có lẽ vì lúc còn rất nhỏ tôi đã sống ở nơi vườn tược, ruộng đồng xanh um vùng châu thổ sông Cửu Long, nên từ nhỏ tôi đã thích cây cỏ. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh của bông Súng ở ruộng hay ao, lộng lẫy dưới ánh mặt trời ban mai, hay hình ảnh của bông Nhãn lồng phơi mình dựa bờ ruộng. Nên Thực vật học và Sinh học Nhiệt đới đã hấp dẫn tôi lúc đi du học. Và lúc học ở Đại học Khoa học Paris, tôi đã bắt đầu tìm hiểu Cây cỏ Đông Dương. Tiếp xúc đầu tiên một cách khoa học với Cây cỏ ấy, tôi thực hiện ở Viện Bảo tàng Thiên nhiên Quốc gia Paris. Lúc mới học Vạn vật, tôi đã vào nhà kiếng của Viện này để tìm coi có loại nào ở nước nhà hay không. Và một số loài đã được vẽ từ lúc ấy! Tôi nhớ một số Lan đã được vẽ từ năm 1950, trong nhà kiếng ấy. Đó là những hình “xưa” nhất của bộ Cây cỏ của tôi. Sau này khi làm luận án Cao học, cũng ở Viện ấy, tôi mới có dịp vào Thảo Tập, và nhiều hình, nhất là của giống Ficus, khó, vì chưa nhiều loài đã được vẽ vì ngại sự khó khăn ấy về sau khi về bên nhà mà tài liệu thật là khó kiếm. Thật ra lúc ấy tham vọng của tôi vô cùng khiêm tốn, là sau này được biết các loại Ficus Việt Nam mà thôi! Cũng đã quá sung sướng rồi. Sau khi thi đậu Thạc sĩ / Agrégation hạng sáu, trên 300 thí sinh, và chỉ có 30 đậu, năm 1956 tôi về nước.

[* Ghi chú của người viết: cần phân biệt với bằng Thạc sĩ hiện nay ở Việt Nam tương đương với cao học/ master, trong khi Thạc sĩ / Agrégé ở Pháp là học vị về sư phạm, trải qua kỳ thi tuyển khó khăn, nếu thi đậu sẽ trở thành giáo sư thực thụ / professeur titulaire từ bậc trung học / lycée tới các trường cao đẳng / enseignement supérieur thuộc các ngành Khoa học, Y dược, Luật khoa]

Giáo sư Hộ viết tiếp: “Lúc ấy tham vọng của tôi chỉ là về dạy học ở một trường Trung học, và lúc rảnh rang sẽ tìm hiểu cây cỏ của vùng Lục tỉnh mà thôi, nhưng Viện Đại học Sài Gòn và Hải học viện Nha Trang “kéo” tôi về giảng dạy và trông nom Hải học viện. Khi làm việc ở Nha Trang tôi khảo cứu Rong biển, như là một phận sự. Và sau vài năm khảo cứu dưới sự hướng dẫn của Giáo sư J. Felmann, tôi hoàn thành luận án Tiến sĩ mà tôi trình ở Đại học Paris, năm 1961. Công trình này được đăng trong Niên san Khoa học Đại học đường Sài Gòn, và trong quyển Rong biển Việt Nam, cũng như một số ấn phẩm trong vài tạp chí khoa học.

Ở Sài Gòn, phận sự chính của tôi là giảng dạy Thực vật và Sinh học Thực vật (thay thế Giáo sư Pháp Roger, một nhà chuyên môn về nấm gây bệnh cây) cho sinh viên dự bị và chuyên khoa. Chính vì muốn giảng dạy tốt, thích nghi vào điều kiện nhiệt đới Việt Nam, các môn ấy mà tôi lục lạo và sau đó cho ra đời công trình mà sau này sẽ là công trình của đời tôi là Cây cỏ Việt Nam. [trích dẫn tư liệu gia đình GS. Phạm Hoàng Hộ: Văn Bằng, Sự Nghiệp Khoa Học của Phạm Hoàng Hộ, Giáo sư Thực vật học].

1959-1960, tôi / người viết bài này mới chỉ là sinh viên lớp dự bị Y khoa PCB / Physique Chimie Biologie tại Đại học Khoa học Sài Gòn và được học Thầy Hộ mới tốt nghiệp Thạc sĩ ở Pháp về, dạy môn Sinh Học Thực vật. Tuy chỉ được học Thầy một năm, nhưng Thầy đã để lại cho đám sinh viên và riêng tôi một niềm cảm hứng với những dấu ấn rất khó phai mờ. Vào trường Y khoa rồi, không còn được học Thầy Hộ nhưng tôi vẫn mang lòng ngưỡng mộ và cả theo dõi những bước đi và sưu tập những bộ sách công trình nghiên cứu khoa học của Thầy.

Bộ sách Cây Cỏ Miền Nam Việt Nam

Bộ sách Cây Cỏ Miền Nam Việt Nam gồm 2 quyển, do Trung tâm Học Liệu, Bộ Giáo Dục VNCH xuất bản 1970 [nguồn: Sách Xưa]

Vào đầu thập niên 1990, giới khoa học trong nước và hải ngoại rất đỗi vui mừng khi bộ sách Cây cỏ Việt Nam của GS. Phạm Hoàng Hộ được lần lượt xuất bản. Theo GS Thái Công Tụng, hiện định cư tại Montréal thì các sách của GS. Phạm Hoàng Hộ hiện có đầy đủ ở Bibliothèque Jardin botanique Montréal, Canada, và dĩ nhiên là có trong nhiều thư viện lớn trên thế giới.

Trọn bộ Cây cỏ Việt Nam gồm hai tập, mỗi tập 3 quyển, tổng cộng khoảng 3.600 trang, chưa kể Phần Từ Vựng tên Việt Nam và Từ Vựng tên Khoa học các Giống (Chi) bao gồm thêm cả công trình của những năm tháng Giáo sư rời quê hương Việt Nam sang Pháp, vẫn tiếp tục cặm cụi làm việc.

Riêng tôi / người viết đã sớm có được trọn bộ 6 Quyển Cây cỏ Việt Nam xuất bản ở hải ngoại do bác sĩ Phạm Văn Hoàng nguyên Giám đốc Trung Tâm Phục Hồi Cần Thơ, một đàn anh trong Y khoa gửi tặng, anh Phạm Văn Hoàng chính là bào đệ của GS Phạm Hoàng Hộ.

Tưởng cũng nên ghi lại ở đây, là trước 1975, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã từng là Cố vấn Môi sinh Uỷ ban Sông Mekong/ Mekong River Committee và khoảng năm 1974 hai Giáo sư Phạm Hoàng Hộ và Thái Công Tụng đã có một nghiên cứu chung về Môi sinh Đồng bằng Sông Cửu Long: The Mekong Delta, Its environment, Its Problems; [do Bộ Canh nông VNCH xuất bản, Sài Gòn 1974]; khi tìm kiếm tới tài liệu có tính cách lịch sử ấy, tôi được anh GS Thái Công Tụng bùi ngùi cho biết: là đã mất hết sau cơn binh lửa…

Để tìm hiểu thêm tại sao, các tác phẩm khoa học của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ lại được ưu tiên xuất bản bằng tiếng Việt cho dù ngôn ngữ chính thông thạo của GS. Hộ trong suốt quá trình đào tạo và giảng dạy là tiếng Pháp.

Trong lời mở đầu quyển Rong biển Việt Nam xuất bản năm 1969, GS. Phạm Hoàng Hộ viết: “Lúc đầu, quyển sách này được thảo bằng ngoại ngữ, khi làm việc ở Hải học viện Nha Trang và ở Museum, và tôi có hoài bão được xuất bản trong ngoại ngữ ấy để công bố công trình khảo cứu của mình ra bốn phương, như lời hứa ngầm lúc trình luận án.

Song nay tôi đã đổi ý và cho xuất bản bằng tiếng Việt Nam. Đó là để chứng minh rằng ngôn ngữ nào, miễn được chăm sóc, đều có thể diễn tả kiến thức ở mọi trình độ. Tôi biết rằng có nhiều người cho rằng không ấn hành trong một ngôn ngữ quốc tế là phí công, giới khảo cứu làm sao biết đến. Nhưng tôi thấy chẳng cần đến việc ấy. Được mấy mươi triệu người Việt Nam biết và dùng, có giá trị hơn là được vài ngàn học giả chuyên môn thưởng thức. Tôi đã bỏ cái tự hào sai là tranh đua cùng người ngoài để tự tạo lấy thanh danh, “làm thơm lây dân Việt”. Tôi tin rằng cái tự hào ấy không thực tế, vì một người Việt Nam hay, không bằng nhiều người Việt Nam khá: cầm đuốc soi thành phố người có vẻ không thức thời trong khi nước nhà còn u ám. Cái tự hào trên thật ra chỉ để che đậy sự trốn trách nhiệm, sự bỏ phận sự trước con cháu chúng ta một cách không tha thứ được. 

Tạo ra cho chúng ta một nền văn chương khoa học là một công trình rất bao la. Vì thấy nó quá to tát nên nhiều học giả chấp nhận giải pháp dễ nhất: học ngay trong văn chương khoa học ngoại ngữ vô cùng phong phú, dồi dào. Cái học như vậy sẽ cho ta những người giỏi, nhưng ta không quên rằng nền văn minh bây giờ là văn minh của đại chúng chứ không phải của vài người được nữa. Ta đừng để cho sự phong phú của văn hoá nước ngoài đè bẹp ta. Người Nhật, cách đây một thế kỷ, há đã không hoảng sợ trước sự hùng mạnh của khoa học nước ngoài sao? Mà nay họ đã tự tạo được một một nền văn chương khoa học riêng biệt đã đến lúc gần hay hơn cả những nước ấy!

Hơn lúc nào hết, câu của Nguyễn Văn Vĩnh vẫn còn vẳng bên tai: “Nước Việt Nam ta sau này hay hay dở là ở chữ quốc ngữ”. Trong thế giới tương lai, sự lệ thuộc về văn hoá, nhất là về văn hoá khoa học sẽ là sự lệ thuộc chánh”. [Lời mở đầu của quyển Rong biển Việt Nam; Trung tâm Học liệu, Bộ, Giáo dục xuất bản 1969].

GS Pham-Hoang-Ho-Profile

Mấy dòng tiểu sử của GS. Phạm Hoàng Hộ cùng với Lời Tựa của Peter Shaw Ashton, nhà sinh học gốc Anh, Tiến sĩ Đại Học Cambridge, Giáo Sư Charles Bullard ngành Lâm Học, Đại Học Harvard nơi bìa sau của bộ sách Cây Cỏ Việt Nam [Quyển II, Tập 2] xuất bản tại Montréal 1993.

Một số hình bìa bộ sách đồ sộ Cây Cỏ Việt Nam gồm 6 Quyển

Một số hình bìa bộ sách đồ sộ Cây Cỏ Việt Nam gồm 6 Quyển 2 Tập của Giáo Sư Phạm Hoàng Hộ xuất bản tại hải ngoại [nguồn: Ngô Thế Vinh]

Chặng đường đau khổ

Hình ảnh một Giáo sư Phạm Hoàng Hộ những năm sau 1975, là một tấm gương và cũng là một trải nghiệm đau đớn cho cả một thế hệ trí thức Miền Nam mà Giáo sư Phạm Hoàng Hộ là một biểu tượng. Theo Giáo sư Phạm Hoàng Hộ thì bộ sách Cây cỏ Việt Nam đã được thực hiện qua bốn giai đoạn:

– Nghiên cứu giai đoạn một: hợp tác với GS Nguyễn Văn Dương về phần dược tính, Cây cỏ Miền Nam Việt Nam, do Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành năm 1960 mô tả 1.650 loài thông thường của Miền Nam, “Đó là giai đoạn còn mò mẫm, học hỏi một thực-vật-chúng chưa quen thuộc đối với một sinh viên vừa tốt nghiệp từ vùng xa lạ mới về.

– Nghiên cứu giai đoạn hai: kỳ tái bản lần hai 1970 bộ Cây cỏ Miền Nam Việt Nam, số loài lên được 5.328 [Hình 2]. “Đó là giai đoạn mà tôi xem như vàng son của một nhà thực vật học Việt Nam chúng ta. So với bây giờ, lúc ấy tôi yên ổn làm việc, có nhiều phương tiện cá nhân cũng như của non nước và nhất là được sự khuyến khích của mọi giới, bạn bè cũng như chính quyền.

– Nghiên cứu giai đoạn ba: tiếp tục công việc nghiên cứu sau 1975, đưa thêm được vào bộ sách Cây cỏ Miền Nam Việt Nam 2.500 loài và bộ được nới rộng cho toàn cõi Việt Nam.

Sau biến cố 1975, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ cũng như người bạn đồng hành trí tuệ của ông là Giáo sư Nguyễn Duy Xuân đã cùng chọn ở lại để xây dựng đất nước sau chiến tranh và thống nhất, nhưng với cái giá rất đắt mà sau này được GS Hộ ghi lại là: “Thời kỳ sống trong ảo vọng là sẽ thấy đất nước đi lên. Giai đoạn đi xe đạp, ăn gạo hẩm, tưởng hoa sẽ nở trên đường Quê hương.”

Tuy Giáo sư Phạm Hoàng Hộ vẫn còn chức danh là Hiệu phó [Phó Khoa trưởng] Đại học Khoa học, nhưng chính quyền mới chỉ sử dụng trí thức cũ như ông chủ yếu là “làm kiểng”, không có vai trò tương xứng trong giáo dục. Vì không là đảng viên, nên khi có vấn đề gì thì Đảng bộ họp riêng và quyết định, có việc ông không bao giờ được biết. Năm 1977 sau trải nghiệm những ngày học chính trị, một lớp học kéo dài mười tám tháng về “Chủ nghĩa xã hội khoa học” dành riêng cho các trí thức Miền Nam tổ chức tại TP.HCM; từ rất sớm, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã phản đối cách đào tạo đưa thời gian học chính trị quá nhiều vào chương trình. Ông cảnh báo: “Nếu chính trị can dự quá mạnh, các nhà khoa học sẽ mất căn bản”. [Huy Đức, Bên Thắng Cuộc]

Rồi phải chứng kiến một thiểu số trí thức cũ xu thời, mau chóng hợp tác toàn diện với chế độ mới, bất chấp sự liêm khiết, sẵn sàng cống hiến những công trình mệnh danh khoa học theo phong trào để mừng các ngày lễ hội 3-2 hay 19-5 như các bài báo chứng minh “ăn mấy ký khoai mì bổ bằng một ký thịt bò” hoặc là “ăn bo bo nhiều dinh dưỡng hơn cả gạo”… những công trình “giả khoa học / pseudo-science ” ấy đã mau chóng trở thành giai thoại đầy mỉa mai được lan truyền trong các trại tù Cải tạo, nơi mà đám tù nhân Miền Nam đang bị thiếu ăn suy dinh dưỡng với thực phẩm cung cấp chủ yếu là gạo hẩm “đại mễ” của Trung Cộng cùng với bo bo và khoai mì / ngoài Bắc gọi là sắn.

Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, cũng như số trí thức cũ khảng khái của Miền Nam còn ở lại, thấy không thể tiếp tục sống trong một xã hội giả dối và suy đồi đến như thế, việc ông đi tới quyết định phải chấm dứt những năm “ảo vọng” và lãng phí ấy, là điều không thể tránh. Và rồi dịp ấy đã tới, năm 1984 khi được Chính phủ Pháp mời sang làm giáo sư thỉnh giảng, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã quyết định chọn cuộc sống lưu vong và ở lại Pháp.

– Nghiên cứu giai đoạn bốn: một giai đoạn mà giáo sư Phạm Hoàng Hộ gọi là “vừa hiếm có vừa đau khổ nhất”. Giáo sư Hộ viết tiếp: “Đau khổ vì rời quê hương mà không hy vọng trở lại. Đau khổ vì xa gia đình thân yêu, vĩnh biệt mẹ hiền đã trọn đời hy sinh cho các con. Đau khổ vì thấy đất nước thân yêu đang ở trong một nỗi khổ khôn lường, một sự nghèo khôn tả, một sự tuyệt vọng thương tâm.”

Nhưng rồi với hùng tâm, ông cũng vượt lên trên sự khổ đau khôn lường ấy. Giáo sư Hộ đã kiên nhẫn đằm mình trong Viện Bảo Tàng Thiên nhiên Quốc gia Paris, cật lực làm việc ròng rã suốt sáu năm. Viện Bảo Tàng Thiên nhiên Quốc gia ở Paris / Muséum National d’Histoire Naturelle (MNHN) thuộc hệ thống Đại học Sorbonne, bên tả ngạn Sông Seine, được thành lập từ thế kỷ XVIII thời kỳ Cách Mạng Pháp.

Giáo sư Phạm Hoàng Hộ cho rằng: “Hiếm có một nhà Thực vật học, nhất là người Việt Nam, đã lục lạo cây cỏ ở nước nhà, lại được ở lại nghiên cứu tại Viện Bảo tàng Thiên nhiên Quốc gia Pháp, chứa một thảo tập phong phú vào bậc nhất thế giới, với 8 tới 10 triệu mẫu vật cây cỏ. Ít nhất cho Việt Nam, nó là kho tàng duy nhất, vì chứa hơn 10 ngàn loài thu được ở nước ta. Trong sáu năm làm việc ở Viện ấy, không một ngày nào mà khi chiều ra về, dù trời đông âm u lạnh lẽo, hay chiều hè vắng vẻ nóng khô, mà tôi không thốt ra câu “Thật là một ngày tuyệt” vì đã biết thêm cho Việt Nam ít nhất là một loài hiếm, lạ hay mới!” Trong giai đoạn chót này, ông bổ túc thêm cho bộ Cây cỏ được trên 3.000 loài. Số loài mô tả khoảng 10.500.

Tại Pháp khi gặp lại người học trò cũ, nay đã là thành viên trong Ban giảng huấn Đại học Khoa học Sài Gòn, cũng đang làm việc tại Viện Bảo tàng Thiên nhiên Quốc gia Pháp nghiên cứu về Cá / Laboratoire d’Ichthyology, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã tâm sự:

Tôi ráng làm càng nhiều càng tốt. Bộ sưu tập của Pháp rất dồi dào, đúng phương pháp khoa học. Do được sưu tập từ mấy mươi năm trước, các mẫu vật đã cũ, mình không làm gấp e sẽ hư hỏng thì uổng quá… Nhiều người Trung Quốc từ đại lục và cả từ Đài Loan, Singapore đã đến tìm học các bộ sưu tập thực vật Đông Dương của Pháp. Tôi không biết họ có chủ trương gì đó không. Tài nguyên nước mình, mình phải biết. Mình không biết mà người ta biết thì người ta xài hết của dân mình. Lãnh vực nào cũng vậy riết rồi người ta áp chế mình, ăn trên ngồi trước còn mình cắm đầu dưới đất, tiếng là có độc lập mà còn thua hồi thuộc Pháp!” [4]

Viện Bảo Tàng Thiên nhiên Quốc gia Pháp, Paris

Viện Bảo Tàng Thiên nhiên Quốc gia Pháp, Paris nơi Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đơn độc làm việc ròng rã suốt sáu năm để hoàn tất bộ sách Cây Cỏ Việt Nam. [nguồn: Internet]

Sau khi hoàn tất bộ sách Cây cỏ Việt Nam, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã bày tỏ lòng tri ân sâu xa đối với Viện Bảo tàng Thiên nhiên Quốc gia Paris và các bạn đồng sự Pháp, ông đã rất chân thành tâm sự: “Thực hiện những điều mà lúc nhỏ dù điên rồ tới đâu tôi cũng không dám mơ ước: nô lệ của một thuộc địa, học ở một trường thường, ở một tỉnh nhỏ, bao giờ dám nghĩ đến tạo một quyển sách dù nhỏ bé, mê cây cỏ xung quanh nhưng bao giờ nghĩ đến biết cây cỏ cả nước!”

Người “trí thức đau khổ” Phạm Hoàng Hộ đã vươn lên và hoàn tất được “giấc mơ điên rồ” tưởng như không thể được ấy và trở thành cây “đại thụ” trong Khoa học Thực vật của Việt Nam và cả thế giới.

Chút giai thoại văn học

Trong cuốn Bông hồng tạ ơn, khi viết về bộ sách của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, nhà văn Nguyễn Đình Toàn nhớ lại: “Các năm trước 1975, bộ sách của giáo sư Phạm Hoàng Hộ còn mang tên là Cây cỏ Miền Nam. Cuộc chia cắt đất nước đã giới hạn tầm mức của cuốn sách. Thế nhưng công trình của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ không phải chỉ được coi là quý đối với các nhà chuyên môn về thực vật học, mà theo nhà văn Võ Phiến có kể lại trong bộ sách Văn học Miền Nam soạn thảo tại hải ngoại sau 1975, thì đã có nhiều nhà văn, [trong số đó có Nguyễn Đình Toàn] đã tìm đọc cuốn Cây cỏ Miền Nam để biết thêm về một vài loại cây cỏ quanh mình, để khi cần, có thể đưa vào tác phẩm”. Giai thoại văn học này có lẽ, chính Giáo sư Phạm Hoàng Hộ không hề biết tới.

Sáng lập Viện Đại học Cần Thơ

Khoảng thập niên 1960, do sự vận động của các nhân sĩ trí thức Cần Thơ, với hai tên tuổi hàng đầu là Giáo sư Phạm Hoàng Hộ và Bác sĩ Lê Văn Thuấn, Viện Đại học Cần Thơ được phép thành lập vào ngày 31-03-1966 và cũng là Đại học đầu tiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Giáo sư Phạm Hoàng Hộ là Viện trưởng đầu tiên của Đại học Cần Thơ từ 1966 tới 1970.

Với uy tín lớn về thành tích khoa học và cả về nhân cách, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã quy tụ được rất nhiều “chất xám” tinh hoa của Miền Nam thời bấy giờ; chỉ riêng trong lãnh vực Nông nghiệp có thể kể tới sự hợp tác của những tên tuổi như GS Tôn Thất Trình, GS Thái Công Tụng, TS Nguyễn Viết Trương, TS Trần Đăng Hồng với công lao bước đầu đưa giống lúa Thần Nông/ HYV / High Yield Variety vào ĐBSCL.

Rồi phải kể tới một đội ngũ giảng huấn đầy khả năng khiến Đại học Cần Thơ mau chóng trở thành một trung tâm giáo dục và khoa học có tầm cỡ, đáp ứng nhu cầu trí tuệ của của một vùng châu thổ rộng lớn rất giàu nguồn tài nguyên thiên nhiên nhưng chưa được khai thác. Để có thể thấy được thành quả bước đầu của Viện Đại học Cần Thơ, đó là các lớp sinh viên đầu tiên trưởng thành và tốt nghiệp bốn năm sau đó.

Giáo sư Đỗ Bá Khê [là thầy dạy tôi môn Vật lý năm PCB], trong “think tank”  của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, cũng đến từ Đại học Khoa học Sài Gòn, cách đây 50 năm, trong bài diễn văn “xuất trường” của Viện Đại học Cần Thơ, đã có một tầm nhìn rất xa về vai trò của Viện Đại học này đối với tương lai vùng Đồng bằng Châu thổ:

“Ngày nay (19/12/1970) trong Thời đại Khoa học Kỹ thuật, các tỉnh ĐBSCL đang trông chờ nơi ánh sáng soi đường của Viện Đại học Cần Thơ và ước mơ một chân trời mới, tô điểm bằng những cành lúa vàng nặng trĩu, những mảnh vườn hoa quả oằn cây, dân cư thơ thới, một cộng đồng trù phú trong một xã hội công bằng.” Giáo sư Đỗ Bá Khê cũng là người khai sinh ra hệ thống Đại học Cộng đồng [ĐHCĐ] tại Miền Nam trước 1975, theo mô hình Community College Concept của Mỹ, với điển hình là Đại học Cộng đồng Tiền Giang thành lập năm 1971 tại Mỹ Tho, tiếp theo là ĐHCĐ Duyên hải tại Nha Trang… nhưng rồi sau 1975, cùng chung số phận của cả một hệ thống giáo dục tốt đẹp Miền Nam bị sụp đổ, mô hình Đại học Cộng đồng cũng đã hoàn toàn bị chế độ mới làm cho biến thể, và mất hết ý nghĩa tâm nguyện ban đầu của người khai sinh sáng lập

Mail - GS Đỗ Bá Khê

Hình 6: Những năm về sau này, cho dù đã phải sống xa quê nhà, nhưng tấm lòng GS Đỗ Bá Khê vẫn cứ luôn đau đáu hướng về “tương lai ĐBSCL và vai trò của Đại Học Cần Thơ trong việc bảo vệ và phát triển vùng này.” [tư liệu Ngô Thế Vinh: thư tay của GS Đỗ Bá Khê viết từ Thành phố Concord, California ngày 29.05.2002]

***

Giáo sư Nguyễn Duy Xuân – Ngọn hải đăng trí tuệ miền Tây

Người bạn đồng hành

Đến năm 1970, bước đầu xây dựng được một Đại học Cần Thơ vững vàng, để có thể trở về Sài Gòn tiếp tục các công trình nghiên cứu khoa học và giảng dạy, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ chính thức mời Giáo sư Nguyễn Duy Xuân về thay ông, làm Viện trưởng thứ hai của Viện Đại học Cần Thơ.

Giáo sư Nguyễn Duy Xuân cũng là người Cần Thơ, sinh năm 1925, hơn Giáo sư Phạm Hoàng Hộ bốn tuổi, tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Vanderbilt-Hoa Kỳ, trở về Việt Nam 1963, Giáo sư Luật. Nhận chức Viện trưởng từ Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, Giáo sư Nguyễn Duy Xuân đã nỗ lực phát triển Viện Đại học Cần Thơ trên mọi lãnh vực từ chương trình giảng dạy, đào tạo Ban giảng huấn, xây cất thêm giảng đường, phòng thí nghiệm, thiết lập ký túc xá như hệ thống campus cho sinh viên đến từ các tỉnh xa Miền Tây. Ông là người tiên phong thực hiện giáo dục đại học theo tín chỉ / credits (thay vì chứng chỉ, certificate như trước đây); giống như mô hình hệ thống Đại học Hoa Kỳ. Ông còn gửi cả một đội ngũ giảng viên trẻ đi du học, điển hình như anh Trần Phước Đường đi Mỹ tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Michigan, sau đó họ trở về trường phục vụ ngành Sinh học, Giáo sư Trần Phước Đường sau này trở thành Viện trưởng Đại học Cần Thơ từ 1989 tới 1997.

Năm 1972, ông cũng đích thân mời nhà nông học trẻ Võ Tòng Xuân khi ấy đang công tác ở Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế Los Banos Philippines về trường giảng dạy. Sau này anh Võ Tòng Xuân kể lại, khi nhận được thư của GS Nguyễn Duy Xuân: “Anh Nguyễn Duy Xuân nói ĐBSCL là cái vựa của lúa gạo nên rất cần những nhà khoa học về nông nghiệp. Chiến tranh rồi có ngày hòa bình, đất nước sẽ cần những người như tôi. Đó là một trong những lý do tôi về công tác ở Đại học Cần Thơ.” TS Võ Tòng Xuân sau này trở thành một Giáo sư Nông học danh tiếng, “Doctor Rice” tên tuổi anh Võ Tòng Xuân gắn liền với sự tiếp nối phát triển cây lúa Thần Nông và sau đó anh là Viện trưởng Đại học An Giang là Đại học lớn thứ hai của ĐBSCL sau Viện Đại học Cần Thơ.

Chỉ trong vòng chín năm [1966 – 1975] với công lao xây dựng của hai Viện trưởng tiền nhiệm: GS Phạm Hoàng Hộ, GS Nguyễn Duy Xuân, Viện Đại học Cần Thơ như một ngọn Hải đăng Miền Tây, trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt bước đầu ưu tiên phát triển hai lãnh vực Sư phạm và Nông nghiệp, vững vàng sánh bước với các Viện Đại học lâu đời khác của Miền Nam, đóng góp cho sự thăng tiến của vùng ĐBSCL.

Từ ảo vọng tới thảm kịch

Chỉ mấy ngày trước biến cố 30 tháng 4, 1975, cũng như GS Phạm Hoàng Hộ, GS Nguyễn Duy Xuân như một trí thức dấn thân, quyết định ở lại và giữa cảnh dầu sôi lửa bỏng, ông vẫn can đảm nhận chức Tổng trưởng Bộ Văn hóa Giáo dục cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa. Giữ chức vụ đó chưa đầy một tuần lễ thì chính quyền Miền Nam sụp đổ, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.

GS Nguyễn Duy Xuân bị đưa vào trại tù cải tạo, sau đó bị đưa ra Bắc, giam trong trại tù Hà-Nam-Ninh, hầu như không có ngày về. Vẫn theo anh Võ Tòng Xuân (VTX), năm 1983, trong một lần ra Hà Nội dự họp, anh VTX đã vô trại Ba Sao để thăm lại vị Viện trưởng của mình khi còn ở Viện Đại học Cần Thơ. Gặp lại đồng nghiệp, GS Nguyễn Duy Xuân rất mừng, và dù đang trong nghịch cảnh tù đày, ông vẫn đau đáu quan tâm hỏi han tới hiện trạng của Đại học Cần Thơ, nơi mà ông và GS Phạm Hoàng Hộ đã dày công xây dựng.

Tôi, người viết bài này không thể không tự hỏi nếu không có 11 năm giam hãm đày đoạ độc ác và vô ích của những người Cộng sản thắng cuộc, nếu GS Nguyễn Duy Xuân, một Tiến sĩ Kinh tế tài ba và giàu lòng yêu nước như ông vẫn tiếp tục ở lại xây dựng Viện Đại học Cần Thơ với nhịp độ 1966-1975, không biết Viện Đại học Cần Thơ và ĐBSCL sẽ phát triển và tiến xa tới đâu.

Năm 1983 là lần gặp gỡ đầu tiên của hai Giáo sư cùng tên Xuân sau 1975 ở trại Ba Sao và cũng là lần cuối cùng GS VTX được gặp lại GS Nguyễn Duy Xuân. Tiếp tục bị đày ải thêm ba năm nữa, tổng cộng 11 năm, GS Nguyễn Duy Xuân đã chết trong tù cải tạo Hà- Nam-Ninh ngày 10 tháng 11 năm 1986 trong đói khát và bệnh tật không thuốc men. Xác của ông được vùi nông trong nghĩa địa tù cải tạo trên triền núi phía sau trại tù Ba Sao.

Phải mãi đến tháng 4 năm 2015, gần 30 năm sau, di cốt của GS Nguyễn Duy Xuân, mới được người con gái là bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga từ Pháp về bốc mộ đưa từ nghĩa địa trại tù Ba Sao Hà-Nam-Ninh về Chùa Thiên Hưng, Quận Bình Thạnh-Sài Gòn để lưu giữ tại đây. Trong buổi lễ cầu siêu, ngoài các thành viên của gia đình cố Viện trưởng Nguyễn Duy Xuân, còn có một số cựu giảng huấn và các cựu sinh viên tốt nghiệp Đại học Cần Thơ trước 1975 như GS Võ Tòng Xuân, TS Nguyễn Tăng Tôn (cựu SV), TS Nguyễn Văn Mận (Cựu SV), KS Minh (Cựu SV) Ông Hòa (nhân viên hành chánh), đến tham dự buổi lễ.

Trại tù Ba Sao Hà-Nam-Ninh, Miền Bắc Việt Nam

Trại tù Ba Sao Hà-Nam-Ninh, Miền Bắc Việt Nam, nơi triền núi phía sau trại tù là nghĩa địa chôn vùi xác rất nhiều tù nhân cải tạo có gốc từ Miền Nam sau 1975, thân xác Giáo sư Nguyễn Duy Xuân được vùi nông trong nghĩa địa trại tù Ba Sao này. Mãi 30 năm sau, con gái ông là bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga từ Pháp về bốc mộ cha đưa từ nghĩa địa trại tù Ba Sao về Chùa Thiên Hưng, Quận Bình Thạnh Sài Gòn.

Từ trái, GS Võ Tòng Xuân, bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga con gái GS Nguyễn Duy Xuân, ôm bình tro cốt của cha, bạn trai Alan và một thân hữu

Từ trái, GS Võ Tòng Xuân, bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga con gái GS Nguyễn Duy Xuân, ôm bình tro cốt của cha, bạn trai Alan và một thân hữu [nguồn: Võ Tòng Xuân]

Viện Đại học Cần Thơ sau 1975

Thay thế Giáo sư Viện trưởng Nguyễn Duy Xuân là ông Phạm Sơn Khai, gốc Miền Nam Tập kết là đảng viên Cộng sản, với học vị “Chuyên ngành Lịch sử Đảng”, ông Khai được đề cử giữ chức Viện trưởng và lãnh đạo Đại học Cần Thơ trong suốt 13 năm từ 1976 tới 1989.

Kể từ sau 1975, chính quyền mới với chủ trương một nền giáo dục “hồng hơn chuyên” nên học trình của Đại học Cần Thơ, cũng như toàn hệ thống các Đại học Miền Nam đã có thêm môn học chính trị cưỡng bách “Chủ nghĩa Mác Lê và Tư Tưởng Hồ Chí Minh”. Một môn học mà “thầy không muốn dạy, trò không muốn học” nhưng vẫn cứ được duy trì cho đến ngày hôm nay. Ngót nửa thế kỷ, 45 năm sau ngày thống nhất đất nước, trên toàn cõi Việt Nam vẫn chưa có được một nền “tự trị đại học”. Quá sớm để nói tới dân chủ hoá đất nước, khi mà các Đại học như những “Think Tank” vẫn còn bị chi phối lãnh đạo bởi những Chi bộ Đảng Cộng sản.

Những Hiệu trưởng Viện Đại học Cần Thơ

Những Hiệu trưởng Viện Đại học Cần Thơ từ ngày thành lập tới nay; từ trái, 1. GS Phạm Hoàng Hộ, 1966-1970; 2. GS Nguyễn Duy Xuân, 1970-1975; 3. Ông Phạm Sơn Khai, 1976-1989; 4. GS Trần Phước Đường, 1989-1997; 5. TS Trần Thượng Tuấn, 1997-2002; 6. TS Lê Quang Minh, 2002-2006; 7. GS Nguyễn Anh Tuấn, 2007-2012; 8. TS Hà Thanh Toàn, 2013 đến nay. [nguồn: tư liệu Lê Anh Tuấn]

GS Võ Tòng Xuân mời GS Phạm Hoàng Hộ tham gia chuyến khảo sát Đồng Tháp Mười của Đại học Cần Thơ, tháng 3, 1981.

Hình 10: GS Võ Tòng Xuân mời GS Phạm Hoàng Hộ tham gia chuyến khảo sát Đồng Tháp Mười của Đại học Cần Thơ, tháng 3, 1981. Từ trái, TS Trần Thượng Tuấn, TS Nguyễn Thị Thu Cúc (bị che), ThS Đỗ Thanh Ren, GS Võ Tòng Xuân, GS Trần Phước Đường, một cán bộ Phân Viện Qui Hoạch, GS Phạm Hoàng Hộ, một cán bộ tỉnh Đồng Tháp. [nguồn: tư liệu Võ Tòng Xuân]. Qua một email, anh Võ Tòng Xuân kể lại: “Tôi nhớ mãi GS Hộ trong chuyến đi đó, ông rất kỹ về vấn đề ăn uống, đem theo đồ ăn và bình ton đựng nước uống riêng”.

GS Phạm Hoàng Hộ sinh nhật 80

Tháng 7 năm 2009, một số môn sinh đã tổ chức tại Montréal một lễ mừng sinh nhật 80 tuổi của GS Phạm Hoàng Hộ, cùng với một bức tượng được đem tới tặng Thầy với phát biểu đầy xúc động của một môn sinh: “Bức tượng không phải chỉ là hình ảnh của một Giáo sư Thực Vật đáng kính mà còn là biểu tượng của người trí thức Miền Nam, đã hiến trọn đời mình cho khoa học, hết sức khiêm tốn so với tài năng của mình và nhất là hết lòng yêu quê hương đất nước.”

Cũng rất ý nghĩa, trong buổi họp sinh nhật ấy, Bác sĩ Tăng Quang Kiệt đã đọc lời chúc của Giáo sư Phùng Trung Ngân, định cư tại California, người sáng lập ra bộ môn Sinh môi học / Ecology Department cũng là Khoa trưởng Đại học Khoa học Saigon từ 1973-1975, là bạn đồng môn và cùng tuổi với GS Phạm Hoàng Hộ:

“Anh Hộ thân mến, Tôi thành thật cám ơn Anh Chị và gia đình đã cho phép tôi gởi bài phát biểu trong buổi lễ long trọng này. Với 80 tuổi đời, Anh đã đóng góp một công trình đồ sộ về Cây cỏ Việt Nam đồng thời với việc hướng dẫn sinh viên yêu Thực vật và Thiên nhiên Việt Nam. Là người cộng tác gần gũi với Anh trong công tác giáo dục sinh vật cho lớp trẻ Việt Nam, tôi đã thấy sự tận tụy với nghề nghiệp của Anh và lòng hăng say nghiên cứu của Anh.

Kết quả là công trình nghiên cứu vĩ đại về Cây cỏ Nam Việt Nam và nhứt là công trình bổ sung đầy đủ Cây cỏ toàn bộ Việt Nam với các mẫu cây quý báu đang bị bỏ quên trong Viện Thảo Tập ở Paris. Trước năm 1975 Anh và tôi thường dẫn sinh viên đi thực tập ở Lâm Đồng-Đà Lạt, cho các em leo lên đỉnh Lâm Viên, một trong những ngọn núi cao khoảng 2000m ở miền Nam, chúng ta thường ước mong khi hòa bình trở lại sẽ cùng nhau ra miền Bắc khảo sát Cây cỏ Đỉnh Fan Xi Pan cao hơn .3000 m ở Hoàng Liên Sơn. Rất tiếc đến ngày hôm nay ước mong của chúng ta chắc không bao giờ thực hiện được. Tuy nhiên Anh đã tự mình tiếp xúc với đỉnh Fan Xi Pan qua các mẫu cây còn lưu trữ tại Viện thảo Tập Paris và cũng từ đó hình thành bộ công trình Cây cỏ Việt Nam cho Khoa học. Tôi rất may mắn là cộng tác viên thân cận của Anh trong nhiều năm nên đã học được tính chu đáo trong nghiên cứu, sự tận tụy trong giảng dạy và lòng say mê nghiên cứu Thiên nhiên Việt Nam.”[3]

GS Pham-Hoang-Ho

Hình 11: GS Phạm Hoàng Hộ bên bức tượng bán thân do một điêu khắc gia người Canada là bác sĩ Megerditch Tarakdjian thực hiện nhân dịp sinh nhật thứ 80 do một số môn sinh tổ chức tại Montréal, Canada. (3)

Di chúc giữ xanh đất mẹ

Trong Quyển cuối cùng của bộ sách Cây cỏ Việt Nam [Quyển III, Tập 2] xuất bản tại Montréal 1993, chỉ với hai trang Thay lời tựa, GS Phạm Hoàng Hộ đã để lại một Thông điệp; cũng có thể coi như một Di chúc cho Việt Nam.

“Thực-vật-chúng Việt Nam có lẽ gồm vào 12.000 loài. Đó là chỉ kể các cây có mạch, nghĩa là không kể các Rong, Rêu, Nấm.

Đó là một trong những thực-vật-chúng phong phú nhất thế giới.  Sự phong phú ấy là một diễm phúc cho dân tộc Việt Nam. Vì như tôi đã viết từ 1968, Hiển hoa là ân nhân vô giá của loài người. Hiển hoa cho ta nguồn thức ăn căn bản hàng ngày; Hiển hoa cung cấp cho ta, nhất là người Việt Nam, nơi sinh sống an khang. Biết bao cuộc tình duyên êm đẹp khởi đầu bằng một miếng Trầu, một miếng Cau. Bao nhiêu chúng ta đã không chào đời bằng một mảnh Tre để cắt rún, rời nhao [nhau]? Lúc đầy nguồn sống lúc nhàn rỗi, chính Hiển hoa cung cấp cho loài Người thức uống ngon lành để say sưa cùng vũ trụ. Lúc ốm đau, cũng chính Cây cỏ giúp cho ta dược thảo hiệu linh.

Các điều ấy rất đúng hơn với chúng ta, người Việt Nam mà ở rất nhiều nơi còn sống với một nền văn minh dựa trên thực vật.

Nhưng ân nhân của chúng ta ấy đang bị hiểm hoạ biến mất, vì rừng nước ta đã lùi dưới mức độ an toàn, đất màu mỡ bị xói mòn mất ở một diện tích lớn, và cảnh sa mạc đang bành trướng mau lẹ. Đã đến lúc theo nhạc của một bài ca, ta có thể hát: “Thần dân nghe chăng? Sơn hà nguy biến. Rừng dày nào còn, Xoi mòn đang tiến… Đâu còn muôn cây làm êm ấm núi sông.” [Ghi chú của người viết: bài ca Hội nghị Diên Hồng, nhạc của Lưu Hữu Phước, lời: Huỳnh Văn Tiễng – Mai Văn Bộ – Lưu Hữu Phước].

Kho tàng thực vật ấy chúng ta có phận sự bảo tồn. Sự bảo tồn và phục hồi thiên nhiên ở nước ta rất là cấp bách. Nó có thể thực hiện, vì mỗi người của chúng ta, dù lớn dù nhỏ đều có thể góp phần vào sự bảo tồn ấy. Bằng những cử chỉ nhỏ nhặt hàng ngày, sự đóng góp của chúng ta quan trọng không kém.

Không quăng bậy một tia lửa, một tàn thuốc, là ta góp phần tránh nạn cháy rừng. Không đốn bậy một cây, là ta bảo vệ Thiên nhiên của ta. Trồng cây là phận sự của chính quyền hay của các Công ty gầy rừng. Nhưng quanh nhà chúng ta, chúng ta có thể tìm trồng một cây lạ, đặc biệt, hiếm của vùng hay chỉ có ở Việt Nam. Dân ta yêu cây hoa-kiểng, nhưng các nhà nhàn rỗi có thể trồng cây lạ, đặc biệt, cũng là một thú không kém hay đẹp. Các thị xã nên có một công viên hay vườn bách thảo, không lớn thì nhỏ để khoe các cây hay của vùng, không bắt buộc là cây hữu ích hay đẹp. Cây Dó đâu có gì lạ? Nhưng nó là niềm tự hào cho dân tộc vì từ Hồng Bàng, dân ta đã biết lấy trầm từ nó.

Cả ngàn loài cây khác chỉ có ở Việt Nam mà thôi! Các cây này có thể trồng như cây che bóng mát dựa lộ. Các làng, các quận, các tỉnh nên tạo phong trào trồng nhiều loài lý thú như vậy. Ta không cần đợi các lâm viện, khu dự trữ để bảo vệ tài nguyên quý báu cho thế hệ sau, mà ta cũng có thể chính mình góp phần vào sự bảo vệ ấy. Trồng các cây lạ, đặc biệt ấy còn là một yếu tố quến [chữ GS Phạm Hoàng Hộ theo cái nghĩa quyến rũ] du khách quan trọng: Lan Thuỷ tiên hường Dendrobium amabile của ta, chỉ có ở một Vườn Bách thảo ngoại quốc trồng được và họ tự hào đến đỗi đã ghi trong “Sách ghi quán quân thế giới 1988.”

