May24-w5

Các bài viết sưu tầm: May 31, 2024

Nhà Văn Nguyên Vũ 42-24
Ngày chiến sĩ trận vong…
Tương lai không trong tay ta

Nguyên Vũ 1942 – 2024

Nhà Nghiên Cứu Sử Học Nguyên Vũ Tạ Thế 1942 – 2024

Nguồn: © SBTN TV (22/04/24)

so-help-me-god-book-cover

Nguyên Vũ. © SBTN TV

Nhà nghiên cứu sử học Nguyên Vũ, tên thật Vũ Ngự Chiêu, vừa qua đời vào lúc 5pm 19/04/24 tại tư gia ở Houston, Texas. Tiến Sĩ Vũ Ngự Chiêu có hai bút danh Chính Đạo và Nguyên Vũ, là một cây bút rất nổi tiếng ở Miền Nam Việt Nam. Trước 1975, ông phục vụ trong binh chủng Pháo Binh Dù và đã có hơn 20 tác phẩm xuất bản.

Sau khi ra hải ngoại, ông vừa tiếp tục cầm bút vừa đeo đuổi việc học. Tốt nghiệp Tiến Sĩ Sử tại Đại Học Wisconsin-Madison năm 1984. Cùng gia đình dọn về Houston, ông là Giám Đốc nhà xuất bản Văn Hóa và tốt nghiệp Tiến Sĩ Luật tại Đại Học Houston năm 1999. Những tác phẩm của vị nhà văn xuất hiện trước năm 1975 dưới bút danh Nguyên Vũ gồm nhiều thể loại…

Bà con có thể đọc một số tác phẩm của ông @ TẠI ĐÂY

– Tiễn biệt Nhà văn Trần Hoài Thư (1942-2024)

May24-9

Ngày chiến sĩ trận vong!

Nhân ngày chiến sĩ trận vong Hoa Kỳ 2024

© Giao Chỉ San Jose

Nguồn: © Việt Báo Hoa Kỳ (24/05/2024)

Tomb_of_the_Unknowns

The Tomb of the Unknown Soldier.” © Wiki

Hãy tưởng nhớ 60 ngàn đồng minh và hơn triệu quân dân cán chính VNCH đã hy sinh trong chiến tranh.

Nhân ngày tưởng niệm chiến sĩ tại Hoa Kỳ, ghi lại câu chuyện về trận tái chiếm Cổ Thành Quảng trị tôi phải gửi tặng nhiều người. Nhà báo Trùng Dương, tài tử Kiều Chinh và đại tá Ngô văn Định, Đại úy Phan Nhật Nam (Những người còn sống). Đại tá Phạm Văn Chung và chuẩn tướng Trần quốc Lịch những người đã ra đi. Các anh Định, Chung và Lịch cùng khóa võ bị với chúng tôi. Năm 2019 đã hy vọng rằng tháng 4 năm 2020 ghi dấu 45 năm từ khi mất nước 1975 sẽ cùng về San Jose dự quốc hận tại Việt Museum. Cùng ôn lại một thời oanh liệt. Năm 1972 Đại tá Phạm văn Chung Khóa Cương Quyết Đà Lạt lữ đoàn trưởng Mũ Xanh đang giữ vững phòng tuyến cuối cùng trên sông Mỹ Chánh. Tướng Ngô quang Trưởng khóa Cương Quyết Thủ Đức vừa ra nhận chức tư lệnh quân đoàn 1 để phản công. Ông đã đến ngay Mỹ Chánh và hỏi riêng Phạm Văn Chung. Giữ được không, ông tướng hỏi? Thưa trung tướng tôi giữ được. Người sinh viên khóa Cương Quyết Đà Lạt bình tĩnh trả lời…