Hàng năm ta có thể tuyên dương nhà nào đã trồng cây hay, lạ. Tất nhiên là công với nước nhà mới trông không bằng những ai đã đem Rhizobium vào để tăng năng xuất đậu nành, đã trồng được cây Dó tạo trầm, đã du nhập lúa Thần nông hay Nho. Nhưng nếu cả ngàn người, cả triệu người đóng góp cho non nước những “nhỏ-nhen” [chữ GS Phạm Hoàng Hộ theo cái nghĩa nhỏ nhặt], cả triệu cái nhỏ-nhen chắc chắn trở nên một khối đồ sộ.

Đóng góp lớn, tôi vẫn cho là việc khó. Tôi quý các đóng góp nhỏ, hàng ngày mà ai cũng làm được. Nó hay hơn. Kẻ sĩ, theo tôi không phải chỉ là những kẻ đã làm được những chuyện lớn. Đóng góp những chuyện nhỏ hàng ngày cũng là hành động của một kẻ sĩ, kẻ sĩ vô danh. Kẻ sĩ vô danh cao quý không kém. Với những đóng góp nhỏ ấy, chắc chắn bạn không làm buồn lòng cho Tổ quốc và không thẹn với Non Sông. [lược dẫn Thay Lời tựa, bộ sách Cây cỏ Việt Nam; Quyển III, Tập 2].

Qua “Di chúc” ấy của GS Phạm Hoàng Hộ, từ nay môn Sinh học Thực vật không còn là lý thuyết mà đã đi vào đời sống; Giữ xanh Đất Mẹ phải là kim chỉ nam cho mọi trình độ giáo dục từ Tiểu học tới Đại học, cả trong công dân giáo dục, là giá trị phổ quát và xuyên suốt cho mọi thể chế chính trị và cả trên tầm vóc toàn cầu là Giữ xanh Trái Đất này / Keep this Planet Green.

Thay cho một kết từ

Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã xem bộ sách “Cây cỏ Việt Nam là công trình của đời tôi” và Giáo sư đã đề tặng toàn sự nghiệp ấy cho: “Những ai còn sống hay đã chết trong tù vì tháng Tư năm 1975 đã quyết định ở lại để tiếp tục dâng góp cho đất nước.     

* Tặng giáo sư Nguyễn Duy Xuân nguyên Viện trưởng Đại học Cần Thơ, mất ngày 10/XI/1986 tại trại Cải tạo Hà-Nam-Ninh.

* Tặng hương hồn những ai trên biển Đông đã chết nghẹn ngào”.

Bài viết này như lời cầu nguyện gửi tới hương linh các Giáo sư Nguyễn Duy Xuân, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, Giáo sư Đỗ Bá Khê – những nhà khoa học với nhân cách lớn, những kẻ sĩ khí phách biểu tượng của giới trí thức Miền Nam, đã đi hết chặng đường đau khổ với trọn đời cống hiến trong một giai đoạn vô cùng đen tối của đất nước. Viết trong nỗi xúc động, cùng với nén nhang tưởng nhớ, nghĩ tới câu thơ của thi hào Nguyễn Du: Thác là thể phách còn là tinh anh.

Tấm gương của các Thầy vẫn cứ mãi là Ngọn Hải Đăng soi sáng và dẫn đường cho Đồng bằng Sông Cửu Long đang như một con tàu lạc hướng sắp đắm, sẽ vượt qua mọi sóng gió, vào được bến đỗ an toàn. Và cũng ước mong một ngày nào đó “hoa sẽ nở trên đường quê hương”, và rồi ra trên một đất nước có tự do dân chủ, sẽ có một tượng đài của GS Phạm Hoàng Hộ trên đỉnh Fan Xi Pan cao hơn 3.000 m ở Hoàng Liên Sơn để các thế hệ môn sinh tiếp tục được Thầy Hộ hướng dẫn tới đó khảo sát Cây cỏ và hoàn tất Giấc Mơ Việt Nam của Thầy.

N.T.V.

Sài Gòn 30 tháng 4, 1975 – ĐBSCL 30 tháng 4, 2020

[Chân Dung VHNT & VH, Việt Ecology Press 2017]

Tác giả gửi BVN

Tham Khảo:

1/ GS. Phạm Hoàng Hộ & GS. Nguyễn Duy Xuân đối với việc hình thành và phát triển Viện Đại học Cần Thơ (1966 – 1975); Phạm Đức Thuận; Tập San Xưa và Nay Số 439 Tháng 11 Năm 2013; Source: http://www.cantholib.org

2/ Vị Tổng Trưởng quyết không rời Quê hương. Trung Hiếu; Báo Thanh Niên 28.04.2015; Source: http://thanhnien.vn

3/ Anh Chị Thuỷ – Thu Vân thăm Thầy Phạm Hoàng Hộ; Source: http://truongxuabancu.fbp

4/ Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, một người thầy của tôi. Lê Học Lãnh Vân; Một Thế Giới.VN 02.02.2017; Source: http://motthegioi.vn

5/ Đại học cộng đồng được thành lập trước 1975. GS Đỗ Bá Khê; Đặc san Tiền Giang, July 1998;

Source: https://www.voatiengviet.com


GS Nguyễn Duy Xuân

GS Nguyễn Duy Xuân sinh năm 1925 tại Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, cựu học sinh Collège de Cần Thơ. Sau khi đậu bằng Diplôma (văn bằng thành chung). GS sang Pháp du học tốt nghiệp cử nhân kinh Tế. Ông tiếp tục theo học chương trình sau đại học ở Anh, lấy bằng Thạc sĩ về kinh tế học; tiếp đến sang Mỹ theo học ở đại học Vanderbilt, và lấy học vị Tiến sĩ kinh tế học rồi trở về Việt Nam năm 1963.

Trong thời gian giữ chức Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ, GS Xuân đã nỗ lực phát triển viện đại học trên mọi lãnh vực từ chương trình giảng dạy, đào tạo cán bộ giảng huấn,ngân sách, tài trợ, xây cất thêm giảng đường, phòng thí nghiệm đến tổ chức hành chánh, y tế sinh viên và thiết lập ký túc xá dành cho sinh viên đến từ các tỉnh miền Tây.

GS Xuân đã đẩy mạnh phát triển hai ngành sư phạm và nông nghiệp với viễn kiến nhằm đạo tạo những giáo chức trung cấp để mở rộng mạng lưới giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và những cán bộ chuyên môn với những kiến thức về khoa học và kỹ thuật nông nghiệp để gia tăng tiềm năng sản xuất của đồng bằng sông Cửu Long.


Sơ Lược Tổ Chức Quản Lý Và Giáo Dục Nông Nghiệp Việt Nam


© Trần Văn Đạt, Ph.D.

Nguồn: Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp Vĩnh Long


NNQ Sưu tầm & Post on June 23rd, 2020

vien-khao-cuu-nong-nghiep-saigon

Viện Khảo Cứu Nông Nghiệp © khoahocnet.com

Khi con người bắt đầu có chút ít nhận thức sự ổn định cuộc sống để tồn tại và phát triển cũng là lúc nền Nông nghiệp sơ khai bắt đầu trong nền văn hóa Hòa Bình cách nay khoảng 10.000 năm. Trước đó, con người chỉ biết di chuyển từ nơi này đến chỗ khác và sống lây lất để kiếm ăn giống như loài thú, nhưng khôn ngoan hơn! Đến khi họ biết sống thành bầy, nhóm, các Bộ lạc trồng lúa xuất hiện trên đất Việt cổ và Đông Nam Á độ 5.000-6.000 năm, họ vẫn còn thay đổi nơi cư trú với đời sống du canh, nhưng mức độ ít hơn. Khi mực nước biển rút đi, người Việt cổ di chuyển xuống nơi thấp hơn để sinh sống và hoạt động nông nghiệp tại các vùng đồi, đất cao, đồng bằng, đầm nước hay ven sông, biển.

Từ đó, nền Nông nghiệp lúa nước bắt đầu xuất hiện cách nay khoảng 4.000 năm và phát triển mạnh trong nền văn hóa Đông Sơn. Sự khám phá hàng loạt trống đồng Đông Sơn từ Thanh Hóa đến đồng bằng sông Hồng, với các hoa văn trồng lúa, chăn nuôi, nai hươu, chim cò, vượt biển, giã gạo, bồ lúa, thạp đồng… minh chứng sự hiện diện nền nông nghiệp tiến bộ cách nay ít nhứt 2.600 năm.

1- Quản lý nông nghiệp qua các Triều đại quân chủ

Từ thời đại Hùng Vương về sau, các triều đại quân chủ quan tâm nhiều đến các ngành nghề nông nghiệp qua một số chánh sách để thu thuế, làm đầy kho lương thực, tăng thu nhập quan viên, đồng thời cung cấp việc làm cho người dân. Lúc ban đầu, họ chỉ biết khai thác, lợi dụng nông dân, chưa biết tổ chức, giáo dục họ để phát triển sản xuất. Chỉ có Lễ Tịch điền được các nhà vua từ thời Cổ Đại ra lệnh tổ chức hàng năm để cầu an, mưa thuận gió hòa; trong khi nông dân làng xã tổ chức lễ Hạ điền, lễ Thượng điền, lễ Mừng thóc mới, Tạ ơn trời đất… (1).

Hùng Vương (2.700-2.200): Theo Lĩnh Nam Chích Quái, “… Lạc Long Quân dạy dân việc cày cấy làm ruộng… phát nương đổ rẫy. Đất sản xuất được nhiều gạo nếp”.

Thời Bắc thuộc (179 trước CN – 938 sau CN): Ngoài những phát minh của dân tộc về dẫn nước tưới ruộng, cày cấy, nông dân bắt chước kinh nghiệm của người Hoa trong chăn nuôi, sử dụng cày cuốc sắt…

Thời Lê Hoàn (980-1005), theo truyền thuyết nhà vua đến cày ruộng ở núi Đọi và núi Bàn Hải (Hà Nam) làm xới bật lên hũ vàng và hũ bạc, nên gọi “ruộng vàng và ruộng bạc”, nhằm khuyến khích người dân tăng gia sản xuất. Ông còn ra lệnh thúc đẩy dân chúng cày cấy, sử dụng giống lúa của ruộng Tịch Điền.

Nhà Lý (1010-1225) thi hành chính sách “ngụ binh ư nông” còn gọi chế độ quân điền cho lính về quê làm vườn để vừa ít tổn phí nuôi quân vừa tăng gia sản xuất. Nhà nước cho xây đê đập để trị thủy, tiến hành đo đạc, lập sổ điền bạ để đóng thuế.

Nhà Trần (1226-1400) đẩy mạnh chánh sách khẩn hoang, ra lệnh cho vương hầu, tôn tử chiêu mộ các phần tử lưu tán đi khẩn hoang để tăng diện tích canh tác. Nhà nước lập ra chức vụ Chánh và phó đồn điền sứ, cũng như chức Hà đê chánh và phó sứ để bảo vệ đê đập sông Hồng. Ngoài ra, nhà Trần còn dùng chánh sách “cảo điền hoành”, nghĩa là lấy tù nhân trông nom việc cày cấy ruộng công của nhà nước.

Nhà Hồ (1400-1407) đưa ra chánh sách hạn danh điền để hạn chế ảnh hưởng của công thần nhà Trần. Nhà Hồ còn thực hiện chánh sách cải cách ruộng đất đầu tiên khi đặt ra điều lệ tái phân phối đất đai từ Đại vương, Công chúa cho đến thứ dân, đồng thời tập trung ruộng đất vào tay nhà nước.

Nhà Hậu Lê (1428-1527) thi hành chánh sách “trọng nông”. Nhà nước cho thành lập chế độ “quân điền” ở các xã để đôn đốc khôi phục lại các ruộng bỏ hoang để tăng gia thuế thu nhập nhà nước. Ngoài ra còn lập thêm chức quan Khuyến nông ở cấp tỉnh và huyện để đôn đốc sản xuất nông nghiệp.

Nhà Trịnh – Nguyễn (1533-1785): Nhà Mạc dùng chế độ “lộc điền”, đem ruộng công, ruộng chùa cấp cho binh lính hầu thu phục sự ủng hộ của phe quân nhân. Ở Đàng Ngoài không có chương trình mới khuyến khích nông dân sản xuất do sự tranh quyền giữa họ Trịnh và nhà Lê, nhưng ấn định thuế điền thổ rất chặt chẽ; trong khi Đàng Trong, chúa Hiền lập Ty Khuyến Nông để thúc đẩy công cuộc khẩn hoang và phân hạng ruộng đất để trồng trọt và đánh thuế.

Nhà Tây Sơn (1786-1802): Vua Quang Trung ban bố Chiếu Khuyến Nông đề ra những biện pháp tích cực và thực tế để tăng gia sản xuất nông nghiệp và nhân khẩu. Sau 4 năm (1793), “mùa màng trở lại phong đăng năm phần mười trong nước trở lại cảnh thái bình”.

Nhà Nguyễn (1802-1884) đặc biệt chú trọng đến lễ Tịch Điền nên lập ra Sở Tịch Điền để phụ trách hội lễ này. Nhà Nguyễn rất quan tâm đến công cuộc khai hoang và tiếp tục chánh sách dinh điền để di dân lập ấp, có công lớn trong công tác khẩn hoang Đồng bằng sông Cửu Long, qua sự phối hợp hữu hiệu giữa chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa.

Tóm lại, trong suốt thời kỳ Bắc thuộc (179 tr CN – 938) đến thời kỳ Độc lập (939 – 1884), Nhà nước không có tổ chức quản lý và giáo dục hữu hiệu để hỗ trợ hướng dẫn nông dân tăng gia sản xuất nông nghiệp, mà chỉ bóc lột sức lao động của họ để có lợi cho chế độ, bè nhóm và bản thân. Cho nên, chỉ có diện tích đất canh tác tăng gia, còn năng suất ngưng đọng. Mãi đến cuối thời vua Tự Đức (1829-1883), ngày 14-10-1871, ông Nguyễn Trường Tộ làm bảng điều trần về việc nông chính: “Chấn hưng nông nghiệp: đặt nông quan (lấy các Cử nhân, Tú tài cho chuyên học tập về nông chánh) và các sở chuyên môn để cải lương cách làm ruộng, khai khẩn ruộng đất bỏ hoang; kinh lý việc dẫn thủy nhập điền” (Dương Quảng Hàm, 1941). Tiếc thay vua Tự Đức không có ý chí quả quyết của nhà lãnh đạo tài ba, triều đình có nhiều quan lại với đầu óc thủ cựu hơn nghinh tân, nên tất cả các bản điều trần của ông Nguyễn Trường Tộ và những nhà cải cách khác không được thi hành! Đất nước phải chờ đến thời Pháp Thuộc, các kỹ thuật khoa học tân tiến mới được du nhập và áp dụng; nhờ đó, nền nông nghiệp bắt đầu lột xác tiến bộ mau lẹ.

2- Tổ chức quản lý nông nghiệp thời Pháp Thuộc (1884-1954)

Những cố gắng tăng gia sản xuất nông nghiệp của thực dân, đặc biệt lúa gạo tại Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc chủ yếu nhằm phục vụ quyền lợi người Pháp và các cộng sự viên của họ, trong lúc đa số quần chúng nông thôn vẫn phải làm việc vất vả nghèo khó. Ở Miền Nam, người Pháp khuyến khích công tác khẩn hoang với các biện pháp hỗ trợ nhà nước đô hộ, như cho vay lãi suất nhẹ, miễn thuế, cấp quyền sở hữu ruộng đất sớm; nhằm tăng gia sản xuất lúa gạo để xuất khẩu. Chương trình này đã đạt được thành quả lớn, diện tích và sản lượng lúa tăng gia đáng kể; nhưng phần lớn đất đai khai khẩn rơi vào tay giới quyền lực và giàu có. Ở Miền Bắc, dân cư đông đảo nhưng đất đai hạn hẹp nên những nỗ lực phát triển vùng này của Pháp chỉ nhằm tránh nạn đói tương lai. Do đó, xã hội bấy giờ xuất hiện những tầng lớp giai cấp rõ rệt như: đại phú nông, trung nông, tiểu nông, và tá điền nghèo khó bị bóc lột.

Ngay buổi đầu, bên cạnh các tham vọng tiêu cực của chánh sách đô hộ, người Pháp đưa ý niệm khoa học và kỹ thuật vào ứng dụng trong các sinh hoạt hàng ngày của đất nước. Riêng nông nghiệp, họ thành lập ngành khảo cứu để cải tiến hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung ngành lúa gạo nói riêng, và giới thiệu lần đầu tiên các kỹ thuật tân tiến như phân hóa học, thuốc sát trùng sát khuẩn, thuốc diệt cỏ, giống cải thiện, nông cơ, nông cụ, phương pháp phân tích khoa học… vào xã hội Việt Nam để tăng gia sản xuất và nâng cao năng suất lúa và hoa màu còn quá thấp. Trong gần một thế kỷ xâm lược, năng suất lúa tăng nhanh gần gấp đôi so với thời gian 9 thế kỷ Độc Lập trước đó (0,5 lên 1,2 t/ha), từ 1,2 t/ha lúc Pháp tấn công thành Gia Định năm 1859 tăng lên gần 2 t/ha vào cuối thập niên 1950 (1). Đến năm 2015, năng suất bình quân cả nước đạt đến 5,7 t/ha.

Hệ thống quản lý nông nghiệp ở Việt Nam trong thời Pháp Thuộc được thực hiện tùy theo bộ máy cai trị được Pháp thiết lập. Các cơ quan đầu tiên được thực hiện ở Nam Kỳ, sau đó dần dần áp dụng cho toàn Đông Dương, gồm Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Cao Miên và Lào. Cơ quan quản lý ngành được thiết lập chung cho Đông Dương và cũng có cơ quan quản lý riêng cho từng Kỳ, khu vực; trong khi vẫn tiếp tục sử dụng hệ thống quản lý làng xã và tầng lớp cường hào, địa chủ để cai trị. Những tài nguyên được Pháp chú ý trước hết là lúa gạo và gỗ rừng, tiếp theo cây cao su, cây công nghiệp như cà phê, trà, cây có dầu, dâu tằm…

Hệ thống cai trị của Pháp (2) gồm có Toàn Quyền thay mặt chính phủ Pháp cai trị Đông Dương về mọi mặt. Dưới Toàn Quyền là Thống Đốc Nam Kỳ, Thống Đốc Bắc Kỳ, Khâm Sứ Trung Kỳ, Lào, Cao Miên. Cơ quan quyền lực tối cao là Hội đồng tối cao Đông Dương, mà Chủ Tịch là Toàn Quyền và các ủy viên đều là người Pháp, chỉ có hai người VN đại diện cho bản xứ. Trong số ủy viên Hội đồng có Giám đốc các công sở, viên quan đứng đầu 5 xứ, Chủ sự các Phòng Thương Mãi và Canh Nông.

Ở Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ có bộ máy cai trị riêng. Ở Nam Kỳ có Phòng Canh Nông thành lập 1897 để quản lý nông nghiệp. Ở Trung Kỳ có đại diên của Phòng Thương mại và Canh nông Đông Dương, ở Bắc Kỳ có hai Phòng Thương mại và Canh Nông ở hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng. Về sau Pháp cải tổ thành lập các Tổng nha, Sở cho toàn Đông Dương và Nha ở các xứ cùng với các ngành ở cấp tỉnh. Năm 1900, thành lập Tổng nha Nông nghiệp và Thương mại Đông Dương, năm 1901 đổi thành Tổng nha Nông nghiệp, Rừng và Thương mại, và Sở Tổng Thanh tra nông, lâm, mục.

Ở cấp Kỳ, quản lý nông nghiệp thuộc Sở: Sở Canh nông, Sở Thú y (gồm cả chăn nuôi), Sở Thủy lâm. Ở cấp tỉnh có Ty Canh nông, Ty Thú y, Ty Thủy lâm trực thuộc Công sứ; Các nhân viên của Ty, Trung tâm trực thuộc trung ương. Hệ thống quản lý này còn được tiếp tục ở Miền Nam Việt Nam cho đến 1975 với chút ít thay đổi.

Về thủy lợi, Pháp thành lập các Ty Nông giang quản lý từ hệ thống hoặc công trình thủy nông ở từng vùng, cũng có khi là các Khu Thủy nông. Đứng đầu ngành công chính Đông Dương là Tổng Thanh tra Công chính. Ở mỗi Kỳ có Tổng nha công chính riêng. Ở Bắc Kỳ có 5 sở (Sở trị thủy, hộ đê, nghiên cứu và bảo dưỡng). Tổng nha Công chính Trung Kỳ có 4 sở (2 sở cầu đường và 2 sở thủy nông). Ở Nam Kỳ không có Tổng nha Công chính Nam Kỳ, nhưng có Tổng nha Thủy nông và Giao thông phụ trách nghiên cứu và xây dựng thủy nông và giao thông trên sông ở Nam Kỳ và Cao Miên.

3- Tổ chức quản lý nông nghiệp từ 1954- 2015

Thời kỳ 1954-1975:

Miền Nam thừa kế di sản tổ chức ngành nông nghiệp của thời Pháp Thuộc với một ít thay đổi theo nhu cầu hoạt động. Sự quản lý nông nghiệp được thực thi từ Bộ Canh Nông qua các Nha, Sở và Ty – Trung tâm địa phương. Các Nha gồm có Nha Canh Nông, Nha Thủy Lâm, Nha Thú Y, Nha Thủy Nông, Nha Khuyến Nông, Nha Khảo Cứu và Sưu tầm nông lâm súc, Nha Ngư Nghiệp, Nha Nông Cơ, và Hợp Tác Xã & Hiệp Hội Nông Dân. Riêng ngành Khảo cứu đã được phát triển rất sớm trong thời Pháp thuộc từ 1866. Năm 1968, Viện Khảo cứu nông nghiệp được thành lập từ sáp nhập 3 cơ quan: Nha Khảo Cứu và Sưu tầm nông lâm súc, Thảo cầm viên và Thư viện.

Cơ sở Bộ Canh Nông thời Việt Nam Cộng Hòa nằm góc đường Phan Thanh Giản (nay Điện Biên Phủ) và Nguyễn Bỉnh Khiêm, Sài Gòn, thay đổi nhiều tên tùy theo thời cuộc (Hình 1). Trong thời Đệ nhứt Cộng Hòa, Bộ có tên: Bộ Canh Nông, Bộ Cải Tiến Nông thôn; trong Đệ Nhị Cộng Hòa có tên Bộ Canh Nông, Bộ Cải Cách Điền Địa, rồi trở lại Canh Nông, Bộ Cải cách Điền Địa và Phát Triển Nông Ngư Nghiệp, Bộ Cải Cách Canh Nông và Ngư Nghiệp. Năm 1967, Bộ Cải Cách Điền Địa và Canh Nông gồm có Tổng Nha Nông Nghiệp, Tổng Nha Điền Địa. Dưới Tổng Nha là các Nha có Sở và các Ty, Trung tâm khảo cứu địa phương. Năm 1973, sau khi chương trình Cải cách ruộng đất chấm dứt, Bộ đổi tên Bộ Cải cách Canh nông và Ngư nghiệp. Ngoài ra, ngày 8-12-1973, Chính phủ thành lập Tổng cục thực phẩm quốc gia thay thế Tổng cục tiếp liệu (General supply Agency) trực thuộc Bộ Thương Mại và Kỹ Nghệ đặc trách thu mua, tồn trữ và phân phối gạo và thực phẩm khác ở Miền Nam Việt Nam – B.S. Trần Quang Minh đứng đầu cơ quan này.

Các vị Tổng Trưởng đứng đầu quản lý ngành nông nghiệp tại Miền Nam Việt Nam từ 1954 – 1975 lần lượt như sau (Liên lạc cá nhân với quý Ông Thái Công Tụng, Phạm Thanh Khâm và Lê Văn Ngọc ngày 1-5-2016 và theo tài liệu của Nguyễn Hữu Chung trong báo Kinh Doanh tháng 8/1999):

1. Phan Khắc Sửu, Bộ Trưởng Canh Nông (CP Bảo Đại bổ nhiệm từ 1949, không bao lâu Ông từ chức; CP Ngô Đình Diệm cũng bổ nhiệm Ông từ 1954, không bao lâu Ông từ chức).
2. Nguyễn Công Viên, Bộ Trưởng Canh Nông (CP Ngô Đình Diệm bổ nhiệm từ 29/10/1955).
Kế đó, Trần Lê Quang, Bộ Trưởng Cải Tiến Nông Thôn.

3. Lê Văn Đồng, Tổng Trưởng Canh Nông (1960-62).
4. Trần Lê Quang, Bộ Trưởng Cải Tiến Nông Thôn (CP Nguyễn Ngọc Thơ tiếp tục bổ nhiệm Ông từ 4/11/1963).
5. Nguyễn Công Hầu, Bộ Trưởng Cải Tiến Nông Thôn (CP Nguyễn Khánh bổ nhiệm từ ngày 8/2/1964).
6. Ngô Ngọc Đối, Bộ Trưởng Cải Tiến Nông Thôn (CP Trần Văn Hương bổ nhiệm từ ngày 4/11/1964).
7. Nguyễn Ngọc Tố, Bộ Trưởng Canh Nông (CP Phan Huy Quát bổ nhiệm từ ngày 16/2/1965).
8. Lâm Văn Trí, Ủy viên Canh Nông (CP Nguyễn Cao Kỳ bổ nhiệm từ ngày 19/6/1965).
9. Tôn Thất Trình, Tổng Trưởng Cải Cách Điền Địa và Canh Nông (CP Nguyễn Văn Lộc bổ nhiệm từ ngày 9/11/1967).
10. Trương Thái Tôn, Tổng Trưởng Cải Cách Điền Địa và Canh Nông (CP Trần Văn Hương bổ nhiệm từ ngày 25/5/1968).
11. Cao Văn Thân, Tổng Trưởng Cải cách Điền Địa và Phát Triển Nông Ngư Nghiệp (CP Trần Thiện Khiêm bổ nhiệm từ ngày 1/9/1969).
12. Tôn Thất Trình, Tổng Trưởng Cải cách Canh nông và Ngư nghiệp (1973-74).
13. Nguyễn Văn Hảo, Phó Thủ tướng đặc trách phát triển kinh tế kiêm chức vụ Bộ Trưởng Bộ Canh nông và Kỹ nghệ (CP Nguyễn Bá Cẩn bổ nhiệm từ ngày 14/4/1975) (Thứ Trưởng Đoàn Minh Quan).

Miền Bắc với thể chế mới sau khi đất nước bị phân chia hai Miền Bắc – Nam năm 1954, ngành nông nghiệp được tổ chức lại cho phù hợp với chế độ nên có nhiều cơ quan nông nghiệp mới được thiết lập và hầu hết các cơ quan cũ được thay đổi tên (2):

1955: Thành lập Bộ Nông Lâm, Viện Khảo cứu nông lâm, Bộ Thủy lợi, Tổng công ty Lương thực.

1957: Viện Khảo cứu nông lâm trở thành Viện Khảo cứu trồng trọt và Viện Khảo cứu chăn nuôi.

1960: Bộ Nông Lâm được phân chia thành 4 tổ chức: Bộ Nông Nghiệp, Bộ Nông Trường, Tổng Cục Lâm Nghiệp và Tổng Cục Thủy Sản.

1961: Thành lập Bộ Nông Trường, Bộ Thủy lợi và Điện lực, năm 1962 trở thành Bộ Thủy Lợi.

1963: Thành lập Trường Đại Học Nông Nghiệp và Viện Khoa Học Nông Nghiệp thuộc Bộ Nông Nghiệp.

1967: Thành lập Trường Đại Học Nông Nghiệp II (từ Trung học Kỹ thuật trung ương) và Trường Đại Học Nông Nghiệp trở thành Trường Đại Học Nông Nghiệp I.

1969: Thành lập Bộ Lương Thực và Thực Phẩm do hợp nhứt Tổng cục Lương thực và ngành Công nghiệp biến chế thực phẩm từ Bộ Công nghiệp nhẹ.

Thời kỳ 1976-2015 (2):

1976: Thành lập Bộ Nông Nghiệp, Bộ Nông Trường, Bộ Lâm Nghiệp, Bộ Hải Sản, giữ nguyên Bộ Thủy Lợi, Bộ Lương Thực và Thực Phẩm.

1976: Ủy ban nông nghiệp tỉnh, thành phố đổi thành Ty, Sở nông nghiệp tỉnh, thành phố.

1978: Thành lập Ủy ban sông Mê Kông của Việt Nam, Trường Cao Đẳng Lâm Nghiệp Miền Nam (Đồng Nai) thuộc Bộ Lâm Nghiệp.

1980: Thành lập Trường Cao Đẳng Nông-Lâm Nghiệp Huế.

1981: Thành lập Bộ Lương Thực và Bộ Công Nghiệp Thực Phẩm.

1983: Thành lập Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng thủy sản I, II và III (2004) trực thuộc Bộ Thủy Sản.

1985: Thành lập Trường Đại học Nông-Lâm thành phố HCM, do Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp quản lý.

1987: Thành lập Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm.

Thành lập Tổng Công ty Lương thực trung ương.

1988: Thành lập Viên Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam trực thuộc Bộ Lâm Nghiệp.

1993, 1996 và 2000: Thành lập Cục Khuyến nông, Cục Khuyến lâm, Trung tâm Khuyến ngư trung ương.

1995: Thành lập Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do hợp nhứt 3 Bộ: Nông Nghiệp, Lâm Nghiệp và Thủy Lợi.

Thành lập Tổng Công ty lương thực miền Nam và Tổng Công ty lương thực miền Bắc.

2005: Thành lập Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

2007: Bộ Thủy sản sáp nhập vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4- Tổ Chức Nghiên Cứu và Đào Tạo Chuyên Viên Nông Nghiệp

Đến giữa thế kỷ XIX, nông dân Việt Nam vẫn còn canh tác, chăn nuôi và đánh bắt cá tôm theo phương pháp cổ truyền dựa vào kinh nghiệm dân gian, có tính cách quãng canh, sử dụng nhiều lao động, với năng suất thấp kém. Trong nước, chưa có một cơ quan khảo cứu và đào tạo chuyên viên hoặc huấn luyện nông dân trong ngành nông, lâm, ngư, mục; trong khi đó, kiến thức khoa học và kỹ thuật Tây phương phát triển mạnh liên tục từ thế kỷ XVIII được thế giới áp dụng vào mọi lãnh vực, gồm cả nông nghiệp.

Sau khi chiếm 3 tỉnh Miền Đông Nam Kỳ (1862), người Pháp chú ý ngay ngành nông nghiệp. Họ ra nghị định thành lập Vườn Bách Thảo năm 1864. Năm sau thành lập Hội Nông Nghiệp và Kỹ Nghệ Nam Kỳ. Hai năm sau (1866), Hội đổi thành Hội Nghiên Cứu Đông Dương tại Sài Gòn (Société des Études Indochinoises de Saigon), chỉ nhằm cung cấp kiến thức nông nghiệp cho những người khai thác trồng trọt. Tiếp theo, một số cơ sở lần lượt ra đời tại Sài Gòn: Nha Canh Nông và Thương Mại Đông Dương (Direction de l’Agriculture et du Commerce de l’Indocnhine) (1898), Nha Canh Nông Nam Kỳ (Direction de l’Agriculture de la Cochinchine) (1899), Phòng Thí Nghiệm Phân Tích Hóa Học Nông Nghiệp và Kỹ Nghệ (Laboratoire d’analyses chimiques, agricoles et industrielles) (1898), Sở Khí Tượng (Service météorogique)… Các cơ quan này có nhiệm vụ nghiên cứu, giải quyết những vấn đề kỹ thuật cho công tác khai thác ĐBSCL (1).

Ngoài lúa gạo, người Pháp đặc biệt quan tâm đến các loại cây công nghệ như cao su, cà phê, trà, cây có dầu và các đồng cỏ để chăn nuôi (Dumont,1995). Vài thí nghiệm về phương pháp canh tác và tuyển chọn giống lúa được thực hiện trong giai đoạn nầy (Angladette, 1966). Chẳng hạn, người Pháp du nhập giống lúa Miến Điện để trồng thử vào năm 1888 tại tỉnh Mỹ Tho. Kết quả cho thấy giống lúa Miến Điện cho năng suất cao trên vùng đất cao, nhưng không thích hợp với các vùng đất thấp. Vào năm 1893, họ trồng thử một lần nữa, nhưng thất bại vì lúa giống đem về quá muộn và không được tuyển chọn kỹ lưỡng. Các chuyên gia Pháp nhận thấy du nhập lúa giống không đem đến kết quả tốt cho ĐBSCL, nên họ chuyển hướng chú trọng nhiều hơn vào tuyển lựa giống trong nước. Cuộc lai tạo giống đầu tiên trong ngành lúa gạo được thực hiện vào năm 1917 tại Trung tâm thí nghiệm lúa Cần Thơ, giữa 2 giống lúa Tàu Hương và Carolina du nhập từ Java, Indonesia (Carle, 1927).

4.1. Viện Khảo Cứu Nông Học

Tại Miền Bắc, ba Trại Thí Nghiệm của Sở Canh Nông Hà Nội được thành lập vào 1904 ở Phú Thy (tỉnh Hưng Yên) cho vùng Châu Thổ và tại Thanh Ba và La Phổ (tỉnh Phú Thọ) cho vùng Trung du để nhằm phục vụ xuất khẩu các cây kỹ nghệ (Dumont, 1995). Ở miền Nam có Trại thí nghiệm cây ăn trái ở Bàu Cá, cây thuốc lá ở Hớn Quản và cây cao su ở Xã Trạch (Capus, 1918). Tuy nhiên, công tác nghiên cứu còn rải rác thiếu sự điều hợp. Cho nên, Viện Khoa Học Đông Dương được thành lập tại Sài Gòn và sau đó trở thành Viện Khảo Cứu Nông Học vào năm 1919, trong đó có Phòng Thí Nghiệm Di Truyền và Tuyển Chọn Lúa. Vào 1924, Viện trở thành Viện Khảo Cứu Nông Học và Lâm Nghiệp Đông Dương (Dumont, 1995) đặt trực thuộc Tổng Thanh Tra Nông Lâm Súc, gồm có phòng thí nghiệm hóa học, côn trùng học, vi khuẩn học, di truyền học, thực vật bệnh học, kỹ thuật lâm học… Viện này được tiếp tục hoạt động cho đến khi thực dân chấm dứt. Sau đó, Viện đổi tên Viên Khảo Cứu Nông Nghiệp cho đến năm 1975 (Hình 2). Viện có 5 Trung tâm: Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp Nha Hố, Ninh Thuận; Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp Eakmak, Ban Mê Thuộc; Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp Dĩ An, Biên Hòa; Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp Bình Đức, An Giang; và Trung tâm nghiên cứu Lúa Hiệp Hòa, Biên Hòa.

Sau 1975, Viện được đổi tên 3 lần với cơ sở tân tạo (3):

1977: Bộ Nông Nghiệp đổi tên Viện Khoa học Nông nghiệp phía Nam thành Viện Kỹ thuật Nông Nghiệp miền Đông Nam bộ.

1981: Hợp nhất cơ sở II của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam và Viện Kỹ thuật Nông Nghiệp miền Đông Nam bộ thành Viện Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam.

1998 cho đến nay: Viện có tên Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam (IAS: Institute of Agricultural Sciences for Southern Viet Nam) (Hình 2).

Viện Khảo Cứu NN.

4.2. Các trường Nông, Lâm và Súc

Nền giáo dục nông lâm chỉ bắt đầu trong thời Pháp thuộc. Bên cạnh các phòng, viện và cục nghiên cứu và sản xuất, người Pháp đã thiết lập các trường nông lâm để đào tạo chuyên viên phục vụ nhà nước cai trị và các ngành khảo cứu để tăng gia sản xuất trong nước (1):

Trường Thú Y Đông Dương: Năm 1904, Pháp mở ngành đào tạo thú y tại Việt Nam để phòng chống dịch bệnh gia súc và kiểm tra thú sản. Đến năm 1910, Ban Thú y của Trường Y Khoa Hà Nội và bệnh xá Thú y được cải biến thành Trường Thú Y Bắc Kỳ. Năm 1917 cải tổ thành Trường Thú Y Đông Dương.

Trường Cao Đẳng Nông Lâm Hà Nội thành lập năm 1918, với thời gian học 2 năm rưỡi và một khóa thực hành 9 tháng tại các sở nông lâm hay các đồn điền tư nhân.

Trường Canh Nông Thực Hành Tuyên Quang thành lập năm 1918 nhằm đào tạo các nhà trồng trọt bản xứ hoặc phụ giúp các chuyên viên châu Âu.

Trường Nông Lâm Thực Hành Bến Cát thành lập từ 1917 có mục tiêu như trường Tuyên Quang, nhưng ít người theo học vì khó tìm việc làm. Năm 1926 trường đổi thành Trại Nông Nghiệp dành đào tạo những giám thị canh tác cho đồn điền.

Sau Hiệp định Genève năm 1954, Học viện Nông Lâm được thành lập ở Miền Bắc và Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao (Bảo Lộc) được thành lập tại Miền Nam do Nghi định 112 BCN/NĐ ngày 19-11-1955 (Hình 3). Trường Blao đào tạo ba ngành nông, lâm, súc ở hai cấp bậc: cấp Cao đẳng Nông Lâm Mục đào tạo Kỹ sư dành cho sinh viên đã học hết chương trình Trung học trong 3 năm cho 4 khóa đầu tiên, và 4 năm kể từ khóa 5 về sau. Cấp Trung đẳng Nông Lâm Mục đào tạo Kiểm sự dành cho học sinh đậu bằng Trung học đệ nhứt cấp (hết lớp 9), Trung học phổ thông hoặc tương đương, với thời gian học 3 năm. Cấp Huấn sự với thời gian học một năm. Ngoài ra, còn có thêm các khóa học chuyên ngành theo mùa tùy nhu cầu, như đào tạo các kỹ thuật viên cải cách điền địa, hợp tác xã, trồng hoa, chăn nuôi… Trường trực thuộc Nha Học Vụ Kỹ Thuật và Thực Hành Canh Nông, Bộ Canh Nông. Khóa đầu tiên Trung cấp khai giảng ngày 12-12-1955 và khóa 1 Cao Đẳng ngày 19-11-1959 (4).

Trường Quốc Gia NLM
Trường Quốc Gia NLM Blao

4.3. Lịch sử và tiến trình phát triển Trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn

Do Nghị Định 1184/GD/TC ngày 24-8-1963, cấp Cao Đẳng của Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao được đổi tên Trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn (CĐNLS), cấp Trung Đẳng trở thành Trường Trung Học Nông Lâm Súc Bảo Lộc. Trường CĐNLS hoạt động được một năm ở Bảo Lộc phải di đời về Sài Gòn từ năm 1961 vì gặp nhiều khó khăn do chiến tranh gây ra. Khóa 5 của Trường (NLS-5) bắt đầu khai giảng năm thứ nhứt tại Sài Gòn. Lúc đó, Trường chưa có cơ sở chính thức, phải tạm dùng Nha Học Vụ Kỹ Thuật và Thực Hành Canh Nông mà Bác Sĩ Đặng Quan Điện (mất 2008) làm Giám Đốc Nha kiêm nhiệm Giám Đốc Trường Cao Đẳng Sài Gòn làm trụ sở chính của Trường.

Do đó, từ Khóa 1 đến Khóa 5 sinh viên phải đi học nhiều nơi (Trường Đại học Khoa Học, Viện Khảo Cứu, Viện Di Truyền, Viện Pasteur, Thảo Cầm Viên…), riêng Khóa 5 theo học đa số thời gian tại Lớp SPCN (Sciences, physiques, chemiques et naturelles) thuộc Đại học Khoa học, gần trường Trung học Trương Vĩnh Ký trên đường Cộng Hòa (nay đường Nguyễn Văn Cừ). Còn các môn học đại cương dành cho 3 ngành Nông-Lâm-Súc học chung và môn học Anh ngữ được tổ chức tại cơ sở tạm thời. Năm thứ 2, lớp học được dời đến trường mới. Đó là thành Cộng Hòa cũ với 3 tầng lầu trên Đại lộ Cường Để (bây giờ là Đinh Tiên Hoàng).

Cơ sở Trường CĐNLS có hai nhánh, chính giữa là Đại lộ Cường Để: nhánh trái nhìn từ Đại lộ Thống Nhứt (bây giờ là ĐL Lê Duẩn) dành cho khu hành chánh, thư viện và phòng thí nghiệm, xa bên trong là khu cư xá sinh viên, bên trái là Quán cơm trưa xã hội và Hợp tác xã sinh viên, bên phải là cư xá của vài nhân viên trường (như Ông Nguyễn Phối Lưu); nhánh phải là những lớp học và sinh hoạt sinh viên, kế bên Đài Truyền hình VN (Hình 4). Đối diện với trường CĐNLS là trường Đại học Nha Dược (đối diện khu Hành chánh NLS) và trường Đại học Văn Khoa (đối diện với nhánh lớp học). Hiện nay, khu trường CĐNLS không còn nữa do bị phá hủy và thay thế bằng tòa building cao 8 tầng: Trường Quản lý Cán bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 2 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, và nhánh bên kia là Đài Truyền hình Thành phố.

Cơ sở Trường Nông Lâm Súc Sài Gòn
Cơ sở Trường Nông Lâm Súc Sài Gòn

Trong hơn nửa thế kỷ qua, Trường đã thay đổi tên 7 lần và trải qua những giai đoạn trưởng thành lớn mạnh như sau (4):

Nghị Định 112-BCN/NĐ ngày 19-11-1955, Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao được thành lập.

Nghi Định 1184/GD/TC ngày 24-8-1963, cấp Cao Đẳng được đổi tên: Trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn; cấp Trung Đẳng được cải biến thành Trường Trung Học Nông Lâm Súc Bảo Lộc.

Sắc Lệnh 158/SL/VHGD/TN ngày 9-11-1968, trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc đổi tên Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp thuộc Bộ Văn Hóa, Giáo Dục và Thanh Niên, gồm trường Cao Đẳng Nông Nghiệp, Cao Đẳng Thú Y và Chăn Nuôi và Cao Đẳng Thủy Lâm. Mỗi trường do một Giám Đốc điều khiển.

Sắc Lệnh 174/SL/GD ngày 29-11-1972, Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp đổi tên Học Viện Quốc Gia Nông Nghiệp với 3 ngành nêu trên. Trường gồm trường Cao Đẳng Nông Nghiệp, Cao Đẳng Thú Y và Chăn Nuôi và Cao Đẳng Thủy Lâm và cơ sở khảo cứu; Viện có Viện Trưởng, một Phó Viện Trưởng và một Tổng thư ký. Bên cạnh Viện trưởng có Hội đồng tư vấn và Hội đồng viện.

Sắc lệnh 010/SL/VH/GDTN ngày 11-1-1974, Học Viện Quốc Gia Nông Nghiệp, Học Viện Quốc Gia Kỹ Thuật và Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật được sáp nhập vào Viện Đại Học Bách Khoa Thủ Đức. Học Viện Quốc Gia Nông Nghiệp đổi tên trường Đại Học Nông Nghiệp, gồm 5 ngành chuyên môn: Nông Khoa, Lâm Khoa, Súc Khoa, Ngư Nghiệp và Kỹ Thuật Nông Nghiệp.

Từ 8-12-1976, Đại Học Nông Nghiệp đổi tên Đại Học Nông Nghiệp IV.

Năm 1985, Trường Cao Đẳng Lâm nghiệp Trảng Bom sáp nhập vào Đại Học Nông Nghiệp IV và đổi tên Đại Học Nông Lâm Thành Phố HCM trực thuộc Bộ Giáo Dục và Đào Tạo. Năm 1995, Đại Học Nông Lâm Thành Phố HCM sáp nhập vào Đại Học Quốc Gia Thành Phố. Từ 2000 đến nay, Đại Học Nông Lâm Thành Phố HCM tách khỏi Đại Học Quốc Gia Thành Phố HCM và trực thuộc Bộ Giáo Dục và Đào Tạo.