Đọc tiếp…

Tiếp theo đại tá Trần Quốc Lịch, khóa Cương Quyết Đà Lạt chỉ huy lữ đoàn mũ đỏ vượt sông Mỹ Chánh tiến quân phía núi. Đại tá Ngô Văn Đình, Cương Quyết Đà Lạt vượt sông Mỹ Chánh tiến quân phía biển. Mục tiêu là Cổ Thành. Khi một đơn vị đầu tiên của nhảy dù đã bám được vào tường thành thị trấn thì tai họa chiến tranh đã xảy ra. Phi cơ của phe ta đã thả bom vào đội hình của cả đại đội mụ đỏ. Lính dù bị tổn thất nặng nên ông Trưởng cho lữ đoàn của Trần Quốc Lịch tạm lùi lại để lữ đoàn mũ xanh của Ngô Văn Định lên thay. Trong trận này, Định bị thương nhưng vẫn ở lại chỉ huy.

Decoration-Day-McCutcheon-img

“On Decoration Day” Political cartoon c. 1900 by John T. McCutcheon. Caption: “You bet I’m goin’ to be a soldier, too, like my Uncle David, when I grow up.” © Wiki

Trong trận Quảng Trị khóa chúng tôi có mặt một lần 3 đại tá chỉ huy. Thêm anh bạn tiểu học Hà mai Việt, đại tá thiết giáp chỉ huy mũ đen yểm trợ cho cả quân xanh, quân đỏ. Viet Museum dự trù xây một tượng đài với 4 trận đánh lịch sử để các bạn cùng khóa về tham dự lễ khánh thành Nhưng rồi Covid chặn mất đường về. Phạm văn Chung và Trần quốc lịch đã ra đi. Tháng 3 năm 54 đám thanh niên Bắc Kỳ chúng tôi lên Đà Lạt từ Hà Nội. Đã tình cờ có mặt tại Quảng Trị năm 1972. Ba anh cùng khoá cầm quân tham dự trận lịch sử. Nhưng đành lỗi hẹn năm cuối cùng tại San Jose. Xin các bạn đọc câu chuyện dài về cổ thành Quảng Trị để nhớ về những người không còn nữa. Nhân ngày chiến sĩ trận vong tại Hoa Kỳ. Các bạn làm phúc chuyển tiếp rộng rãi để xa gần và trong ngoài biết rõ ngày xưa các cụ 90 đã sống chết ra sao?

Ngày chiến sĩ trận vong 2024

Cách đây hơn 150 năm, giữa khi cuộc nội chiến Hoa Kỳ đang diễn ra, tổng thống Lincoln trong bài diễn văn tại Gettysburg đã nói những tư tưởng đi trước thời đại. Ông nói đại ý rằng những người lính bên này hay bên kia đều là những người yêu nước. Mới đây, tôi có dịp xem trên mạng hình ảnh buổi họp mặt của các gia đình tử sĩ miền Bắc VN hy sinh trong trận Quảng Trị năm 1972. Diễn giả cho chương trình tưởng niệm là đại tá Nguyễn Quý Hải, thời gian đánh Quảng Trị ông là sĩ quan chỉ huy pháo đội Bông Lau. Một diễn giả khác là bác sĩ Lê văn An của Bắc Quân. Ông là bác sĩ duy nhất đã có mặt trong Thành Cổ Quảng Trị và là một trong 11 chiến binh còn sống. Vị bác sĩ này đã tả lại những giây phút đau thương oan nghiệt cuối cùng trong vòng vây thị xã. Câu chuyện nhắc đến các chiến binh còn sống dưới hầm sâu của tòa tỉnh trưởng bị bom đánh sập nhưng không có phương tiện để cấp cứu. Hôm nay, dù Covid 19 đã đem đi hơn nửa triệu dân Mỹ nhưng vẫn còn không khí vui tươi trong dịp lễ cuối tuần Hoa Kỳ. Tưởng niệm chiến sĩ trận vong nhưng với dân Mỹ vẫn là ngày Lễ Hội.