Trong thời Đổi Mới và kinh tế thị trường, Trường Đại Học Nông Lâm Thành Phố có quá nhiều tham vọng; cho nên Trường mở thêm một số ngành nghề không liên quan trực tiếp đến nông nghiệp. Hiện nay, Trường có cơ sở khang trang tại Quận Thủ Đức. Năm 2008, Trường có đến 12 Khoa – 6 Bộ Môn, 14 Trung tâm, 1 Viện, và 2 Phân Viện Đại Học Nông Lâm tại Gia Lai và Ninh Thuận; với 650 cán bộ giảng dạy, 22.740 sinh viên, trong đó có độ 6.000 sinh viên nông nghiệp. Thời gian học: 5 năm cho Thú y, 4 năm cho các ngành nông nghiệp khác, 3 năm cho ngành Cao Đẳng Tin Học và Cao Đẳng Kế Toán, sau Đại Học 2-3 năm cho bằng Thạc Sĩ (8). Có lúc Trường muốn xin trở thành một Đại Học Bách Khoa!

[Phân Khoa: Khoa Nông học, Khoa Chăn nuôi thú y, Khoa Công nghệ Thông tin, Khoa Lâm nghiệp, Khoa Kinh tế, Khoa Cơ khí công nghệ, Khoa Thủy sản, Khoa Công nghệ thực phẩm, Khoa Công nghệ môi trường, Khoa Ngoại ngữ, Khoa Khoa học, và Khoa Quản lý đất đai & Bất động sản.

Bộ môn: Bộ Môn Công nghệ sinh học, Bộ môn Lý luận chính trị, Bộ môn Cảnh quan & Kỹ thuật hoa viên, Bộ môn Sư phạm kỹ thật nông nghiệp, Bộ môn Công nghệ hóa học, và Bộ môn Thông tin địa lý.

Trung tâm: Trung Tâm Nghiên cứu Chuyển giao khoa học kỹ thuật (trước đây là Trung Tâm Ứng dụng KHKT Nông Lâm Ngư), Trung Tâm Ngoại ngữ, Trung tâm Tin học Ứng Dụng, Trung tâm Phân tích Thí nghiệm Hóa sinh, Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ Môi trường, Trung tâm Nghiên cứu Bảo quản và Chế biến Rau quả, Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Kỹ thuật Địa chính, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật Chế biến Lâm sản, Trung tâm Bồi dưỡng Kiến thức, Trung Tâm Bột Giấy, Trung Tâm Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp, Trung Tâm Khảo thí và kiểm định chất lượng, Trung tâm Năng lượng và máy nông nghiệp, và Trung Tâm Công Nghệ và Thiết bị nhiệt lạnh.

Viện Nghiên cứu Sinh hóa và Môi trường.]

© Tiến Sĩ Trần Văn Đạt

Tài Liệu Tham Khảo:

Trần Văn Đạt. 2010. Lịch sử trồng lúa Việt Nam. NXB 5 stars Printing Company, 489 trang.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 2015. 70 năm nông nghiệp Việt Nam. NXB Lao động, 607 trang.
Dương Quãng Hàm. 1941. Việc canh tân, Nguyễn Trường Tộ và chương trình cải cách của ông. Việt Nam Văn Học Yếu Sử. Institute de l’Asie Sud-Est, XIV: 346-354.


Sơ Lược Lịch Sử Trồng Lúa Việt Nam


© Trần Văn Đạt, Ph.D.

Nguồn: Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp Vĩnh Long

Cây lúa Vietnam

Năm 2017, thế giới có 163 nước trồng lúa và sản xuất khoảng 769,7 triệu tấn thóc trên 167,2 triệu ha (FAOSTAT, 2017). Đa số nông dân là thành phần nghèo, họ sản xuất lúa chủ yếu cho tiêu thụ gia đình và hy vọng số lúa còn lại bán ra thị trường để kiếm thêm ngân khoản cho các chi tiêu khác. Lúa gạo là thức ăn căn bản của 36 quốc gia và cung cấp từ 20 đến 70% nguồn năng lượng quan trọng mỗi ngày cho 4 tỷ dân thế giới, đặc biệt tại nhiều nước châu Á.

Cây lúa là một loại thảo mộc đa năng, có thể sinh sống và chịu đựng nhiều điều kiện môi trường khắc nghiệt như ngập úng nhiều tháng, nước mặn, đất phèn và các loại đất có vấn đề; nên thường được dùng làm “màu tiền phong” trong các công trình khai khẩn đất mới và trở thành lương thực truyền thống của nhiều quốc gia. Ngành trồng lúa còn cung cấp hàng triệu việc làm ở nông thôn, đóng góp vào sự lớn mạnh của nhiều dân tộc và chi phối trực tiếp vào đời sống ấm no thịnh vượng của hàng triệu người sản xuất. Cũng vì thế, cây lúa là loại thảo mộc đầu tiên được Liên Hiệp Quốc và thế giới vinh danh trên diễn đàn quốc tế tại New York, Hoa Kỳ vào năm 2004.

Loại Hòa thảo này đã phát triển từ cây hạt trần (angiosperms), tiến hóa như loài người hôm nay, đã trải qua hành trình hàng triệu năm. Tổ tiên cây lúa hoang có mặt trên quả địa cầu nguyên thùy Gondwanalands cách nay khoảng 130 triệu năm và có thể hiện diện trên nước Việt cổ ít nhứt 18 000 năm, sau thời kỳ băng giá cực đại thế giới. Tại Việt Nam, cây lúa hoang rất phong phú và hiện diện rải rác khắp lãnh thổ, từ Miền Nam đến Miền Trung và Miền Bắc, đặc biệt lúa hoang đa niên O. rufipogon và lúa hoang hàng niên O. Nivara là những loài nguyên thủy, tổ tiên của các giống lúa trồng ngày nay ở châu Á. Đó là một trong những yếu tố quan trọng xác nhận cây lúa có nguồn gốc ở Việt Nam.

Về nguồn gốc, giả thuyết đa trung tâm của Viện lúa quốc tế IRRI với đồng thuận của giả thuyết Đông Nam Á cho biết Miền thượng du Bắc Việt có thể là một trong những trung tâm nguồn gốc xuất hiện cây lúa trồng, bên cạnh những trung tâm khác như đồng bằng sông Hằng, Ấn Độ, vùng biên giới miền bắc giữa Miến Điện và Thái Lan, bắc Lào và tây nam Trung Quốc. Vì vậy, ngành trồng lúa rẫy đã xuất hiện trước nghề trồng lúa nước ở Việt Nam và Đông Nam Á. Gần đây, giả thuyết mô hình một trung tâm, dù dữ liệu dùng nghiên cứu còn giới hạn đã đề nghị lưu vực phía nam sông Dương Tử có thể là nơi duy nhứt xuất phát cây lúa trồng châu Á để từ đó lan rộng đến những vùng khác trên thế giới. Giả thuyết này còn là đề tài tranh luận của nhiều chuyên gia liên hệ nên cần thêm nghiên cứu mới để xác nhận.

Ở Việt Nam, ngành trồng lúa được phát triển liên tục cùng với tiến trình hình thành đất nước và bành trướng lãnh thổ theo không gian và thời gian, bên cạnh lúa rẫy lâu đời. Lúa gạo đóng vai trò tối quan trọng trong an ninh lương thực quốc gia là lẽ sống của dân tộc, đang nuôi dưỡng hơn 96 triệu người VN (2018) và gắn liền với tình trạng thịnh suy đất nước hàng thiên kỷ, từ tình trạng phôi thai trong thời đại Đá Mới đến nền văn minh lúa nước thời Cổ Đại, thời kỳ tiến bộ chậm chạp lúc Hán tộc xâm lăng và nền quân chủ phong kiến. Sau đó, những thay đổi theo hướng tiến bộ kỹ thuật tích lũy trong thời thực dân Pháp, độc lập và thống nhất xứ sở.

Thành tựu ngành khảo cổ học và nhiều nguồn thư tịch trong và ngoài nước đã giúp chúng ta hiểu biết được phần nào lịch sử tiến hóa của nền nông nghiệp, đặc biệt ngành trồng lúa bản xứ, mặc dù còn nhiều giới hạn về chất lượng và dữ liệu thông tin. Dù thế, bức tranh về lịch sử ngành trồng lúa VN cũng hiện rõ những nét đại cương, đã trải qua ít nhứt 8 thời kỳ quan trọng của đất nước trong hơn 10 000 năm qua (Trần Văn Đạt, 2002 và 2010):

(1) Thời kỳ săn bắt-hái lượm và thuần hóa cây lúa hoang trong nền nông nghiệp sơ khai của nền văn hóa Hòa Bình-Bắc Sơn xảy ra cách nay ít nhứt 11 000-7 000 năm;

(2) Thời kỳ sáng tạo và phát triển ngành trồng lúa rẫy bởi các bộ lạc trên vùng đất cao trong nền văn hóa Bắc Sơn-Đa Bút cách nay ít nhứt 7 000-5 000 năm;

(3) Giai đoạn phát triển trồng lúa nước Cổ Đại trong thời đại Hùng Vương-An Dương Vương qua các nền văn hóa Phùng Nguyên, Cầu Sắt-Suối Linh, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn cách nay khoảng 4 000-2 178 năm với nền văn minh lúa nước rực rỡ, bên cạnh lúa rẫy lâu đời;

(4) Giai đoạn trồng lúa cổ truyền thời Bắc thuộc, với sự giao thoa giữa nền văn hóa Đông Sơn và văn hóa Hán tộc hơn một ngàn năm (179 năm tr CN-938 năm sau CN);

(5) Giai đoạn bành trướng ngành trồng lúa nước qua cuộc Nam tiến dưới thời Độc Lập phong kiến (938-1884);

(6) Giai đoạn phát triển trồng lúa cải tiến thời Pháp thuộc, với làn gió mới kỹ thuật Tây phương trong buổi giao thời để chuẩn bị cho tương lai (1884-1954);

(7) Giai đoạn tăng gia sản xuất lúa cao năng hiện đại rất ngoạn mục từ 1954 đến Cách Mạng Xanh và Đổi Mới kinh tế; và

(8) Thời kỳ tái cơ cấu ngành nông nghiệp lúa từ 2013 đến nay nhằm làm thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống nông dân.

1. Thời kỳ săn bắt-hái lượm, nền nông nghiệp sơ khai và thuần hóa cây lúa (cách nay 11 000-7 000 năm)

Trước khi biết đến vài hoạt động quản lý nông nghiệp, con người chỉ biết săn bắt và hái lượm để có thức ăn hàng ngày và sinh tồn ít nhứt từ nền kỹ nghệ (hay văn hóa) Ngườm và văn hóa Sơn Vi cách nay khoảng 30 000 đến 11 000 năm, với các di vật phát hiện là nhóm công cụ mảnh tước và đá cuội.

Về sau, thành tựu khảo cổ học Việt Nam cho biết dấu vết các loài phấn hoa họ đậu, cây ăn quả trong một số hang động và công cụ hoạt động làm bằng đá cuội, đá mài một mặt hay nhiều mặt, rìu Bắc Sơn là những chứng tích của nền nông nghiệp sơ khai được khám phá trong nền văn hóa Hòa Bình cách nay ít nhứt 10 000 năm. Bà Colani (1926), nhà khảo cổ học khám phá nền văn hóa Hòa Bình, đã tìm được ở hang động của di chỉ Bắc Sơn một mảnh đá có khắc hình lá họ Hòa thảo (lá dài với những gân song song), và cho rằng đó lá lúa (Hình 1) (Theo Bùi Huy Đáp, 1980).

 Hình lá cây thuộc họ Hòa thảo (B) trên đầu mũi nhọn (A) (theo M. Colani) (N. K. Quỳnh)
Hình 1: Hình lá cây thuộc họ Hòa thảo (B) trên đầu mũi nhọn (A) (theo M. Colani) (N. K. Quỳnh)

Ông Bellwood (2005), nhà khảo cổ học Úc cho rằng cư dân Hòa Bình có thể biết ít hoạt động quản lý cây ăn quả, củ, đậu để có thêm thức ăn; cho nên nền nông nghiệp sơ khai đã bắt đầu xuất hiện, bên cạnh sinh hoạt săn bắt và hái lượm vẫn là chủ lực.

Tiếp theo, cư dân bắt đầu thuần hóa một số thảo mộc và sau đó động vật quanh nơi hang động mái đá cư trú. Trong thời kỳ này, cư dân có thể biết trồng vài loại cây như khoai, đậu ở chung quanh nhà. Đồng thời họ cũng trải qua quá trình thuần hóa cây lúa hoang, khi lượm hạt lúa rơi hoặc hái những hạt chín trên cây để có thêm thức ăn. Ban đầu họ ăn nguyên hạt lúa chứa nhiều chất tinh bột cảm thấy ngon no dạ nên tiếp tục hái nhặt ăn. Về sau họ bóc bỏ vỏ trấu, ăn những gạo màu đỏ thấy ngon hơn… Cây lúa hoang có thời gian hạt chín kéo dài, nhưng dễ rơi rụng. Những hạt lúa hoang thường bị rơi rớt hoặc bị vất quanh nơi cứ trú hay hang động tự nhiên mọc lại, lớn lên rồi cho hạt chín nâu vàng, cung cấp thêm thức ăn hàng ngày. Qua thời gian lâu dài, cư dân nhận thấy cây lúa dễ mọc và cho hạt chín miễn sao mảnh đất có đủ ẩm ướt để cây sinh sống và cho hạt.

Sau nhiều năm hái lượm hạt, họ chủ động gieo hạt lúa vào đầu mùa mưa trên những mảnh đất trống để chúng mọc lên cùng cỏ dại và cho hạt cuối mùa, bên cạnh sinh hoạt săn bắt và hái lượm truyền thống. Với kinh nghiệm ít oi qua nhiều năm về cây lúa hoang, cư dân cổ biết gieo hạt trồng ở bất cứ nơi nào trong điều kiện thiên nhiên để có thực phẩm. Với thời gian đi qua, công việc này trở thành thông lệ của băng nhóm cư dân khi họ nghĩ đến việc đi tìm thêm thức ăn mỗi ngày.

Từ đó, do bản năng mỗi lần cây lúa chín họ biết lựa chọn những gié lúa tốt, hạt to để dành cho mùa tới để có nhiều thức ăn hơn. Họ còn chọn những gié lúa có ít hạt rơi rụng để dễ thu hoạch và cho nhiều hạt thóc, đồng thời tránh chim chuột phá hại. Công việc thuần hóa tự nhiên này, nhứt là từ thảo mộc hoang dã để trở thành cây sản xuất kinh tế đòi hỏi rất nhiều thời gian và sức lao động của cư dân cổ.

2. Thời kỳ sáng tạo ngành trồng lúa rẫy (cách nay 7 000-4 000 năm)

Qua hàng trăm năm sau, nhiều băng, nhóm trồng lúa kết hợp nhau qua liên hệ gia tộc, huyết thống, cho nên các bộ lạc trồng lúa ra đời nhiều nơi trong nước và tại một số nước Đông Nam Á vào cuối thời đại Đá Mới khoảng 6 000-5 000 năm trước trong nền văn hóa Bắc Sơn và Cầu Sắt-Suối-Linh, đã mang đến phần nào cuộc sống ổn định cho cư dân; đây là yếu tố cơ bản cho sự tiến bộ và văn minh dân tộc sau này. Ở Việt Nam, dù không phát hiện di vật cây lúa trong thời kỳ này, nhưng các nhà khảo cổ học tìm thấy các công cụ sinh hoạt đá mài như rìu mài, mảnh tước, với rìu đá Bắc Sơn nổi tiếng (Khảo cổ học, 1998) (Hình 2) có thể dùng để chặt cây, phá rừng khai thác nông nghiệp nương rẫy; dao đá, liềm đá để thu hoạch ngũ cốc.

Các rìu đá Bắc Sơn (ảnh: N. K. Quỳnh)
Hình 2: Các rìu đá Bắc Sơn (ảnh: N. K. Quỳnh)

Ngoài ra, tại Đông Nam Á Giáo Sư nhân chủng học Solheim II và học trò Chester Gorman thuộc Đại Học Hawaii khai quật ở miền bắc Thái Lan, đặc biệt cao nguyên Non Nok Tha, khám phá dấu tích hạt lúa và trấu trên gốm có niên đại ít nhứt 6 000 năm (Solheim II, 1967 và 1971). Sau đó, Ông Higham (1989) báo cáo tìm thấy vỏ trấu và liềm gặt lúa bằng vỏ sò ở Khok Phanom Di gần vùng vịnh Thái Lan có niên đại phóng xạ 8 000-6 000 năm trước.

Người ta không biết chính xác các bộ lạc trồng lúa xuất hiện từ lúc nào, nhưng có thể đoán vào giữa thời đại Đá Mới, khoảng 7 000-6 000 năm trước. Vì bấy giờ chưa có gia súc và dụng cụ nông nghiệp tốt, người tiền sử phải dùng sức người và các công cụ đá mài để khắc phục thiên nhiên phục vụ sản xuất. Họ trước hết có thể bắt đầu trồng lúa trên các sườn đồi, gò đất cao, còn gọi là làm lúa rẫy bằng cách dùng rìu đá mài chặt phá cây rừng độ một thước cách mặt đất, phơi khô, trước khi mưa đến dùng lửa đốt cây cỏ làm sạch đất, lấy tro làm phân một cách ngẩu nhiên (vô ý thức lúc ban sơ) (đao canh hỏa chủng). Tiếp theo, họ dùng tay, gậy hoặc đá nhọn để chọc lỗ, gieo hat và chờ đến lúa chín mới hái. Qua hàng trăm năm, với kinh nghiệm họ dùng cây chọc lỗ, gieo hạt, lắp đất, thỉnh thoảng làm cỏ, trông chừng thú rừng phá hại và chờ ngày chín hái nhặt. Ngày nay, nhiều dân tộc thiểu số Tây nguyên còn canh tác lúa theo lề lối này, vào cuối vụ họ tuốt gié lúa chín bỏ vào gùi trên vai để mang về nhà.

Từ nền văn hóa Quỳnh Văn-Đa Bút đến nền văn hóa Phùng Nguyên (6 000-3 000 năm BP), nền nông nghiệp lúa đạt thêm một số tiến bộ vững chắc, nhờ sáng tạo kỹ thuật canh tác và các công cụ sản xuất hữu hiệu hơn các thời kỳ trước, với rìu, cuốc, cày, mai… bằng đá và đặc biệt sử dụng kim loại đồng thau. Do đó, ngành trồng lúa rẫy đạt đến mức cực thịnh trong khoảng thời gian này, trong khi hệ trồng lúa nước bắt đầu phát triển nhờ ưu thế năng suất cao và nông dân ít di chuyển sau khi hiện tượng biển tiến Flandrian đạt đến cực đại +5m trên mặt nước biển ngày nay (khoảng 4 500 – 4 000 năm BP), sau đó nước rút lui khá mau lẹ trong nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng của đất nước (Khảo cổ học, 1998 và 1999).

3. Giai đoạn phát triển trồng lúa nước thời Cổ Đại (cách nay 4 000-2 178)

Đến nền văn hóa Phùng Nguyên, kỹ thuật làm đồ đá đạt trình độ cao với rìu và bôn hình tứ giác nhỏ, đồ trang sức bằng đá mài nhẵn, với kỹ thuật cưa đá và tiện đá lão luyện, đặc biệt là sự xuất hiện lưỡi cày cuốc bằng đồng và kỹ thuật luyện kim, đã tạo nên phong trào Cách Mạng Kim Khí Mới. Đồng thời, mực nước biển bắt đầu lùi dần góp phần vào thời kỳ biến chuyển lớn lao trong nông nghiệp từ trồng lúa rẫy qua lúa nước sơ kỳ; hình thành các cơ sở vật chất và tinh thần của thời đại sơ kỳ hay tiền Hùng Vương-An Dương Vương (khoảng 4 000-3 300 năm tr. CN).

Do những lợi ích thiết thực, nền nông nghiệp lúa nước ngày càng sung túc, với bằng chứng phát hiện nhiều hạt gạo cháy, vỏ trấu và các hầm thóc mục thối ở di chỉ khảo cổ Đồng Đậu (Hình 3) và Gò Mun có niên đại 3 000-3 300 năm (Khảo cổ học, 1999 và Sukurai, 1987), các phấn hoa của một giống lúa nước ở di chỉ Tràng Kênh (Hải Phòng) cách nay khoảng 3 500 năm và gần đây vỏ trấu của mảnh gốm An Sơn, tỉnh Long An có niên đại hơn 4 000 năm trên vùng đất cao của ĐBSCL (hữu ngạn sông Vàm Cỏ) (Barron et al., 2017).

Hạt Gạo Cháy.
Hình 3: Hạt gạo cháy vào thời kỳ văn hóa Đồng Đậu (3 000 năm trước) (ảnh N.K. Quỳnh)

Vào thời Cổ Đại, cư dân Việt đã có một số kinh nghiệm và hiểu biết về trồng lúa, chủ yếu là trồng lúa nước theo thủy triều lên xuống, biết trồng lúa hai vụ, dùng sức kéo trâu bò để cày xới đất, cấy lúa, thu hoạch và kho vựa để chứa thóc. Thời kỳ này đã tạo ra nền văn minh Việt cổ đáng chú ý, còn gọi là văn minh lúa nước với nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng, mở đầu kỷ nguyên mới cho đất nước cũng như sự trưởng thành của dân tộc trong quá trình xây dựng nước. Tầm quan trọng của cây lúa, chủ yếu lúa nếp ngày càng lớn thay thế dần thức ăn củ, đậu, trái cây, sò ốc ngày trước, do cây lúa có chức năng đa dạng, thích ứng tốt với nhiều vùng sinh thái khác nhau và đặc biệt hạt lúa tương đối dễ bảo quản, nên có thể đáp ứng nhu cầu kinh tế, an ninh lương thực của cư dân cổ ngày càng thêm đông. Đây là bước ngoặc mới của nền văn minh Việt cổ, với các tiến bộ quan trọng về tinh thần và vật chất để hình thành các cơ cấu xã hội và đời sống có tổ chức con người. Nhờ nền nông nghiệp trồng lúa, đời sống cư dân Việt ổn định và tập trung phát triển thôn làng khắp nơi.

Từ đó, nền văn hóa Đông Sơn mới xuất hiện khoảng 800 năm tr. CN đến 200 năm sau CN, qua 18 triều đại Hùng Vương-An Dương Vương, tiếp theo thời kỳ Hán thuộc đen tối, với bằng chứng hiện diện nhiều trống đồng trong thời gian này. Chẳng hạn, trống đồng Ngọc Lũ được tìm thấy năm 1893-94 ở làng Ngọc Lũ, Hà Nam, có niên đại phóng xạ cách nay khoảng 2 500 năm (Hình 4), với các hoa văn khắc ghi phản ánh nền văn minh lúa nước xưa như bông lúa trên quai trống, những chiếc thuyền, nhà sàn mái cong, kho vựa thóc, giã gạo chày đôi, lễ hội nhảy múa được mùa, chim, gà, chó… (Trần Văn Đạt, 2019).

Hình Trống Đồng Ngọc Lũ.

Đối với việc trồng lúa nước bấy giờ, ban đầu cư dân đem nước từ sông rạch vào ruộng có be bờ để làm đất mềm, rồi dùng dao, cuốc đá xới đất, chôn cỏ dại để gieo trồng hoặc cấy. Trong Lĩnh Nam Chích Quái ghi: “ … lấy dao cày, lấy nước cấy, đất trồng nhiều gạo nếp, lấy ống tre thổi cơm…”. Bên cạnh đó, còn có các đồ đựng bằng gốm có kích thước lớn để tồn trữ ngũ cốc biểu hiện cư dân Phùng Nguyên làm ruộng nước, có đời sống định cư lâu dài. Tuy nhiên, vào buổi đầu của nền văn hóa này lúa gạo chưa là lương thực cơ bản của cư dân (Lĩnh Nam Chích Quái).

Đến hậu kỳ thời đại Hùng Vương trong nền văn hóa Gò Mun – Đông Sơn, nghề trồng lúa nước (nếp) trở nên thịnh hành và đạt nhiều tiến bộ kỹ thuật. Họ đã biết sử dụng cày (hình 5) bừa kim loại để xới đất, đánh bùn làm cỏ, dùng phương pháp cấy lúa để chủ động trồng trọt trong điều kiện nước ngập và khí hậu gió mùa.

Hình 5: Lưỡi cày bằng đồng vào thời kỳ văn hóa Đông Sơn (2 500-3 000 năm trước) (ảnh: N. K. Quỳnh)
Hình 5: Lưỡi cày bằng đồng vào thời kỳ văn hóa Đông Sơn (2 500-3 000 năm trước) (ảnh: N. K. Quỳnh)

Ngành trồng lúa nước đã trở nên chủ lực của nền nông nghiệp bản xứ. Sử Trung Quốc ghi rằng: “Ngày xưa, Giao Chỉ khi chưa chia thành quận, huyện, ruộng đất có ruộng lạc, ruộng đó theo nước triều lên xuống, dân khẩn ruộng mà ăn nên gọi là dân lạc”. Như vậy, trước Công nguyên cư dân đã biết làm thủy lợi trên ruộng lúa cố định, có bờ đê ngăn giữ nước. Chuyện cổ tích Sơn Tinh Thủy Tinh có thể tượng trưng cho công tác đắp đê đập để ngăn ngừa lũ lụt ở Miền Bắc. An Nam chí lược có ghi chép cư dân Văn Lang “tưới ruộng theo nước triều lên xuống”. Hoặc vết tích một đoạn đê cổ của thành Cổ Loa trước thời Bắc thuộc cho biết người dân tại một số vùng đã biết đắp bờ giữ nước, tháo nước bảo vệ cây lúa để tăng sản xuất. Nhà khảo cổ học Maspéro (1918) nghiên cứu tài liệu Trung Quốc đã xác nhận dân tộc Lạc Việt có một xã hội phát triển khá cao, họ biết làm lúa nước, làm thủy lợi, làm lúa hai vụ, biết cấy lúa… trước khi Hán tộc xâm lăng.

Thời bấy giờ, ruộng lúa có thể phân biệt 3 hạng với lề lối cánh tác thích ứng riêng:

1- Ruộng rẫy trên gò đất cao của miền trung du Bắc Việt: nông dân dùng canh tác “đao canh hỏa chủng”, nghĩa là dùng dao chặt cây, phơi khô rồi dùng lửa đốt trước mùa mưa, sau đó chọc lỗ, tỉa hạt;

2- Ruộng trũng ở quanh các đầm hồ cũng có mức phì nhiêu khá tốt. Cư dân sử dụng phương pháp “thủy nậu” để cấy lúa, nghĩa là giẫm đạp cỏ xuống bùn rồi cấy lúa; và

3- Ruộng phù sa ở ven sông rạch, chủ yếu ở vùng đất cao châu thổ sông Hồng, sông Mã và sông Cả. Loại ruộng này có đất phì nhiêu tốt nhứt, nhờ nước ngập hàng năm đem phù sa vào ruộng. Thường những sông này có “bờ đê” ở hai bên để tránh lũ lụt.

Một cách tổng thể, vào thời đại Hùng Vương ngành sản xuất lúa gạo nước Văn Lang có 5 hiện tượng thay đổi lớn xảy ra, dẫn đến nền văn minh lúa nước sung túc, rỡ ràng một thời, như sau:

1. Nền nông nghiệp dùng rìu trong thời tiền sử được chuyển qua nông nghiệp dùng cuốc cày;

2. Công cụ sản xuất bằng đồ đá mài chuyển qua công cụ sản xuất bằng đồng, thau và sắt;

3. Từ nghề làm nương rẫy du canh chuyển qua nghề trồng lúa nước cố định;

4. Từ trồng lúa gieo thẳng trong thời tiền sử và sơ sử chuyển qua cấy lúa trong thời đại Hùng Vương. (Ngày nay ngược lại, từ cấy lúa chuyển qua gieo thẳng);

5. Cư dân di chuyển từ những vùng đất cao thưa thớt xuống sống tập trung ở làng ấp trên các gò đất cao, thung lũng và nhứt là đồng bằng ven sông rạch do hiện tượng biển thoái cuối cùng; và

6. Người Việt cổ bắt đầu nỗ lực khai thác các đồng bằng sông Hồng, sông Mã, sông Cả… từ trên đất cao xuống vùng thấp trũng khi dân số ngày càng thêm đông.

4. Giai đoạn trồng lúa cổ truyền thời Bắc thuộc (179 năm tr CN-938 năm sau CN)

Trong thời kỳ Bắc thuộc từ 179 tr CN đến 200 năm sau CN, tình trạng kinh tế, văn hóa và xã hội của nước Âu Lạc ngày xưa không thay đổi nhiều, vẫn cơ cấu văn minh Đông Sơn với nông nghiệp lúa nước trong sơ kỳ thời đại Sắt, cho thấy tinh thần quật khởi của dân ta rất kiên cường và sức sống của nền văn minh Việt cổ mãnh liệt; đó là yếu tố chủ lực giúp dân tộc theo đuổi trường kỳ kháng chiến để không bị mất gốc cho đến khi giành lại độc lập tự chủ.

Bên cạnh ảnh hưởng tiêu cực của thời Bắc Thuộc từ chính sách Hán hóa ngu dân đến chế độ cai trị hà khắc, chiếm hữu tài nguyên bản địa, người Việt đã tiếp cận nền văn minh lâu đời và học hỏi một số kỹ thuật tiến bộ của người Hán. Cho nên, sản xuất nông nghiệp, chủ yếu lúa gạo gia tăng phần nào khi sử dụng lưỡi cày sắt và một số kỹ thuật canh tác khác, nhưng rồi bị ngưng trệ kéo dài do bản chất bảo thủ của nền văn hóa Nho giáo thiếu tinh thần khoa học. Dù vậy, nhờ sự phổ biến chiếc cày bằng sắt vào thế kỷ I tr CN và áp lực dân số gia tăng, người Giao Chỉ cố gắng chinh phục khai khẩn các vùng đất mới ở châu thổ sông Hồng và trên các bãi bồi (Lê Thành Khôi, 2014).

Từ đầu Công nguyên về sau, đất nước bước vào thời đại Sắt phát huy ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng kinh tế, xã hội và văn hóa của cư dân. Nền nông nghiệp đã đạt nhiều tiến bộ với trồng lúa 2 vụ, đất bồi trồng dâu, có vườn cây trái, trồng rau đậu, ao nuôi cá, nuôi gia súc trong nhà và ngoài sân…; nhưng đang bị Hán tộc cai trị vô nhân đạo.

Về hệ thống canh tác lúa, từ thời đại hậu kỳ Hùng Vương đến Bắc thuộc và Độc Lập phong kiến, nông dân trồng lúa theo lề lối cổ truyền, nghĩa là dựa vào kinh nghiệm lâu đời do ông bà truyền lại và chính bản thân mình, nhưng hoàn toàn thiếu căn bản khoa học và kỹ thuật tân tiến.

Vào đầu CN, người Việt cổ đã thông thạo với nghề trồng lúa. Căn cứ vào tài liệu lịch sử và kỹ thuật canh tác lúa cổ truyền, cư dân đã trồng lúa trên diện tích ước tính 360 000 ha mỗi năm (với 2 vụ lúa) và năng suất bình quân ước lượng 0,54 t/ha so với 0,4t/ha của Trung Quốc (khoảng 206 tr CN và 206 sau CN) (Chang, 1985).

Ước tính năng suất và diện tích trồng lúa vào đầu Công Nguyên

Đây chỉ là những ước tính sơ khởi để có được khái niệm về tình trạng trồng lúa trên đất Lạc Việt vào khoảng một vài thế kỷ trước và sau CN, dựa vào các con số ghi nhận trong sử sách và kiến thức trồng lúa hiện nay. Dĩ nhiên, các số liệu ước tính sau đây cần được điều chỉnh lại với các thông tin phát hiện trong tương lai để được chính xác hơn.

Năng suất: Theo sách Đông Quan Hán Ký (trong Bùi Thiết, 2000), khoảng thế kỷ thứ II tr CN, ruộng ở quận Cửu Chân (vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh) có 156 gốc lúa cho 768 bông. Từ đó, chúng ta có thể suy tính năng suất khoảng 465kg/ha, với giả thuyết: (i) khoảng cách trồng ước độ 40 x 40cm, (ii) mỗi bông lúa trung bình có 60 hạt và (iii) trọng lượng 1 000 hạt là 25gram1; cho nên năng suất lúa quận Cửu Chân khoảng 465kg/ha. Nhưng đất Cửu Chân xấu hơn đồng bằng sông Hồng, nên trong điều kiện bình thường, lúa Giao Chỉ vào buổi đầu Bắc thuộc có năng suất bình quân ước lượng khoảng 0,542 t/ha hoặc hơn (từ 500 đến 800kg/ha)?

Diện tích: Theo sách Quảng Đông Tân Ngữ (trong Bùi Thiết, 2000), Giao Chỉ có dân số 746 237 người, vào đời nhà Hán mỗi năm phải nộp thuế đến 13 600 000 hộc lúa hay tương đương 136 000 tấn lúa (1 hộc lúa = 10 đấu, 1 đấu gần bằng 1kg). Từ đó, có thể suy tính như sau: Vì chế độ cai trị hà khắc, bóc lột của người Hán, thuế khóa rất nặng độ 60 – 70% số lượng sản xuất của dân Giao Chỉ, với 2 vụ lúa mỗi năm: vụ tháng 5 và vụ tháng 10 âm lịch. Cho nên, sản lượng thu hoạch của họ có thể ước tính độ 19 429 000 hộc lúa hay độ 194 290 000kg lúa. Nếu năng suất bình quân độ 540kg/ha, có thể suy ra dân Giao Chỉ lúc bấy giờ trồng 359 800ha mỗi năm (2 vụ) hay diện tích đất ruộng khoảng 179 900ha hoặc ít hơn (tùy theo năng suất)? Ngoài ra, còn nhiều cư dân trồng lúa rẫy trên gò cao, sườn đồi núi ước lượng khoảng 20%3 của diện tích trồng lúa nước hay 35 980ha. Cho nên, tổng diện tích đất trồng lúa của Giao Chỉ khoảng 215 900 ha vào đầu CN. Lúc bấy giờ, Giao Chỉ có 92 440 hộ, nên mỗi hộ có khoảng 2,3 ha (Trần Văn Đạt, 2002 và 2010).

5. Giai đoạn bành trướng lúa nước thời Độc Lập phong kiến (939-1884 sau CN)

Ngành canh tác lúa đạt được những bước tiến vững chắc mặc dù nhiều lúc bị trì trệ trong khoảng hơn một ngàn năm Bắc phương đô hộ và gần một ngàn năm Độc Lập sau đó, xen kẽ những cuộc xâm lăng thô bạo nhằm đồng hóa và ngu dân nước ta. Trong thời gian này, ngành sản xuất lúa tiếp tục phát triển do bành trướng lãnh thổ, mở mang đất trồng trọt hơn là do kỹ thuật canh tác cải tiến. Diện tích đất nông nghiệp cả nước tăng từ thế kỷ XI, bộc phát mạnh mẽ vào thời Mạc-Trịnh-Nguyễn phân tranh và triều đại nhà Nguyễn cho đến năm 1884 – thời Pháp Thuộc bắt đầu.

Nền kinh tế quốc gia vẫn đặt trọng tâm vào nông nghiệp lúa; nhưng vì ảnh hưởng sâu đậm của Nho học người dân gồm cả giới sĩ phu có đầu óc lệ thuộc Bắc phương quá nhiều, mất hết sáng kiến cá biệt, thiếu đầu óc khoa học kỹ thuật để canh tân quản lý sản xuất lúa trong nước, đặc biệt về năng suất. Vì thế, nông dân chỉ tiếp tục trồng lúa cổ truyền từ nền văn minh lúa nước thời đại Hùng Vương, không có thêm tiến bộ kỹ thuật nổi bật trong suốt 2 000 năm lịch sử. Với thời gian hơn 1 000 năm đô hộ, ngành trồng lúa phát triển có chừng mực do tiếp cận nền văn hóa xa lạ tiến bộ hơn. Tiếp theo, suốt gần 1 000 năm độc lập phong kiến năng suất chỉ tăng từ 1,0 đến 1,2t/ha khi Pháp thuộc bắt đầu. Do đó, các nhà nước từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Tây Sơn cho đến nhà Nguyễn đều quan tâm đặc biệt đến các công tác phát triển chủ lực sau đây:

1. Bành trướng, khai khẩn đất hoang và đất mới bồi lấp,

2. Tái trồng đất bỏ hoang do chiến loạn và định cư lưu dân,

3. Đắp đê đập chống lũ lụt, và

4. Phát triển công tác dẫn thủy nhập điền.

Suốt quá trình lập quốc và phát triển đất nước, dân tộc Việt liên tục nỗ lực cải tiến ngành trồng lúa, đặc biệt diện tích canh tác để đáp ứng nhu cầu dân số tăng từ khoảng 1 triệu người vào thế kỷ I (theo Tiền Hán Thư) lên 3,3 triệu người vào đầu thế kỷ XV (theo Địa Dư Chí của Nguyễn Trải), và 10 triệu dân vào cuối thế kỷ XIX.

Cuộc Nam tiến vĩ đại gian nan và hào hùng của dân tộc kéo dài 7 thế kỷ, từ giữa thế kỷ XI đến giữa thế kỷ XVIII đã thành công mở rộng giang sơn để vừa tránh âm mưu hiểm độc Bắc phương vừa tăng gia sản xuất lương thực nuôi dân và tăng thêm ngân sách nhà nước; nhưng đồng thời tạo nên một thành phần mới không nhỏ trong xã hội, đó là những dân lưu tán nghèo đói khốn khổ trong quá trình di dân vất vả lâu dài. Đến thời vua Minh Mạng (1847), diện tích đất canh tác lúa tăng ngoạn mục, từ 216 000ha đầu CN lên 878 000ha4. Riêng Nam Bộ năm 1836, diện tích điền thổ được đo đạc là 630 075 mẫu hay 226 827ha (Huỳnh Lứa và các cộng sự viên, 1987). Năng suất bình quân cả nước là 1,2t/ha vào buổi đầu thời Pháp thuộc.

Đồng thời, người di cư từ miền Bắc và miền Trung vào Nam để khai khẩn đất đai đã mang theo kinh nghiệm và kiến thức trồng lúa rẫy, lúa nước, phối hợp với các điều kiện môi trường địa phương để sáng tạo kỹ thuật mới như nông nghiệp cuốc, nông nghiệp cày và nhứt là nông nghiệp phảng dành cho khai thác hữu hiệu các sơn điền và thảo điền ở Nam Bộ. Nhiều giống lúa quen thuộc ở miền Bắc cũng được gieo trồng ở miền Nam, như lúa thơm, lúa Chiêm, lúa Móng chim, lúa Man, lúa Trắng, lúa Cánh, lúa Thuật, lúa Ba trăng, lúa Bát ngoạt, lúa Dung, Lúa Đen, lúa Chày chày; hoặc các loại nếp Voi, nếp Cau, nếp Bò, nếp Vằn, nếp Bụt, nếp Kỳ lân, nếp Hương bầu, nếp Cúc, nếp Cò, nếp Cái, nếp Than, nếp Lúa, nếp Sáp, nếp Trứng… (Huỳnh Lứa và những cộng sự viên, 1987).

6. Giai đoạn phát triển lúa cải tiến thời Pháp thuộc (1884-1954)

Những cố gắng tăng gia sản xuất nông nghiệp của thực dân, đặc biệt lúa gạo tại Việt Nam trong thời Pháp thuộc chỉ nhằm phục vụ quyền lợi người Pháp và các cộng sự viên của họ, trong lúc đa số quần chúng nông thôn vẫn phải làm việc vất vả nghèo khó. Ở Miền Nam, người Pháp khuyến khích công tác khẩn hoang với các biện pháp hỗ trợ nhà nước đô hộ, như cho vay lãi suất nhẹ, miễn thuế, cấp quyền sở hữu ruộng đất sớm nhằm thúc đẩy sản xuất nhiều lúa gạo để xuất khẩu trục lợi, cao nhứt 1,5 triệu tấn gạo vào năm 1921. Chương trình này đã đạt được thành quả lớn, diện tích và sản lượng lúa tăng đáng kể; nhưng phần lớn đất đai khai khẩn rơi vào tay giới quyền lực và giàu có địa phương. Tại Miền Bắc, dân cư đông đảo nhưng đất đai hạn hẹp nên những nỗ lực phát triển vùng này của Pháp chỉ nhằm tránh nạn đói tương lai. Do đó, xã hội bấy giờ xuất hiện những tầng lớp giai cấp rõ rệt như: đại phú nông, trung nông, tiểu nông, và tá điền nghèo bị bóc lột.

Ngay buổi đầu, bên cạnh các tham vọng tiêu cực của chánh sách đô hộ, người Pháp đưa ý niệm khoa học và kỹ thuật vào ứng dụng trong các sinh hoạt hàng ngày bản xứ. Riêng nông nghiệp, họ tổ chức quản lý, thành lập ngành nghiên cứu để cải tiến hoạt động sản xuất nói chung ngành lúa gạo nói riêng, và giới thiệu lần đầu tiên các kỹ thuật tiên tiến thế giới bấy giờ: phân hóa học, thuốc sát trùng sát khuẩn, thuốc diệt cỏ, giống cải thiện, nông cơ, nông cụ, phương pháp phân tích khoa học… vào xã hội cổ lổ Việt Nam, nhằm cải tiến sản xuất nông sản và nâng cao năng suất còn thấp kém. Có lẽ tiến bộ nổi bật trong thời kỳ này là sử dụng các giống lúa cải tiến (improved varieties) và sản xuất nguồn hạt giống tốt dành cho xuất khẩu từ trung tâm và các trại thí nghiệm trong nước.

Trong gần một thế kỷ xâm lăng, năng suất lúa tăng nhanh gần gấp đôi, từ 1,2t/ha khi Pháp tấn công thành Gia Định năm 1859 lên gần 2t/ha vào cuối thập niên 1950, so với 2 000 năm Bắc thuộc và nền Độc Lập phong kiến (từ 0,54 lên 1,2t/ha). Diện tích trồng lúa đã tăng từ dưới 1 triệu ha lên 4,4 triệu ha, với sản lượng 6,4 triệu tấn lúa năm 1955 (Trần Văn Đạt, 2002 và 2010).

Qua tiếp cận với nền văn minh Tây phương ngành canh tác lúa bắt đầu thay hình đổi dạng, thấm nhuần kỹ thuật mới và khoa học thực hành để chuẩn bị cho cuộc Cách Mạng Xanh và bước vào giai đoạn mới hội nhập trào lưu tiến hóa nhân loại sau này, bên cạnh các nỗi đau khổ triền miên của dân tộc do kẻ thống trị gây ra.

7. Giai đoạn sản xuất lúa cao năng hiện đại từ 1954 đến Cách Mạng Xanh và Đổi Mới kinh tế.

Các kỹ thuật và kiến thức khoa học du nhập từ thời Pháp thuộc đã giúp nông dân Việt Nam tham gia tích cực vào cuộc Cách Mạng Xanh trong quá trình Đổi Mới kinh tế để tăng gia phát triển nông nghiệp, nhứt là ngành trồng lúa từ giữa thập niên 1960.

Từ 1954 đến nay, ngành nông nghiệp lúa Việt Nam đã trải qua bốn thời kỳ thăng trầm rõ rệt: (1) 1954-1975: quốc gia có 2 chế độ khác nhau nên ngành nông nghiệp lúa mang 2 hệ thống sản xuất riêng biệt – hệ tập thể ở Miền Bắc và hệ tư nhân ở Miền Nam; đồng thời hai cuộc Cải cách điền địa được thực hiện khác nhau ở hai Miền, nhằm san bằng các bất công sở hữu đất đai và giúp người cày có ruộng canh tác, (2) 1976-1987: sản xuất tập thể cả nước, (3) từ 1988-2012: Đổi Mới kinh tế và (4) từ 2013 đến nay: tái cơ cấu ngành nông nghiệp lúa. Trong các thời kỳ này, Miền Bắc du nhập nhiều giống lúa cao năng từ Trung Quốc, trong khi Miền Nam sử dụng nhiều giống lúa hiện đại (modern rice) nổi tiếng được sáng tạo bởi Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) ở Philippines.

Sau khi xứ sở thống nhứt năm 1975, sản xuất nông nghiệp phục hồi, nhưng buổi đầu phát triển còn chậm chạp không kịp đáp ứng nhu cầu lương thực nội địa, do chính sách “cào bằng” và tập trung sản xuất. Mãi đến thời kỳ Đổi Mới kinh tế từ 1988, ngành nông nghiệp mới khởi sắc, nhứt là trồng lúa, đánh bắt thủy hải sản và một số màu khác lớn mạnh bắt đầu xuất khẩu và/hoặc tái xuất khẩu hàng năm mang về đất nước số lượng ngoại tệ đáng kể.

Trong thời Cách Mạng Xanh (bắt đầu từ 1968 ở Miền Nam), phát triển sản xuất lúa gạo đạt đến tầm cao nhờ ứng dụng triệt để kỹ thuật tân tiến, đưa năng suất bình quân của nước tăng vọt từ 2t/ha vào cuối thời Pháp thuộc lên gần 6t/ha hiện nay và sản lượng lúa tăng lên mau lẹ trong thời gian 50 năm, nhứt là khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi Mới kinh tế và trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hạng hai và ba trên thế giới, sau Thái Lan và Ấn Độ. Năm 2018, Việt Nam sản xuất 44 triệu tấn lúa trên 7,57 triệu ha, năng suất trung bình là 5,8t/ha (riêng ĐBSCL và đồng bằng Sông Hồng: 6t/ha) và xuất khẩu hơn 6 triệu tấn gạo trị giá 3,03 tỉ Mỹ kim (Tổng cục thống kê, 2018).

Nhưng từ thời Đổi Mới, tầm quan trọng kinh tế của nông nghiệp quốc gia giảm dần so với các lãnh vực công nghiệp, dịch vụ và du lịch. Tỉ trọng nông nghiệp đối với GDP giảm từ 40,2% trong 1985 xuống 22,2% trong 2008 và 16,3% trong 2016, mặc dù mức sản xuất tiếp tục tăng trưởng hàng năm (WRI, 2007 và Tổng Cục Thống Kê, 2018).

Tóm lại, trong quá trình CMX và thời kỳ Đổi Mới kinh tế, cơ cấu trồng lúa của nước có sự chuyển dịch đặc biệt quan trọng như sau:

1- Chuyển đổi cơ cấu trồng lúa cấy qua lúa gieo thẳng, hiện chiếm hơn 90% diện tích trồng lúa cả nước do tiết kiệm nước, nhân công đắt đỏ và sự hiện diện thuốc diệt cỏ với giá phải chăng.

2- Tại ĐBSCL, dịch chuyển cơ cấu vụ được thể hiện qua giảm sút diện tích lúa Mùa, tăng diện tích gieo sạ Đông-xuân và Hè-thu. Ở đồng bằng Bắc bộ, vụ lúa Chiêm hay Đông-xuân giảm dần và được thay thế bằng vụ Xuân ngày càng tăng.

Thật vậy, diện tích vụ Đông-xuân cả nước tăng từ 1,8 triệu ha năm 1985 lên 3,1 triệu ha (phần lớn từ ĐBSCL) trong 2018. Trong cùng thời kỳ, vụ Hè-thu tăng từ 994 300 ha lên 2,8 triệu ha, nhưng vụ lúa Mùa giảm từ 2,9 triệu ha xuống 1,7 triệu ha, chủ yếu ở Miền Nam.

3- Sử dụng các giống lúa ngắn ngày (90-100 ngày) để vừa tăng vụ mùa vừa tránh lũ lụt hoặc hạn, mặn ở giữa và cuối vụ; nhưng sự khuyến khích trồng 3 vụ lúa mỗi năm ở Miền Trung và ĐBSCL không cần thiết do gây kiệt quệ đất đai, nhiều sâu bệnh và ô nhiễm môi trường trong một nước xuất khẩu gạo lớn.

4- Phát triển trồng lúa có chất lượng tốt để nâng cao giá trị trồng trọt, nhằm cải tiến khả năng cạnh tranh thị trường trong nước cũng như thế giới. Nhưng gạo xuất khẩu chưa có thương hiệu nổi tiếng.

5- Cơ giới hóa sản xuất lúa phát triển khá mạnh, nhứt là khâu làm đất, tưới tiêu, thu hoạch và biến chế bảo quản; tuy nhiên cần khuyến khích tích tụ ruộng đất nhiều hơn hoặc bãi bỏ hạn điền để thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp, canh tân đất nước.

6- Miền Bắc nỗ lực thực hiện chương trình sản xuất lúa lai từ 1991, dùng hạt giống F1 phần lớn nhập nội từ Trung Quốc rất tốn kém; cho nên cần giảm bớt diện tích trồng và chấm dứt chương trình này. Vã lại, nhu cầu thực phẩm cấp bách của ĐBSH không còn nữa.

8. Thời kỳ tái cơ cấu nền nông nghiệp lúa (từ 2013 đến nay)

Trong thời Đổi Mới kinh tế, nhà nước nỗ lực tăng sản xuất lúa gạo trước hết nhằm đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia và sau đó có tham vọng trở thành một nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, ngay cả muốn thay thế vị trí số một của Thái Lan. Tuy nhiên, đất nước không nhất thiết nỗ lực sản xuất và xuất khẩu nhiều lúa gạo như thế để nổi tiếng, trong khi người sản xuất vẫn còn nghèo khó sau 30 năm Đổi Mới kinh tế. Trái lại, cần sản xuất ít hơn, vừa phải nhưng có chất lượng cao, với tư duy mới chủ trương giúp nông dân có thu nhập nhiều hơn, nông thôn thịnh vượng hơn; đồng thời để dành đất đai cho phát triển công nghiệp, đô thị, hoa màu lợi tức cao, đặc biệt ưu tiên lúc này cho ngành sản xuất thức ăn gia súc, thủy sản và rau quả để tiết kiệm ngoại tệ.

Đất nước đã hội nhập thế giới và dấn thân vào nền kinh tế thị trường nên cần phải thay đổi tư duy quản lý, cơ chế kinh tế để không bị tụt hậu và có thể cạnh tranh với các quốc gia khác. Vấn đề hạn điền hiện nay là một lực cản lớn cho phát triển và canh tân nông nghiệp Việt Nam, nhứt là khâu sản xuất lúa, làm giá thành phẩm cao, năng lực cạnh tranh kém trong khi các hợp tác xã và doanh nghiệp nhà nước còn yếu. Ngoài ra, ĐBSCL đang đối diện nghiêm trọng tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt bão lụt, hạn hán, hiện tượng nước biển dâng cao nhập sâu vào đất liền hàng năm và đất sụt lún ngày càng đáng chú ý.

Cho nên, năm 2013 Việt Nam bắt đầu thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, trong đó đề án “Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và thi hành.

Tóm lại, với cách nhìn tổng thể những cột móc thời gian đáng ghi nhớ về tiến trình lịch sử trồng lúa ở Việt Nam có thể được tóm lược từ thời nguyên thủy đến hiện đại như sau:

1. Khoảng 11 000 năm trước: Cuộc Cách Mạng Đá Mới bắt đầu.

2. Khoảng 10 000 năm trước: Nền nông nghiệp sơ khai ra đời. Cư dân còn sống trong những mái đá, hang động.

3. Khoảng 8 000-7 000 năm trước: Thuần hóa cây lúa hoang song song với cây ăn trái và cây củ đậu trong nền văn hóa Hòa Bình-Bắc Sơn.

4. Khoảng 7 000-5 000 năm trước: Trồng lúa rẫy chiếm ưu thế so với lúa nước và các bộ lạc trồng lúa xuất hiện ở Việt Nam và Đông Nam Á với phát hiện rìu đá Bắc Sơn (Bùi Thiết, 2000; Nguyễn Phan Quang và Võ Xuân Đàn, 2000).

5. 4 000-3 000 năm trước (thời lúa nước sơ kỳ): Cư dân chú trọng khai thác lúa nước nhiều hơn do sản xuất nhiều thóc và mực nước biển bắt đầu thoái dần, trong khi một số nơi còn trồng lúa rẫy du canh truyền thống trong nền văn hóa Phùng Nguyên (thời đại Hùng Vương), Cầu Sắt-Suối Linh Nam Bộ, Đồng Đậu và Gò Mun (di vật khảo cổ, Viện Khảo Cổ Học, 1999).

6. 3 000-2 700 năm trước (Bắt đầu thời lúa nước hậu kỳ): Cư dân cổ biết làm lúa 2 vụ, cày ruộng, gieo hạt, cấy lúa nếp theo thủy triều lên xuống với hệ canh tác cố định (Thủy Kinh Chú, Lĩnh Nam Chích Quái).

7. 3 000-2 500 năm trước: Dùng cày, cuốc, rìu bằng đồng trong các hoạt động nông nghiệp (di vật khảo cổ, Viện Khảo Cổ Học, 1999).

8. 2 500-2 100 năm trước: Dùng trâu bò để kéo, đánh bùn (di vật khảo cổ, Viện Khảo Cổ Học, 1999).

Bắt đầu đắp đê đập để chống lũ lụt (Phạm Văn Sơn, 1960; Bùi Thiết, 2.000), trồng lúa nước cổ truyền trong nền văn hóa Đông Sơn.

9. 2 200-1 800 năm trước hoặc sớm hơn: Dùng lưỡi cày bằng sắt (Phạm Văn Sơn, 1960; Bùi Huy Đáp, 1980 và 1999) nông nghiệp lúa tăng gia sản xuất, đồng thời làm dễ dàng công cuộc khai khẩn các vùng châu thổ sông Hồng, sông Mã và sông Cả. Trồng 2 vụ lúa; lúa Chiêm (+lúa sớm) và lúa Mùa (Di vật chí).

10. 930-1 127 năm trước: biết dùng bừa trục (Chang, 1985).

11. Khoảng 1 600 năm trước: Trồng lúa tẻ nhiều hơn lúa nếp vì năng suất cao và cho cơm nhiều gấp đôi (Sách Quảng Đông Tân Ngữ theo Bùi Huy Đáp, 1999).

12. 1886: Nghiên cứu nông nghiệp đầu tiên tại Việt Nam (Dumont, 1995).

13. 1909: Tuyển chọn giống lúa để trồng (Carle, 1927).

14. 1913: Thành lập Trung Tâm Thí Nghiệm Lúa đầu tiên ở Việt Nam tại Cần Thơ (Trần Văn Hữu, 1927).

15. 1917: Cuộc lai tạo giống lúa đầu tiên giữa giống lúa Tàu hương x Carolina (Carle, 1927).

16. 1968: Cuộc Cách Mạng Xanh bắt đầu xảy ra ở Việt Nam (Trần Văn Đạt, 2002) và kéo dài đến cuối thập niên 2000.

17. 1988: Thời kỳ Đổi Mới kinh tế bắt đầu.

18. 2013: Tái cơ cấu nông nghiệp lúa để cải thiện nông thôn và tăng thu nhập nông dân.

Tài Liệu Tham Khảo:

1- Barron, A., Michael Turner, Levi Beeching, Peter Bellwood, Philip Piper, Elle Grono, Rebecca Jones, Marc Oxenham, Nguyen Khanh Trung Kien, Tim Senden, and Tim Denham. 2017. MicroCT reveals domesticated rice (Oryza sativa) within pottery sherds from early Neolithic sites (4150–3265 cal BP) in Southeast Asia

(https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5547045/).

2. Bellwood, P. 2005. First Farmers: The Origins of Agricultural Societies. Blackwell Publishing, Victoria, Australia, 360 pages.

3. Bui Huy Dap. 1999. Mot so van de ve cay lua. NXB Nong Nghiep, Ha Noi, pp 154.

4. Bui Huy Dap. 1980. Cac giong lua o Viet Nam. NXB Khoa Hoc va Ky Thuat, Ha Noi, pp 563.

5. Bui Thiet. 2000. Viet Nam thoi co xua. NXB Thanh nien, Ha Noi, pp 463.

6. Carle, E. 1927. 1927. Amelioration des riz de Cochinchine. Agence Economique de l’Indochine, Paris, France, 11 pp.

7. Chang, T.T. 1985. Crop history and genetic conservation: Rice – A cases tudy. Iowa State Journal of Research 59(4): 425-455.

8. Colani, M. 1926. Découverte du paléolithique dans la province de Hoabinh, L’Anthropolopie, vol XXVI, Paris, France.

9. Colani, M. 1930. Quelques stations Hoabinhhiennes, Bulletin de l’Ecole Française de l’Orient extrême (BEFE), XXIX, Hanoi.

10. Dumont, R. 1995. La culture du riz dans le delta du Tonkin. Printimg House au Bangkok, Thailand. pp 592.

11. FAOSTAT 2017. FAO, Rome, Italy (in http://www.fao.org)

12. Higham, C. F. W. 1989. Rice cultivation and the growth of Southeast Asian civilization. Endeavour 13: 82-8.

13. Huỳnh Lứa, Lê Quang Minh, Lê Văn Năm, Nguyễn Nghị và Đổ Hữu Nghiêm. 1987. Lịch sử khai phá đất Nam Bộ. NXB T.P. Hồ Chí Minh, 275 trang.

14. Lê Thành Khôi. 2014. Lịch sử Việt Nam: từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX. NXB Thế giới, Hà Nội, 621 tr.

15. Lĩnh Nam Chich Quai. 1960. NXB Khai Tri, Sai Gon, pp 134.

16. Maspéro, H. 1918. Le Royaume de Văn Lang. BEFEO, XVIII, fasc. 3, 1918.

17. Nguyễn Khắc Quỳnh. 2002. Các bức ảnh về khảo cổ, Viện Khoa Học Nông Nghiệp Việt Nam.

18. Nguyen Phan Quang & Vo Xuan Dan. 2.000. Lich su Viet nam tu nguon goc den nam 1884. NXB Thanh Pho Ho Chi Minh, pp 479.

19. Nguyen Sinh Cuc. 1995. Nong Nghiep Viet nam (1945-1995). NXB Thong ke Ha Noi, pp 64.

20. Pham Van Son. 1960. Viet su toan thu.Tu Lam An Quan, Sai Gon, pp 738.

21. Sakurai, Y. 1987. Reclamation history at the Song Coi (Tongking) delta of Vietnam. In History of Asian Rice, Shogakukan, Tokyo, 235-276.

22. Solheim II, W.G. 1967. Two pottery traditions of late prehistoric times in Southeast Asia. Historical Archeological and Linguistic Studies on Southern China, Southeast Asia and the Hong Kong region. Ed. F. S. Drake. Hong Kong University Press, Hong Kong 1967, p. 15-22.

23. Solheim II, W.G. 1971. New light on a forgotten past. National Geographic, Vol. 139, No. 3.

24. Tổng cục thống kê (GSO). 2018. Số liệu thống kê – Nông nghiệp

(http://www.gso.gov.vn/Default.aspx?tabid=217).

25. Tran Van Dat. 2002. Tien trinh phat trien san xuat lua gao o Viet Nam – tu thoi nguyen thuy den hien dai, NXB NongNghiep, TP Ho Chi Minh, pp 315.

26. Trần Văn Đạt. 2010. Lịch sử trồng lúa Việt Nam. Nhà in 5 Star Printing, Nam California, Hoa Kỳ, pp 489.

27. Trần Văn Đạt. 2019. Nền văn minh lúa nước thời Cổ Đại. Việt học journal (http://viethocjournal.com/).

28. Tran Van Huu. 1927. La riziculture en Cochinchine. Agence Economique de l’Indochine, Paris, pp 31.

29. Viện Khảo Cổ Học. 1998. Khảo cổ học Việt Nam, Tập I: Thời đại đá Việt Nam. NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 457 tr.

30. Vien Khao Co Hoc. 1999. Khao co hoc Viet Nam, Tap II: Thoi Dai Kim Khi Viet Nam. NXB Khoa Hoc Xa Hoi, Ha Noi, pp 551.

31. WRI (World Resources Institute). 2007. GDP: Percent GDP from agriculture. Earth Trends: Economics, Business, and the Environment, (http://earthstrends.wri.org/searchable_db/).

1. Với giả thuyết trên, 156 gốc lúa có 768 gié, 46 080 hạt, nặng 1 152gram, được trồng trên 24,76m2 (hay 63 001 gốc/ha = 251×251). Cho nên, năng suất của lúa Cửu Chân là (1 152 : 24,76) x 10 000m2 = 465.267gram hay 465kg/ha.

2. Căn cứ thông tin năng suất ĐBSH hơn Miền Trung năm 2008 là 16%.

3. Vào nền văn hóa Đồng Đậu-Gò Mun (3 500-2 800 năm BP), ngành lúa nước đã phát triển mạnh, vượt qua lúa rẫy; cho nên đến đầu CN hay cuối nền văn hóa Đông Sơn (2 800-1 800 năm BP) lúa rẫy chỉ có thể chiếm khoảng 20% diện tích lúa nước của Giao Chỉ.

4. Vào thời vua Minh Mạng, năm 1847, sự kiểm kê đo đạc ruộng đất cho biết có 4 063 892 mẫu ruộng và đất hay 1 463 000 ha; do đó diện tích trồng lúa có thể chiếm ít nhứt 60% hay 878 000 ha.

Nguồn: Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp Vĩnh Long


Gạo Nàng Thơm Chợ Đào

© Phạm Xuân Phương
Source: © https://sites.google.com

NNQ sưu tầm & post on June 26, 2020


“Gạo Nàng Thơm – Chợ Đào”

Vùng trồng lúa Nàng Thơm Chợ Đào Long An

Vùng trồng lúa Nàng Thơm Chợ Đào Long An. Google map

Từ thế kỷ 19, dưới thời Minh Mạng, gạo Nàng Thơm chợ Đào đã được xếp vào danh mục những đặc sản phương Nam để tiến vua. “Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai”. Chợ Đào là một chợ nhỏ nằm bên con kênh đào ăn thông với kênh xóm Bồ chảy qua xã Long Mỹ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Ở Long An, riêng loại lúa có tên “Nàng” kể cũng đến hàng chục: Nàng Tri, Nàng Rừng, Nàng Chò, Nàng Quất, Nàng Co, Nàng Minh, Nàng Hương, Nàng Rẫy, Nàng Sóc… Nhưng không có “Nàng” nào vượt nổi “Nàng Thơm” về mặt chất lượng.

Toàn xã Mỹ Lệ có trên hàng chục nghìn hecta đất trồng lúa, nhưng diện tích để trồng loại lúa khó tính này cũng chỉ có hơn 5.000 hecta. Giống lúa này đem trồng nơi khác thì hương vị, độ dẻo và ngon của nó sẽ giảm đi một phần đáng kể. Những người có kinh nghiệm phân biệt được Nàng Thơm chợ Đào với các loại gạo Nàng Thơm trồng ở nơi khác: Hạt gạo Nàng Thơm chợ Đào có một khối trắng đục, hơi có ánh hồng nằm ở giữa, mà người địa phương gọi là “hột lựu”, và chỉ có gạo vùng này mới có “hột lựu” ấy.

Gạo Nàng Thơm quý và hiếm, bởi lẽ sản xuất ra nó đòi hỏi công phu nhiều. Nó mang đặc tính sinh lý khá ngặt nghèo: kén đất, đúng thời vụ và nhất là kỹ thuật chăm sóc. Năng xuất Nàng Thơm thường thấp so với các giống lúa khác, chỉ khoảng trên 3 tấn/ha.

Gạo nàng thơm nấu ăn thơm cả nhà, có mùi thơm thiên nhiên. Gạo thơm (Aromatic rice): gạo Thailan thêm chất thơm bông lài vào họ gọi là “Jasmin Rice hay Home Mali”.

Hiện nay Việt Nam có hàng trăm giống lúa,ví dụ: giống lúa Ải Hòa Thành, giống lúa 269-65, 79-1, Ải Lùn, Mai Hương, Bắc Thơm, Bắc Ưu 64, BU 501, C70, C71-2035, CM1, CN2, CR01, CR 203, D21- D27 …, Hương Chiêm, IR 17494, IR 1820, IR 29723, IR 42, IR 64, IR 74, IV1, Jasmine 85, Khâm Dục 3, Khao Dwak Mali, Kim cương, Lưỡng Quãng, Ó M90, Giống lúa Quá Dạ Hương,VN10, VND 95, VX 83, X20, Giống lúa Xuân 11…

Trước năm 1975 thì miền Nam chúng ta đang trồng loại lúa Thần Nông. Lúc đó nông dân trồng lúa Thần Nông IR-8, nông dân gieo gặt ngắn hạn hơn, bán không lời lắm, vì gạo chín thường khô cơm, hạt lại cứng… không thơm ngon. Rồi họ cho ra giống Thần Nông IR-20, IR-24… Nghĩa là nhà nông tại miền Nam Hậu Giang có thể một năm trồng đựoc 3 mùa lúa… đất không được ngày nào nghĩ ngơi vì nhờ phân bón rất tốt và lại rẽ…

Thời gian 5 năm sau… thì tại Miền nam Việt Nam hay tại Á Châu như Thái lan, loại lúa Thần Nông IR 8 bị giống sâu rầy (nấm trắng) làm gãy ngang đọt khi lúa trổ “đòng đòng” (ngậm sữa), nên người ta gây ra loại lúa mới IR 36. Giống này không phải là thứ 36 đâu… mà là gồm 13 loại lúa trên thế giới do Viên Nghiên cứu Mễ Cốc tại Phi gây trồng tạo nên. Giống lúa IR 36 nầy chống được 4 loại sâu rầy nguy hiễm nhất mà nhà nông khi gặp là trắng tay trắng cả cánh đồng…

Gạo Tám

Từ đời này qua đời khác, người dân vùng đồng bằng Bắc bộ đều gọi loại gạo đặc sản của đồng ruộng hai bên bờ sông Ninh Cơ với cái tên giản dị, mộc mạc đáng yêu như cô thôn nữ, đằm thắm, dịu dàng – gạo tám.

Cái tên chứa đựng nhiều ý nghĩa, vừa gợi nhớ đến tình làng nghĩa xóm, vừa khẳng định đã là gạo tám thì phải thơm, phải ngọt, dẻo.

Gạo tám có hai loại, tuy cùng hình dáng, hương vị giống nhau nhưng chất lượng chênh lệch. Chỉ những người sành sỏi mới phân biệt được đâu là tám cổ ngỗng, đâu là tám xoan.

Tám cổ ngỗng trồng không kén đất, trên cánh đồng lúa mùa ta có thể thấy những mảnh ruộng cấy tám cổ ngỗng trải dài, những ngọn lúa vàng vươn cao, đu đưa cổ con ngỗng đang vươn ra ngúc ngoắc, loại gạo này dùng để kinh doanh và bán cho các nhà hàng cơm vì sản lượng nhiều, nhưng vị thơm và dẻo không bằng tám xoan.

Gạo tám xoan phải trồng ở những nơi ruộng bùn pha cát, kề bên bờ sông, khi mưa dầm không úng, nắng hạn không khô. Loại gạo này để dành cho ngày tết, ngày giỗ hay để chiêu đãi những thượng khách, bạn bè thân hoặc đong năm, ba cân làm quà biếu… hạt gạo tám xoan thon, dài mỏng mình, mầu trắng xanh như cô con gái “mỏng mày hay hạt”. Chỉ cần một vốc gạo nhỏ cũng đã toả mùa thơm ngát. Nồi cơm vừa chín tới, hé mở nắp vung là trong nhà, ngoài ngõ đã ngửi thấy mùi thơm lừng. Nấu tám xoan muốn ngon phải nấu bằng niêu đất hay nồi gang đun lửa rơm. Cơm tám xoan nếu ăn cùng thức ăn xào hay chan canh sẽ mất hết vị ngon, dẻo của gạo; hợp nhất với gạo tám xoan là ăn với giò lụa, chả quế, rưới thêm ít nước mắm nhĩ, rắc chút hạt tiêu.

Sau một ngày lao động mệt mỏi, được nâng bát cơm nóng hổi, thơm lừng ăn kèm cá bống, cá quả kho khô, cá rô rán giòn… hoặc tôm, thịt rim thì ngon biết mấy. Bát cơm tám thơm ăn cùng con cá đồng do bàn tay mẹ kho, mùi thơm của gạo, vị ngọt của cá, mùi cay nồng của hạt tiêu… hòa quyện vào nhau ấm áp tình quê đã khắc sâu nỗi nhớ, nỗi mong của những ai xa xứ, mỗi buổi chiều ngóng về quê hương như nhìn thấy những làn khói lam chiều toả trên nóc bếp xóm làng.

Gạo lúa trời Đồng tháp mười

Cơm gạo lúa trời, đã từng có một thời được xếp vào loại nông sản quý hiếm cao cấp được Nguyễn Ánh (triều Nguyễn 1802 – 1945) đưa vào cung đình dùng trong những ngày đại lễ, cúng tế và làm thực phẩm đặc sản đãi các đại sứ vua chúa nước Xiêm thời ấy. Với dân gian, gạo lúa trời có thêm cái tên huyền thoại đó là “lúa ma”.

Sở dĩ lúa trời rất hiếm và có những giai thoại kể trên, bởi lúa trời là một loại lúa thiên nhiên mọc trên cánh đồng mênh mông nước từ năm này sang năm khác. Cọng lúa bò dài ra, mọc trồi vượt lên trên mặt nước để trổ bông. Bông lúa trời có hạt thóc to hơn lúa thường và hạt rất thưa, mỗi ngày một bông chín đôi ba hạt.

Muốn hái lúa trời phải làm một cái sào ngắn cắm giữa then xuồng cột hai sợi dây thòng xuống, cuối sợi dây vừa tầm của người ngồi, cột thêm hai khúc cây khoảng 1 m. Cầm hai cây đã treo trên sợi dây, vừa gom ngọn lúa vừa đập cho lúa rơi xuống lòng xuồng, khi đó phải có một người ngồi chống xuồng vào đám lúa, mỗi bông lúa chỉ rụng một hoặc hai hạt trên xuồng, từ khuya đến sáng mới đầy xuồng. Lúa trời có một đặc điểm muốn hái phải đi thật khuya, nếu sớm quá lúa chưa chín và hễ mặt trời mọc lên thì hạt lúa rụng hết, nên mới có cái tên là “Lúa ma”.

Gạo Nàng Thơm Chợ Đào

Ảnh minh họa, Credit PXP

Sau khi thu hoạch xong, giã giống như lúa thường, nhưng không giã gạo quá trắng. Khi nấu, đổ gạo và nước vào nồi đất, úp một lá sen vào nồi trước khi đậy vung, đun bằng củi hoặc rơm, nếu dùng chất khác để đun sẽ làm giảm hương vị lúa trời. Sau khi chín, lúa trời sẽ cho ta một món cơm tuyệt vời với mùi hương thơm lừng không loại gạo nào có thể sánh được, kể cả gạo Nàng Thơm chợ Ðào nổi tiếng. Gạo lúa trời có hương vị ngọt, béo độc đáo, khó diễn tả hết, chỉ có thưởng thức mới cảm nhận đủ. Gạo lúa trời ngoài dùng để làm cơm trắng, còn được chế biến làm bột tinh lọc đổ bánh xèo rất là tuyệt. Hiện nay bánh xèo Ðồng Tháp làm bằng bột gạo lúa trời bọc nhân thập cẩm được xem là món ăn nhiều người ưa thích nhất ở Ðồng Tháp và cũng là của khách du lịch thích thưởng thức ẩm thực đặc thù của miền quê hương sông nước.

Nếu có dịp về đồng bằng sông Cửu Long tham quan du lịch Ðồng Tháp, ngoài việc chiêm ngưỡng phong cảnh hữu tình của miền quê hương sông nước, du khách sẽ được thưởng thức thứ gạo độc đáo mà thiên nhiên đãi ngộ cho riêng vùng đất này, đó là cơm gạo lúa trời. Tin chắc món ăn này sẽ để lại cho du khách những kỷ niệm khó phai.

© Phạm Xuân Phương | June 03, 2020
Đọc thêm thông tin @ https://sites.google.com


Viện Nghiên Cứu Lúa Quốc Tế IRRI qua 50 năm hoạt động

© Kỹ sư Hồ Đình Hải
@ sites.google.com


IRRI 50 years
IRRI 50 years

Viện nghiên cứu lúa quốc tế IRRI (The International Rice Research Institute) là một tổ chức phi chính phủ được thành lập vào ngày 09 tháng 12 năm 1959 bởi sự hổ trợ của Tập đoàn Ford và Quỷ Rockefeller, sau khi xây dựng cơ sở vật chất và chuẩn bị nhân sự, IRRI chính thức hoạt động từ năm 1960.Trụ sở và trang trại của IRRI rộng 252 ha, nằm trong khuôn viên trang trại của trường Đại học Philippines, tọa lạc tại vùng ngoại ô Thành phố Los Baños thuộc tỉnh Laguna của Philippines, cách thủ đô Manilia khoảng 60 km về phía Nam.

Người khởi sướng thành lập IRRI là Tiến sĩ J.George Harrar của Tập đoàn Rockefeller và chính ông là  Tổng giám đốc đầu tiên của IRRI. Tổng giám đốc đương nhiệm hiện nay của IRRI là Tiến sĩ Robert S.Zeigler. Hiện nay IRRI có lực lượng gồm 1.030 cán bộ, công chức và công nhân kỹ thuật, trong đó 85% là người Philippines. Riêng cán bộ khoa học đầu đàn đẳng cấp quốc tế gồm 135 vị Tiến sĩ, phân nửa trong số Tiến sĩ làm việc tại IRRI thuộc các quốc gia đang phát triển như Bangladesh, Thailand, Indonesia, Trung Quốc, Sri Lanka, India, Cambodia, Malaysia và Philippines. Số còn lại thuộc các nước đang phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu và Bắc Mỹ.

  Một góc của Trụ sở Viện nghiên cứu lúa Quốc tế IRRI
  Một góc của Trụ sở Viện nghiên cứu lúa Quốc tế IRRI

Mục tiêu của IRRI là nghiên cứu lại tạo các giống lúa và hệ thống canh tác nhằm làm cho nông dân trồng lúa tăng hiệu quả kinh tế và chất lượng hạt gạo cao và an toàn cho người tiêu dùng. Khẩu hiệu của IRRI là: “Khoa học lúa gạo đối với một thế giới tốt hơn”. Ngoài công tác nghiên cứu, IRRI còn là cơ quan đào tạo cán bộ khoa học liên quan đến lĩnh vực Nông nghiệp và Sinh thái nhằm cung cấp nguồn nhân lực cho các nước đang phát triển. Trong 50 năm qua IRRI đã đào tạo trên 1.000 khóa học quốc tế với trên 10.000 cán bộ khoa học tốt nghiệp hoặc chuyên tu tại IRRI với các học vị Kỹ sư, Thạc sĩ và Tiến sĩ ở 14 quốc gia thuộc khu vực Châu Á ,Châu Phi và Châu Mỹ Latin.

Hiện nay IRRI vẩn là một tổ chức phi chính phủ, tuy nhiên nguồn tài trợ được mở rộng hơn nhờ vào sự tài trợ của 24 quốc gia, trong đó tài trợ chính là Mỹ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Philippines. Nguồn tài trợ thông qua Nhóm tư vấn nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế CGIAR (the Consultative Group on International Agricultural Research). Hàng năm IRRI nhận kinh phí từ nguồn này khoảng 33-35 triệu USD. IRRI đang kêu gọi các nguồn tài trợ mới từ các tổ chức từ thiện và đang được nguồn tài trợ của Bill and Melinda Gates Foudation.

Hoạt động nổi bật của IRRI trong 50 năm qua là xây dựng ngân hàng Gene lúa quốc tế khổng lồ với hơn 109.000 giống lúa khác nhau kể cả các giống lúa hoang dại, các giống lúa địa phương  thu thập ở khắp các Châu lục và những giống lúa có chất lượng cao và dể thích nghi trên nhiều vùng sinh thái khác nhau do chính IRRI lai tạo ra. Có trên 90% sản lượng lúa thế giới đang dùng nguồn gene từ IRRI.

Hiện nay IRRI đã thành lập văn phòng đại diện ở 14 quốc gia thuộc Châu Á và Châu Phi, dự kiến tiếp tục mở rộng ở Châu Mỹ Latin. Nhiệm vụ mới của IRRI là góp phần lo cho an ninh lương thực toàn cầu trong điều kiện biến đổi khí hậu vô cùng phức tạp, trong đó có 154 triệu ha lúa nước cung cấp lương thực chính và phụ cho khoảng 3 tỷ người. Cuộc cách mạng xanh của IRRI khởi đầu từ giống lúa IR 8 cho đến hiện nay còn phải tiếp tục trên phạm vị toàn cầu, đặc biệt với các nước đang phát triển ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latin.

Thành tựu 50 năm hoạt động của IRRI đáng được trân trọng, nó giúp cho nông dân các nước đang phát triển xóa đói giảm nghèo, đủ gạo ăn và tiến tới khá giàu nhờ kỹ thuật trồng lúa cải tiến do IRRI lai tạo, tạo ra chuyển biến của cuộc cách mạng xanh rất lý thú trên đồng ruộng. Nông dân Việt Nam rất mang ơn các nhà khoa học IRRI.

IRRI Farm
IRRI Farm

© Kỹ sư Hồ Đình Hải
@ https://sites.google.com


International Rice Research Institute


Source: © https://www.irri.org/

The International Rice Research Institute (IRRI) is the world’s premier research organization dedicated to reducing poverty and hunger through rice science; improving the health and welfare of rice farmers and consumers; and protecting the rice-growing environment for future generations. IRRI is an independent, nonprofit, research and educational institute, founded in 1960 by the Ford and Rockefeller foundations with support from the Philippine government. The institute, headquartered in Los Baños, Philippines, has offices in 17 rice-growing countries in Asia and Africa, and more than 1,000 staff. 

IRRI's Organizational Structure (1 March 2018)
IRRI’s Organizational Structure (1 March 2018)

Working with in-country partners, IRRI develops advanced rice varieties that yield more grain and better withstand pests and disease as well as flooding, drought, and other harmful effects of climate change. More than half of the rice area in Asia is planted to IRRI-bred varieties or their progenies. The institute develops new and improved methods and technologies that enable farmers to manage their farms profitably and sustainably, and recommends rice varieties and agricultural practices suitable to particular farm conditions as well as consumer preferences. IRRI assists national agricultural research and extension systems in formulating and implementing country rice sector strategies.

Rice research field
IRRI photo

Alumni of IRRI’s educational initiatives include some of the world’s leading rice scientists as well as high-level NARES and agriculture ministry officials. From 1962 to 2014, about 130,000 students, researchers, farmers, and extension professionals, among others, received some form of training from IRRI and its partners. Within this total number, close to 2,000 scholars conducted research at the institute while pursuing their MS and PhD degrees. As free educational resources, IRRI’s scientific publications, available online since 2007, have received a total of about 3 million views, with more than 30.4 million page views.

We work worldwide with all research institutions that share our goal. In particular, we work with the national agricultural research and extension systems of the countries where our target beneficiaries live. Rice research has no political boundaries. We search for new solutions to both old and emerging problems through personal and institutional efforts and through partnerships with farming communities and other institutions, both public and private.

Fore more information
© https://www.irri.org/


Making our science more meaningful

Achieving food security

IRRI 2030

Food security is no longer just about combating hunger. In its truest sense, food security is only achieved when rice growing countries are also producing nutritious and high-quality rice to satisfy the rise in demand and nutritional needs of rice-consuming populations.

IRRI works closely with research networks, governments, development sector, private sector, and farmer communities to ensure that our approach to developing an abundant supply of healthier rice varieties is tailored such that it reaps the best returns for everyone involved. 

Learn more about IRRI’s success stories on increasing food security.

Stewards of a Healthier Planet

By influencing the people we work with to deploy smart crop management practices that optimize inputs like fertilizer, water, and other equally important resouces in farm management, we significantly reduce greenhouse gas emissions from rice fields.

Tackling climate change

Over the years, a wide range of institutions, including IRRI, have embarked in diverse climate change initiatives and projects that deal with adaptation and mitigation in the rice production system. The Institute has defined a coherent research portfolio on rice and climate change emphasizing on three areas: adaptation, mitigation, and policy. This sets rice production into the broader context of food supply and food security alongside socioeconomic issues, such as overpopulation and gender inequality.

Making rice healthier

More than half of the world’s population relies on rice for most or their entire calorie needs because they cannot afford or do not have access to a full range of nutritious food such as fruits, vegetables, and foods from animal sources (e.g., meat, dairy products, and eggs). As a result, lack of iron, zinc, and vitamin A has become prevalent micronutrient deficiencies in rice-consuming countries. The cost of these deficiencies in terms of lives and quality of life lost is enormous, and women and children are most at risk.

Healthier rice varieties have the potential to reach many people because rice is already widely grown and eaten. IRRI is developing rice varieties that have more iron, zinc, and provitamin A content to help people get more of these important micronutrients. These healthier rice varieties can complement current strategies to reduce micronutrient deficiencies.



Tổ Chức Lương Nông Thế Giới

© Kỹ sư Hồ Đình Hải
Source: © https://sites.google.com

I-GIỚI THIỆU

I-1. Nguồn gốc: 

FAO - Flag

FAO được thành lập ngày 16/10/1945 tại Hội nghị Quebec (Canada). Kể từ năm 1981, thế giới đã chọn ngày 16/10 làm Ngày Lương thực Thế giới. FAO là tổ chức chuyên môn của tổ chức Liên hợp quốc (UN).

Trụ sở của FAO đặt tại Rôm, Ý. 

Trang web chính thức: http://www.fao.org/

I-2. Ngân sách và Thành viên: 

FAO là tổ chức liên chính phủ. Hiện nay FAO có 183 nước thành viên. 

Ngân sách hoạt động của FAO lấy từ hai nguồn:

-Một là nguồn ngân sách thường xuyên (regular budget) do các nước thành viên của FAO đóng góp.

-Hai là nguồn từ Chương trình hỗ trợ tài chính được cấp chủ yếu từ Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Quỹ Uỷ thác (Trust Fund) của các ngân hàng hoặc của một số nước tài trợ.

Hiện nay FAO đang phải đối mặt với tình hình tài chính ngày càng hạn hẹp do các nước phát triển giảm mức đóng góp. Năm 1993, nguồn ngân sách thường xuyên của FAO đạt 673,1 triệu USD, đến năm 2003, con số đó chỉ đạt khoảng 650 triệu USD. Do vậy, FAO đã phải kêu gọi các nước thành viên tăng mức đóng góp nhằm nâng ngân sách thường xuyên lên 2,2% – mức để FAO không phải cắt giảm các chương trình hoạt động đã cam kết tại các nước. Mức ngân sách 2006 – 2007 của FAO đã tăng lên 765 triệu USD.

I-3. Sứ mệnh và hoạt động: 

FAO hoạt động như là một trung tâm thu thập và phân tích các thông tin, tư vấn về kiến thức, kinh nghiệm để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, lương thực và dinh dưỡng trên phạm vi toàn cầu (knowledge-based organization). FAO cũng là một diễn đàn quốc tế quan trọng về lương thực và nông nghiệp, đồng thời là nguồn tư vấn về chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đối với các nước thành viên, FAO khuyến khích và tìm nguồn tài chính hỗ trợ chương trình hợp tác kỹ thuật giữa các nước thành viên mà tiêu biểu là hợp tác NAM-NAM. 

I-4. Cơ cấu tổ chức: 

Đứng đầu FAO là Tổng giám đốc (TGĐ) – hiện nay TGĐ là Ông Giắc Di-úp  (Jacques Diouf), quốc tịch Xê-nê-gan. Về cơ cấu,  Bộ máy hoạt động của FAO gồm: Đại Hội đồng, Hội đồng và các Uỷ ban chuyên trách.

+Đại Hội đồng là Cơ quan quyền lực cao nhất, đại biểu là các quốc gia thành viên họp hai năm/một lần để thông qua các chương trình và ngân sách cho các hoạt động của Tổ chức.

+Hội đồng gồm 49 nước thành viên do Đại Hội đồng bầu (nhiệm kỳ 3 năm). Hội đồng là Cơ quan lãnh đạo của FAO.

+Các Uỷ ban chuyên trách (Uỷ ban Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thuỷ sản vv…) có trách nhiệm giúp Hội đồng và Đại Hội đồng các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình.

Để thực hiện các mục tiêu của Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về lương thực, FAO đã tiến hành một số cải tổ về cơ cấu tổ chức như thu gọn và sát nhập các vụ ở trụ sở, tăng cường quyền lực và phân cấp cho các văn phòng khu vực và văn phòng quốc gia, lập văn phòng tiểu khu vực, tăng cường các dự án trên thực địa. Với chủ trương “Kỹ thuật của FAO, kinh nghiệm thực tiễn ở khu vực và các nước”, nhìn chung, các hoạt động của FAO đã có hiệu quả hơn.

For more @ https://sites.google.com

Trang web chính thức: http://www.fao.org/


Vài nét về giáo sư Phạm Hoàng Hộ và tác phẩm Cây cỏ Việt Nam


Source: © https://thuvienhuequang.vn.blogs

Trong lĩnh vực y học cổ truyền Việt Nam, đặc biệt là việc nghiên cứu về cây thuốc, chúng ta không thể không kể đến giáo sư Phạm Hoàng Hộ và bộ sách “Cây cỏ Việt Nam” của ông. Có thể nói, cố giáo sư là người đầu tiên hoàn thành công trình nghiên cứu về cây cỏ ở Việt Nam, đây là công trình có tầm cỡ khoa học lớn trong nước và trên thế giới. Trải qua gần 60 năm, đến nay, kiến thức mà bộ sách mang lại vẫn giữ vai trò rất quan trọng, được ví như là quyển cẩm nang trong khoa học nghiên cứu, nhất là ngành dược.

Bộ Cây cỏ Việt Nam

Bộ Cây cỏ Việt Nam

Giáo sư Phạm Hoàng Hộ sinh năm 1929 tại An Bình, Cần Thơ. Thuở nhỏ, ông theo học tiểu học ở các trường Bassac, Nam Hưng và College de Cần Thơ.

Năm 1946, ông sang Pháp tiếp tục bậc trung học lấy bằng Tú Tài I và II. Sau đó, ông tiếp tục theo học ở Đại học Sorbonne Paris, đậu bằng Cử nhân Khoa học (1953) và bằng Thạc sĩ về Khoa học thiên nhiên (1956). Năm 1957, ông về nước và được bổ nhiệm vào chức vụ Giám đốc Hải học Viện Nha Trang (1957-1962). Trong thời gian làm việc ở đây, ông đã thực hiện công trình nghiên cứu về rong biển Việt Nam.