Tôi xin mở lại câu chuyện cũ về cuộc chiến Quảng Trị. Nửa thế kỷ trước, chúng tôi có dịp ra thăm Quảng Trị sau khi Miền Nam lấy lại được Cổ Thành. Sau 81 ngày ác mộng đã trôi qua. Hàng ngàn chiến binh 2 bên đã chết trong một thị xã bé nhỏ ở miền hỏa tuyến. Hà Nội gọi là Thành Cổ. Sài Gòn gọi là Cổ Thành. Khi miền Bắc có lệnh rút quân, chỉ có 11 chiến binh còn sống để trở về. Chúng tôi có dịp gặp một vài chiến binh cộng sản bị bắt tù binh. Trong số này có em nhỏ vượt qua bờ Nam sông Thạch Hãn nhưng không lọt vào trong Thành Cổ. Em thuộc toán quân bơi lạc vào đơn vị TQLC. Ông bạn tôi, đại tá Cao Tiêu của tổng cục chiến tranh chính trị buồn bã nhìn thằng bé quân đội thù nghịch mà hỏi rằng. Con quê ở đâu. Bao nhiêu tuổi. Thưa ông con quê Thái Bình, 16 tuổi. Sao 16 tuổi đã phải đi bộ đội. Con đi thay cho anh con. Anh con bị què chân. Nhưng nhà nào cũng phải đi. Ông Tiêu thở dài mà nói rằng. Để ông sẽ thu xếp cho con. Quê ông cũng ở Thái Bình.

can-binh-BV

Thưa ông con quê Thái Bình, 16 tuổi.” © vietbao

Chúng tôi không bao giờ quên được câu chuyện thẩm vấn tù binh ngày hôm đó. Vì vậy, nhân ngày Chiến Sĩ Trận Vong với không khí lễ hội tưng bừng tại Hoa Kỳ, xin kể lại những chuyện không vui của hai miền Nam Bắc trong chiến tranh. Chuyện từ Đại Lộ kinh Hoàng cho đến 81 ngày trận chiến Quảng Trị. Như vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ đã nói. Trong chiến tranh, những chiến binh của hai bên đã hy sinh đều là những người yêu nước. Từ Hà Nội, anh Ba Lê Duẩn ra lệnh phải giữ Thành Cổ bằng mọi giá. Từ Sài Gòn, Tổng Thống Ng Văn Thiệu ra lệnh phải lấy lại Cổ Thành bằng mọi giá. Quảng Trị là con bài trong canh bạc chính trị tại hội nghị Paris. Chiến binh hai miền Nam Bắc chết trong thị xã Quảng Trị ai là phe thắng, ai là phe bại. Xin bằng hữu cùng tôi đọc lại các tác phẩm viết về Đại Lộ Kinh Hoàng và Mùa hè đỏ lửa của miền Nam. Xin đọc qua Mùa hè Cháy, Mãi mãi tuổi 20 và Một thời hoa lửa của miền Bắc. Những mẩu chuyện như sau:

1. Ngày Chiến Sĩ Trận Vong

Người Mỹ tưởng niệm những quân nhân đã hy sinh vì đất nước trong ngày lễ Chiến Sĩ Trận Vong. Ngày quốc lễ này năm nay là Thứ hai 27 tháng 5-2024. Khắp nước tổ chức tưởng niệm các tử sĩ với những cuộc diễn hành, các buổi hòa nhạc nói lên tinh thần yêu nước. Các cộng đồng khác sẽ đánh dấu ngày này bằng những giây phút suy ngẫm trong tĩnh lặng về những người đã ngã xuống trong khi đang phục vụ trong quân đội. Ngày lễ này từng được gọi là Ngày Vinh Danh được tổ chức tại nghĩa trang Arlington vào năm 1868. Ba năm sau cuộc nội chiến đẫm máu ở Hoa Kỳ gây thiệt mạng cho trên 600.000 người. Nhiều trường học được nghỉ lễ vào 3 ngày cuối tuần này và được xem như ngày khởi đầu không chính thức của mùa nghỉ hè. Nhiều gia đình tổ chức các buổi ăn ngoài trời hay đi đến vùng biển, công viên hoặc cắm trại. Nhân dịp đặc biệt này, năm trước chúng tôi đã phổ biến loạt bài về tổn thất trong chiến tranh. Năm nay xin gửi đến tài liệu ghi nhận được về trận Quảng Trị năm 72 để quý vị đọc trong những ngày nghỉ lễ.