Từ năm 1962-1963, ông được bổ nhiệm vào chức vụ Khoa Trưởng trường Đại học Sư phạm Sài Gòn. Năm 1964, GS. Phạm Hoàng Hộ trở về giảng dạy tại Viện Đại học Sài Gòn.

  1. Phạm Hoàng Hộ là người đã kiên trì vận động thành lập Viện Đại học Cần Thơ từ rất sớm và đến ngày 1.3.1966 thì cuộc họp trù bị cho việc thành lập được diễn ra tại tỉnh Phong Dinh. Ngày 8.3.1966, Viện Đại học Cần Thơ được thành lập, GS. Phạm Hoàng Hộ trở thành Viện trưởng đầu tiên của trường Đại học Cần Thơ.

Năm 1970, GS. Phạm Hoàng Hộ về Sài Gòn và tiếp tục công trình giảng dạy và nghiên cứu thực vật đến năm 1984. Sau năm 1984, GS. Phạm Hoàng Hộ sang Pháp và từ đó ông sang Canada sinh sống. Tại đây ông hoàn tất công trình nghiên cứu cây cỏ Việt Nam của mình. Ngày 29 tháng giêng năm 2017, GS. Phạm Hoàng Hộ qua đời tại Montréal, Canada, hưởng thọ 89 tuổi.

Trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của mình, GS. Phạm Hoàng Hộ đã cho ra đời nhiều công trình quý giá về thực vật học Việt Nam như: Cây cỏ miền Nam Việt Nam (1960), Sinh học Thực vật (1964, 1966), Tảo học (1967), Hiển hoa bí tử (1968), Rong biển Việt Nam (1969), Thực vật ở đảo Phú Quốc (1985), Cây cỏ Việt Nam (1999), Cây có vị thuốc ở Việt Nam (2006),… Trong đó, có thể nói, tác phẩm tâm huyết nhất trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của giáo sư chính là “Cây cỏ Việt Nam”.

Tác phẩm Sinh học Thực vật

Tác phẩm Sinh học Thực vật

Do từ nhỏ đã sống gắn bó với vườn tược, ruộng đồng vùng châu thổ sông Cửu Long, nên giáo sư đã rất thích cây cỏ. Thực vật học và sinh học nhiệt đới đã hấp dẫn ông lúc đi du học. Trong lúc học tập tại Paris, giáo sư đã ra sức tìm hiểu, đặt nền tảng cho ra đời bộ sách “Cây cỏ Việt Nam”. Như giáo sư chia sẻ: “Và lúc học ở Đại học Khoa học Paris, tôi đã bắt đầu tìm hiểu cây cỏ Đông Dương. Tiếp xúc đầu tiên một cách khoa học với cây cỏ ấy, tôi thực hiện ở Viện Bảo tàng Thiên nhiên Quốc gia Paris. Lúc mới học Vạn vật, tôi đã vào nhà kiếng của Viện này để tìm coi có loại nào ở nước nhà hay không. Và một số loài đã được vẽ từ lúc ấy! Tôi nhớ một số Lan đã được vẽ từ năm 1950, trong nhà kiếng ấy. Đó là những hình “xưa” nhất của bộ Cây cỏ của tôi”. Ông viết tiếp: “Ở Sài Gòn, phận sự chính của tôi là giảng dạy Thực vật và Sinh học Thực vật cho sinh viên dự bị và chuyên khoa. Chính vì muốn giảng dạy tốt, thích nghi vào điều kiện nhiệt đới Việt Nam, các môn ấy mà tôi lục lạo và sau đó cho ra đời công trình mà sau này sẽ là công trình của đời tôi là Cây cỏ Việt Nam”[2].

Với lòng đam mê, giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã miệt mài nghiên cứu để cho ra đời bộ sách “Cây cỏ Việt Nam”. Đó là một chặng đường đầy gian truân, theo giáo sư, đã trải qua bốn giai đoạn:

Giai đoạn 1: Hợp tác với GS. Nguyễn Văn Dương về phần dược tính và cho ra đời tác phẩm “Cây cỏ Miền Nam Việt Nam” (Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành, năm 1960) mô tả 1.650 loài thông thường của miền Nam. Theo giáo sư: “đó là giai đoạn còn mò mẫm, học hỏi một thực-vật-chúng chưa quen thuộc đối với một sinh viên vừa tốt nghiệp từ vùng xa lạ mới về”[3]. Trong lời giới thiệu cho lần in đầu vào năm 1960, GS. Phạm Hoàng Hộ đã bộc bạch:

Bộ Cây cỏ miền Nam Việt Nam

Bộ Cây cỏ miền Nam Việt Nam

Quyển sách này không có tham vọng là một quyển thực-vật-chúng đầy đủ. Cây cỏ xứ ta chưa khảo cứu tỉ mỉ, các loài đã tả còn đang bàn xét; cả bộ sách to tác FLORE GÉNÉRALE DE L’INDOCHINE cũng cần bồi bổ rất nhiều. Hơn thế, trong khu vực Đông Dương (từ Xiêm đến Việt Nam), người ta phỏng vấn độ 12.000 loại (F.G.I., tome préliminaire, trang 26) như thế miền Nam Việt Nam có cỡ năm bảy ngà. Đó là chưa kể đến Rong, Rêu, Nấm.

Sách này viết ra để bổ khuyết sự giảng dạy vạn vật ở Việt Nam. Học vạn vật mà không biết sinh vật quanh ta là một sự không căn bản. Với sách này, học sinh và sinh viên từ đây có thể xác định một cách dễ dàng, nhờ những hình vẽ, cỡ hai ngàn loài mà học thường gặp. Mỗi loài đều được mô tả sơ sài, để bổ túc hình mà thường chính tay chúng tôi vẽ để thêm chắc phần chính xác.

Các loài thường được xác định theo bộ sách căn bản nói trên. Song khuyết điểm của bộ sách ấy là chứa ít hình. Vì thế mà việc định loại theo đó rất khó khăn và có thể sai lầm, vì bộ ấy chưa mô tả tất cả các loại. Chúng tôi có ý chờ dịp so sánh các loài trong cây đã xác định với mẫu vật ở “Museum d’Histoire Naturelle” tại Pháp, ở Bogor tại Nam Dương rồi mới xuất bản. Song nếu chờ việc ấy thì có lẽ rất lâu, và để thỏa mãn sự nhu cầu khẩn cấp của nền giáo huấn, chúng tôi tạm cho xuất bản sách này. Các loài mà sự xác định không chắc đều được chừa lại cho kỳ in sau”[4].

Giai đoạn 2: Cho tái bản lần hai bộ “Cây cỏ miền Nam Việt Nam” (1970), số loài lên được 5.328. Giáo sư chia sẻ trong lời giới thiệu lần tái bản này như sau: “Từ khi cho xuất bản quyển Cây cỏ miền Nam cho đến nay, số loài thực vật mà tôi nghiên cứu được tăng lên rất nhiều. Riêng ở Hiển hoa, trong số cỡ 5700 loài đã kể ở miền Nam, tôi đã nghiên cứu được trên 4500. Tôi cố gắng mô tả các loài ấy trong kỳ in thứ hai nầy, mặc dầu biết rằng lập một quyển thực-vật-chúng to tác như vậy là một điều rất khó.Vì số các loài mô tả tăng lên rất nhiều, chúng tôi buộc phải phân sách này ra làm hai quyển, và thu gọn phần công dụng, nhứt là dược tính”[5]. Và theo giáo sư, “Đây là giai đoạn mà tôi xem như vàng son của một nhà thực vật học Việt Nam chúng ta. So với bây giờ, lúc ấy tôi yên ổn làm việc, có nhiều phương tiện cá nhân và nhất là được sự khuyến khích của mọi giới, bạn bè cũng như chính quyền”[3].

Giai đoạn 3: Tiếp tục công việc nghiên cứu sau 1975, đưa vào bộ sách “Cây cỏ miền Nam Việt Nam” thêm 2,500 loài và bộ, mở rộng phạm vi cho toàn cõi Việt Nam.

Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn giáo sư đã kiên nhẫn tìm tòi, nghiên cứu trong Viện Bảo tàng Thiên nhiên Quốc gia Paris ròng rã suốt sáu năm. GS. Phạm Hoàng Hộ chia sẻ: “Hiếm có một nhà Thực vật học, nhất là người Việt Nam, đã lục lạo cây cỏ ở nước nhà, lại được ở lại nghiên cứu tại Viện Bảo tàng Thiên nhiên Quốc gia Pháp, chứa một thảo tập phong phú vào bậc nhất thế giới, với 8 tới 10 triệu mẫu vật cây cỏ. Trong sáu năm làm việc ở Viện ấy, không một ngày nào mà khi chiều ra về, dù trời đông âm u lạnh lẽo, hay chiều hè vắng vẻ nóng khô, mà tôi không thốt ra câu “Thật là một ngày tuyệt” vì đã biết thêm cho Việt Nam ít nhất là một loài hiếm, lạ hay mới!”[3]. Trong giai đoạn này, ông bổ sung thêm cho bộ “Cây cỏ miền Nam Việt Nam” được trên 3000 loài. Số loài mô tả khoảng 10.500 và đổi tên thành “Cây cỏ Việt Nam”.

Đến năm 1999, nhà xuất bản Trẻ cho ấn hành lại tác phẩm với lời nhận xét: “CÂY CỎ VIỆT NAM là một công trình khoa học mang tầm cỡ quốc gia và mang chứa nhiều tâm huyết của giáo sư Ts. Phạm Hoàng Hộ. Nên biết hiện nay trên thế giới chưa dễ đã có mấy quốc gia, kể cả những quốc gia có nền khoa học tiên tiến có được một công trình sưu tầm biên khảo hoàn chỉnh về thảm thực vật trên đất nước mình. Để có được một công trình khoa học như Cây cỏ Việt Nam, không biết phải tốn bao nhiêu chất xám, thời gian và tiền bạc? Điều may mắn là giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã âm thầm dành hầu hết cuộc đời mình để đầu tư cho công trình này”[6].

Bộ sách “Cây cỏ Việt Nam” ra đời đã tạo nên một bước ngoặc mới cho ngành thực vật học nước ta và cả thế giới, nhất là về y học. Tác phẩm đã phần nào khắc phục những hạn chế của những công trình nghiên cứu về thực vật trước đó trong việc hạn chế về hình ảnh. Các loài thực vật được giáo sư đưa ra hình ảnh rất cụ thể, giúp dễ dàng cho việc nghiên cứu và học tập.

Bên cạnh đó, bộ sách này còn rất đặc biệt ở chỗ tên gọi các loài thực vật. Trong tập sách, chúng ta có thể tìm thấy tên hàng ngàn giống loài tiêu biểu nhất. Mỗi giống loại được trình bày theo những tiêu chí khoa học và với độ chính xác cao. Cũng theo những tiêu chí đó, GS. Phạm Hoàng Hộ đã có một cách trình bày những từ kép và viết chúng thành một từ dính liền rất độc đáo, ví dụ: hiểnhoa, bàotử,… Cũng có những từ được ông thêm vào những dấu gạch nối. Ví dụ: giả-baomô, gân-phụ,…

Theo chia sẻ của giáo sư: “Trong quyển này chúng tôi không thể không đề cập đến vấn đề tên cây. Đành rằng chỉ có tên khoa học đôi của Linné xướng ra là có giá trị vì nó khoa học và quốc tế, song nhiều cây thường gặp còn phải có tên Việt Nam để được phổ biến hơn. Vì thế nên chúng tôi cố sức cho mỗi loài một tên Việt Nam”[7]. Các tên ấy thường là mới, được giáo sư đặt theo các nguyên tắc:

– Tên Việt Nam cũng như tên khoa học phải dành riêng cho một loài mà thôi.

– Các loài của một giống nên mang tên giống ấy. Vì thế nên chỉ cần tìm kiếm tên các giống (VD: Acalypha: tai tượng; A.vilkesiana: tai tượng nâu,…).

– Giữ tên cũ được chừng nào hay chừng nấy. Nhiều tên Việt Nam rất khó dùng, có tên ám chỉ không những nhiều loài rất khác nhau mà cả nhiều giống (cà chất, bèo,…) hay nhiều họ xa nhau. Trong trường hợp ấy, hoặc bỏ tên cũ ấy đi, hay từ nay chỉ dùng cho một loài hay giống nào mà tên đó đã được thông dụng nhất.

– Các tên giống mới đặt ra bằng cách: phiên âm (VD: Barringlonia: Bàng linh tôn), dịch nghĩa (VD: Enteromorpha: trường tảo), phỏng theo đặc sắc của giống (VD: Colpomenia: rong bao tử).

– Các tên loài nên dịch nghĩa của tên khoa học (M.Borneensis: nấm dương hình Bornêo), khi khó dịch, hay vì chữ quá rắc rối, theo đặc sắc của loài. Các tên loài đã được thông dụng thì giữ: Ficus benjamina: sung gừa).

Với cách đặt tên trên, GS. Phạm Hoàng Hộ đã tạo nên sự khác biệt cho tác phẩm và công trình nghiên cứu của mình. Sự khác biệt đó phảng phất tinh thần dân tộc, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu về thực vật học và y học, tạo tiền đề cho lớp trẻ về sau nghiên cứu và phát triển thêm.

Với những giá trị to lớn của mình, bộ sách “Cây cỏ Việt Nam” dần trở thành một cuốn từ điển không thể thiếu cho những độc giả Việt Nam và nước ngoài có ý định tìm hiểu và nghiên cứu về thực vật, y học. Xứng đáng niềm tự hào cho dân tộc Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu thực vật, ứng dụng cho y học. Đúng như lời nhận xét của Peter Shaw Ashton, GS. Charles Bullard, ngành Lâm Học, Đại học Harvard:

“Với những ghi chú bằng tiếng Anh, cùng với những nét minh hoạ tinh vi của hơn 10.500 chủng loại, bộ sách Hoạ hình cây cỏ Việt Nam (Illustrated Flora of Vietnam) của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã cung cấp cho giới độc giả tiếng Anh lần đầu tiên và cập nhật một tài liệu tham khảo thấu đáo mà chúng tôi ít biết đến.

Công trình này sẽ đứng như một tượng đài của sự quyết tâm, cống hiến, và uyên bác với lòng can đảm của tác giả. Giáo sư Phạm Hoàng Hộ hầu như đơn độc hình thành một công trình sinh học thực vật có tầm vóc hàn lâm  tại Đại học Sài Gòn giữa những năm tháng khó khăn. Trong hoàn cảnh cực kỳ thử thách ấy, giáo sư Hộ đã sưu tập được những chất liệu cho bộ sách đặc sắc này và cả những chuyến du khảo nhằm thu thập những mẫu vật để minh hoạ. Và nay công trình được xuất bản, đó sẽ là nguồn khích lệ cho các nhà sinh học trẻ ở Việt Nam và cả ở hải ngoại”[7].

© Lê Thị Ngọc Hà – Thư viện Huệ Quang tổng hợp


Tiến Sĩ Nguyễn Duy Xuân ( 1925-1986)

Source: © https://www.luatkhoasanjose.com

Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Duy Xuân
Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Duy Xuân

Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Duy Xuân:
● Tùy viên báo chí Phủ Thủ Tướng Nội các Nguyễn ngọc Thơ,kiêm Tổng Giám Đốc Việt Nam Thông Tấn Xã.
● Tổng Ủy Trưởng Phủ Tổng Ủy Hợp Tác Xã tức Tổng Giám Đốc Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp.

● Tổng Trưởng Kinh Tế Nội các Thủ Tướng Nguyễn văn Lộc.

● Cố vấn Kinh tế của Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu.

● Tổng Trưởng Giáo Dục Nội các Thủ Tướng Nguyễn bá Cẩn.

● Viện Trưởng Viện Đại học Cần Thơ ( 1972-1975)

GS Nguyễn Duy Xuân sinh năm 1925 tại Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, cựu học sinh Collège de Cần Thơ. Sau khi đậu bằng Diplôma (Văn bằng Thành Chung). GS sang Pháp du học tốt nghiệp Cử nhân Kinh Tế. Ông tiếp tục theo học chương trình hậu Đại Học ở Anh quốc, tốt nghiệp bằng Master về Kinh tế học; tiếp đến sang Hoa kỳ theo học ở Đại học Vanderbilt, tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế học và trở về Việt Nam năm 1963.

Trong khoảng thời gian trước khi đi du học hậu Đại học, GS Nguyễn Duy Xuân được Cụ Nguyễn Ngọc Thơ ưu ái tin dùng và đã làm việc với Cụ Thơ khi Ông là Tổng Trưởng Kinh Tế thời Đệ Nhứt Cộng Hoà cuối thập niên 1950’s.

Trong thời gian làm việc ở Saìgòn, ngoài các chức vụ Tổng Giám Đốc Việt Tấn Xả, Tổng Ùy Trưởng Tổng Uỷ Nông Nghiệp, Tổng Trưởng Kinh Tế và Cố Vấn Kinh Tế của Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, GS Nguyễn duy Xuân còn giảng dạy tại các Trường Đại học Luật khoa và Quốc Gia Hành Chánh.

Trong thời gian giữ chức Viện Trưởng, GS đã nổ lực phát triển Viện Đại học trên mọi lãnh vực từ chương trình giảng dạy, đào tạo cán bộ giảng huấn,ngân sách, tài trợ, xây cất thêm giảng đường, phòng thí nghiệm đến tổ chức hành chánh, y tế sinh viên và thiết lập ký túc xá dành cho sinh viên đến từ các tỉnh miền Tây.

GS đã đẩy mạnh phát triển hai ngành Sư phạm và Nông Nghiệp với viễn kiến nhằm đạo tạo :

* những giáo chức trung cấp để mở rộng mạng lưới giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và,

* những cán bộ chuyên môn với những kiến thức về khoa học và kỹ thuật nông nghiệp để gia tăng tiềm năng sản xuất của đồng bằng sông Cửu Long.

Để thực hiện kế hoạch trên GS Viện Trưởng Nguyễn Duy Xuân đã cải cách và nâng cấp trường Cao đẳng Nông Nghiệp thành phân khoa Đại học Nông Nghiệp. Đây là lần đầu tiên ở VN một trường Chuyên Nghiệp đào tạo Kỹ sư biến thành một phân khoa Nông Nghiệp của Đại học VN. Sự cải tổ này tạo nên mối hợp tác chặt chẻ giửa các phân khoa, gia tăng hiệu năng giảng dạy và Viện Đại học Cần Thơ phát huy được chương trình giáo dục cao cấp toàn diện, chú trọng đặc biệt đến sự phát triển tài nguyên và văn hoá miền Tây Nam Phần Việt Nam.

GS TS Nguyễn Duy Xuân đã đóng góp, tạo dựng nền móng tốt đẹp này, và từ đó Viện Đại Học Cần Thơ tiếp tục phát triển sau 1975 (tuy nhiên có phần đình trệ trong khoảng thời gian giửa 1975-1986) để ngày nay trở thành một Viện Đại Học có uy tín nhứt ở Việt Nam.

Trong những ngày cuối cùng của nền Đệ Nhị Cộng Hoà, GS Nguyễn Duy Xuân tham gia Nội Các Nguyễn Bá Cẩn ở chức vụ Tổng Trưởng Văn Hoá Giáo Dục.

Sau ngày mất nước 30/04/1975, GS Tiến sĩ Nguyễn Duy Xuân cũng như hằng triệu quân cán chánh phục vụ cho chế độ tự do miền Nam phải trải qua thời gian “học tập cải tạo”, đi trình diện học tập, nhưng chua xót thay, GS không có ngày trở lại sum họp gia đình, cơ hội phục vụ tổ quốc với khả năng chuyên môn kinh tế, tài chánh, giáo dục.

GS Nguyễn duy Xuân vĩnh viễn ra đi trong trại tù Hà -Nam-Ninh ngày 10/11/1986.

Cái chết của GS TS Nguyễn Duy Xuân trong ngục tù cải tạo là một đớn đau của gia đình GS, đồng môn PTG và đồng hương Cần Thơ, nói lên những sai lầm to lớn của chánh sách học tập cải tạo:

Một chủ trương chỉ gây thêm niềm đau cho một dân tộc, vốn đã gánh chịu vô vàng khổ đau gây nên bởi cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn và là một sự hoang phí nhân tài của đất nước,những người có thể đóng góp vô tận trong công cuộc tái thiết xứ sở thời hậu chiến.

Bà Nguyễn Duy Xuân qua đời ở Pháp cách đây hơn một năm nên việc sưu tầm tài liệu về GS Nguyên Duy Xuân có phần khó khăn.

Ban biên tập Đặc san Hội Ái hữu Trường PTG-ĐTĐ & ĐH Cần Thơ thành thật cám ơn GS TS Nguyễn Viết Trương, Ông Nguyễn Viết Trương và Bà Nguyễn Văn Kỳ Trân, người em chú bác của GS Nguyễn Duy Xuân, cung cấp một số chi tiết về GS Xuân.

Hy vọng trong tương lai chúng tôi có thể liên lạc được với hai ái nữ của GS- Cô Nga và Cô Tâm – hiện sống ở Pháp để thu thập thêm tài liệu về GS Nguyễn Duy Xuân, để chúng ta hiểu biết nhiều hơn về sự nghiệp giáo dục và những đóng góp của GS trong lãnh vực Kinh tế, Tài chánh dành cho quê hương Việt Nam và sau cùng để chúng ta tưởng nhớ và yêu quý nhiều hơn một đồng môn Phan Thanh Giản, một con dân của xứ sở Cần Thơ.

For more @ https://www.luatkhoasanjose.com


Viện Đại Học Đà Lạt Việt Nam

Source @ Hội Cựu Sinh Viên Viện Đại Học Đà Lạt Việt Nam Tự Do

Văn Kiện Pháp Lý Của Viện Đại Học Đà Lạt

Viện Đại Học Dalat  1957
Viện Đại Học Dalat 1957

Viện Đại Học Dalat (VĐD) là một tổ chức tư nhân thuộc quyền sở hữu của Hội Đại Học Dalat (HĐĐ) mà hội viên là các Đức Cha cai quản các giáo phận từ vĩ tuyến 17 trở xuống.

HĐĐ được phép hoạt động do Nghị Định số 67/BNV/NA/P5 ngày 8-8-1957. Hai năm sau, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa ký Sắc lệnh số 232/NV ngày 9-9-1959 công nhận HĐĐ là một tổ chức pháp nhân và là một hội có tính cách công ích.

Bằng Sắc lệnh số 190/GD ký ngày 28-8-1961, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa ban quyền cho VĐĐ do HĐĐ thành lập năm 1957 được phép cấp phát các văn bằng bậc đại học. Thi hành sắc lệnh trên đây, Bộ Giáo Dục ra Nghị Định số 1206/GD/PC/NĐ ngày 4-9-1961 ấn định việc giảng dạy và tổ chức thi cử hằng năm để chính thức công nhận quyền của VĐĐ được cấp phát các văn bằng bậc đại học một cách thực thụ.

Ngày 13-8-1964, bằng Nghị Định số 1433/GD/PC/NĐ, Bộ Giáo Dục cho phép VĐĐ được mở thêm một phân khoa mang tên là Trường Kinh Tế và Quản Trị Xí Nghiệp. Ngày 18-1-1965, bằng Nghị Định số 72/GD/HV/NĐ, Bộ Giáo Dục chấp thuận cho Trường Kinh Tế và Quản Trị Xí Nghiệp được cải danh thành Trường Chánh Trị Kinh Doanh (TCK).

Ghi chú: TCK là tên tắt của Trường Chánh Trị Kinh Doanh, chứ không phải Trường Chính Trị Kinh Doanh.

© GS Trần Long

Dai hoc Dalat
Dai hoc Dalat, Photo @ wikipedia


Viện Đại Học Hòa Hảo

Source @ Viện Đại Học Hòa Hảo

Một thực hiện đáng kể khác là Viện Đại Học Hòa Hảo thành lập năm 1970, tại Long Xuyên, do sáng kiến và nỗ lực vận động thực hiện của ông Lê Phước Sang, một thanh niên tiến bộ Phật Giáo Hòa Hảo. Trong thời gian du học tại Hoa Kỳ (Trường Cao học về Bang giao Quốc tế — University of Pittsburg Graduate School of Public and International Affairs) ông nhận định mối liên hệ nhân quả giữa trình độ giáo dục của một quốc gia với trình độ phát triển của quốc gia đó, cho nên nãy ra ý định thiết lập Viện Đại Học Hoà Hảo để giúp khối nông dân miền Tây nâng cao trình độ, thoát ra khỏi tình trạng giáo dục thường xảy ra trong các xã hội chậm tiến: chỉ có thiểu số thị dân được cơ hội thăng tiến trong khi đại khối nông dân trì trệ trong trình độ giáo dục hậu tiến.

Đó cũng là thực trạng xã hội Việt Nam. Hệ thống giáo dục phổ thông cấp trung học được phát triển, từ tình trạng giới hạn ở tỉnh lÿ đã lan rộng xuống các quận lÿ trong thập niên 1960. Nhưng hệ thống đại học chưa phát triển đủ để đáp ứng nhu cầu của sự gia tăng sĩ số và của mục tiêu nâng cao trình độ kiến thức dân chúng trong một quốc gia đang phát triển ở cuối thế kỷ 20. Lúc đó các đại học tập trung ở Sàigòn, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ. Cố nhiên người thanh niên Phật Giáo Hòa Hảo có quyền đến học ở bất cứ đại học nào, nhưng sự hiện diện một trường đại học Hòa Hảo tất nhiên có tác dụng kích thích đặc biệt cho lớp trẻ tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, số tín đồ bước vào đại học sẽ gia tăng, số cán bộ được đào tạo sẽ tăng gia, và trình độ kiến thức nói chung của khối nông dân này sẽ tăng lên, để sau một thời gian nào đó, sẽ bắt kịp mức tiến bộ chung của các tầng lớp dân chúng khác trong xã hội.

Cứ nhìn vào hệ thống giáo dục Trung học, Đại học, hệ thống Tiểu chủng viện, Đại chủng viện của tổ chức Thiên Chúa Giáo tại Việt Nam, ta thấy rằng giáo dục đã đào tạo cho tôn giáo này một số cán bộ có trình độ cao hơn cán bộ các tôn giáo khác, và nhiều hơn cả về số lượng. Giáo dục cấp đại học cũng còn là một phương tiện có khả năng đưa tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo từ bình diện địa phương lên bình diện quốc gia và quốc tế, như quan niệm của ông Lê Phước Sang: “Chiếc phản lực cơ Phật Giáo Hoà Hảo chưa hề có dịp cất cánh, có thể một ngày nào đó cất cánh bay lên không gian, phát huy khả năng và tiềm lực…”
Mục đích của Viện Đại Học Hòa Hảo được ghi nhận như sau:

1. Đào tạo chuyên viên và cán bộ lãnh đạo các ngành thiết yếu để góp phần xây dựng phát triển miền Tây, phát huy tiềm năng phục vụ quốc gia và xã hội của khối nông dân Phật Giáo Hoà Hảo.

2. Làm cho khối chuyên viên cán bộ do Viện Đại Học Hoà Hảo Sản xuất được thấm nhuần tinh thần yêu nước và trách nhiệm phục vụ, xuyên qua việc giảng dạy giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo như một môn học bắt buộc.

3. Làm cho khối chuyên viên cán bộ do Viện Đại Học Hòa Hảo Sản xuất có khả năng nói và viết ngoại ngữ để có thể hấp thụ các kiến thức của nền văn minh Tây Phương, và có căn bản sinh ngữ để tiến lên những bình diện kiến thức cao hơn sau khi ra trường. Vì thế môn học ngoại ngữ được đặc biệt chú ý, học rất nhiều giờ, và là một môn học bắt buộc, sinh viên không đạt đủ điểm tối thiểu không được tốt nghiệp.

Theo các mục đích nêu trên, Viện Đại Học Hòa Hảo nhằm đạo tào lớp chuyên viên và cán bộ lãnh đạo, có kiến thức, nhưng phải có thêm đạo đức và tinh thần yêu nước. Ngoại ngữ được xem là một nấc thang để lớp người này thâu nhận thêm kiến thức văn minh tiến bộ, hòa hợp với văn minh đạo học truyền thống để xây dựng một xã hội Việt Nam tiến bộ tự do nhưng công bằng nhân đạo theo chủ hướng giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo.

Viện Đại Học Hòa Hảo, ngoài các mục tiêu thông thường của các cơ sở giáo dục cao cấp, còn có mục tiêu đặc thù là thể hiện giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo trong sự giáo dục con người, đào tạo mẫu người mới có kiến thức, nhưng phải có thêm đạo đức.

Khai giảng niên khóa đầu tiên vào giữa năm 1970 trong một trường sở tạm là trung tâm sinh hoạt cộng đồng tỉnh An Giang, Viện Đại Học Hòa Hảo sau dời về cơ sở quy mô trên mé sông Hậu Giang, gần cầu Bắc Vàm Cống tỉnh Long Xuyên, được kiến tạo trong thời gian kỷ lục với nỗ lực tự nguyện của Giáo Hội và tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Hoa Kỳ có giúp đỡ bằng cách cho xáng múc và thổi đất từ lòng sông lên làm nền xây cất khuôn viên Đại Học.

Chương trình học gồm có:

— Phân khoa Thương mại Ngân hàng
— Phân khoa Khoa học Quản trị
— Phân khoa Giao dịch và Bang giao Quốc tế
— Phân khoa Nông nghiệp
— Phân khoa Văn khoa và Sư phạm
— Trung tâm Sinh ngữ
— Phân khoa Đông y

Ban giảng huấn gồm các giáo sư đại học do Viện Đại Học Hòa Hảo mời và một số giáo sư của hai viện Đại Học Saigon, Cần Thơ. Hội Đồng Trị Sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo bảo trợ Viện Đại Học này, ngoài ra còn có nhiều nhân vật có vị thế trong bộ máy chánh quyền lúc đó. Tại các quốc gia Hoa Kỳ, Pháp, Nhựt, Trung Hoa Dân Quốc, Đại Hàn, Tây Đức, có các chi bộ bảo trợ Viện Đại Học Hòa Hảo, tạo thành tiềm lực phát triển của Viện Đại Học này.

Tháng 3-1975, lễ phát bằng cử nhân đầu tiên của Viện Đại Học Hòa Hảo được cử hành, với hơn 500 sinh viên tốt nghiệp ở mọi phân khoa. Số sinh viên tốt nghiệp này được xem là các cán bộ đầu tiên cung cấp bởi Viện Đại học Hòa Hảo cho guồng máy sinh hoạt công quyền và khu vực tư nhân các ngành, đặc biệt tại các tỉnh miền Tây. (*)


Viện Đại Học Cao Đài

Source @ Viện Đại Học Cao Đài


A- Lịch sử:

    1. Tổng quát về Viện Đại Học Cao Đài

Từ năm 1971 Viện Đại Học Cao Đài (tạm đặt trường sở tại nhà Hội Vạn Linh) đã lập đầy đủ để xin khai giảng. Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu trù trừ không cấp giấy phép vì người đứng tên Viện trưởng là Tiến sĩ Nguyễn Văn Lộc, Bảo Học Quân HTĐ vốn là cựu Thủ tướng đối nghịch.

Việc tuyển sinh phải hoãn đi hoãn lại nhiều lần. Mãi đến ngày 24/11/1971 Hội Đồng Quản Trị Viện Đại Học Cao Đài mới được Bộ Giáo Dục cấp giấy phép số 7999/GD/VP đề ngày 29/9/1971 bổ túc giấy phép số 9335/GD cấp ngày 24/11/1971 mà vị quyền viện trưởng chưa có bằng cử nhân, nhằm mua chuộc cử tri theo Đạo Cao Đài trong kỳ bầu cử Tổng thống vào ngày 03/10/1971.

Vị Thời Quân Khai Đạo, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị đã trấn tỉnh như sau, nhân ngày bác sĩ Lê Văn Hoạch, Bảo Sanh Quân HTĐ nhận chức viện trưởng :

“ Suốt gần hai niên khoá 1971 – 1972 và 1972-1973 với tư cách quyền viện trưởng tôi xin xác nhận thành quả tốt đẹp của viện, một phần lớn công do luật sư Nguyễn Văn Lộc, Bảo Học Quân, nhị vị khoa trưởng là tiến sĩ Lê Trọng Vinh và kỹ sư Đoàn Minh Quang đảm nhiệm điều hành giảng huấn ….

Song song với việc điều hành viện. Hội Đồng Quản Trị chúng tôi đặt nặng trọng tâm xúc tiến công tác xây cất viện trên phần đất 7 mẫu do cố Hộ Pháp đã chỉ định tại Chợ Long Hoa. Hội Đồng Quản Trị bằng mọi cách phải hoàn thành việc xây cất khu C để đưa một số sinh viên về học trong niên khoá 1973-1974. Với ngân khoản 400.000.000 dự trù xây cất Viện đại học Cao Đài, Hội Đồng Quản Trị tin tưởng vào .sự bảo trợ của Hội Thánh, sự yểm trợ của chính quyền và lòng hảo tâm của chư tín hữu Cao Đài trên toàn quốc, nhất định Viện Đại Học Cao Đài sẽ được hoàn thành .

2. Việc xây cất Viện Đại Học Cao Đài

Khu đất có diện tích 7 mẫu 82 sào, khu xây viện chiếm 19.500 mét vuông, cửa chánh quay ra đường Ca Bảo Đạo, cửa phụ ở đường Phạm Ngọc Trấn. Khởi công xây cất ngày 9-1-Nhâm Tý (dl 23-2-1972).

Để kịp khai giảng năm học 1971-1972, Hội Thánh quyết định thiết kế nhà Hội Vạn Linh tạm làm Viện Đại Học Cao Đài

Ngày 30-9-1971, ông Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục lên Tòa Thánh Tây Ninh trao nghị định thành lập Viện Đại Học Cao Đài đủ tính chất pháp lý. Ông Tổng Trưởng nói rõ về việc thành lập trong giai đoạn đầu chỉ có 2 phân khoa : Nông Lâm Mục và Thần Học Cao Đài Giáo.

Ông Tổng Trưởng trao cho Hội Thánh giấy phép số 7999/GD/VP ngày 29-9-1971 của Bộ Giáo Dục, sau lập thêm phân khoa sư phạm gồm 2 ngành : Văn khoa và khoa học. Giấy phép bổ túc số 9335 /GD ngày 24-11-1971.

3. Thể lệ và học trình các phân khoa

I/ NHẬP HỌC :

1) Mỗi năm Viện sẽ tổ chức vào đầu niên khoá một kỳ thi tuyển để chọn các sinh viên nhập học năm thứ I các Phân khoa của Viện.

Kỳ thi tuyển đầu tiên được tổ chức tại Đạo Đức Học Đường (Toà Thánh-Tây Ninh) vào ngày 20-12-1971

2) Ứng viên phải hội đủ các điều kiện sau :

– Có bằng Tú tài II, hoặc văn bằng tương đương.

– Hợp lệ tình trạng quân dịch.

3) Sau khi có kết quả kỳ thi tuyển. Viện sẽ ấn định một thời hạn ghi danh. Chỉ có thí sinh trúng tuyển mới được ghi danh và chỉ được ghi danh trong thời gian hạn định.

Thí sinh không ghi danh coi như từ khước việc học ở Viện và sau thời hạn ghi danh, Viện sẽ không chấp nhận bất cứ sự khiếu nại nào.

4) Khi ghi danh sinh viên phải nộp đầy đủ những hồ sơ do Viện chỉ định, gồm có :

– Đơn xin ghi danh

– Bảnsao chứng chỉ Tú Tài II hoặc văn bằng tương đương có thị thực.

– Bản trích lục giấy khai sanh

– Biên nhận đóng lệ phí ghi danh

– Bốn (04) ảnh 4×6

5) Sinh viên dùng hồ sơ giả mạo, khi bị phát giác sẽ bị loại khỏi Viện và có thể bị truy bố trước Tòa án.


II/ HỌC TRÌNH CÁC PHÂN KHOA

A/ PHÂN KHOA NÔNG LÂM MỤC

1) Phân khoa Nông Lâm Mục gồm có hai cấp :

Cấp I : Học trình 2 năm : Sinh viên tốt nghiệp sẽ được cấp văn bằng Cán sự Nông Lâm Mục.

Cấp II : Học trình 4 năm : Các sinh viên có khả năng chuyên môn và có phương tiện tiếp tục thêm 2 năm, khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng kỹ sư Nông Lâm Mục với ghi chú ngành chuyên môn (Nông Khoa, Súc Khoa…).

a) Ở cấp I cũng như cấp II, cuối năm thứ hai và năm thứ tư, sinh viên phải đệ trình một tiểu luận, ít nhất 30 trang đánh máy về một đề tài đã được lựa chọn trước sự chấp thuận của một trong các Giáo sư đang phụ trách năm thứ 2 (hoặc năm thứ tư tuỳ trường hợp).

B/ PHÂN KHOA SƯ PHAM

1) Phân khoa sư phạm gồm 2 cấp :

Cấp I : Học trình 2 năm : Sinh viên tốt nghiệp sẽ được cấp văn bằng Cao Đẳng Sư Phạm có ghi chú ngành liên hệ và nhiệm ý lựa chọn.

Cấp II : Học trình 4 năm : Các sinh viên có khả năng chuyên môn, có phương tiện có thể tiếp tục học thêm 2 năm để lấy bằng Cử nhân Sư Phạm (Ban Văn Khoa hoặc Ban Khoa Học).

a) Ở cấp I, Viện đào tạo các Giáo sư Trung học Đệ Nhứt Cấp và ở cấp II Viện đào tạo các Giáo sư Trung Học Đệ Nhị Cấp

Chính học trình của Viện Đại Học Cao Đài là một sự mới lạ trong nền Đại Học Cao Đài là một sự mới lạ trong nền Đại Học Việt Nam vì chương trình học gồm có hai cấp bực.

Cấp bực thứ nhứt gồm 2 năm học đầu áp dụng tinh thần Đại Học Cộng Đồng (Private Junior College) được phát triển tại Hoa Kỳ và một số Quốc gia trên thế giới, nhằm đạo tạo cán bộ trung cấp với một chương trình Đại Học chuyên khoa ngắn hạn để có đủ kiến thức tổng quát và thực dụng về các ngành chuyên môn phù hợp với nhu cầu tại địa phương. Chương trình ngắn hạn này cũng có tác dụng đại chúng hoá nền Đại Học.

Như vậy, sau hai năm học, sinh viên tốt nghiệp có thể sử dụng được cấp bằng của mình trong các ngành liên hệ.

Tuy nhiên, Viện Đại Học Cao Đài không hạn chế chương trình học của sinh viên ngay ở cấp bực thứ nhứt, vì tiếp theo đó, sinh viên có khả năng và phương tiện còn có thể tiếp tục việc theo học ở cấp bực thứ hai theo như các Viện Đại Học thông thường của Quốc gia hay các tôn giáo bạn.

Nhưng ở cấp bực thứ hai tính cách chuyên khoa được tăng gia mạnh mẽ hơn nên sinh viên tốt nghiệp có khả năng chuyên môn tăng tiến hơn các Viện Đại Học theo lề lối phổ thông cổ điển.

III/ HỌC TẬP

1) Sinh viên theo học các Phân Khoa của Viện phải có mặt trong tất cả các giảng khoá, trừ trường hợp một số quân nhân công chức vì công vụ không thể chuyên cần được. Trường hợp này sinh viên nên lưu ý Ban Giám Đốc để được chỉ dẫn giúp đỡ về mặt học vụ.

( Giảng Khoá đầu tiên đã được khai giảng sau một buổi lễ cử hành dưới sự chủ toạ của Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức tại Viện ngày 28-12-1971)

2) Trong suốt học trình, ở mỗi cấp, sinh viên không được ở lại hơn một năm học.

3) Sinh viên vì những lý do chính đáng có thể gián đoạn việc học, nhưng chỉ được học lại với sự chấp thuận của ông Viện trưởng.

4) Thời gian tạm nghỉ học sẽ được coi như không ở lại lớp.

5) Mỗi năm nhà trường tổ chức 2 kỳ thi lên lớp :

– Kỳ I : Cho tất cả các thí sinh của Viện, có ghi tên dự thi.

– Kỳ II : Cho sinh viên thi hỏng kỳ I và những sinh viên bị bịnh hay vì lý do công vụ không dự thi khoá I

6) Chỉ những sinh viên có ghi danh và dự đủ số giờ thực tập mới được ghi danh dự thi.

7) Sinh viên được chấm đậu lên lớp đối với :

– Phân khoa Nông Lâm Mục có điểm số trung bình tổng quát là 12 điểm

– Phân khoa Sư Phạm có điểm số trung bình tổng quát là 10

Trong cả hai phân khoa, thí sinh có điểm một bài thi từ 05 trở xuống là sẽ bị điểm loại, thí sinh bị đánh rớt kỳ thi đó.

8) Thí sinh thi hỏng khoá I sẽ chỉ p hải thi lại những bài có điểm số dưới 12 đối với phân khoa Nông Lâm Mục và dưới 10 đối với Phân khoa Sư Phạm

9) Căn cứ vào kết quả kỳ thi cuối niên khoá năm thứ II (hoặc năm IV) sinh viên sẽ được xếp hạng :

10) Học phí ấn định cho niên khoá 1971-1972 là 10.000$. Các sinh viên được tuyển chọn qua kỳ thi tuyển phải thanh toán học phí cho trọn niên khoá một lần nội trong tuần lễ đầu khai giảng để làm thủ tục hồ sơ nhập học và xin hoãn dịch vì học vấn nếu có. Các thí sinh trúng tuyển không làm thủ tục nhập học và đóng tất cả học phí trong thời hạn do Viện ấn định được xem như tự ý bỏ học và mọi sự khiếu nại sẽ không được cứu xét.

11) Viện cũng chấp nhận một số bàng thính viên (auditeurs libres) là những người có hoặc không có cấp bằng Tú Tài toàn phần, nhưng có đủ khả năng cần thiết, đến tham dự các buổi giảng huấn trong các phân khoa của Viện để trau giồi thêm kiến thức riêng của mình.

Các bàng thính viên chỉ được vào giảng đường để dự thính mà thôi không được chấp nhận cho thi cử lên lớp hoặc lấy cấp bằng như các sinh viên của Viện và cũng không được cấp phát chứng chỉ gì.

12) Muốn được phép dự thính các buổi giảng huấn, các bàng thính viên phải xin ghi danh theo thể thức “bằng thính viên” và phải đóng choViện một khoản học phí là 5.000$ mỗi niên khoá.


IV/ QUYỀN LỢI.

1) Sinh viên của Viện Đại Học Cao Đài sẽ được quyền :

– Sử dụng thư viện và phòng đọc sách của Thư viện trong những ngày giờ do Thư viện ấn định.

– Sinh hoạt thể thao, văn nghệ, du ngoạn do Viện tổ chức.

* Sinh viên xuất sắc :

– Trong thời gian theo học có thể được miễn giảm học phí hoặc cấp học bổng, tiền học bổng sẽ do Hội Đồng Quản Trị qui định với sự đề nghị của Khoa Trưởng liên hệ.

( Hiện tại Viện chỉ miễn học phí cho một số con em Chức sắc và Đạo hữu không có khả năng tài chính và làm công quả cho Đạo).

– Sau khi tốt nghiệp sẽ được Viện giới thiệu vào làm việc tại các cơ sở công hoặc tư hay phụ trách giảng dạy tại các trường do Hội Thánh Cao Đài tạo lập và quản trị như Trung học Lê Văn Trung, Đạo Đức Học Đường …

Viện Đại Học Cao Đài
Viện Đại Học Cao Đài, (Photo luatkhoa.org)


Viện Đại học Minh Đức

Source: © Viện Đại học Minh Đức – wikipedia

Viện Đại học Minh Đức là viện đại học tư thục ở Gia Định, hoạt động từ năm 1972 đến năm 1975 dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa. Viện đại học này do Giáo hội Công giáo điều hành. Năm 1975, dưới chính quyền mới, Viện Đại học Minh Đức bị giải thể.

Tên của Viện Đại học Minh Đức được rút từ câu đầu trong sách Đại Học (một trong bốn sách gọi là Tứ thư của Nho giáo): Đại học chi đạo tại minh minh đức… (大學之道在明明德…), nghĩa là: Con đường Đại học cốt ở làm sáng đức sáng.

Tôn chỉ của Viện Đại học Minh Đức là Dân tộc, Hiện đại hóa, và Thực dụng.

Viện Đại học Minh Đức do Giáo sư Triết học của Viện Đại học Sài Gòn, linh mục Dòng Đa Minh Thiên Phong Bửu Dưỡng và Hội Minh Trí xây dựng từ tháng 9 năm 1970 với năm phân khoa: Kỹ thuật canh nông, Khoa học thực dụng, Kinh tế thương mại, Triết học, và Y khoa. Đây là viện đại học tư thục đầu tiên của Việt Nam có hai phân khoa Y và Kỹ thuật, trong đó chương trình học của phân khoa Y được kết hợp cả Đông y. Đến tháng 12 năm 1972 thì trường chính thức nhận được giấy phép hoạt động dưới tên Viện Đại học Minh Đức. Trường tọa lạc ở số 6 đường Hoàng Hoa Thám, Gia Định. Năm phân khoa đại học trước được tách ra thành:

Trường Đại học Kỹ thuật Canh nông

Trường Đại học Khoa học Kỹ thuật (phân khoa Khoa học thực dụng cũ)

Trường Đại học Kinh thương: 179-181 đường Trần Quốc Toản (sau 1975 là đường 3 Tháng Hai);

Trường Đại học Nhân văn Nghệ thuật (phân khoa Triết học cũ)

Trường Đại học Y khoa: số 2 đường Trần Hoàng Quân (tức đường Nguyễn Chí Thanh sau năm 1975).


Trường Đại Học Kinh Thương Minh Đức.

Source @ Trường Đại Học Kinh Thương Minh Đức

Đại Học Kinh Thương Minh Đức
Đại Học Kinh Thương Minh Đức. Photo @ kinhthuong.net

I. LỊCH SỬ

Trường Đại Học Kinh Thương Minh Đức được thành lập từ niên khóa 1970-1971 dưới danh hiệu Phân Khoa Kinh Tế Thương Mại . Từ đầu niên khóa 1973-1974, Trường đổi tên là Trường Đại Học Kinh Thương và đặt trụ sở riêng biệt tại số 179-181 Trần Quốc Toản, Saigon 10.

Trường khởi sự với một sĩ số khiêm tốn là 175 Sinh viên Cử Nhân I. Trong bốn năm hoạt động, Trường đã phải tận lực vượt những trở ngại nội bộ cũng như hoàn cảnh, từ sự thiếu thốn phương tiện của một đại học tân lập đến ảnh hưởng của những đợt nhập ngũ liên tiếp trong các năm 1971 và 1972. Tuy nhiên, với ý chí cương quyết, tài quản trị điều hành của Trường, sự nâng đỡ tuyệt đối của Tòa Viện Trưởng và sự kiên nhẫn của tập thể Sinh viên, Đại Học Kinh Thương Minh Đức đã bước những bước tiến rất nhanh nhưng vẫn chắc chắn. Vào niên khóa 1973-1974, sĩ số Trường Kinh Thương đã lên đến 1.000 Sinh viên. Trường hãnh diện và bận rộn sửa soạn tốt nghiệp cho Khóa I Kinh Thương với 70 Sinh viên tốt nghiệp văn bằng Cử Nhân vào hè 1974. Những phương pháp giảng dạy mới, những chương trình thực tập tại các Xí nghiệp công và tư, những cuộc du khảo, điều nghiên, chương trình tìm việc cho sinh viên tốt nghiệp v.v… đã đem đến những phê phán đầy khích lệ của giới chức hữu quyền, phụ huynh sinh viên và của cộng đồng đại học dành cho Đại Học Kinh Thương: “Một đại học tiến bộ và vững mạnh nhất“.

Màu xanh trời nhẹ nhàng đã trở thành quen thuộc với mọi người dưới một tên mới “Màu xanh Kinh Thương“. Cảm tình của cộng đồng dành cho sinh viên Kinh Thương cũng như niềm tin của các em vào sự dìu dắt của Trường đã đưa đến một kết luận chung là 75% Sinh viên cảm thấy “hãnh diện” hay “tự tin” khi có người biết mình là Sinh viên Minh Đức (Kết quả điều tra lấy ý kiến của toàn thể Sinh viên). Bước vào niên khóa 1974-1975, Trường Kinh Thương sẽ chứng kiến một năm phát triển nhất với các chương trình Cao Học, chương trính Cao Đẳng Chuyên Nghiệp mới, việc thiết lập Võ Đường Kinh Thương (Thái Cực Đạo), Tập San Kinh Thương, Tủ Sách Kinh Thương v.v… 


II. MỤC ĐÍCH – TÔN CHỈ – ĐƯỜNG LỐI


A. MỤC ĐÍCH

Giáo dục và Nghiên Cứu

1. Mục đích giáo dục của Trường Đại Học Kinh Thương là đào tạo một lớp chuyên viên vừa giỏi về kỹ thuật, vừa có một tinh thần phục vụ cao độ và lòng yêu nước thiết tha. Sinh viên tốt nghiệp Đại Học Kinh Thương sẽ là những con người toàn diện, vừa nắm vững chuyên môn vừa bảo đảm về đạo đức.

2. Song song với mục đích giáo dục, Trường Đại Học Kinh Thương cũng cố gắng thực hiện các công cuộc nghiên cứu về các vấn đề kinh tế, doanh thương và quản trị tại Việt Nam, đồng thời tìm hiểu những diễn biến liên hệ trên địa hạt quốc tế. Kết quả các công trình nghiên cứu này sẽ được phổ biến rộng rãi để đóng góp thực sự không chỉ trong phạm vi học đường mà còn cho quảng đại quần chúng. Như vậy, nghiên cứu chính là một gạch nối giữa đại học và cộng đồng.


B. TÔN CHỈ

Tôn chỉ của Trường Đại Học Kinh Thương là tôn chỉ của Viện Đại Học Minh Đức : Dân Tộc – Hiện Đại Hóa – Thực Dụng

1. Với tôn chỉ Dân Tộc, Trường Đại Học Kinh Thương đào tạo Sinh viên trên căn bản tinh thần dân tộc với chương trình giảng dạy cũng như nghiên cứu đều hướng về các sinh hoạt và doanh thương trong khung cảnh Việt Nam.

2. Với tôn chỉ Hiện Đại Hóa, Trường Đại Học Kinh Thương nghiên cứu và phối hợp các kiến thức về phát triển Kinh Tế, phát triển Quốc Gia, các kỹ thuật quản trị tân tiến của thế giới với giá trị dân tộc và khung cảnh Việt Nam để truyền bá cho Sinh viên và cống hiến cho cộng đồng.

3. Với tôn chỉ Thực Dụng, Trường không áp dụng lối học từ chương khoa cử mà giảng dạy những vấn đề thực dụng, cần ích cho Sinh viên ra đời làm việc và đóng góp.


C. ĐƯỜNG LỐI

Đường lối giáo dục của Đại Học Kinh Thương là Hội Nhập, Thực Tế và Khai Phóng 

1. Với đường lối Hội Nhập, Trường Đại Học Kinh Thương đặt nặng đường lối giáo dục trên khía cạnh chuyên môn nhưng không tách rời chuyên môn ra khỏi bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội và chính trị quốc gia. Phương pháp xuyên khoa (Multidisciplinary Approach) là cơ hội để thực thi chủ trương hội nhập.

2. Với dường lối Thực Tế, Trường Đại Học Kinh Thương hướng dẫn Sinh viên tìm hiểu những vấn đề thực tế qua các nỗ lực quan sát, nghiên cứu, điều tra, phỏng vấn, hội luận để thâu thập dữ kiện và xử dụng các phương pháp phân tích khoa học để đi đến các kết luận, đề nghị hay biện pháp chính xác, khả thi.

3. Với dường lối Khai Phóng, Trường Đại Học Kinh Thương mở rộng cửa đón mọi ý kiến, luôn luôn thích nghi hóa để tiến bộ. Sinh viên được khuyến khích đặt vấn đề và thảo luận dưới sự hướng dẫn của Giáo sư để các Sinh viên có thể đóng góp tối đa trong việc học tập. “Tinh thần Tham dự” là phương châm để rèn luyện Sinh viên Kinh Thương trong lãnh vực học vấn cũng như sinh hoạt cộng đồng.


Viện Đại học Vạn Hạnh

Source: © Viện Đại học Vạn Hạnh – Wikipedia

Chùa Xá Lợi. Anh wikipedia
Chùa Xá Lợi wikipedia image

Chùa Xá Lợi, nơi đặt cơ sở đầu tiên của Viện Đại học Vạn Hạnh

Viện Đại học Vạn Hạnh là viện đại học tư thục ở Sài Gòn do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập vào năm 1964 dưới chính thể Việt Nam Cộng hoà. Đây là viện đại học tư thục Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1975, dưới chính quyền mới, Viện Đại học Vạn Hạnh bị giải thể. Một thành phần sau tổ chức lại thành Thiền viện Vạn Hạnh.

Theo lời của Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Phật giáo Việt Nam bắt đấu chấn hưng từ những năm 1920. Trong những thập niên sau đó, 1930, 1940…, lúc đó chưa một vị tu sĩ hay tín đồ Phật giáo Việt Nam nào hình dung Phật giáo Việt Nam sẽ mở một viện đại học đa ngành. Những vị tôn túc và cư sĩ tiên khởi Chấn hưng Phật giáo Việt Nam chỉ mới nói tới mục tiêu giáo dục cao đẳng Phật học cho tu sĩ Phật giáo, còn giáo dục hướng ra xã hội thì chỉ nghĩ đến những trường sơ học. Ý tưởng thành lập viện đại học đa ngành Phật giáo hình thành ngay trong những vị tôn túc lãnh đạo Phật giáo Việt Nam vào cuối những năm 1950, mặc dù hệ thống giáo dục trung học và tiểu học Phật giáo còn rất sơ khai.

Trước năm 1964, Sài Gòn có trường cao đẳng Phật học với tên Phật học Đường Nam Việt thuộc chùa Ấn Quang. Sau cuộc chính biến 1963 và sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, chủ trương đào tạo nhân sự và đưa Phật giáo vào cuộc sống thường nhật được Giáo hội xúc tiến qua việc xây dựng một cơ sở giáo dục bậc đại học. Với nỗ lực đó, Viện Đại học Vạn Hạnh được thành lập với hai mục tiêu: xây dựng nhà giáo dục… làm sống dậy lòng tin cho tuổi trẻ… với châm ngôn Duy Tuệ Thị Nghiệp, tức là mọi hoạt động của cơ sở giáo dục này cốt để phát triển trí tuệ. Viện đại học chọn mang tên thiền sư Vạn Hạnh, vị danh tăng Việt Nam thời nhà Lý. Một trong những người sáng lập viện đại học này là Thiền sư Thích Nhất Hạnh, các ông Hồ Hữu Tường – Phó Viện trưởng, Đoàn Viết Hoạt – phụ tá Viện trưởng.

Viện Đại học Vạn Hạnh được Bộ Giáo dục Việt Nam Cộng hòa cấp giấy phép ngày 17 tháng Mười năm 1964, với Thượng tọa Thích Minh Châu làm viện trưởng và Thượng tọa Thích Mãn Giác làm phó viện trưởng. Sĩ số tăng dần mỗi năm.

Sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ, Viện Đại học Vạn Hạnh vẫn thuộc quyền quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nhưng nhiều nhân sự bị bắt giam như Tuệ Sĩ, Lê Mạnh Thát, Thích nữ Trí Hải.

Năm 1981 khi các tổ chức Phật giáo hợp nhất thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện Đại học Vạn Hạnh thuộc quyền quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Không lâu sau đó, Giáo hội chỉ còn quản lý Thiền viện Vạn Hạnh; các khoa còn lại chuyển giao cho Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Thiền viện Vạn Hạnh và Thiền viện Quảng Đức hiện nay là hai cơ sở giáo dục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại miền Nam.

Viện Đại học Vạn Hạnh nguyên thủy đặt cơ sở ở chùa Xá Lợi và chùa Pháp Hội nhưng đến năm 1966 thì chuyển sang địa điểm xây mới cất ở số 222 đường Trương Minh Giảng (sau năm 1975 có tên là đường Lê Văn Sĩ), Quận 3, Sài Gòn. Cũng năm đó mở Trung tâm Ngôn ngữ trực thuộc viện đại học, gồm bốn ban: Ban Anh ngữ, Ban Pháp ngữ, Ban Đức ngữ và Ban Nhật ngữ.

Niên khóa đầu tiên khai giảng vào năm 1964-1965 có hai phân khoa đại học: Phật học và Văn học & Nhân văn với 696 sinh viên ghi danh. Năm 1967 thêm phân khoa Khoa học Xã hội. Phân khoa Văn học và Khoa học nhân văn gồm có 7 Ban như: Ban Văn học Việt Nam, Ban Đông phương, Ban Triết học, Ban Tâm lý học và thực nghiệm, Ban Sử Địa, Ban Văn học Anh Mỹ và Ban Báo chí học. Phân khoa Khoa học xã hội, gồm có 5 Ban: Ban Xã hội học, Ban Chánh trị học, Ban Kinh tế học, Ban Thương mại học và Ban Nhân chủng học. Năm 1970 lại thêm phân khoa Giáo dục. Năm 1973 thì thêm phân khoa thứ năm: Khoa học Ứng dụng. Phân khoa này có cơ sở riêng tọa lạc ở Phú Nhuận, Gia Định. Số lượng sinh viên năm 1973 là 3.661 sinh viên.

Thư viện của viện đại học có hơn 25.000 đầu sách, chia thành phân bộ Phật học và Thế học. Ngoài văn tịch tiếng Việt, thư viện còn có nhiều kinh sách tiếng Bắc Phạn, Nam Phạn, Hoa, Nhật, Anh, Pháp, Đức trong đó nhiều bộ kinh Phật giáo.

Viện còn cho thành lập các câu lạc bộ trực thuộc viện như: Câu lạc bộ thiền tập, võ thuật, âm nhạc, thi ca, thư quán Vạn Hạnh, v.v… để sinh viên có cơ hội học hỏi, giao lưu, phát triển thể chất lẫn tinh thần.

Một thành tựu đáng kể là việc thành lập Ban Tu thư Viện Đại học Vạn Hạnh với nhiệm vụ san định sách cổ và chuyển ngữ các ấn phẩm ngoại ngữ về Phật giáo. Một số tác phẩm giá trị được in ra như Khương Tăng Hội toàn tậpLục Độ Tập Kinh và lịch sử khởi nguyên dân tộc ta của Trí Siêu Lê Mạnh Thát; Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận do Thích Quảng Độ dịch; Tư tưởng Phật học của Thích Nữ Trí Hải; Câu chuyện triết học do Bửu Đích dịch và Thắng pháp tập yếu luận do Thích Minh Châu soạn.

Viện Đại học Vạn Hạnh còn cho xuất bản tạp chí nghiên cứu Tư tưởng, với trọng tâm là các đề tài Phật học, triết học, văn hóa, và giáo dục. Tạp chí này có mặt từ năm 1967 đến năm 1975 thì đình bản.

Theo Tiến sĩ Lê Mạnh Thát, từ năm 2001 đã có dự án tái lập Viện Đại học Vạn Hạnh. Theo dự định Viện Đại học Vạn Hạnh sẽ có 10 phân khoa đại học: Phật học, Văn khoa, Luật khoa, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội, Kỹ thuật, Y Dược, Nông nghiệp, Kiến trúc, và Giáo dục. Sự mong muốn đó không thành.

Tính đến năm 2019 cơ sở được giấy phép hoạt động là Học viện Phật giáo Việt Nam.

  • Hồ Hữu Tường: Phó Viện trưởng Viện Đại học
  • Thích Minh Châu: Viện trưởng
  • Thích Nhất Hạnh
  • Đoàn Viết Hoạt: phụ tá Viện trưởng Viện Đại học
  • Minh Đức Hoài Trinh: giảng viên


Trường đại học cộng đồng trước năm 1975

Source: © Trường đại học cộng đồng trước năm 1975 – wikipedia

Trường Ðại Học Cộng Ðồng Ðịa Phương chỉ huấn luyện về chuyên môn và thực dụng, học trình 2 năm.

Cho tới năm 1975, VNCH có 5 trường:

– Ðại Học Cộng Ðồng Quãng Ðà
– Ðại Học Cộng Ðồng Nha Trang
– Ðại Học Cộng Ðồng Tiền Giang Mỹ Tho
– Ðại Học Cộng Ðồng Long Hồ Vĩnh Long
– Ðại Học Cộng Ðồng Ban Mê Thuột, mới có quyết định.

Trong thập niên 1960 và 1970, lúc hội nghị hòa bình diễn ra ở Paris, Việt Nam Cộng hòa ráo riết lên kế hoạch tái thiết hậu chiến, với viễn cảnh là hòa bình sẽ lập lại ở Việt Nam, một chính phủ liên hiệp sẽ được thành lập, người lính từ các bên trở về cần được đào tạo để tái hòa nhập vào xã hội. Trong khuôn khổ kế hoạch đó, có hai mô hình cơ sở giáo dục đại học mới và mang tính thực tiễn được hình thành: trường đại học cộng đồng và viện đại học bách khoa.

Trường đại học cộng đồng là một cơ sở giáo dục đại học sơ cấp và đa ngành. Sinh viên học ở đây để chuyển tiếp lên học ở các viện đại học lớn, hoặc mở mang kiến thức, hoặc học nghề để ra làm việc. Các trường đại học cộng đồng được thành lập với sự tham gia đóng góp, xây dựng, và quản trị của địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ở địa phương trong các mặt văn hóa, xã hội, và kinh tế. Khởi điểm của mô hình giáo dục này là một nghiên cứu của ông Đỗ Bá Khê tiến hành vào năm 1969 mà các kết quả sau đó được đưa vào một luận án tiến sĩ trình ở Viện Đại học Nam California vào năm 1970 với tựa đề The Community College Concept: A Study of its Relevance to Postwar Reconstruction in Vietnam (Khái niệm trường đại học cộng đồng: Nghiên cứu sự phù hợp của nó với công cuộc tái thiết hậu chiến ở Việt Nam).

Công trình nghiên cứu của ông Đỗ Bá Khê được sự ủng hộ của chính phủ Việt Nam Cộng hòa, nhất là Bộ Giáo dục. Vì quan niệm trường đại học cộng đồng quá mới mẻ vào lúc đó, nên mô hình giáo dục này đã được phổ biến rộng rãi qua báo chí, hệ thống truyền thông, và giải thích cặn kẽ tại thủ đô Sài Gòn trong những cuộc hội thảo ở Học viện Quốc gia Hành chánh, Trường Cao đẳng Quốc phòng, Hội Việt-Mỹ, v.v…, cũng như qua những phiên triều trần tại Quốc hội và những buổi nói chuyện ở các địa phương.

Cơ sở đầu tiên được hình thành là Trường Đại học Cộng đồng Tiền Giang (1971) ở Định Tường, sau khi mô hình giáo dục mới này được mang đi trình bày sâu rộng trong dân chúng; trường này đặt trọng tâm vào nông nghiệp. Các trường đại học cộng đồng khác gồm có: Duyên Hải ở Nha Trang đặt trọng tâm vào ngư nghiệp, Quảng Đà ở Đà Nẵng (1974), và Long Hồ ở Vĩnh Long. Riêng Trường Long Hồ còn đang dang dở chưa hoàn tất thì chính thể Việt Nam Cộng hòa bị giải tán. Ở Sài Gòn thì có Trường Đại học Sơ cấp Kỹ thuật Sài Gòn, tiền thân là Trường Cán sự Kỹ thuật Phú Thọ nay tách ra khỏi khối các trường kỹ sư và hưởng quy chế trường đại học cộng đồng, và Trường Đại học Regina Pacis (khai giảng vào năm 1973) dành riêng cho nữ sinh do Công giáo thành lập, và theo triết lý đại học cộng đồng.

Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, các trường đại học cộng đồng bị giải tán vì bị xem là xa lạ với những lý tưởng giáo dục của chế độ mới, vốn theo khuôn mẫu của Liên Xô. Các trường này còn bị coi là quá gần gũi với Hoa Kỳ.

Triết lý và khái niệm trường đại học cộng đồng

Trường đại học cộng đồng là cơ sở giáo dục nằm ngay trong lòng cộng đồng và nhằm phục vụ nhu cầu địa phương để phát triển cộng đồng về ba phương diện: văn hóa, xã hội, và kinh tế. Mô hình giáo dục này được tạo ra dựa trên quan niệm rằng giáo dục phải liên hệ với kinh tế và xã hội, để xã hội và kinh tế giúp giáo dục phát triển. Chương trình giảng dạy tại địa phương phải có sự tham gia của đại diện nhân dân để khảo sát nhu cầu của địa phương, có sự góp ý của nhân dân để chương trình học được thiết thực.

Một trường đại học cộng đồng có các tác dụng chính yếu sau:

  1. Giáo dục chuyển tiếp: Chương trình học chuyển tiếp giống hệt chương trình hai năm đầu ở các viện đại học và trường đại học khác. Sau khi hoàn thành chương trình này, sinh viên có thể ghi tên theo học lên cao hơn ở các cơ sở giáo dục đại học khác.
  2. Giáo dục chuyên nghiệp: Chương trình học chuyên nghiệp trong những ngành nghề thiết thực có liên hệ trực tiếp với nền kinh tế của cộng đồng địa phương.
  3. Giáo dục phổ thông: Chương trình học phổ thông, bắt buộc cho cả sinh viên chuyển tiếp lẫn sinh viên thực nghiệp, cung cấp giáo dục tổng quát và mang tính cách toàn diện.
  4. Giáo dục bổ túc: Chương trình học bổ túc dành cho những sinh viên ở ngưỡng cửa đại học nhưng còn thiếu căn bản, và đặc biệt cho những quân nhân sẽ giải ngũ khi hòa bình lập lại, những người vì chiến tranh mà đã bỏ dở việc học và cần được cập nhật và bổ túc kiến thức để có thể tiếp tục học và tái hòa nhập đời sống dân sự.
  5. Giáo dục tráng niên: Những khóa học ngoài giờ làm việc dành những người đã lớn tuổi mong muốn trau dồi kiến thức hay học thêm những kiến thức chuyên môn mới.
  6. Hướng dẫn và cố vấn: Trường có ban hướng dẫn và cố vấn giúp sinh viên chọn ngành, chọn lớp, hướng dẫn học tập, và định hướng nghề nghiệp.
  7. Phụng sự cộng đồng: Trường đại học cộng đồng không chỉ là nơi để sinh viên đến học mà còn là một trung tâm cộng đồng, nơi tất các tầng lớp dân chúng trong cộng đồng có cơ hội gặp gỡ và tham gia hoạt động trong bầu không khí cởi mở và dân chủ. Trường sẽ tổ chức những buổi diễn thuyết, triển lãm, trình diễn văn nghệ, thi đấu thể thao, và những hoạt động phục vụ cộng đồng khác.

Related Subjects:


Tiến sĩ Nông học Nguyễn Viết Trương & Monto Vetiver Grass

Source: © https://tuoitre.vn

Một trong những nhà khoa học VN đóng góp vào công cuộc bảo vệ môi sinh ở Úc cũng như tại nhiều quốc gia khác là GS-TS Nguyễn Viết Trương.

GS chính là người đã dày công nghiên cứu những đặc tính của giống cỏ vetiver để sử dụng vào việc chống xâm thực và ô nhiễm.

GS Nguyễn Viết Trương du học Úc vào cuối năm 1959, tại ĐH Queensland. Năm 1968 ông đậu bằng Tiến sĩ nông học. Sau đó, TS Trương về nước, làm Khoa trưởng Khoa Nông nghiệp ĐH Cần Thơ. Sau năm 1975, ông trở lại Úc, giảng dạy tại ĐH Queensland.

GS-TS Nguyễn Viết Trương từng được Liên Hiệp Quốc tặng thưởng về công trình nghiên cứu chống xói mòn đất đai, được ghi danh trong cuốn “Danh Nhân Đông Nam Á”, từng phụ trách chương trình ứng dụng thực vật để chống xói mòn đất đai cho tiểu bang Queensland. Ông từng là đại diện của Queensland trong Hội đồng Quốc gia Úc về nghiên cứu triển khai các phương thức tái tạo cây cỏ trong vùng đất mặn.

Năm 1989, GS Nguyễn Viết Trương bắt tay vào công trình nghiên cứu cỏ vetiver. Theo GS, thì vetiver là một loại cỏ đa năng đa dụng đáng được khai thác mặc dù nó không phải là giống cỏ bản xứ của Úc. Hiện nay, GS Trương đã trở thành một chuyên gia quốc tế lỗi lạc về ứng dụng cỏ vetiver để chống xâm thực và ô nhiễm trên thế giới.

Cỏ vetiver thuộc họ Graminaea, tên khoa học Vetiveria zizanioides L.. Loài cỏ này trong những năm gần đây đã phát triển mạnh mẽ vì lợi ích to lớn của chúng là chống xói mòn do bộ rễ phát triển mạnh, thành chùm đan xen trong đất và có thể chịu được lực bằng 1/6 lần so với chịu lực của bê-tông (75 Mpa) (Mekonnen, 2000).Hơn nữa, bộ rễ của loài cỏ này ăn sâu trong đất, 3 mét sâu trong một năm đầu. Do đó, trồng loài cỏ này được xem như xây dựng một hàng rào bê tông sinh học chống lại xói mòn và bảo vệ đất đai.Ở đồng bằng sông Cửu Long, dựa vào đặc tính thực vật, có thể sử dụng cỏ vetiver vào việc phòng chống sạt lở bờ sông, đê điều… Theo Vietnam Vetiver Network

GS Nguyễn Viết Trương đã từng tư vấn cho châu Phi, Nam châu Âu, châu Mỹ, châu Á. Ngân hàng Thế Giới và tổ chức USAID của Hoa Kỳ cũng đề nghị ông sang châu Phi cố vấn cho chương trình trồng cỏ vetiver để lọc nước.

Từ năm 1989, GS Trương bắt đầu thử nghiệm cỏ vetiver cùng với một số loại cỏ khác. Trong hai năm nghiên cứu, ông thấy vetiver có những đặc tính mà cây cỏ bản xứ không có. Cỏ này có đặc điểm bộ rễ có khả năng hấp thụ cao các chất thải rắn, kim loại…

Hơn một năm, rễ của cây cỏ này có thể mọc dài 3m – 3,5m. Trong 3, 4 năm, rễ vetiver có thể đâm sâu đến 5m. Với đặc tính “bám đất” đó, rễ vetiver sẽ giúp đất không bị xói mòn. Cỏ vetiver có thể mọc trên hầu hết loại đất: đất sét, đất cát, đất phèn… Nếu trồng cỏ vetiver dọc theo bờ sông, nước lũ sẽ không thể cuốn trôi bờ đất được!

Ở Việt Nam, cỏ vetiver đang mở ra một triển vọng mới trong việc xử lý những vùng đất còn nhiễm chất độc hóa học dioxin tại nước ta. GS Nguyễn Viết Trương cũng đã từng về VN để tư vấn cho những dự án trồng cỏ vetiver tại một số khu vực ở trong nước.

GS Nguyễn Viết Trương cho biết: “Qua chương trình hợp tác quốc tế của Ngân hàng Thế giới, và một cơ quan phi chính phủ NGO, tôi có xin được một ngân khoản nho nhỏ. Tôi về đề nghị hợp tác với ĐH Cần Thơ để thực hiện chương trình trồng cỏ vetiver. Dự án này đã được xúc tiến hơn 3 năm nay, và kết quả rất là tốt”.

Một ứng dụng hữu hiệu khác là cỏ vetiver có công dụng bảo vệ kênh rạch và những bờ đê chống lũ dọc theo bờ đê An Giang. Hàng năm, lũ lụt thường làm lở đê ở An Giang, mà việc duy tu đê chống lũ lại rất tốn kém, nhờ trồng cỏ vetiver, An Giang đã tiết kiệm được khá nhiều tiền của trong việc bảo vệ đê điều.

Theo GS Nguyễn Viết Trương thì ông vừa nhận được tài liệu cho thấy, tại tỉnh An Giang, có một bờ đê dài 13,5 km. Năm nào con đê này cũng bị lở vì nước lũ. Năm ngoái, các kỹ sư trong vùng đã thử dùng vải ni-lông bọc bờ đê, nhưng nước lũ đã xé rách lớp ny-lông, bờ đê vẫn bị xói mòn.

Trong khi đó, họ thử trồng cỏ vetiver dọc theo một bờ đê khác. và bờ đê trồng cỏ vetiver đã không bị hề hấn gì. Thêm nữa, phương pháp bọc đê bằng ny-lông tốn kém tới 170.000 USD trong khi áp dụng phương pháp trồng cỏ vetiver thì chỉ mất có vài ngàn USD mà sẽ mang lại kết quả cho nhiều năm sau chứ không phải chỉ có một mùa lũ!

Thời gian qua, cùng với đoàn chuyên gia môi trường trong nước, GS Nguyễn Viết Trương – phụ trách mạng lưới cỏ vitiver khu vực châu Á – Thái Bình Dương và bà Elisabeth Caroline Maria Pinners, chuyên gia tư vấn nông nghiệp, Tổ chức VECO (Vương quốc Bỉ) đã phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường Thừa Thiên-Huế và UBND huyện A Lưới đi khảo sát thực địa tại khu vực sân bay A Sò, xã Đông Sơn (huyện A Lưới), một khu vực bị nhiễm chất độc hóa học dioxin nặng nhất tại Thừa Thiên-Huế, để triển khai việc trồng thử nghiệm cỏ vetiver tại đây.

Cỏ vetiver được trồng thành công ở huyện Củ Chi, TP.HCM

Hiện cỏ vetiver cũng đang được Bộ Giao thông vận tải VN ứng dụng trồng để chống sạt lở đường Hồ Chí Minh và mới đây BQL dự án Sông Hương cũng đã trồng để chống xói lở bờ sông ở khu vực kè Xước Dũ, xã Hương Hồ, Huyện Hương Trà.

GS Nguyễn Viết Trương không chỉ hợp tác với ĐH Cần Thơ, hai năm qua, ông đã giữ vai trò tư vấn cho Ausaid, tức Cơ quan Viện trợ Hải ngoại của Úc, trong một dự án chống xói mòn do lũ lụt cũng như chống hiện tượng nước mặn xâm nhập nội đồng tại Quảng Ngãi. Ngoài ra, ông còn nỗ lực quảng bá phương pháp trồng cỏ vetiver để chống xâm thực tại một số nơi khác từ Bắc vào Nam VN.

GS Nguyễn Viết Trương cho biết, ông cũng cộng tác với ĐH Quốc gia TP.HCM tại Thủ Đức để trồng cỏ vetiver ngăn chặn xâm thực ở Trung Nguyên. Một chương trình khác là trồng cỏ vetiver chống nước lũ xói mòn trên những đồi cát ở Quảng Bình, Quảng Ngãi, Đà Nẵng… Đến nay, những dự án này đã đem lại kết quả rất tốt. Hiện ông đang xúc tiến một chương trình toàn quốc, từ Hà Nội, sông Hồng vào đến miền Nam.

Với chương trình trừ khử tạp chất trong nước thải thì GS Trương đã dùng cỏ vetiver để giúp đỡ những trại chăn nuôi heo ở Hố Nai, Đồng Nai. Trước đây, những trại chăn nuôi này xả nước thải thẳng xuống sông Sài Gòn.

GS đã khuyến cáo họ nên trồng cỏ vetiver chung quanh bờ hồ chứa nước thải, làm những chiếc bè trồng cỏ vetiver. Kết quả rất tốt, cỏ vetiver đã hút đi các tạp chất độc hại nhiễm trong nước, ngoài ra người ta còn có thể cắt cỏ vetiver cho heo ăn!Ước mơ của GS Nguyễn Viết Trương hiện nay là làm sao để có thể giúp đỡ tối đa cho các dân tộc kém may mắn trên thế giới. Tuy hiện nay ông đã nghỉ hưu, không còn làm việc cho chính phủ Úc, nhưng ông vẫn làm công việc tư vấn cho các công ty Úc và phần lớn công việc của GS đều ở ngoài nước Úc.

Trước thực trạng đời sống của người dân các nước nghèo kém may mắn, GS nói: “Tôi chỉ mong ước làm sao có thể giúp họ một cách hiệu quả nhờ phương pháp trồng cỏ vetiver. Tôi thấy, nếu những nước châm tiến có đầy đủ phương tiện và được hướng dẫn thì trồng cỏ vetiver có thể là giải pháp cho những nước ấy. Bởi vì trồng cỏ vetiver là một phương pháp hữu hiệu, rất rẻ, và có thể không cần hóa chất hay máy móc gì cả”.

Nguồn: @ tuoitre.vn, December 12, 2005


Monto Vetiver Grass (Vetiveria zizanioides)


Scientific name:
Vetiveria zizanioides (L.) ‘Monto’
Common name(s):
Monto vetiver grass
Agriculture
19. Impact yield?Planted in hedges along contour lines to reduce erosion and water run-off increasing soil moisture content and maintaining soil fertility without competing with the crop this practice is believed to increase yields (National Research Council 1993).lmh
20. Impact quality?Planted in hedges along contour lines to reduce erosion and water run-off increasing soil moisture content and maintaining soil fertility without competing with the crop this practice is believed to increase yields (National Research Council 1993).lmh
21. Affect land value?May increase value as enables more productive use of the land.lm
22. Change land use?In Fiji it was used to limit erosion so that it was practical to cultivate sugar cane on slopes (National Research Council 1993).lm
23. Increase harvest costs?Is alternative to more expensive engineering practices for erosion control and potentially a better option (National Research Council 1993).lmh
24. Disease host/vector?Is related to other crop species such as maize and sorghum but reported to be generally pest and disease free except for some fungus’ which may attack the species during the wet season. (National Research Council 1993).lmh

Fore more @ http://vro.agriculture.vic.gov.au


Vetiver Growing Information

Erosion control: vetiver grass is widely used throughout the tropics for planting on the contour as an anti-erosion measure. When planted in single lines along the contour, hedges of vetiver are found to be very effective in soil and moisture conservation. The stiff stems of the thick hedge slow down the movement of run-off water and spread it out, trapping silt behind the hedge. This allows more water to be absorbed into the soil, thus reducing run-off and erosion as well as improving crop yields.
Perfume: the aromatic roots have been used since ancient times in India. The fragrant, insect-repelling roots yield oil, which is valuable in the perfume industry. Traditionally, these roots were woven into mats, fans and fragrant screens, while the tops of the grass were used for thatch, mulch, handicraft, fodder and animal bedding.

Fore more @ http://greenharvest.com.au


Chrysopogon zizanioides

Chrysopogon zizanioides, commonly known as vetiver, is a perennial bunchgrass of the family Poaceae, native to India.

vetiver grass - wiki-image
vetiver grass – wiki-image

Source: https://en.wikipedia.org/


Chuyên viên Việt Nam tại Phi Châu

© Tiến sĩ Trần Đăng Hồng

Nguồn: http://vietsciences.free.fr

Biến cố lịch sử 30/4/1975 làm khoảng hai triệu người Việt Nam phải lìa bỏ quê hương để tìm nơi sinh sống ở xứ người. Ngoài số lực lượng quân đội và an ninh của Miền Nam ở mọi cấp bậc từ tướng tá đến binh nhì, có lẽ có tới hàng vài trăm ngàn trí thức, chuyên viên đã từng đóng góp cho sự phồn thịnh của Miền Nam trước 1975. Họ là các nhà giáo, giáo sư, thương gia, kỹ nghệ gia, kinh tế gia, bác sĩ, dược sĩ, luật sư, kiến trúc sư, kỹ sư đủ các ngành nghề, v.v.  Họ được đào tạo trong một nền giáo dục nhân bản của thời Việt Nam Cộng Hòa hay trong thời Pháp thuộc, ở trong nước hay ở các nước tiền tiến Âu, Mỹ, Nhật, Úc. Tài năng họ được xử dụng theo “chuyên”, không theo màu sắc chính trị, hay theo đặc ân của giai cấp.

Chưa có một thống kê về con số chuyên viên đã trốn thoát khỏi Việt Nam sau 1975, nhưng thiết nghĩ là một số lượng rất lớn. Một cuộc thăm dò nhỏ do chính tác giả thực hiện trong số đồng môn tốt nghiệp Kỹ sư các ngành Canh Nông, Thú Y Chăn Nuôi, Thủy Lâm của trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn (sau đổi thành Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp, Viện Đại Học Nông Nghiệp, hiện nay  là Đại Học Nông Lâm), từ khóa 1 (tốt nghiệp năm 1962) cho tới khóa 5 (tốt nghiệp năm 1967), tức là những chuyên viên có thời gian đóng góp rất nhiều cho nền nông nghiệp VN, từng giữ những chức vụ then chốt từ cấp Giám Đốc ở các Nha Sở trung ương cho tới cấp Trưởng Ty ở tỉnh, v.v. trước 1975.

Chẳng hạn, khóa 3 (mà tác giả là một thành viên) tốt nghiệp năm 1964 với 43 kỹ sư, thì có 33 người ở nước ngoài (77%). Trong số 43 nguyên kỹ sư này có 3 tốt nghiệp MSc và 7 PhD không có ai ở trong nước sau 1975.

Tổng số kỹ sư của khóa 5 khi ra trường năm 1967 là 85, trong số này có 8 người quá cố (một số trước 1975), 1 người không rõ tin tức, 19 người còn trong nước, và 57 người  ra nước ngoài (75%). Khóa 5 cung cấp 8 MSc, 1 Doctorat de 3ème cycle,  và 11 PhD, thì chỉ có 1 MSc và 1 Doctorat de 3ème cycle còn ở trong nước.

Cũng tương tự như vậy, các khóa từ 1 tới 5 có 31 chuyên viên tốt nghiệp PhD, 6 Bác sĩ Thú Y, 1 MPhil và trên 30 chuyên viên có MSc. Trong số này chỉ có 2 PhD, 1 Doctorat de 3ème cycle, 1 MPhil, 4 MSc  và 1 Bác sĩ Thú Y còn lại trong nước sau 1975.

Trường Cao Đẳng NLS Sài Gòn đã đào tạo trên ngàn kỹ sư từ khóa 1 (tốt nghiệp năm 1962) đến khóa 13 (tốt nghiệp 1975), hàng vài trăm cấp MSc và cả trăm cấp PhD và Doctorat de 3ème Cycle, nhưng sau 1975 chỉ còn khoảng trên 100 kỹ sư, 3 PhD, 1 Doctorat de 3ème cycle, 1 MPhil, 4 MSc và 1 Bác sĩ Thú Y còn ở trong nước.

Về thành phần Ban Giảng huấn cơ hữu, Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp Sài Gòn niên khóa 1971-1972 có 74 thầy cô, trong số này không biết tin 14 vị, ở trong nước sau 1975 là 10 vị, và ở nước ngoài là 49 vị (83%).

Có lẽ các ngành ở các Đại Học khác cũng tương tự như vậy.

            Trong bài này, tác giả cố gắng thâu thập số chuyên viên Việt Nam có một thời làm việc “cho” hay “tại” Phi Châu. Làm việc “cho” Phi Châu là các chuyên viên làm việc chính nơi quốc gia cư trú (như Mỹ, Pháp, v.v.) nhưng có tham gia trong các chương trình phát triển Phi Châu (như làm tư vấn, consultant), soạn thảo dự án, v.v. cho Ngân Hàng Thế Giới (World Bank), cơ quan Viện trợ Hoa Kỳ (USAID), v.v. và thỉnh thoảng có đi công tác ngắn hạn, vài ba tuần hay vài tháng, tại Phi Châu để lập dự án, theo dõi, đôn đốc, thẩm định (evaluation) chương trình theo nhu cầu của cơ quan tài trợ. Làm việc “tại” Phi Châu là các chuyên viên được cơ quan tài trợ gởi đến Phi Châu theo các hợp đồng (contract) dài hạn, từ một năm trở lên, để thực hiện các dự án ở địa phương, vùng, tại một quốc gia hay vài quốc gia lân cận.

            Khi đến định cư ở nước sở tại, chuyên viên nào cũng phải chọn ngành nghề thích hợp để sớm được an cư. Người may mắn có bằng cấp tốt nghiệp của nước định cư thì dễ dàng có công việc đúng chuyên môn sở học, người khác phải đi học lại ngành chuyên môn cũ (như Bác sĩ, Nha sĩ, v.v. tốt nghiệp ở VN), hay học ngành khác (ngành mới như computer, IT..), v.v. Một số khác đi làm chuyên viên “cho” hay “tại” các quốc gia trên khắp thế giới. Trong bài này tác giả chỉ đề cập đến số chuyên viên từng làm việc “cho” hay “tại” Phi Châu sau 1975.

            Phi Châu có lẽ là châu lục nghèo nhất, do khí hậu và đất đai bất lợi trong sản xuất nông nghiệp, đa số quốc gia còn trong tình trạng bộ lạc thường xuyên xung đột, giáo dục chậm tiến, không có nhiều chuyên viên chuyên môn và chuyên viên quản lý v.v., vì vậy đất nước không phát triển nhanh được. Do đó, Phi Châu được nhận nhiều dự án phát triển nhất, và đây cũng là dịp thuận lợi cho nhiều chuyên viên Việt Nam.

Tại sao các cơ quan tài trợ chọn chuyên viên Việt Nam làm cho các dự án phát triển của họ ở Phi Châu?

– Thứ 1, các chuyên viên Việt Nam được tuyển chọn đến Phi Châu là những chuyên viên tài giỏi đã được đào tạo bởi các đại học nổi tiếng trên thế giới ở chính các nước có chương trình tài trợ (như Mỹ, Âu Châu, Nhật, Úc) hay các nước trong khối tự do đồng minh (như Phi Luật Tân, Thái Lan..).

– Thứ 2, các chuyên viên Việt Nam đã từng có kinh nghiệm dồi dào, ít nhất cũng 5-10 năm, đã từng cống hiến tài năng trong việc phát triển Miền Nam phồn thịnh trước 1975.

– Thứ 3, điều kiện thích nghi xã hội, khí hậu, kinh tế, đến cả tâm lý của chuyên viên Việt Nam cũng gần gũi với điều kiện của Phi Châu hơn chuyên viên người Âu, Mỹ chính cống, nên dự án có nhiều cơ hội thành công hơn.

– Thứ 4, chuyên viên Việt Nam đều rành 2 ngôn ngữ chánh là tiếng Anh và tiếng Pháp, trong lúc chuyên viên Âu hay Mỹ chỉ biết một ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Ngôn ngữ chính ở Phi Châu hoặc tiếng Pháp, hoặc tiếng Anh. Các chương trình tài trợ phần đông là liên quốc gia, cần thông thạo cả hai ngôn ngữ. Đó là ưu thế của chuyên viên Việt Nam.