2. Năm 72 Ở Quảng Trị

Ghi Chú: Một phần bài này viết năm 1990 phổ biến khắp nơi. Bỗng có một cựu pháo thủ Bắc quân thuộc đoàn pháo Bông Lau gửi email cho tôi báo tin rằng không phải pháo Bông Lau của cộng sản bắn trên Đại Lộ Kinh Hoàng. Tôi hỏi lại, nếu Bông Lau không bắn thì pháo nào. Không thấy trả lời. Sách của Dương Phục và Thanh Thủy phát hành cũng có đoạn tả về Đại Lộ Kinh Hoàng.

Thời kỳ trước 1975, khi tôi có dịp phụ trách về binh thư tại bộ Tổng Tham Mưu, thường qua bên Phòng Nhì hoặc Trung ương tình báo tìm đọc các sách báo của miền Bắc. Đọc và ghi chép lại, thêm 1 chút nhận xét, nhưng không phê phán. Đôi khi phải tóm lược lại để trình lên hay phổ biến nội bộ nhưng tuyệt đối không viết thêm những lời tuyên truyền hay lên án.

Ngày nay trên đường đi tìm tài liệu cho trận Quảng Trị, chúng tôi giữ các nguyên tắc đó. Bây giờ xin quý vị cùng chúng tôi tìm hiểu về miền Bắc Việt Nam thời kỳ đầu thập niên 70.

Để chuẩn bị cho trận mùa hè 72, Hà Nội bắt lính từ năm 1970. Sau khi vét hết nông dân, qua năm 1971 tổng động viên toàn bộ nhân lực thành thị. Các học sinh và sinh viên trên 18 tuổi chuẩn bị nhập ngũ hết. Cũng trong thời gian này, Nga và Tàu hoàn toàn đồng ý viện trợ cho Hà Nội đánh Mỹ. Trong lúc Hoa Kỳ rút quân, bên ta Việt Nam hóa chiến tranh thì Nga Xô viện trợ tối đa cho miền Bắc qua Trung Cộng.

3. Sau trận mùa hè

Phan nhật Nam viết cuốn “Mùa hè đỏ lửa” (1) năm 72 thì 33 năm sau Hà Nội mới cho ra đời 2 cuốn sách viết về Quảng Trị. Đại tá pháo binh quân đội nhân dân Nguyễn Quý Hải ra đời cuốn “Mùa Hè Cháy” (2) ghi lại con đường nhận pháo Nga Sô từ biên giới Tàu đem về Hà Nội đưa vào đến Quảng Bình, rồi qua Quảng Trị trong trận mùa hè. Với số lượng pháo đủ loại và hỏa tiễn, 5 sư đoàn Bắc quân đã được yểm trợ tối đa để tấn công miền Nam trực tiếp qua Bến Hải.

Tất cả đều ghi rõ trong tác phẩm “Mùa Hè Cháy” và chính từ tác phẩm này tôi có thể đối chiếu với tài liệu còn lưu giữ để có được những trang sử gần chính xác về phía Việt Nam Cộng Hòa. Cũng vào năm 2005 một tác phẩm khác của phe cộng sản tựa đề “Một Thời Hoa Lửa” đã ra đời, cũng nói về đề tài Quảng Trị. Bài viết này sẽ ghi lại rất nhiều chi tiết từ Hoa Lửa do các tác giả miền Bắc sáng tác.