-Thứ 5, vì các đàn anh đi tiên phong trong lãnh vực phát triển Phi Châu từ thập niên 70 được các giới chức chánh phủ ở Phi Châu và các định chế tài trợ quốc tế đánh giá cao vì những kết quả cụ thể và tốt đẹp thu gặt được, và đã lưu lại những ấn tượng tốt đẹp. Vì vậy, khi duyệt xét danh sách và tiểu sử các chuyên gia ứng viên vào một dự án nào đó, chuyên gia gốc Việt Nam có chiều hướng được lựa chọn dễ dàng.

Tại sao các nước Phi Châu thích chuyên viên Việt Nam hơn?

Sau một giao kèo, thường là rất thành công với chuyên viên gốc Việt, các nước Phi Châu thường yêu cầu giữ các chuyên viên Việt Nam ở lại tiếp tục giao kèo mới, ngoài lý do chuyên môn cần thiết, còn có nhiều lý do:

            – Việt Nam có cùng một lịch sử bị Tây Phương đô hộ như họ, nên dễ đồng cảm. Đặc biệt, các quốc gia nói tiếng Pháp (Francophone) ở Phi Châu thích chuyên viên VN từng học tại Pháp, nên họ tuyển dụng chuyên viên VN như công chức của họ nhưng theo quy chế ưu đãi về lương phạn hơn công chức chuyên viên bản xứ.

– Việt Nam cũng là nước chậm tiến, họ thấu hiểu hoàn cảnh hậu quả chiến tranh do đó dễ dàng thông cảm.

            – Chuyên viên VN không tự tôn, không coi thấp đồng nghiệp bản xứ như các chuyên viên Âu Mỹ, và dễ dàng sống hòa đồng ở địa phương.

            – Chuyên viên VN chuyên cần, đầy nhiệt huyết, phục vụ đất nước họ như chính phục vụ cho đất nước mình.

Tại sao chuyên viên Việt Nam làm việc nhiều ở Phi Châu?

Sau 1975, vì nhu cầu phải ổn định gia đình vợ con ở nước định cư, trong khi chờ đợi chọn nghề nghiệp thích ứng, chuyên viên Việt Nam chọn bất cứ nơi nào trên thế giới miễn là có nhiều tiền, và nơi có an ninh tương đối (không có chiến tranh tàn khốc như ở VN). Các quốc gia nghèo ở Phi Châu được tài trợ nhiều nhất, nên chuyên viên VN vì vậy làm việc ở Phi Châu nhiều nhất. Đa số, họ đến Phi Châu một mình, vợ con vẫn ở nước định cư. Cũng có một số, dẫn vợ và con thật nhỏ theo ở Phi Châu, nhưng con cái ở tuổi đi học thì gởi bạn bè, thân nhân ở nước định cư. Họ hy vọng, sau một vài giao kèo làm việc, khi có tiền khá nhiều thì về lại nước định cư, tìm nghề nghiệp vững chắc hơn, hay kinh doanh. Mục đích chính là họ hy sinh để cho gia đình vợ con được an cư, con cái theo đuổi việc học hành cho tới thành tài ở nước định cư.

Vì vậy, trong bài này tác giả chỉ giới hạn vào số chuyên viên Việt Nam hoặc đã trốn thoát ra khỏi Việt Nam hoặc tiếp tục ở hải ngoại sau thời gian du học, tu nghiệp, hay công tác, vì biến cố 1975, và từng có thời gian làm “cho” hay “tại” Phi Châu. Dĩ nhiên, danh sách này chưa được đầy đủ, chú trọng nhiều ở số chuyên viên nông nghiệp mà tác giả có nhiều thân hữu làm việc ở Phi Châu, và chỉ tập trung ở thế hệ 1. Tác giả cũng biết ở thế hệ 2, nhiều con em cũng có đến làm việc ở Phi Châu, ngắn hạn hay dài hạn. Từ giữa thập niên 2000, cũng có một số chuyên viên VN được chính phủ VN cho phép hay gởi đến Phi Châu, nhưng không nằm trong phạm vi bài này.

Để được danh sách này, tác giả đã liên lạc với các chuyên viên (*) để được cung cấp tài liệu cá nhân.  Các vị chuyên viên khác (không có dấu *) là được các vị trên (có dấu *) cho biết là có gặp ở Phi Châu, tuy nhiên không nhớ rõ chính xác thời điểm và công việc.

DANH SÁCH CHUYÊN VIÊN (danh tánh được xếp theo thứ tự vần abc).

DR TRẦN VĨNH AN

Dạy Đại Học Nông Nghiệp ở Bamako, Mali trong thập niên 1980s.

DƯƠNG NGHIỆP BẢO* (Bernard Donge)

Nguyên Tổng Thanh Tra của ADB (Ngân hàng Phát Triển Á Châu, Asian Development Bank), đã làm việc  cho nhiều nước Phi Châu với tư cách tham vấn của Ngân Hàng Thế Giới (2000-2010): Madagascar, Benin, Morocco, Côte d’Ivoire, Senegal, Togo, Ghana, Burkina Faso. Đã nhận 3 giải thưởng của World Bank: 2 giải thưởng cá nhân (về công tác tại Phi Châu 2000 và 2006 ), và một giải thưởng đồng đội, vì đã tham dự chương trình cải tổ tài chánh công tại Việt Nam năm 2000 và 2005. Chương trình này được chọn là Dự án có nhiều ảnh hưởng nhất trong các dự án của World Bank trên toàn thế giới năm 2008.

LÂM TÔ BÔNG (quá cố)

Nguyên Tổng Giám Đốc Công Ty Bông Vải Sicovina, Giám đốc Tiểu Công nghệ Việt Nam trước 1975. Được biết Ông làm cố vấn chương trình phát triển tiểu công nghệ ở Madagascar do UNDP (United Nations Development Programme) tài trợ.

DR TRẦN VĂN CẢNH

Chuyên viên về “bịnh cây cao su” của cơ quan CIRAD Montpellier (Centre International de la Recherche Agronomique pour le Dévelopment). Ông làm ở Côte d’Ivoire khoảng 1980-1995, sau đó ở Gabon. Nhiều lần công tác ở VN do Pháp tài trợ.

FRANCIS CẦN (Ngô Huy Cần, PhD, quá cố)

Nguyên Giảng Viên trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn. Chuyên viên bảo vệ mùa màng trong vùng Ziguinchor (ở nam Senegal) trong Dự án Phát triển Nông Nghiệp ở Casamance, Senegal, từ tháng 4/1982 đến tháng 7/1986. Dự án do USAID (United States Agency for International Development) tài trợ.

NGUYỄN PHÚC CHÂN (quá cố), PhD

Kỹ Sư Chăn Nuôi (Sài Gòn), Cao học Kinh Tế (USA), PhD (USA), nguyên Chuyên Viên Nha Giáo dục Nông Nghiệp/Saigon.

Từ 1977 đến 1987, chuyên viên cố vấn nông nghiệp ở các nước Senegal, Mauritania, Chad, Zaire, do USAID và World Bank tài trợ.

NGUYỄN VĂN CHIỂU, KS Cầu cống (Pháp)

Nguyên Tổng Giám Đốc Cảng Sài Gòn thời VNCH, làm cố vấn ngành hải cảng cho Mauritania.

CAO XUÂN CHUẨN, Tiến sĩ khoa học nguyên tử (Paris).

Làm ở Algeria.

TRẦN LƯU CUNG*

Nguyên Giám Đốc Kỹ Thuật Học Vụ (1963-66), Thứ Trưởng Giáo Dục đặc trách Giáo Dục Kỹ Thuật (1966-68), Tổng Giám Đốc Giáo Dục Kỹ Thuật (1968-72), Thứ Trưởng Giáo Dục đặc trách Đại Học và Kỹ Thuật (1969-71), Phụ Tá Tổng Giám Đốc Công Ty Vecco trực thuộc Bộ Công Chánh (1972-74).

1974-1976: Chuyên viên giáo dục kỹ thuật của UNESCO tại bộ Giáo Dục Cameroon, cố vấn và giúp soạn thảo dự án giáo dục kỹ thuật và chuyên nghiệp để nạp trình các cơ quan tài trợ World Bank, UNDP, Cộng Đồng Châu Âu và Viện Trợ Song Phương.

1976-1981: Trưởng Đoàn Chuyên Viên Quốc Tế của UNESCO tại Zaire,  phụ trách thiết lập và điều hành Học Viện Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật với sự tài trợ của World Bank và UNDP.

1981-1984: Chuyên viên Giáo Dục Kỹ Thuật tại UNESCO/Paris tham gia soạn thảo chương trình và dự án phát triển giáo dục Kỹ Thuật của các Quốc gia Cameroon, Zaire, Benin, Congo, Mali, Tunisia.

1984- 2000: Chuyên viên của Ngân Hàng Thế Giới/Washington, tham gia sọan thảo dự án cải tiến/phát triển cơ cấu tổ chức và nhân lực của khu vực công trong khuôn khổ chương trình tài trợ của Ngân Hàng Thế Giới và IMF (Structural Adjustment Program). Cơ quan liên hệ gồm Bộ Kế Hoạch, Tài Chính, Kinh Tế và  những cơ quan tự trị, cấp thủy, đường xá, thủy vận, hỏa xa, hầm mỏ, v.v. tại Zaire, Burundi, Rwanda, Madagascar, Comoros;  đăc biệt phụ trách lập và theo dõi những dự án phát triển nhân lực, dự án huấn luyện tại chức, tu nghiệp ngắn và dài hạn trong và ngoài nước với mục đích yểm trợ  chương trình  cải tổ cơ cấu, hữu hiệu hóa  các cơ quan nói trên của chính phủ, giảm bớt nhân số và thay lần chuyên viên ngoại viện.

Ngoài ra, Ông còn có những hoạt động khác như: (i) Soạn thảo dự án  phát triển cộng đồng tại Comoros; (ii) Thẩm lượng kết quả của dự án “Xóa Nghèo” (Poverty Alleviation Project) tại Sri-Lanka; và (iii) Thẩm lượng kết quả của dự án “Lao Polytechnic Institute” tại Vientiane, Laos.

VŨ VĂN CỬ*, PhD (USA)

Nguyên Giảng Viên Trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn (1966-1970).

1979-1980: Senegal. Chuyên viên nông nghiệp của USAID tại Senegal. Công tác chánh gồm (i) Hoàn thành chương trình thủy nông để gia tăng diện tích canh tác lúa dọc theo sông Senegal thuộc tỉnh Bakel; (ii) cải thiện canh tác sản xuất bắp và millet qua các biện pháp thủy nông; và (iii) du nhập các giống lúa, bắp, millets cao sản và có khả năng thích ứng điều kiện phong thổ địa phương (như khô hạn và gió mạnh..).

Sau 1980: chuyên viên khảo cứu Bộ Canh Nông Hoa Kỳ, kiêm GS phân khoa Nông học trường Đại Học Florida.

NGUYỄN BỈNH CƯƠNG, Kỹ sư Phú Thọ, PhD École Nationale des Arts et Métiers / Đại học Paris-Jussieu.

Được biết Ông làm Chuyên viên cho chính quyền Côte d’Ivoire.

NGUYỄN KIM CƯƠNG*

Kỹ sư Kiều Lộ (École Nationale des Ponts et Chaussées – Paris), tốt nghiệp năm 1969.

Nguyên Phó Giám Đốc Phát Triển Đầu Tư tại Quỹ Phát Triển, Ngân Hàng Quốc Gia (1972-1974), trách nhiệm thẩm định dự án đầu tư, giúp các doanh nhân thực hiện các dự án đầu tư; nguyên Tổng Giám Đốc Ngân Sách Phát Triển tại Bộ Kế Hoạch (1974-1975), trách nhiệm quản trị ngân sách đầu tư đầu tiên của VNCH (100 triệu US$); Trưởng phái đoàn thương thảo với Chính Phủ Pháp và ký kết thỏa ước Pháp-VNCH (1974) tài trợ phát triển (100 triệu FF).

1975: Định cư tại Pháp và bắt đầu công tác tại Phi Châu

1975 – 1989: Cố vấn kỹ thuật tại Tổng Nha Kiều Lộ, Cộng Hoà Zaïre cho các dự án kiều lộ của Ngân Hàng Thế Giới và Liên Hiệp Âu Châu. Cố Vấn Trưởng cho Quản Trị Viên Kỹ Thuật. Thành viên Ủy Ban Đấu Thầu của Tổng Nha Kiều Lộ. Trách nhiệm xây dựng và bảo trì toàn bộ hệ thống đường nhựa và cầu của Cộng Hòa Zaïre (2,34 triệu Km2). Công trình quan trọng nhứt là cây cầu treo ở Matadi (dài 722 thước, cầu xa lộ và thiết lộ dài nhất thế giới vào thời điểm 1980).

1989 – 1991: Chuyên viên của khối Liên Hiệp Âu Châu, Cố vấn cho Bộ Kế Hoạch Cộng Hòa Zaire với chức vụ Tổng Thư Ký Ủy ban hỗn hợp Liên Hiệp Âu Châu – Cộng Hòa Zaïre, trách nhiệm quản trị quỹ đối giá của Liên Hiệp Âu Châu nhằm tài trợ các dự án phát triển.

1992 – 2003: Chuyên gia về hạ tầng cơ sở của hãng kỹ sư tư vấn Louis Berger – văn phòng Paris, trách nhiệm vùng Phi Châu và Đông Âu. Nghiên cứu, thẩm định và thực hiện nhiều dự án phát triển hạ tầng cơ sở tại các nước Sénégal, Mali, Burkina Faso, Côte d’Ivoire, Guinée, Malawi, Ethiopie, Burundi, Algérie, Maroc, Roumanie, v.v.

2003- 2007:  Thủ trưởng cơ quan quản trị Chương trình tái thiết khẩn cấp hạ tầng cơ sở sau chiến tranh tại Cộng Hoà Congo do Ngân Hàng Thế Giới tài trợ với ngân sách 1,7 tỷ US$. Trách nhiệm xây dựng lại toàn bộ hệ thống đường lộ, cầu cống, thiết lộ, đường thủy vận, hải cảng, phi cảng, hệ thống điện lực (với đập nước Inga có tiềm năng lớn nhứt thế giới) và cấp thủy của Cộng Hòa Congo.

2008 – tới nay:  Chuyên gia cố vấn Chính Phủ Maroc trong Chương trình xây dựng 15.500 cây số hương lộ. Trưởng phái bộ yểm trợ kỹ thuật cho chương trình hương lộ nhằm khai thông vận chuyển cho hơn 3 triệu dân ở nông thôn. Chương trình được hơn 10 định chế quốc tế như Ngân Hàng Thế Giới, Ngân Hàng Phát Triển Phi Châu, Ngân Hàng Đầu Tư Âu Châu, Chính Phủ Pháp, Ý, Nhựt, v.v. tài trợ với ngân sách 2 tỷ US$.

CHU TAM CƯỜNG

Nguyên Phó Tổng Cục Truởng Gia Cư, được biết làm tại Gabon, Congo và nhiều nuớc Phi Châu khác.

HỒ HÁN DÂN*, Bác sĩ Thú Y.

Nguyên  Giám đốc Thảo Cầm Viên Saigòn.

2/1979 – 6/1984: Chuyên viên Khuyến Nông cho Dự án Phát triển Nông Nghiệp ở Casamance, Senegal, do USAID tài trợ.

2/1986 – 12/1990: Trưởng Dự án phát triển và thích nghi hóa các giống trâu gốc Á Châu du nhập vào Senegal, do USAID tài trợ.

NGHIÊM XUÂN ĐÀI

6/1984 – 12/1991: Chuyên viên khuyến nông/sản xuất ngũ cốc tại Congo Belge/Zaire do USAID tài trợ, trong dự án phát triễn nông nghiệp Bắc Shaba/Zaire.

GS BÙI QUANG ĐẠT*

Nguyên Giáo Sư tại Department of Economics and Business Administration, Bowie State University, MD, USA. Kể từ 1985, GS làm tư vấn cho những tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc (United Nations), Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB), Ngân Hàng Thế Giới (WB) tại nhiều quốc gia Á Châu, Nam Mỹ và Phi Châu, và là tác giả của nhiều bản phúc trình và khảo luận về vấn đề phát triển kinh tế cuả các quốc gia đang phát triển.

Tại Phi Châu, GS đã giảng dạy tại Université Nationale d’Abidjan (Côte d’Ivoire) trong cuối thập niên 1970s. GS làm tư vấn cho WB hay USAID phụ trách phát triển kinh tế, tài chánh, chính sách tiền tệ, hối đoái, thẩm định các chương trình tài trợ, vì vậy công tác thường xuyên đến Phi Châu.  Chẳng hạn chương trình phát triển kinh tế cho Madagascar, Comoros (WB, 1985-1986); thẩm định ngân sách Burundi (WB, 5-6/1988); cải tổ chính sách tiền tệ Liberia (USAID, 7-8/1988 và 11-12/1988); thẩm định chương trình phát triển nông nghiệp Niger (USAID, 1-3/1989); thẩm định cải tổ kinh tế Mali (USAID, 5-6/1989); Trưởng đoàn cố vấn kỹ thuật chương trình phát triển liên Bộ Giao Thông & Công Chánh tại Cộng Hòa Trung Phi (WB, 9/1990 – 2/1991); Trưởng đoàn/ Chuyên Viên Ngân sách, cố vấn kỹ thuật cho chương trình hóa ngân sách, kiểm soát và quản trị tài chánh của Bộ Công Lý Madagascar (USAID, 5-7/2000).

Ngoài Phi Châu, GS còn tham gia nhiều chương trình khác tại Á Châu và Nam Mỹ trong lãnh vực phát triễn kinh tế, tài chánh.

TRẦN VĂN ĐẠT*, PhD

Nguyên Chánh Sự Vụ Sở Lúa Gạo Bộ Canh Nông.

Từ 1977 đến 1980: USAID, Ouagadougou, Haute Volta:

– Công tác tư vấn thiết lập phòng Thí Nghiệm Hạt Giống cho USAID tại Ouagadougou trong hai tháng hè 7-8/1977 và huấn luyện nhân viên về các phương pháp thử nghiệm hạt giống, như độ nẩy mầm, độ thuần hạt giống, xử dụng các thiết bị đo độ ẩm, độ cứng, sức dẻo dai, xay chà, lấy mẫu giống, v.v.

– Thực hiện hai gieo kèo kỹ thuật viết về tài liệu xử dụng phòng thí nghiệm hạt giống và huấn luyện nhân viên bản xứ về công nghệ hạt giống căn bản.

Từ 1981-1982: USAID, Bamako và Gao, Mali:

– Chuyên gia lúa gạo cho dự án Lúa và Lúa Miến ở Vùng Gao, Mali: Cố vấn về sản xuất lúa gạo, soạn thảo chương trình thí nghiệm lúa và tham gia huấn luyện về lúa và hệ thống lúa-lúa miến trồng ven sông Niger trong mùa nước ngập và mùa khô.

– Cố vấn cho USAID về chương trình thí nghiệm lúa ở Mali.

Từ 1982-1984: FAO, Bobo Dioulasso, Haute Volta:

– Chuyên gia lúa gạo cho dự án FAO/UNDP về Chương Trình Thí Nghiệm Lúa ở nước Haute Volta (bây giờ Burkina Faso), tại Trung Tâm Thí Nghiệm Nông Nghiệp Farako Bâ, vùng Bobo Dioulasso, cách thủ đô Ouagadougou 350 km.

– Cố vấn chương trình lúa quốc gia và sản xuất lúa giống cung cấp cho Sở Hạt Giống Quốc Gia Mali.

Từ 1984 đến 2004: FAO, Rome, Italy, với tư cách Chuyên Gia và Chánh Chuyên Gia:

– Làm tư vấn, soạn thảo và theo dõi nhiều dự án và kế hoạch Phát triển Lúa gạo ở Châu Phi: Burkina Faso, Burundi, Chad, Ghana, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Madagascar, Mali, Mozambique, Rwanda, Senegal, Sierra Leone, Tanzania, Zambia.

– Phát triển chương trình lúa lai ở Ai Cập.

– Tổ chức nhiều cuộc họp và huấn luyện cấp vùng về lúa gạo cho miền Đông Phi và Tây Phi.

– Tham gia tư vấn trong các cuộc họp về Khảo cứu lúa gạo của IITA (International Institut of Tropical Agriculture, Viện nghiên cứu quốc tế nông nghiệp nhiệt đới) và WARDA (West Africa Rice Development Association, nay đổi là Africa Rice Center  Trung tâm Lúa Gạo Phi Châu) ở Châu Phi.

Ngoài Phi Châu, còn công tác rất nhiều nước khác ở Mỹ Châu và Á Châu, trong đó có Việt Nam.

BỬU ĐÔN

Nguyên Tổng Trưởng Bộ Công Chánh, làm cố vấn cho một công ty ở Côte d’Ivoire.

NGUYỄN CÔNG ĐỨC (quá cố năm 1992),

1980-1992: Burkina Faso: chuyên viên về địa chất, giếng khoan và nước uống cho các làng mạc.

BS NGUYỄN TIẾN ĐỨC, Bác sỉ Y Khoa

Nguyên phục vụ ở Bệnh viện Vì Dân Sài Gòn. Được biết làm ở Rwanda và Somalia về Y tế công cộng, do USAID tài trợ.

CUNG HỔNG HẢI*, Kỹ sư Ecole Centrale de Paris.

Ông là một chuyên gia kinh tế, chuyên về Kế toán ngân sách quốc gia, Mô hình kinh tế, Kế hoạch phát triển, Hoạch định hệ thống ngân sách, và Thẩm định dự án. Ông làm tư vấn cho World Bank, chính phủ Pháp, hay chính phủ các quốc gia đến công tác (như Côte d’Ivoire, Gabon). Ông cũng là một chuyên gia về IT. Ông hoạt động ở 8 nước Phi Châu gồm: Côte d’Ivoire, Burkina-Faso, Cape Verde, Cameroon, Gabon, Senegal, Niger và Madagascar. Sau đây là vài ví dụ về hoạt động chánh:

Tại Côte d’Ivoire, làm tư vấn về thẩm định dự án, khoản nợ (debt review), hoạch định các chương trình phát triển, hoạch định ngân sách quốc gia; thiết lập database về ngoại thương, quản trị các khoản nợ nước ngoài.

Tại Gabon, làm tư vấn về thẩm định dự án, khoản nợ, hoạch định các chương trình phát triển, hoạch định ngân sách quốc gia.

Tại Niger: Hoạch định kế hoạch về IT.

Tại Senegal: Thiết lập Chương trình IT cho cơ quan Senegal River Authority.

Tại Madagascar: Thiết lập databases cho lảnh vực kỹ nghệ Madagascar, IT cho Ngân Hàng.

            Ngoài Phi Châu, Ông còn công tác ở Việt Nam, Guyana về huấn luyện IT, Kế toán ngân sách, mô hình kinh tế.

VƯƠNG HỮU HẢI, PhD về Pathology.

Làm việc ở Viện Khảo Cứu Nông Nghiệp tại Bamako (Mali).

VÕ THỊ HẢI*, Doctorat de 3ème Cycle về Thảo mộc bệnh học (Université de Paris VI), Di truyền và cải thiện giống cây (Université d’ORSAY).

Nguyên Giảng Viên trường Cao Đẳng NLS Sài Gòn.

1976-1977: Brazzaville, Congo. Nghiên cứu về bệnh lý học cây cà chua, do ORSTOM tài trợ.

1980-1982: Đào tạo, giảng dạy môn Bệnh Lý Thực Vật cho cấp kỹ sư ở Học Viện Kỹ Thuật Nông Nghiệp Dschang, Cameroon trong chương trình viện trợ của Pháp. 

1982-1983: Tham gia dự án cải thiện năng xuất và phẩm chất tại liên hợp kỹ nghệ nông nghiệp Société Bertin và Mansoumba của Congo Brazzaville.

1986-1995: Hàng năm công tác nghiên cứu cho Công Ty Socotra tại Côte d’Ivoire, mỗi lần tối thiểu cũng một tháng.

NGUYỄN PHƯỚC HẬU

Giảng dạy môn Thống Kê tại Côte d’Ivoire.

PHẠM NGỌC HIỆP, PhD                         

Làm nghiên cứu nông nghiệp cho Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Lúa Mì và Bắp (International Maize and Wheat Improvement Center, CYMMIT, Mexico) tại phân vùng Zimbabuwe.

ĐÀM VĂN HOÀNG, Doctorat de 3ème cycle Kinh tế Paris.

Được biết làm ở Cộng Hoà Trung Phi do viện trợ Pháp, và ở Rwanda do World Bank tài trợ.

ĐẶNG THÀNH HỔ*, PhD.

1981-1985: Kenya. Làm việc tại Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc tế Côn Trùng (International Centre for Insect Physiology and Ecology – ICIPE) ở Nairobi và tại trạm nghiên cứu West Nyanza  chuyên về côn trùng trên lúa, bắp, đậu bò (cowpea) và lúa miến (sorghum).

Ngoài Phi Châu, còn công tác ở Solomon Islands (1986-1987) trước khi về lại Australia làm cho Bộ Nông Nghiệp.

TRƯƠNG ĐINH HUÂN*

Nguyên Giám Đốc Nha Nông Cơ (cơ quan tự trị, tự túc tài chánh thuộc Bộ Canh Nông), GS môn Nông Cơ tại trường Cao Đẳng NLS Sài Gòn, Phó Tổng Giám Đốc Nông Nghiệp đặc trách Chương Trình Phát Triển Hậu Chiến.

Di tản đến Hoa Kỳ năm 1975.

Từ 1979 đến 1990: Gồm các nước Senegal, Tchad, Sa mạc Sahara.

1979 – 1986: Senegal – Gồm các dự án:

–         Dự án PIDAC (Projet Integré de Developement Agricole de la Casamance) phát triển đồng bằng sông Casamance, với chức vụ Kỹ Sư Trưởng, sau này lên chức Trưởng Đoàn Chuyên Viên. Nhiệm vụ chính là nghiên cứu, thiết lập hồ sơ, xây cất một số đập ngăn mặn (anti-salt dams) tại vùng Casamance. Dự án bao gồm việc huấn luyện một số kỹ sư bản xứ trong việc nghiên cứu xây cất đập, giếng nước, v.v., và huấn luyện một số cai thầu trở thành nhà thầu biết xử dụng một số máy móc như máy trộn hồ (betonniere), máy ép hơi (compresseur) do Ông nhập cảng từ Hoa Kỳ. Dự án rất thành công vì thặng dư ngân khoảng (nhờ hối xuất US dollar thay đổi), nên thực hiện một số công tác nhiều hơn dự trù. Chẳng hạn, dự án dự trù tổng quát thực hiện 4 đập nhỏ, nhưng cuối cùng chương trình đã hoàn thành 7 đập, và hoàn tất nghiên cứu 9 hồ sơ đập lớn và nhỏ. Cũng trong Dự án này có BS Thú Y Hồ Hán Dân, Francis Cần.

–         Dự án BAKEL (phía Bắc Senegal). Tương tự như dự án PIDAC. Trong dự án này có sự tham gia của các TS Lê Nguyên Khôi, Vũ Văn Cử, Nguyễn Văn Ni, Nguyễn Thế Thiệu.

Ngoài ra, từ 1987 đến 1990, tham gia một số chương trình ngắn hạn như:

–         Chương trình thiết kế dự án tương tự trong vùng sa mạc Sahara, Tchad.

–         Chương trình thẩm định Dự án ở St Louis/ Senegal.

–         Chương trình thẩm định Dự án Bakel sau khi hoàn thành.

DR CAO THÁI HƯNG

Làm cho ICRISAT (International Crops Research Institute for the Semi-Arid Tropics) tại phân vùng Phi châu ở Niger.

PHẠM THANH KHÂM*

Tốt nghiệp Kỹ Sư Canh Nông (Sài Gòn), Cao học Kinh tế Nông Nghiệp (USA), nguyên Giám Đốc Nha Canh Nông.

Tại Châu Phi:

Trong suốt 3 năm (1975-1978), Ông thường xuyên đi công tác ngắn hạn ở Tây Phi Châu gồm: Senegal, Mauritania, Niger, Burkina Faso, Chad and Mali, để điều nghiên về phân bón và canh nông, do USAID tài trợ.

Sau thời gian này, Ông thực hiện nhiều dự án dài hạn:

– Somalia (1980): Với chức vụ Chánh Chuyên Viên Nông nghiệp, nâng cấp, cải thiện dự án thủy nông Afgoi Mordil ở Somalia, để dẫn thủy cho 10.000 ha, đồng thời cải thiên lề lối canh tác mới với các hoa màu mang lợi tức cao hơn.

– Guinea (1980-1983) Cố vấn chương trình lúa gạo ONADER ở Conakry, do World Bank tài trợ, gồm cải thiện nghiên cứu lúa gạo ở các trại nghiên cứu lúa ở Koba, Baro, và Gueckedou; đưa vào Guinea hệ thống canh tác lúa nước, áp dụng hệ thống dẫn nước thoát nước, ngăn chận nước mặn tại Koba, áp dụng hệ thống bơm nước nhỏ tại Gueckedou cho lúa nước cao năng xuất. Trước đây Guinea chỉ biết canh tác lúa rẫy, năng xuất kém.

– Côte d’Ivoire (1984), hoạch thảo chương trình nghiên cứu và phát triển cơ quan IDESSA (Viện Nghiên Cứu vùng đất khô hạn savannah, nay là Centre Ivoirien de Recherches Technologiques, CIRT).

– Nigeria và Senegal (1985-1987): phân tách kinh tế nông nghiệp.

– Cameroon (1998-1990): Chánh Chuyên Viên Nghiên cứu, phụ trách quản trị các chương trình nghiên cứu, huấn luyện chuyên viên bản xứ, cố vấn nghiên cứu về cây hoa màu và cây ăn trái tại Viện Nghiên Cứu Nông Nghiệp ở Yaounde.

– Zaire (1991): Trưởng Cố Vấn cho Bộ Nông Nghiệp Zaire biên soạn và phối trí chương trình phát triển ngũ niên. Năm 1995, Ông trở lại Zaire để đánh giá phát triển lúa nước. Do UNDP và FAO tài trợ.

– Tanzania và Madgascar (1993): Chánh chuyên viên nông nghiệp, áp dụng kỹ thuật canh tác lúa nước và du nhập các giống lúa nước Á châu vào Tanzania, Madagascar, do FAO tài trợ.

– Niamey, Niger (1993): Đánh giá công trình thủy nông gồm hồ chứa nước, các đập nhỏ, giếng nước, máy bơm, hoạt động nghiên cứu hoa màu v.v., do UNDP tài trợ.

– Mali, Burkina Faso, Senegal, Guinea – Conakry (1994): Trưởng đoàn lượng định của FAO đến 4 quốc gia này để đánh giá sự phát triển canh tác lúa nước với các giống lúa nước du nhập từ Á châu.

 Mauritania và Senegal (1996): Trưởng đoàn chuyên viên, đến 2 quốc gia này để thẩm định và hỗ trợ chương trình thực phẩm, kỹ thuật canh tác lúa, v.v.

– Sierra Leone (1997): Hỗ trợ chương trình canh tác lúa nước, do UNDP và FAO tài trợ.

– Liberia (2008-2009): Chương trình phát triển lúa gạo Bộ Nông Nghiệp Liberia và sản xuất lúa gạo, cố vấn thiết lập ngân hàng hạt giống (seed bank) do USAID tài trợ.

Tại Á Châu:

– Việt Nam (1992-1993): Chánh Chuyên viên Kinh Tế Nông Nghiệp, thực hiện nhiều chuyến công tác ngắn hạn ở Việt Nam, do FAO tài trợ, lượng định tình trạng và tiềm năng nông nghiệp ở 7 vùng sinh môi về cây hoa màu, cây công nghiệp, hệ thống thủy lợi, thẩm định thất thoát hoa màu sau thâu hoạch; dự án phát triển Tuyên Quang, v.v.

– Lào (1992-1993): tương tự như VN.

– Afghanistan (2004-2007): Nhiều chuyến công tác ngắn hạn, Cải tổ Bộ Tổ chức hành chánh các phủ bộ (gồm Bộ Canh Nông) do WB tài trợ.

LÝ VĂN KHOAN

Phụ trách Bảo vệ mùa màng ở Burkina Faso và Rwanda.

LÊ NGUYÊN KHÔI (quá cố), PhD.

Nguyên Giảng Viên Trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn. Chuyên viên nông nghiệp của USAID tại Senegal từ 1978 đến 1991.

PHẠM NHU KHÔI

1976-1978: Mali, làm ở Bộ Canh Nông tại Bamako.

LƯƠNG NHỊ KỲ (quá cố), PhD về Chính trị học (Anh quốc).

Nguyên Đại sứ VNCH tại Iran. Được biết Ông làm chuyên viên phát triển cho công ty Shell-Iran tại Dakar, Senegal.

BÙI QUÍ LAN, PhD về Chính trị học (USA).

Nguyên Đệ nhất Thư ký Tòa Đại Sứ VNCH tại Hoa Thạnh Đốn (1963 -1964). Được biết Ông làm Đại diện thường trực cho World Bank tại Cộng Hòa Zaire vào khoảng năm 1980.

NGUYỄN QUỐC LÂN

Làm cho UNDP và World Bank, chuyên viên kế toán cho OMVS ở Senegal từ 1975 đến 1980.

PHẠM HUY LÂN (quá cố)

Nguyên Tổng Giám Đốc Tổng Nha Nông Nghiệp, Đổng Lý Văn Phòng Bộ Canh Nông & Phát Triển Nông Nghiệp.

Sau 1975, làm cho World Bank ở Washington DC, phụ trách về phát triển nông nghiệp Phi châu, và thường xuyên công tác tại nhiều nước Phi Châu, nhiều nhất ở Madagascar.

GS TRƯƠNG HOÀNG LEM*, PhD về Hành Chánh Học (USA)

Nguyên Quyền Tổng Ủy Trưởng và Thứ Trưởng Phủ Tổng Ủy Công Vụ (1973-1975); Giáo Sư, Phó Viện Trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh (1970-1973).  Sau khi di tản đến Hoa Kỳ năm 1975, GS làm Giám Đốc Chương trình Hiệp Hội Hành Chánh Công (1975-1979), Giảng Viên Đại Học Georgetowm (1976-1980), Giảng sư Đại học George Mason (1979-1980), Giáo sư Đại Học George Washington (1980-1981).

1981-1989: Chuyên viên về Quản Lý Khu Vực Công Quyền (Public Sector Management) cho Ngân Hàng Thế Giới; đặc trách thẩm định khả năng thi hành và thiết lập các dự án phát triển liên hệ đến các ngành và tại các nước Phi Châu sau đây:

1. Kenya: Dự án Yểm trợ Kỹ thuật cho Chương trình Cải cách Chánh sách Nông nghiệp.

2. Madagascar:  Dự án phát triển Bông Vải; Phát triển Toàn bộ Nông nghiệp Vùng (regional development authorities) Morondave, Antsirabe; Dự án Cải cách Bộ Canh Nông và Bộ Lâm nghiệp & Chăn nuôi.

3. Zaire: Dự án Phát triển Nông nghiệp vùng Bandundu; Phát triển Chương trình trồng bắp trong vùng Kasai; Dự án Viện trợ Kỹ Thuật để yểm trợ các cải cách chính sách kinh tế.

4. Guine-Conakry: Dự án Viện trợ Kỹ thuật để yểm trợ Chương trình Cải cách Kinh tế – Tài chánh.

5. Senegal: Dự án Viện Trợ Kỹ Thuật yểm trợ Chương trình Cải cách chính sách kinh tế.

1989-2010: Chủ Nhân Đa số Phần hùn (Majority Partner) và là Tổng Giám Đốc (CEO) của Hảng L.T. Associates, Inc., Washington DC. Hảng này cung cấp dịch vụ tư vấn và huấn luyện về quản lý và lảnh đạo cho các quốc gia kém phát triển, kể cả các quốc gia Phi Châu. Phần lớn các dịch vụ này được tài trợ bởi Ngân Hàng Thế Giới và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID).  

Chẳng hạn, LTA cung cấp dịch vụ tư vấn cho các quốc gia như Guinea-Conakry (Dự án tản quyền cung cấp các dịch vụ công cho các địa phương), Burkina-Faso (Dự án Cải Cách Hành chánh và Công vụ), Senegal, Nigeria, Benin, và Zambia (Lượng giá chương trình viện trợ về giáo dục sơ cấp; thiết lập dự án viện trợ giáo dục sơ cấp và trung cấp).

Ngoài ra,  trong vòng 20 năm qua, LTA đã huấn luyện trên 2.000 viên chức cao cấp các bộ/phủ của hơn 20 quốc gia Phi Châu nói tiếng Pháp và tiếng Anh  (trong số 35 quốc gia trên thế giới) trong các khóa huấn luyện ngắn hạn (2-3 tuần lể) tổ chức hầu hết tại vùng Washington DC.

TRẦN VĨNH LIÊM*, Doctorat de3ème Cycle (France)

Nguyên Giảng Viên Viện Đại Học Cần Thơ.

1974-1976: Làm nghiên cứu về Côn trùng tại Côte d’Ivoire cho luận án Doctorat de 3ème Cycle (Paris) do ORSTOM tài trợ.

1980-1990: Côte d’Ivoire, làm khảo cứu về côn trùng phá hại lúa, bắp, mía, v.v. và đồng thời giảng dạy tại trường Cao Đẳng Nông Nghiệp ở Yamoussoukro.

1994-2000: Senegal, khảo cứu côn trùng phá hại ngũ cốc trong kho.

GS CHÂU TÂM LUÂN, PhD

Nguyên Giáo Sư Kinh Tế Nông Nghiệp tại Trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn. Chuyên viên cho chương trình Lao Động UN ở Cape Verde, Madagascar, Rwanda.

NGUYỄN MINH*

Kỹ Sư Canh Nông (Sài Gòn), Cao Học Nông Nghiệp (USA), nguyên Giám Đốc Nha Tổ Chức Nông Dân và Hợp Tác Xả.

1982-1986: Zaire: Chuyên viên Khuyến Nông cho Dự án phát triển nông Nghiệp Bắc Shaba, Zaire.

1986-1991: Chuyên viên Khuyến Nông Chánh cho vùng Central Shaba, Zaire.

1991-1992:  Sri Lanka: Chuyên viên Khuyến Nông Cây Hoa Màu Xuất Cảng trong dự án Phát triển Nông Thôn Mahaweli.

8/1993- 9/1993: Burundi, trong chương trình đánh giá kết quả 10 năm nghiên cứu về Tiểu Hệ Thống Canh Tác của USAID tại Burundi.

NGUYỄN TẤN NAM, Kỹ sư Hóa Học (Pháp)

Nguyên Tổng Giám Đốc Công Ty Đuờng VN, làm cố vấn kỹ thuật nhà máy đường ở Côte d’Ivoire.

DR ROGER TRƯƠNG VĂN NGÀ

Dạy Đại Học Nông Nghiệp ở Mali và Madagascar trong khuôn khổ viện trợ của Pháp.

LÊ SĨ NGẠC, Kỹ sư cầu cống (Pháp).

Nguyên Tổng Giám Đốc Ngân Sách Ngoại Viện. Vốn là bạn học với Tổng Thống Léopole Sédar Senghor của Senegal từ thời học ở Pháp. Được biết Ông làm Kỹ sư Cố Vấn kiến thiết cho Tổng Thống Senghor ở Senegal.

ĐINH HỮU NGUYÊN, Kỹ sư Cầu Cống (Pháp).

Làm ở Maroc.

NGUYỄN VĂN NGƯU*, PhD

1/1980 – 4/1983: Dự án hệ thống canh tác của World Bank-IITA-Cameroon, tại Bertoua.

5/1983 – 6/1987: Tham gia chương trình phát triển lúa gạo (IITA Rice Development Program) tại IITA, Ibadan, Nigeria.

5/1991 – 10/1993: Gia nhập FAO, phụ trách phát triển lúa gạo ở các quốc gia Burkina Faso, Mali, Guinea và Senegal ở Tây Phi, trụ sở chánh tại Bobo Dioulasso, Burkina  Faso.

11/1993 – 9/2009: Điều về trụ sở trung ương FAO tại Rome. Phụ trách và hổ trợ kỹ thuật các chương trình lúa gạo của FAO trên toàn thế giới, công tác khoảng 60 quốc gia.

Ngoài Phi Châu:

6/1976 – 6/1978: Làm việc tại Viện Lúa Gạo Quốc Tế IRRI, Los Banos, Philippines.

9/1978 – 12/1979: Nghiên cứu viên tại University of the Philippines ở Los Banos.

11/1987 – 4/1991: Philippine Rice Research Institute ở Nueva Ecija, Philippines

NGUYỄN AN NHƠN*

Kỹ sư Canh Nông (Pháp), chuyên viên kinh tế nông nghiệp (Agro-economist) trong các dự án:

1975-1976:  Côte d’Ivoire: Kế hoạch giao thông vận tải cho Côte d’Ivoire, do Ngân Hàng Thế Giới tài trợ.  Nhiệm vụ:  đi đến tất cả các tỉnh trong nước để nghiên cứu vấn đền sản xuất nông nghiệp, và ước tính số lượng hàng hóa chuyên chở trên các trục giao thông trong thập niên tới; phối hợp với các chuyên viên vận tải để định tiêu chuẩn cho các tuyến đuờng sao cho phù hợp với mức sản xuất nông nghiệp.

1977: Senegal: Dự án xây đường từ thành phố Louga đến thành phố Dahra ở Sénégal.  Lúc đó giữa hai thành phố này đã có đuờng xe lửa, nhưng không đáp ứng được  việc chuyên chở số lượng nông phẩm  quá nhiều, vì thế chuyên viên nghiên cứu tất cả nông phẩm sản xuất trong vùng, để giúp định tiêu chuẩn cho việc xây thêm một tuyến đường bộ để  đáp ứng nhu cầu.

1977: Burkina Faso: Dự án xây đường bộ từ Ouagadougou (Burkina Faso) đến ranh giới Ghana.

1978: Tunisia: Dự án các đường nông thôn tại Tunisia, do Ngân Hàng Thế Giới tài trợ. Công việc giống như dự án ‘‘Kế hoạch giao thông vận tải ’’ ở Côte d’Ivoire. 

Ngoài Phi Châu: Sau 1979, làm việc ở Asian Development Bank (ADB), Philippines và Indonesia (1979 – 1996), với tư cách Trưởng Chuyên Viên Kinh Tế các dự án phát triển, công tác thường xuyên tại các nước: Sri-Lanka, Pakistan, Bangladesh, Bhutan, Nepal, Myanmar, Việt Nam.

NGUYỄN VĂN NHUẬN (Bác Sĩ Thú Y, quá cố)

Tại các quốc gia ở Nam Phi Châu trong Cơ quan Viện Trợ Úc.

DƯƠNG KÍCH NHUỞNG

Nguyên Tổng Truởng Bộ Công Chánh, làm ở Cameroon.

NGUYỄN VĂN NI*

Tốt nghiệp Cao học (Hoa Kỳ), nguyên Giảng viên Đại học Nông Nghiệp Cần Thơ.

1982-1988: Senegal, chuyên viên thủy lợi tại Senegal do USAID tài trợ. Công tác gồm thiết kế và xây dựng các dự án dẫn thủy nhập điền, bơm
nước từ sông Senegal tưới ruộng trồng lúa, bắp, rau cải. Hoàn thành 24 hệ thống cho 24 làng dọc theo sông Senegal. Dự án thành công và được xem là một trong các
dự án thành công nhất của USAID ở Phi Châu.

ĐOÀN MINH QUAN*

Kỹ Sư Canh Nông (Rennes, Pháp), nguyên Tổng Giám Đốc Tổng Nha Nông Nghiệp, Thử Truởng Bộ Canh Nông & Cải Cách Điền Địa.  Sau hơn 3 năm bị cải tạo (1975-1978), Ông vượt biển và định cư ở Hoa Kỳ (1980).