4. “Mãi mãi tuổi 20” (3)

Tập hồi ký được Hà Nội nhắc nhở đến nhiều nhất là: “Mãi mãi tuổi 20,” hồi ký của 1 thanh niên tên Nguyễn văn Thạc. Anh là Sinh Viên đại học Tổng hợp Hà Nội. Đi lính binh nhì truyền tin ngày 6-9-1971 và hy sinh tại chiến trường Quảng Trị ngày 30-7-1972, lúc chưa đầy 20 tuổi và chưa đủ 1 năm lính. Anh bị pháo cắt ngang đùi trái, mất máu nhiều quá nên đã chết. Chôn ngay tại mặt trận Quảng Trị. Thạc để lại cuốn nhật ký 260 trang, viết lời cuối vào ngày 27-7-1972. Ba ngày sau tử trận. Tháng 5-1973 tức là gần 1 năm sau, gia đình chưa có tin tức từ đơn vị, nhưng được đồng đội về báo tin. Sau tháng 4-1975 gia đình không có phương tiện đi tìm xác. Phải chờ đến cuối năm 1976 mới có điều kiện đi tìm. Cải táng từ quận Triệu Phong về huyện Từ Liêm, gần Hà nội vào dịp tết 1977.

Tôi đã đọc 2 lần 260 trang sách nhưng không tìm được những dữ kiện về trận Quảng Trị. Hồi ký ghi lại 10 tháng trong quân ngũ của 1 thanh niên miền Bắc, nhưng mới vào trận đã bị thương rồi chết. Nội dung là lời lẽ chân thành đơn giản nhưng không có tình tiết hấp dẫn. Tác phẩm này được giới trẻ miến Bắc tìm đọc vì đã nhắc đi nhắc lại đến tình yêu tuổi học trò với cô bạn học Như Anh. Cô này hiện nay là di dân sống tại Đức quốc. Vì tác phẩm nặng về tình yêu và thiếu quyết tâm nên đã không được phổ biến suốt 33 năm. Phải chờ đợi đến cuối thế kỷ thứ 20, nhạc vàng miền Nam chinh phục hoàn toàn nền văn hóa vô sản thì hồi ký tình yêu của Nguyễn văn Thạc mới được phổ biến và quảng bá mạnh mẽ.

5. “Một Thời Hoa Lửa” (4)

Đây là tên 1 tác phẩm, đồng thời cũng là tên 1 chương trình do đài truyền hình Việt Nam tại Hà Nội và công ty viễn thông quân đội nhân dân phối hợp tổ chức vào ngày 31 tháng 10 năm 2005. Ban tổ chức mời tất cả bộ đội đã tham dự trận Quảng Trị trên 1.000 người về lại Thành Cổ để dự 1 chương trình văn nghệ. Cùng 1 lúc họ tập hợp lối 5.000 sinh viên Hà Nội tại sân trường đại học Khoa học, Xã hội, Nhân văn cùng tham dự. Báo Nhân dân đã ghi lại là vào ngày 6 tháng 9 năm 1971 tại 30 sân trường đại học và cao đẳng, tổng cộng 10.000 sinh viên lên đường nhập ngũ.

Như vậy là 52 năm trước đảng cộng sản đã động viên hầu hết các sinh viên miền Bắc để tấn công miền Nam. Có nhiều trường đại học sau đó đóng cửa, các giáo sư cũng đi lính với học trò. Hầu hết có được 4 tháng huấn luyện và đầu năm 1972 tất cả lên đường vào Nam tham dự vào 3 mặt trận. An Lộc, Kontum, và Quảng trị. 70% bộ đội hy sinh hoặc bị thương. Trận Mậu Thân 68 Việt Cộng hy sinh toàn bộ các đơn vị thuộc Mặt trận giải phóng miền Nam và bộ đội tập kết.

Qua đến trận Mùa hè 72 đảng cộng sản Việt Nam hy sinh khối nhân lực trí thức tương lai của miền Bắc. Người có quyết định sắt máu đó là Lê Duẩn.

Lúc 10 giờ 30 sáng ngày 30/3/72 trung đoàn pháo Bông Lau khai hỏa trận địa pháo vào căn cứ Carroll, Ái tử và Mai Lộc. Ngày 2/4/1972 căn cứ Carroll thất thủ. Sau đó Ái Tử, Mai Lộc rồi Quảng Trị đều rút quân. Một tháng sau, ngày 1 tháng 5-1972 Bắc quân chiếm đóng trên tỉnh Quảng Trị từ sông Bến Hải đến sông Mỹ Chánh. Sau khi miền Nam rút quân, xác người và di sản chiến tranh vẫn còn trên quốc lộ số 1. Báo chí Sài Gòn ghi lại con đường đã trở thành đại lộ Kinh Hoàng.