-Năm 1980: Làm việc cho Công Ty Tư Vấn Experience Incorporated tại Washington DC với nhiệm cụ tham khảo tài liệu để viết đề nghị các dự án phát triển nông nghiệp tại Phi Châu để gởi đến các tổ chức quốc tế, nhứt là USAID.

1981-1983: Làm việc cho Experience Incorporated với tính cách chuyên viên nông nghiệp trong dự án phát triển nông thôn toàn diện (Integrated Rural Development Project) tại Guidimaka (Mauritania) chú trọng về cải thiện kinh tế xã hội qua phát triển canh nông, chăn nuôi và lâm nghiệp. Thực hiện tổ chức nông dân, giáo dục căn bản, xóa nạn mù chữ và cải thiện y tế cơ bản. Dự án do USAID tài trợ.

1983-1986: Làm việc cho Checchi and Company với tư cách Trưởng đoàn trong dự án phát triễn nông nghiệp tại Koudougou (Burkina Faso). Trưởng đoàn có nhiệm vụ giúp đở Bộ Canh Nông về kỹ thuật và quản lý dự án để thực thi những công tác khuyến nông cải thiện canh tác hoa màu và chăn nuôi, tổ chức nông dân để cấp tín dụng, xử dụng hữu hiệu nông cụ và cơ giới, khảo cứu ứng dụng để phổ biến phương pháp xử dụng hữu hiệu phân, nước, bảo vệ mùa màng và gia súc. Trưởng đoàn còn có nhiệm vụ phối hợp, giám thị (supervise) các chuyên viên nước ngoài để thực hiện các công tác trên. Dự án này do Ngân Hàng Thế Giới (80%) và Hòa Lan (20%) tài trợ.

1986-1988: Làm việc cho Louis Berger International với tư cách Trưởng đoàn Cố Vấn Kỹ Thuật trong dự án phục hồi các hệ thống tiểu thủy nông (từ 200 đến 3000 ha) tại Madagascar. Trưởng đoàn có nhiệm vụ trợ giúp Bộ Canh Nông quản lý dự án, phối hợp và giám thị các chuyên viên nước ngoài giúp nghiên cứu công trình thủy nông, kinh tế nông nghiệp, tổ chức và huấn luyện nông dân để nông dân thu hoạch lợi tức tối ưu khi hoàn tất phục hồi hệ thống thủy nông. Dự án này do Ngân Hàng Thế Giới, Cộng Đồng Âu Châu và Pháp tài trợ.

1988-1991: Làm việc cho Ngân Hàng Thế Giới với tư cách Chánh Chuyên Viên Khuyến Nông tại Mali.  Có nhiệm vụ phối hợp các cơ quan Bộ Canh Nông, và giám thị các công tác thực thi dự án khuyến nông toàn quốc nhằm mục tiêu: (i) Khảo cứu ứng dụng và phổ biến phương pháp cải thiện sản xuất các loại cây thực phẩm chánh của Mali (lúa gạo, lúa miến, kê và đậu); (ii) thực hiện công tác liên kết sản xuất hoa màu và chăn nuôi; (iii) thực hiện công tác bảo vệ môi trường như trồng cây gây rừng, bảo vệ đất trồng, đấp bờ giữ nước và cải thiện đất với phân hữu cơ v.v.; (iv) khuyến khích phụ nữ nông thôn gia tăng lợi tức với phát triển hoa màu và nuôi gia súc. Dự án này do Ngân Hàng Thế Giới tài trợ.

1991-1994: Công tác tương tự tại Madagascar.

CAO QUẢN

Làm khuyến nông ở Phi Châu kể từ 1977 ở Senegal, Niger và nhiều nước khác.

GS ĐINH XUÂN QUÂN*, Doctorat d’Etat in Economics (Sorbonne, Paris), MBA Temple University (Philadelphia, PA).

            Nguyên Giáo sư Kinh Tế Đại Học Luật Khoa Sài Gòn và Đại Học Minh Đức (Sài Gòn).  GS  chuyên về lảnh vực Ngân Hàng, quản trị tài chánh và phát triển quốc tế. GS cũng là Chánh Chuyên Viên Kinh Tế trong Chương Trình Phát Triển Kinh Tế Hậu Chiến (1974-1975) của Việt Nam Cộng Hòa.

            Sau 4 năm học tập cải tạo, lao động đào kinh thủy lợi và trồng trọt (1975-1979), vượt biên và định cư tại Hoa Kỳ, làm tư vấn và thường xuyên công tác ở 23 quốc gia, trong số này GS có làm việc lâu dài ở 10 quốc gia Phi Châu (Trung Phi, Guinea, Kenya, Liberia, Niger, Madagascar, Mauritania, Rwanda, Nam Sudan, và Zaire).

Phi Châu: Ngay sau khi định cư ở Hoa Kỳ, GS nhận nhiệm vụ ở các nước Phi Châu:

– Mauritania (1980-1981): Với tư cách Kinh tế gia, tư vấn cho hoạch thảo Kế Hoạch Phát triển Mauritania, dự án do USAID tài trợ. Là trưởng đoàn của nhóm chuyên viên gồm 6 nhà nông học, kinh tế gia, kỹ sư, trách nhiệm cho chương trình phát triển gốc (Master plan) 20 năm trong lãnh vực nông nghiệp.

– Guinea (1982-1983): Với tư cách Chánh Chuyên Viên kinh tế /Trưởng đoàn, tư vấn cho Bộ Nông nghiệp và Cơ quan Phát triển Lúa Gạo Onader (Operation Nationale pour le Developpement de la Riziculture) của Guinea. Dự án do Ngân Hàng Thế giới và Ngân Hàng Phát Triển Phi Châu tài trợ, gồm hoạch định, quản lý các chương trình phát triển lúa và phát triển nông thôn, như xây dựng đường giao thông, đập, hệ thống thủy nông, sản xuất hạt giống, nhà máy biến chế nông phẩm, và thiết lập 5 trại nghiên cứu về lúa, bắp, cà phê, v.v.

– Trung Phi (Central Africa Republic) (1983 -1986): Giáo sư giảng dạy môn Kinh Tế ở Đại Học Bangui (1983-1984), và cùng lúc (1985) làm Tư vấn cho Ngân Hàng Thế Giới trong dự án « Bông gòn » thiết kế, hoạch định, huấn luyện, nghiên cứu thăm dò (survey)  tại Trung Phi.

      Từ 1985-1986, GS đảm nhiệm một dự án khác do Ngân Hàng Thế Giới tài trợ, gồm tham gia trong các giai đoạn phát triển dự án, phân tích kinh tế, nghiên cứu, thiết kế, theo dỏi và lượng định các dự án nông nghiệp ở Madagascar, Zaire và Kenya.

– Zaire (1987-1989): Chánh Cố Vấn Kỹ thuật/Trưởng đoàn, cố vấn cho Bộ Nông Nghiệp Zaire, do Ngân Hàng Thế Giới tài trợ. Công tác gồm cố vấn về chánh sách và phát triển nhân sự, đầu tư lãnh vực nông nghiệp, phối hợp với cơ quan tài trợ, v.v. Đồng thời, giảng dạy môn Kinh Tế ở University of Kinshasa trong suốt thời gian này.

– Madagascar (1991): Tư vấn cho UNDP trong chương trình huấn luyện chuyên viên bản xứ  thuộc Ngân Hàng Trung Ương, Bộ Tài Chánh và Bộ Hoạch Định Kinh Tế về quản trị kinh tế tài chánh, ngân hàng, v.v. Đông thời GS cũng tham gia thiết kế Chương trình phát triển ngũ niên 1992-1996 cho Madagascar. Ngoài ra, GS còn giảng dạy môn Kinh Tế ở University of Antananarivo, Madagascar.

– Kenya: tương tự như Zaire.

– Rwanda: Tư vấn Chương trình ngũ niên (1990 -1995), do Ngân Hàng Thế giới tài trợ

– Niger: Công tác giám định các dự án nông nghiệp do Ngân Hàng Thế Giới tài trợ

– Liberia (từ tháng 4/2008 đến tháng 5/2009 – hiện nay làm ngắn hạn (2010)): Chánh Cố vấn/ Trưởng đoàn Viện trợ Kỹ Thuật cho Bộ Nông Nghiệp Liberia, do USAID tài trợ. Công tác gồm cố vấn chính sách cho Bộ Nông Nghiệp tham gia xây dựng hậu chiến trong các lĩnh vực tái thiết xây dựng, hoạch định các dự án nông nghiệp, định cư, chính sách lương thực, v.v., cùng giám sát và giám định các dự án thực hiện, do Ngân Hàng Phát Triển Phi Châu, Viện trợ của Đan Mạch (Danida) và Italy, USAID.

– Nam Sudan (South Sudan) (Từ 2004 đến nay): Trong chương trình phát triển “hậu chiến cho các nước hậu xung đột” (Post Conflict) gồm cố vấn cải tổ hành chánh, tài chánh, hoạch định phát triển kinh tế, v.v. do USAID tài trợ.

Á Châu:

 – Nhật Bản (1998- 1999): Giảng dạy cho các chuyên viên kinh tế/tài chánh/ngân hàng của các nước Á Châu (cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng, v.v.) tại Học Viện Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) ở Tokyo.

– Việt Nam. GS công tác nhiều lần về Hà Nội.

·        1990 – 1992: Tư vấn tài chánh trong lảnh vực nông nghiệp, biên soạn các dự án công tác tại VN, dự án phát triển Tuyên Quang do IFAD (Infrastructrure Finance & Development Asia) Rome tài trợ.

·        Tháng 10/1994 – 1997: Chánh Cố vấn cho Bộ Nội Vụ về Cải Cách Hành Chánh Công Vụ, và điều viên Viện trợ với các cơ quan tài trợ (UNDP, ADB, WB, Hòa Lan, Thụy sỉ, Thụy Điển , v.v.); Cố vấn cho Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư về thiết kế và xử dụng chương trình đầu tư.

– Nepal: Lượng định chương trình PFL ở Nepal, do FAO tài trợ.

– Indonesia (2000-2003): Chánh Cố vấn Kinh Tế nhiều dự án lớn hổ trợ Ngân Hàng Trung Ương, Bộ Tài Chánh, Bộ Thương Mại của Indonesia, do USAID tài trợ. Ngoài ra, GS giảng dạy Kinh Tế tại University of Indonesia (UI) tại Jakarta.

Các quốc gia xung đột nội chiến: Kể từ 2000 đến nay, GS phụ trách phát triển cho các nước Á Châu và Phi Châu có nhiều xung đột nội chiến như Afghanistan, Azerbaijan, Iraq, Kosovo, Liberia (đã tường trình ở trên) và Nam Sudan (đã nói ở trên), do USAID và WB tài trợ:

– Azerbaijan (từ 1/9/2009 đến nay): Chánh Cố Vấn hổ trợ dự án cải tổ chính phủ về tài chánh, ngân sách, v.v.

– Afghanistan (từ tháng 7/2004 đến 6/2007): do USAID, WB và DANIDA tài trợ, gồm cải cách hành chánh, nhân sự, phát triển của các Bộ và cơ quan, tài chánh và ngân sách, ngân hàng, v.v.

– Kosovo: do USAID tài trợ, cải tổ Kinh Tế  Tài Chánh thuộc Bộ tài chính.

– Iraq (7/2007 – 3/2008): do USAID tài trợ, chủ yếu về chính sách kinh tế.

TRẦN ĐÌNH QUẾ

Nguyên Tổng Giám Đốc Canh Nông, giúp ngành nông cơ ở Senegal và Mauritania.

NGUYỄN HỬU QUYỀN, PhD.

Nguyên Giảng sư Đại Học Nông Nghiệp Cần Thơ.

Hoạt động trong một dự án nông nghiệp ở Zaire, rồi Niger, sau đó làm việc ở AVRDC (Viện nghiên cứu Rau Cải thế giới– The World Vegetable Center) tại Đài Loan.

VŨ NGỌC RUẪN*

Nguyên Giảng viên Đại học Nông Nghiệp Cần Thơ. Thường xuyên công tác ngắn hạn tại Kenya và Madagascar, trong khuôn khổ viện trợ giáo dục của Đại Học Bách Khoa Zurich (ETHZ) về dinh dưởng.

LƯƠNG THẾ SIÊU, Kỹ sư Kiều Lộ (Đại học Bách Khoa, Pháp)

Nguyên Tổng trưởng Công chánh nhiều nội các trước 1975. Được biết ông làm về Công Chánh ở Cameroon, Senegal, sau làm cho UNIDO (United Nations Industrial Development Organization) ở nhiếu nước Phi Châu khác.

NGUYỄN HOÀNG SƠN, PhD.

Kể từ 1980 đến nay, làm ở Mali và Guinea. Hiện làm ở Albani.

GS NGUYỄN VĂN THẠCH

Nguyên Khoa Trưởng Sư Phạm, Viện Đại Học Cần Thơ.

Được biết làm ở Gabon, Algérie và Côte d’Ivoire.

VŨ VĂN THÁI (Kỹ sư École Centrale de Paris, quá cố)

Nguyên Tổng Giám đốc Ngân sách Ngoại Viện, Đại sứ VNCH tại Hoa Kỳ.  Được biết Ông làm Chánh Đại diện của chương trình UNDP ở Togo (1973-1974), Chánh Chuyên viên  UNDP  cho OMVS (phát triển sông Senegal ở các nuớc Senegal, Mali,  Mauritania và Togo)  ở Dakar, Senegal (1975-1980), Guinea (1982-1985). Đồng thời Ông là cố vấn cho các tổng thống của Senegal và Mauritania.

HOÀNG KHẮC THÀNH (Diploma from HEC, Pháp, quá cố)

Nguyên Bộ Trưởng Kinh Tế. Chuyên viên kinh tế cho Mauritania về thiết lập chính sách tiền tệ thoát khỏi kiềm chế của đồng Franc Pháp. Sau đó làm việc ở Côte d’Ivoire. 

ĐỖ CAO THIỆN*, Doctorat de troisième cycle.

Nguyên Giảng Viên trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn (1970-74).

– 1979-1980: Maroc: Giảng dạy ở Faculté de sciences Marrakech, do Bộ Ngoại Giao Pháp tài trợ.

– 1980-1991: Burkina Faso: Giảng dạy ở Học Viện Phát Triển Nông Thôn (Institut du Développement Rural) ở Ouagadougou, do Bộ Hợp Tác Quốc Tế của Pháp gởi đi. Làm tư vấn cho dự án lúa gạo vùng Tây-Nam Burkina, tư vấn cho Ủy ban chống khô hạn ở vùng Sahel.

– 1991-1997: Bénin: Giảng dạy tại Đại học nông nghiệp Cotonou, do Bộ Hợp Tác Quốc Tế của Pháp tài trợ; giúp nông dân trồng lúa ở miền Trung nước Bénin; và thành lập Trung tâm nông cơ chuyên về lúa.

– 1998-2002: Côte d’Ivoire: Chuyên viên dự án Centre des Métiers Ruraux tại Abidjan, lo về tổ chức nông dân và đào tạo kỹ thuật sản xuất nông phẩm, do Bộ Ngoại Giao Pháp gởi đi (chương trình này do Pháp, Đức và World Bank bảo trợ).
– Sau 2002 phục vụ ở Bộ Canh Nông Pháp.

NGUYỄN THẾ THIỆU*

Kỹ Sư Canh Nông (Sài Gòn), Cao Học Nông Nghiệp (USA), nguyên Giám Đốc Nha Khuyến Nông.

1982-1987: Senegal: chuyên về Khuyến Nông trong dự-án phát-triển nông nghiệp dùng hệ thống thủy nông bơm nước từ sông lên các vùng dự án nông nghiệp.  Dự án do USAID tài trợ.

1987-1990: Burkina Faso, Trưởng Dự án Huấn Luyện & Du sát (Training and Visit). Dự-án Khuyến-Nông chuyên về huấn-luyện nông dân. Dự-án thuộc World Bank tài trợ.

1990-1992: Tanzania; Trưởng Chương Trình Khuyến Nông, dự án Huấn Luyện & Du sát, chuyên về huấn luyện nông dân. Dự-án do World Bank tài trợ.

TRẦN THIỆN TÍN

Nguyên chuyên viên dinh điền thời Đệ nhất VNCH, dạy canh nông ở Mali và Rwanda (Butaré).

DR VÕ QUANG TRÍ (Kỹ Sư Canh Nông, Tiến sĩ Toán, Pháp)

Cố vấn Nha Khảo Cứu ở Libreville (thủ đô của Gabon) khoảng thập niên 1980s.

GS NGUYỄN HỮU TRÍ

Nguyên Giáo Sư Viện Đại Học Huế, làm giáo sư Vật Lý ở Đại học Khoa học Ouagadougou (Burkina Faso), khoảng từ 1985-1993 do UNDP, kế đó do Bộ Hợp Tác Quốc Tế của Pháp tài trợ.

GS TÔN THẤT TRÌNH*

Nguyên Giám đốc Nha Ngoại Viện (1956), Giám đốc Kỹ thuật Dinh Điền Phủ Tổng Ủy Dinh Điền (1957), Tổng Thơ ký Bộ Canh Nông & Cải Tiến Nông Thôn (1962); Chuyên Viên Cố vấn UNDPở Cộng Hòa Dahomey (nay là Benin) (1964); Giáo Sư  Trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn (1963-1974), Giám đốc truờng Cao Đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn (1964), Phụ tá Tổng Truởng Kinh Tế (1964-65), Tổng Truởng Bộ Canh Nông & Cải Cách Điền Địa (lần 1, 1967), Tổng Ủy Truởng Kế Hoạch (1968), Tổng Truởng Bộ Canh Nông & Cải Cách Điền Địa (lần 2, 1973). Vuợt biển tháng 4/1975, sang Singapore, rồi Guam. Tháng 7/1975, tị nạn tại Pháp.

Từ tháng 10/1975 đến 1980, nhờ kinh nghiệm Phi Châu ở Dahomey truớc kia (1964), Giáo su đuợc cơ quan FAO (Food and Agriculture Organization of the United Nations) tuyển dụng làm chuyên viên nông nghiệp tại Kaedi (Mauritania) trong chương trình OMVS (Organisation pour la mise en valeur du fleuve Sénégal). Nhờ làm lúa gạo thành công ở Kaedivới năng xuất 3 vụ/năm tới 23- 30 tấn, năm 1977 FAO đề bạt lên giữ chức Giám Đốc dự án OMVS phát triển nông nghiệp vùng sông Senegalcho 3 quốc gia Sénégal, Mauritania và Mali. Cũng trong thời gian này, GS cố vấn thực hiện chương trình trồng lúa trên đất phèn lẫn nuôi tôm cá ở Guinée Bissau và Sierra Leone; làm lúa rẫy, lúa nuớc ở Liberia.

Năm 1980, đuợc FAO tuyển chọn làm Chánh Chuyên Viên Lúa Gạo  cho FAO trung ương tại Rome (Italy), kiêm chức vụ Thư Ký Kỹ Thuật, sau này đổi thành Tổng Thư Ký Ủy Ban Lúa Gạo Quốc Tế (Executive Secretary of the International Rice Commission – IRC), lúc đó gồm 115 quốc gia có trồng hay thí nghiệm lúa trên thế giới. Trong thời gian ở Rome (từ 1980 đến 1994), đi công tác thuờng xuyên nghiên cứu ở Phi Châu để lập dự án lúa cho Congo Kinshasa, Congo Brazzaville, Comoros Islands và Madagascar; lập các dự án nông nghiệp khác, ngoài lúa, tại Gabon – Libreville, Côte d’Ivoire, Burkina Faso (tên củ là Upper- Haute Volta), Niger, Tanzania, Egypt, Kenya.  Ở Mỹ Châu, Giáo sư tổ chức hội nghị lúa gạo của FAO ở Brazil, viếng thêm các vùng trồng lúa rẫy ở Mexico. Tại Âu Châu thăm viếng, thảo luận, cố vấn về lúa Japonica cho Hà Lan, Pháp (vùng Camargue, Montpellier), Italy (sông Pô), Bỉ, Kosovo, Serbia, Albania, Bulgaria. Ở Á Châu, tổ chức hội nghị lúa gạo FAO ở Phi Luật Tân, Thái Lan, Ấn độ, Hồi Quốc, Bangladesh, và làm những dự án giúp đở Việt Nam thực hiện canh tác lúa lai Hybrid F1.

VÕ NGỌC TRƯỚC (Kỹ Sư biến chế thực phẩm, Paris)

Nguyên Giảng Sư Trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn. Làm cho công ty đường ở Côte d’Ivoire.

NGUYỄN VĂN TRƯƠNG (Kỹ sư Canh Nông, Pháp)

Nguyên Phó Giám Đốc Kỹ thuật khu Dinh Điền Ban Mê Thuộc, kỹ sư phụ trách nhà máy đường mía Bình Dương. Sau 1975, làm cố vấn kỹ thuật trồng mía cho công ty đường mía ở Côte d’Ivoire.

GS NGUYỄN VIẾT TRƯƠNG* (PhD, Australia)

Nguyên Khoa Trưởng Nông Nghiệp, Phó Viện Trưởng Viện Đại Học Cần Thơ. Vượt biển tháng 4/1975, định cư tại Queensland (Australia). Tại Queensland GS chuyên nghiên cứu cỏ Vetiver về các khía cạnh sinh lý và nông học (đặc tính rễ phát triển, hấp thụ chất độc, thích ứng rộng rải môi trường trên mọi loại đất kể cả cát sa mạc, đất phèn, đất mặn, đất ngập lụt, v.v.) và áp dụng thực tiển trong việc chống xoi mòn đất trên đất dốc, đất sạt lở ven sông rạch, bờ đê và bờ biển, chận cát bay trong sa mạc; lọc nước và xử lý ô nhiểm môi trường gây bởi chất phế thải từ các nhà máy kỹ nghệ, chuồng trại gia súc, tái tạo đất các vùng hầm mỏ, v.v. Chính nhờ những thành quả này, Ông trở nên một chuyên viên lổi lạc và duy nhất trên thế giới trong lãnh vực này. Ông được mời làm tư vấn trong rất nhiều dự án do World Bank, Asian Development Bank, USAID, AusAID, NGO  và chính phủ các nước tài trợ. Ông làm tư vấn cho các quốc gia Phi Châu như South Africa, Madagascar, Kenya, Tanzania,  Senegal, Congo, Morocco, Ethiopia; ở  Nam châu Âu như Italy, Spain; ở châu Mỹ như Chile, Venezuela, Brazil và Costa Rica; ở châu Á như China, Kwait, Philippines, Thailand, và Việt Nam.

GS Nguyễn Viết Trương nhận 3 giải thưởng của World Bank (1991, 1993, và 1995), giải thưởng của Vetiver Network (1999), Giải thưởng của Hoàng Gia Thái Lan (2000), giải thưởng nhất hạng Healthy Waterways Awards của Bộ Môi Sinh tiểu bang Queensland (2003); và được Liên Hiệp Quốc tặng thưởng qua những công trình nghiên cứu chống xoi mòn đất đai và được ghi danh trong cuốn “Danh Nhân Đông Nam Á”.

NGUYỄN VĂN TỬU*

Kỹ sư Thủy Tính (Ecole Nationale Supérieure d’HydrauliqueGrenoble, Pháp); BSc  Pháp Lý và Kinh Tế về Lãnh vực Năng lượng (University of Grenoble); MSc Vật Lý Thâm Cứu (University of Grenoble); PhD Vật Lý Thâm Cứu (University of Sorbonne, Pháp); Kỹ Thuật Thâm Cứu Nông Nghiệp (Cornell University, Hoa Kỳ);  Kinh Tế Vi Mô về Thẩm định và Quản lý Đầu Tư (Havard University, Hoa Kỳ); Chánh sách và Quản Lý Kinh Tế Vĩ Mô (Havard University, Hoa Kỳ).

            Ông là chuyên viên của Ngân Hàng Thế Giới. Ông chuyên về quản lý, kế hoạch, hoạch định phát triển vùng, phát triển nguồn nước, phát triển nông thôn và nông nghiệp, thủy lợi, bảo vệ môi trường và cơ sở hạ tầng, bao gồm các lãnh vực về cơ chế, quản lý, tổ chức, kinh tế vi mô và vĩ mô, tài chánh công và tư. Địa bàn hoạt động và công tác gồm Phi Châu, Hoa Kỳ và Nam Mỹ, Đông Nam Á Châu, Trung Đông và Âu Châu, tổng cộng 51 quốc gia.

Phi Châu:

            Algeria: Nghiên cứu thủy lợi đồng bằng Abadla: đập nước Djorf Torba; vấn đề nước mặn, công trình chống lũ lụt cho vùng dẫn thủy Wadi Guir – Abadla (22.000 ha); dự án thủy lợi Cheliff, Mitidja; phát triển vùng Sahara.

            Burkina Faso : Thiết kế đập Sourou, 620 Hm3; thiết lập cầu tại vùng Bobo-Banfora-Houndé, trên sông Maggia tại Taboyé, trên sông Zourourou tại Keita; nghiên cứu những đập chứa nước tại Léoupo, Gouniana, Yako, Diabo, Dapelogo, Bourra, Ourougou,Tougan và Dawaka; thiết kế công trình thoát thủy tại Dori-Falagountou.

Burundi: Dự  án đập Kagunuzi và thủy lợi.

Cameroon: Dự án thoát thủy tại Douala.

Chad: Nghiên cứu xói mòn và độ bền vững bờ sông, thiết kế hệ thống chống xoi mòn bờ sông Chari tại NDjamena; thiết kế công trình chống đở cứu vãn cầu Moundou trên sông Logone.

            Congo Brazzaville: Nghiên cứu tái thiết hậu chiến.

            Côte d’Ivoire: Công trình bảo vệ lụt cho thành phố và cảng Kori Teloua; thiết kế công trình cung cấp nước cho cảng San Pedro; thiết kế hệ thống thoát thủy lưu vực Gouro; thiết kế điều hòa 6 đập nước vùng tây bắc Abidjan.

            Ethiopia: Nghiên cứu tài nguyên nước cho Addis Ababa, nghiên cứu các đập Gafarsa và Lagadadi.

            Gabon: Thiết kế 230 cầu và hệ thống thoát nước trên đoạn đường rầy xe lửa Booue-N’Djole.

            Gambia: Chống nước mặn xâm nhập ở đập Darsilamy.

            Guinea: Lượng định chương trình phát triển toàn diện vùng Upper Gambia.

            Madagascar: Nghiên cứu nới rộng cảng Tamatave; nghiên cứu thủy tính và thiết kế công trình thủy lợi ở vùng Antsohihy-Ambanja; các dự án thủy lợi Mangoky, Lac Alaotra; dự án canh tác lúa trên cao nguyên.

            Mauritania: Nghiên cứu vùng dẫn thủy tại Tamourt-en-Naaj; nghiên cứu phát triển thủy lợi từ hồ R’Kiz; thiết kế hệ thống thoát thủy ở M’bout-Selibaby.

            Morocco: Dự án thủy lợi.

            Mali: Dụ án canh tác lúa Mopti.

Niger: Nghiên cứu hoạch định công trình bảo vệ chống lũ lụt vùng Agades từ sông Kori Teloua; công trình thoát nước tại vùng Tsernoua-Tahoua-Arlit; thiết lập cầu trên sông Maggia tại Taboyé, và cầu trên sông Zourourou tại Keita; nghiên cứu đập chứa nước Kirchia.

            Nigeria: Dự án thoát nước bão lụt và dự án cung cấp nước cho thành phố Lagos.

            Rwanda: Dụ án Nyabarongo.

            Senegal: Nghiên cứu việc phát triển canh tác lúa tại Kamobeul; thiết kế vùng dẫn thủy tại Fanaye và Djibelor với các hệ thống kiểm soát nước mặn.

            Togo: Công trình thoát nước tại vùng Sokodé-Blitta.

            Tunisia: Nghiên cứu thủy tính, thiết kế công trình thoát nước và các cầu cống tại đồng bằng Kairouan.

            Liên quốc gia Guinee, Mali, Mauritania và Senegal: Cố vấn kỹ thuật cho OMVS (Organisation pour la Mise en Valeur du Fleuve Sénégal) gồm đập Diama với các công trình cơ sở hạ tầng như các đê hửu ngạn và tả ngạn cho các nước trong lưu vực, thẩm định kinh tế phát triển châu thổ Mauritania, phục hồi diện tích dẫn thủy 39.000 ha cho Mali, Mauritiana và Senegal.

            Liên quốc gia Zaire, Rwanda và Burundi: Nghiên cứu đánh giá tài nguyên nước.

Các quốc gia khác ngoài Phi Châu:

            Pháp: Nghiên cứu, giám thị các công trình xây đập Baix le Logis Neuf; đập Beauvoir; đập Monteynard; nghiên cứu và thiết kế công trình bảo vệ chống lụt vùng Sarthe, Orne, Loir-et-Cher và Herault.

            Brazil: Nghiên cứu thủy tính, thiết kế công trình thủy lợi để canh tác 11.000 ha lúa tại Itiúba và Propriá.

            French Guiana: Phát triển vùng Terres Basses (300.000 ha) canh tác lúa và chăn nuôi.

            Haiti: Canh tân hệ thống thủy lợi cho vùng canh tác lúa Artibonite (33.000 ha).

            Peru: Công trình chống lũ lụt vùng trồng lúa Piura và Chira (42.000 ha).

            Venezuela: Nghiên cứu phát triển toàn diện vùng phía nam hồ Maracaibo.

            Liên quốc gia Argentina, Brazil và Uruguay: Nghiên cứu thiết lập mô hình toán học về thủy tính sông Paraná và sông Plata.

            Iran: Nghiên cứu hoạch định nguồn nước, thiết kế đập cung cấp nước cho kỹ nghệ, sinh hoạt và nông nghiệp tại vùng Gorgan ad Mazanderan.

            Iraq: Nghiên cứu thoát thủy vùng Kirkuk-Mosul.

            Phi Luật Tân: Thiết kế các công trình thủy lợi cho canh tác lúa vùng Tagatay-Batangas.

            Thái Lan: Dự án Nông-Khai, nghiên cứu thiết kế hệ thống bơm nước và thoát thủy vùng trồng lúa 8.000 ha tại Ban Hin Ngom.

            Việt Nam: Tư vấn về chính sách kinh tế vĩ mô, tổ chức WTO, phát triển vùng Tây nguyên, hệ thống đê điều sông Hồng, bảo vệ vùng duyên hải Việt Nam đối đầu với hiện tượng nước biển dâng cao (2006-2009).

Liên quốc gia Việt Nam, Cambodia, Lào: Tư vấn cho Ủy ban Mekong Liên Hiệp quốc (United Nations Mekong Committee) (1964-1965): Nghiên cứu đập Drayling, Prek Thnot.

Ông được giải thưởng của Hiệp Hội Kỹ sư Công Chánh Pháp (1960) và giải thưởng của Ngân Hàng thế giới (1997).

BÙI HỮU TUẤN, Kỹ sư Cầu Cống (Paris)

Nguyên Thứ trưởng, rồi Tổng trưởng Bộ Công Chánh (1963-1964), và Đổng lý Văn phòng Bộ Công Chánh. Được biết Ông làm về công chánh ở Senegal và nhiều nuớc Phi Châu khác.

GS THÁI CÔNG TỤNG*

Nguyên Giám Đốc Viện Khảo Cứu, Trưởng Khối Kế Hoạch Bộ Canh Nông, Giáo Sư truờng Cao Đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn.

Kể từ 1982, GS làm việc tại Phi Châu, cả Đông Phi lẫn Tây Phi, và miền Sahel khô hạn (phía nam sa mạc Sahara). Bắt đầu làm việc ở Rwanda năm 1982-83, trong dự án Mutara, phía Bắc Rwanda (sát biên giới với Uganda). Trong vùng này có nhiều thung lũng bỏ hoang và mục đích dự án là biến cải các thung lũng này thành ruộng lúa. GS phụ trách phần nông nghiệp: huấn luyện, khảo cứu, khuyến nông với nhiều kết quả rất khích lệ. Sau năm 1986, GS lại có dịp đi tư vấn về nông nghiệp cho nhiều dự án khác về nông nghiệp tại Guinée Bissau, Guinée Conakry. Năm 1988-1990, lại trở sang làm việc cho một dự án khác cũng tại xứ Rwanda, lần này dự án ở gần biên giới miền Tây xứ Zaire (tức Congo). Năm 1991, tham vấn cho một dự án ở Niger, và năm 1992-93, lại làm cho một dự án khác ở Mali.

Ngoài Phi Châu, Giáo Sư còn công tác nông nghiệp trong dự án DRIPP (Développement régional intégré Petit Goave – Petit Trou de Nippes) ở Haiti (1976-1981) và dự án K-BIRD (Karnali-Bheri Integrated Rural Development) ở Nepal (1983-1986).

TRẦN THỊ CẨM TUYẾN* 

Công tác thiện nguyện tại Gambia cho Peace Corps (1991-1992), chuyên về khuyến nông.

PHẠM HỮU VINH (quá cố)

Nguyên Tổng Thư Ký Bộ Công chánh, làm ở Algérie.

NGUYỄN THÁI VŨ*, PhD (USA)

Nguyên Giảng Viên tại Viện Đại Học Cần Thơ.

1983: Senegal.  Phụ trách một thời gian rất ngắn trong dự án phát triển cơ khí nông nghiệp dọc biên giới Senegal và Mauritiana. 

1983- 1987Cameroon, do  University of Florida/ USAID tài trợ. Đây là dự án phát triển nền giáo dục Đại Học và trung cấp cho Cameroon, đặc biệt xây dựng Centre Universitaire de Dchang, gồm có 5 Giáo sư của Đại học Florida, trong đó Dr Vũ phụ trách về phần Nông Cơ.

1991-1995: Malawi, do USAID tài trợ.  Phụ trách phát triễn và giảng dạy tại Phân Khoa Nông Cơ tại Bunda College of Agriculture thuộc University of Malawi. 

1988-1990: Indonesia Project.  Winrock Internationa/USAID/ Indonesia Project, phụ trách phát triển thiết bị nghiên cứu  cho các viện khảo cứu ở Sumatra, Java, Kalimantan, Sulawesi.

*Tư liệu cung cấp qua liên lạc cá nhân.

KẾT LUẬN:

Như vậy, có ít nhất là 76 chuyên viên Việt Nam làm việc “cho” và “tại” Phi Châu. Tất cả đều tốt nghiệp ở các các đại học nổi danh trên thế giới, nhiều nhất là Pháp (43) và Hoa Kỳ (24). Đó là chưa kể một số rất lớn chuyên viên ở các đại học, học viện nghiên cứu, rải rác khắp Âu Mỹ, cũng có góp công gián tiếp vào việc phát triển Phi châu, như đào tạo chuyên viên Phi Châu, nghiên cứu những vấn đề của Phi Châu, v.v. Chẳng hạn, tác giả đã đào tạo khoảng 15 chuyên viên sau bậc đại học cho Phi Châu, có đến vùng Sahel để truyền đạt kiến thức khoa học mới trong việc bài trừ nạn cào cào châu chấu cho vùng này.

Trong số 76 chuyên viên này có 7 vị Tổng Bộ Trưởng, 2 Thứ Trưởng, 8 Tổng Giám Đốc, và 6 Giám Đốc, nhiều nhất ở các Bộ Công Chánh, Nông Nghiệp và Tài Chánh. Phần còn lại là chuyên viên, nhiều nhất ở lãnh vực Nông Nghiệp, kế đến Tài Chánh, Công Chánh và Giáo dục.

Cơ quan tài trợ các chuyên viên VN nhiều nhất là Ngân Hàng Thế Giới, kế đến USAID, Viện trợ Pháp, Cộng Đồng Âu Châu, v.v.

Các quốc gia Phi Châu được nhận trợ giúp từ chuyên viên Việt Nam là các quốc gia nằm giữa 2 vĩ độ 20º Bắc và 20º Nam, đặc biệt nhiều nhất là các quốc gia tập trung ở vùng xích đạo, từ vĩ độ 10º Bắc đến 10º Nam. Đây là các quốc gia nghèo và lạc hậu nhất, sống nhờ nông nghiệp là chánh.

Lãnh vực nông nghiệp có nhiều chuyên viên VN nhất và cũng được các cơ quan tài trợ nhiều nhất. Các lãnh vực tài chánh, công chánh cũng có mục đích chánh là hổ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp ở các quốc gia này.

Thời gian chuyên viên VN có mặt nhiều nhất ở Phi Châu là từ 1975 đến 1990, nghĩa là sau khi họ vừa trốn thoát khỏi VN.

Trong lãnh vực nông nghiệp, trước đây đa số nông dân Phi Châu canh tác lúa rẫy (upland rice) với các giống lúa địa phương, thuộc loài lúa Phi Châu (Oryza glaberrima), năng xuất thấp, canh tác nhờ nước mưa, nên chỉ một mùa/năm, cho năng xuất tối đa 2-3 t/ha. Có thể nói là toàn bộ lãnh đạo của Bộ Canh Nông thời Đệ nhị Cộng Hòa đã dời qua Phi Châu sau 1975, từ Ông Bộ Trưởng, Thứ Trưởng, Tổng Giám Đốc, hầu hết các Giám Đốc, và chuyên viên các ngành từ Khuyến Nông, Chăn nuôi, lúa gạo, nông cơ, thủy nông, v.v. Họ đã mang vào Phi Châu cuộc “cách mạng xanh” (green revolution) mà họ đã thành công ở Việt Nam từ giữa thập niên 1960s đến 1975. Họ du nhập vào Phi Châu kỹ thuật mới canh tác lúa nước (irrigated rice) áp dụng cho lúa cao năng “Thần Nông” của các giống lúa cải thiện Á Châu (Oryza sativa), các biện pháp thủy nông, phân bón, cơ giới hóa, bảo vệ mùa màng, tổ chức nông dân, tín dụng, v.v. Nhờ vậy nông dân Phi châu bắt đầu làm quen với lề lối canh tác mới, 2 hay 3 vụ lúa một năm, có nơi đưa năng xuất lên trên 20 t lúa/năm. Ngoài ra, phát triển hạ tầng cơ sở để phát triển kinh tế, cũng như lãnh vực tái thiết sau chiến tranh / xung đột của nhiều quốc gia Phi Châu cũng do chuyên viên VN đóng góp nhiều nhất.

Để phát triển đất nước giàu mạnh, ngoài tài nguyên thiên nhiên và vốn liếng tài chánh dồi dào, cần phải có nhân sự tài giỏi điều hành. Chính phủ sáng suốt phải biết xử dụng liên kết các nguồn tài lực này. Vì vậy, trên thế giới, ở bất cứ quốc gia nào, chuyên viên cũng vẫn được xem là một “tài sản” quý giá, được trân trọng giữ gìn, phát triển, để đất nước tiến bộ nhanh chóng. 

Nhật Bản, Anh Quốc, Singapore, vốn không có tài nguyên thiên nhiên, nhưng đã biết đầu tư vốn liếng nhân sự và tạo môi trường thuận lợi cho họ, nên đã trở thành cường thịnh.

Hoa Kỳ, nhờ tài nguyên phong phú, nhờ chế độ ưu đải chuyên viên, không những cho công dân Hoa Kỳ, mà còn ưu đải đặc biệt chuyên viên tài giỏi nước ngoài, nên đã lôi cuốn hầu hết các chuyên viên ưu tú của Châu Âu và các châu lục khác vào Hoa Kỳ. Vì vậy, không ngạc nhiên Hoa Kỳ lãnh đạo thế giới về khoa học, kỹ thuật và nhiều lảnh vực khác. Ngay cả ở các nước đang phát triển, còn nghèo, vẫn có chế độ ưu đải chuyên viên cùng với biện pháp ngăn chận “thất thoát trí nảo” (brain drain).

Việc đào tạo thành một chuyên viên tài giỏi rất tốn kém và cần nhiều thời gian.  Để đào tạo thành một chuyên viên cấp đại học (BSc) tối thiểu phải 4 năm đại học. Muốn có cấp MSc, phải trải thêm 2 năm học tập. Muốn có PhD, phải trải thêm tối thiểu 3 năm hay hơn. Như vậy, phải trải khoảng 10 năm học liên tục sau bậc trung học mới có PhD. Có bằng cấp chưa đủ để phụng sự hữu hiệu, cần phải có kinh nghiệm thâu đạt được, muốn vậy một chuyên viên có khả năng và kinh nghiệm cũng cần có thời gian thêm 5 năm tối thiểu nữa.

Sau chiến tranh, để tái thiết đất nước, thay vì tận dụng hàng ngàn chuyên viên tài giỏi tự nhiên có trong tay mà đa số được đào tạo ở những đại học nổi danh trên thế giới, chế độ mới ngay sau khi tiếp thu đã thi hành chính sách bạc đải, hạ nhục và đưa vào trại cải tạo. Vì vậy, họ đành phải liều chết lìa bỏ quê hương để tìm cuộc sống mới ở quê người, nơi tài năng họ sẽ được xử dụng và nhân phẩm họ được tôn trọng. Ngày nay, 35 năm sau chiến tranh, mặc dầu với tài nguyên thiên nhiên phong phú Việt Nam vẫn còn nghèo và lạc hậu. Nếu lấy PPP (Purchasing  Power Parity – Đồng giá sức mua, tính theo US Dollar) của GDP (Gross domestic product) đầu người để so sánh, thì năm 2009 Việt Nam ($2,900) còn lẹt đẹt ở thứ hạng 135 trong số 193 quốc gia trên thế giới, kể từ nước có mức sống giàu nhất (Liechtenstein $122,100, một tiểu quốc nằm giữa nước Austria và Thụy sĩ) đến nghèo nhất (Zymbabwe $200). So với Châu Phi, thì Việt Nam ($2,900) còn nghèo hơn 14 nước (Equatorial Guinea $36,000; Libya $15,200; Gabon $13,700; Bostwana $12,100; South Africa $10,100; Angola $8,900; Tunisia $8,000; Algeria $7,000; Namibia $6,100; Egypt $6,000; Morocco $4,600; Swaziland $4,400; Congo Republic $4,100); Cape  Verde $3,400), trong số này ngày trước người Việt thường chê là “Lính Lê Dương”, “Tây Đen Rạch Mặt” (Tunisia, Algeria, Morocco) hay “Ăn Tết Congo”.  Nước Angola, vốn một thời theo Xã hội chủ nghĩa, cũng bị chiến tranh tàn phá trong 27 năm, nay có PPP gấp 3 lần Việt Nam. So với các nước Đông Nam Á, thì Việt Nam ($2,900) chỉ hơn Burma ($1,100),  Cambodia ($1,900) và Lào ($2,100), nhưng thua xa Singapore ($50,300), Brunei ($50,100), Malaysia ($14,800), Thailand ($8,100), và thua cả Indonesia ($4,000) và Philippines (US$ 3,300).

            Thật đáng tiếc cho một cơ hội lịch sử!

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

CIA The World Factbook: https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/

CẢM TẠ: Tác giả chân thành cảm tạ các vị (*) đã cung cấp tư liệu cá nhân và đồng thời cung cấp danh tánh đồng nghiệp hay thân hữu có thời gian làm việc ở Phi Châu. Tác giả đồng thời cũng xin các vị có tên trong danh sách (không có *) tha lỗi vì không biết địa chỉ để liên lạc, vì vậy có thể có những sai lầm.

June 25, 2010.

TS Trần Đăng Hồng, PhD

Nguồn: Những bài cùng tác giả @ vietsciences.free.fr/

Leave a comment