Hội nghị hòa đàm Paris bước vào năm thứ 4. Hoa kỳ đơn phương rút quân. Khối cộng sản Nga Sô và Trung Cộng đổ chiến cụ và tiếp viện tối đa vào miền Bắc.

Mở đầu cho giai đoạn thử thách Việt Nam hóa chiến tranh, quân lực Việt Nam Cộng Hòa hành quân Lam Sơn 72. Nam quân vượt sông Mỹ Chánh ngày 28 tháng 6-1972 và kết thúc việc chiếm lại Cổ Thành Quảng Trị ngày 16 tháng 9-1972. Sau 81 ngày tại một chiến trường khốc liệt nhất trong chiến tranh Việt Nam. Báo chí miền Bắc gọi là Cuộc đụng đầu của lịch sử. Hơn 30 năm qua và cho đến ngày nay, Hà Nội luôn luôn nhắc đến chiến tích đã cầm cự được 81 ngày.

Tại viện bảo tàng lịch sử Thành Cổ hiện nay có bảng tưởng niệm với 81 tờ lịch ghi dấu 81 ngày trong cuộc chiến mùa hè 72. Thêm vào đó có 11 tấm phù điêu tiểu sử 11 chiến binh đã có mặt trong Cổ Thành và còn sống trở về. Mỗi người đều ghi lại cuộc đời sinh viên, nhập ngũ, chiến đấu và ngày về. Phù điêu gọi là Dương bản. Còn Âm bản là mộ bia tưởng niệm chung trên 10.000 bộ đội đã hy sinh.

Trong đêm văn nghệ Hoa Lửa 31/10/2005 họ đã dùng 81 nhạc công trong ban hòa tấu để nhắc lại ý nghĩa của 81 ngày lịch sử.

7. Cổ Thành gian khổ.

Cũng theo tài liệu của miền Bắc, tuyển tập Hoa Lửa ghi lại bút ký, bài viết và lời phát biểu của gần 100 nhân vật về trận mùa hè 72. Sách xuất bản năm 2005 ngôn ngữ Hà Nội đã có khác biệt với tài liệu tuyên truyền phổ biến trước và sau 1975. Không còn những lời miệt thị miền Nam. Họ gọi quân lực Việt Nam Cộng Hòa, tổng thống Nguyễn văn Thiệu, trung tướng Ngô quang Trưởng. Đồng thời qua tài liệu với nội dung mở rộng đã có đề cập đến số tổn thất, thương vong khủng khiếp, nỗi sợ hãi, việc đào ngũ của chiến binh.

Đặc biệt có những chỗ ghi rõ tuổi tân binh có nhiều em dưới 18 tuổi. Các chú lính mới chưa được huấn luyện và cán bộ quân sự đã dạy bắn hay ném lựu đạn lúc còn ở dưới hầm trong Cổ Thành. Họ lùa tất cả đám lính mới qua sông rồi sẽ huấn luyện sau. Cuộc sống của hàng ngàn bộ đội dưới hầm là một thế giới cực kỳ gian khổ. Các hầm đều ngập nước. Không đủ nước uống. Không đủ ăn. Điều kiện vệ sinh hết sức khốn nạn. Người sống ở chung với thương binh và người chết. Trên 20% thương vong khi vượt sông Thạch Hãn. Sau đây là 1 đoạn nguyên văn của cán bộ quân sự viết lại: “Trong 81 ngày đêm đó, trung bình hàng đêm có 1 đại đội tăng cường hơn 100 người vượt sông và cũng từng đó con người đã ra đi không trở về. Máu thịt hòa vào nước sông trôi ra cửa Việt.”

mua-he-do-lua

Ảnh minh họa. © vietbao

Một chiến binh khác viết về những ngày sau cùng: Đêm 13/9/1972 Hồ Tú Bảo là sinh viên đại học toán, làm trinh sát cho sư đoàn 325 được lệnh qua sông vào tiếp viện. Suốt 2 ngày 13 và 14 tháng 9 không vượt được sông Thạch Hãn, Ngày 15 tháng 9-72 chuẩn bị vượt sông nhưng bến đáp cả 2 bờ Bắc Nam không còn nữa. Trong thành vẫn có súng nổ. Đến ngày 16/9/72 thì Cổ Thành Quảng Trị đã hoàn toàn im tiếng. Chỉ còn những ngọn khói bốc lên.

Đơn vị được lệnh rút về và hiện nay anh lính trinh sát sư đoàn 325 trở thành giáo sư tin học tại đại học Hà nội.

8. Cờ bay trên Thành Cổ.

co-bay-CTQT

Dựng cờ trên Cổ Thành Quảng Trị. (Hình design: Cổ Tấn Tinh Châu NV)

Phía Việt Nam Cộng Hòa rất hiểu rõ ý nghĩa của việc tái chiếm Cổ Thành để dành thắng lợi trên bàn hội nghị. Phía Hà nội cũng ghi nhận đây là điểm quan trọng nhất. Hòa đàm Paris dự trù tái nhóm ngày 13 tháng 7-1972. Tài liệu của miền Bắc ghi lại rằng:“Tướng Ngô quang Trưởng đôn đốc nhẩy dù phải chiếm bằng được nhà thờ Tri Bưu ngày 12 và sau đó chỉ còn 500 thước đến Cổ Thành thì phải cắm cờ vào ngày 13/7/72. Kết quả quân Dù của VNCH chiếm được Tri Bưu nhưng quân ủy trung ương Hà Nội ra lệnh trung đoàn 48 và 2 tiểu đoàn địa phương, trung đoàn 95 của sư đoàn 325 phải sẵn sàng để chống vụ cắm cờ bằng mọi giá.

Một trang báo dài của đại tá Nguyễn Hải Như, tham mưu trưởng trung đoàn Thạch Hãn đã mô tả về trận quân Dù đánh xong Tri Bưu nhưng thất bại trong việc treo cờ Cổ Thành ngày 13/7/72. Sau trận đánh đẫm máu mà lính mũ đỏ hy sinh rất nhiều. Tài liệu của cộng sản cũng ghi rõ cách đánh rất dũng mãnh của cả 2 binh đoàn nhẩy dù và thủy quân lục chiến trong trận Cổ Thành. Bên Việt Nam Cộng Hòa có lợi thế thay quân. Đánh rồi ra nghỉ. Đưa thương binh tử sĩ ra khỏi trận địa. Trong khi phía miền Bắc không có điều kiện thuận tiện vì thay quân là phải qua sông và thương vong trên sông Thạch Hãn rất cao.

9. Sau cuộc chiến.

Cũng từ tài liệu của miền Bắc ghi lại, trên toàn thể Việt Nam, Quảng Trị là nơi có 2 nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất. Nghĩa trang Trường Sơn và nghĩa trang Quảng Trị. Phần lớn chiến binh cộng sản tử trận được gom lại chôn tại Quảng Trị. Một số lớn còn thất lạc. Các cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa khi qua Mỹ được hỏi về di hài lính Mỹ cũng đã tiết lộ thêm về các mộ phần của bộ đội tại miền Nam do bên ta chôn cất. Phía Hoa Kỳ có chuyển tin tức này cho Hà nội. Tuy nhiên về việc tìm kiếm mộ phần của phía Việt Nam Cộng Hòa trước 75 bao gồm thêm di hài tù tập trung “cải tạo“ hiện vẫn chưa được chính quyền Hà Nội lưu tâm. Gần 50 năm sau tháng 4-1975 dân Việt tỵ nạn đã có cả triệu lần trở về cùng với hàng tỷ mỹ kim gửi quà hàng năm, nhưng vết thương chính trị vẫn còn là gánh nặng nên chưa giải tỏa được con đường vào chốn tâm linh.

Thuần túy trên lãnh vực tâm linh, nghĩa tử nghĩa tận, chỉ có chính quyền Hà Nội mới có thẩm quyền và trách nhiệm tối thiểu đối với di hài chiến sĩ miền Nam.

Với danh nghĩa người Mỹ gốc Việt, với sự cộng tác mạnh mẽ của tòa đại sứ Mỹ tại Việt Nam, việc tìm kiếm tảo mộ di hài chiến binh miền Nam đưa về nguyên quán hay chôn tại Nghĩa trang Biên Hòa với sự bảo quản tối thiểu, không có gì khó khăn.

Hà Nội đã bước vào kỷ nguyên mới, phải ý thức được những điều phải làm trong trách nhiệm với lịch sử dân tộc, theo trào lưu tiến hóa của nền văn minh nhân loại.

co-bay-CTQT

Nghĩa Trang QD( Biên hòa. (© Giao chỉ – VB)

10. Hàn gắn thương đau.

Năm 1992, hai mươi năm sau mùa hè 72, Hội VMA (Vietnam Memorial Association) gồm các cựu chiến binh Hoa Kỳ muốn hàn gắn thương đau của Việt Nam hậu chiến. VMA dự trù xây trường học tại các nơi hẻo lánh cả 2 miền Nam Bắc. Ban quản trị họp để tìm 1 địa điểm đầu tiên. 8 ông bà Hoa Kỳ bàn về các địa điểm. Ý kiến rất khác biệt, Cô Kiều Chinh là người Việt duy nhất, đồng sáng lập viên của VMA đã đề nghị ngôi trường đầu tiên sẽ xây tại Quảng Trị. Nơi mang vết thương lớn nhất của chiến tranh Việt Nam. Nơi chia cắt 2 miền suốt 21 năm. Toàn thể VMA đều đồng ý chọn đất cho ngôi trường tại Đông Hà coi như món quà của người phụ nữ Việt Nam tỵ nạn cộng sản gửi lại quê hương. Bức thông điệp đẹp đẽ biết dường nào. Năm 1954, cha của cô Kiều Chinh bị Việt cộng bỏ tù không bản án và chết trong tù. Thêm một ngôi trường được xây cất tại làng Mọc, quê hương của ông Nguyễn Cửu, thân phụ của cô Nguyễn thị Chinh, tên thật của tài tử Kiều Chinh. Cô ra đi lúc còn nhỏ 1954 và từ đó không bao giờ thấy được mặt cha.

Trong phim “Người tình không chân dung” có đoạn Kiều Chinh quay tại nghĩa trang Biên Hòa cũng vào năm 1972. Một ngày nào đó, cô sẽ lên thăm lại nghĩa trang quân đội miền Nam, nơi có rất nhiều chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị mùa hè 72. Không thiếu bất cứ 1 quân binh chủng nào, không thiếu bất cứ màu cờ sắc áo nào. Kể cả lính Dù chết dưới chiến hào với cờ vàng pha máu và lính thủy quân lục chiến hy sinh trong thành nội 10 ngày sau cùng, chưa thấy được lá cờ bay trên trời xanh của Cổ Thành Quảng Trị. Phía bên kia Bến Hải một thời, có câu chuyện của họ. Bây giờ đến lượt chúng ta phải kể lại câu chuyện của mình. Nếu anh không nói, ai nói. Bây giờ không nói, bao giờ. Năm 1992 cơ quan IRCC/Viet Museum và Dân Sinh Media lần đầu tiên phát động chiến dịch tảo mộ chui tại nghĩa trang Biên Hòa. Yểm trợ Thượng sĩ Tảo cầm đầu anh em thương binh cùng với 2 cô nữ quân nhân Biệt khu thủ đô tổ chức tảo mộ hàng năm. Nhân viên IRCC và cả thân nhân nhà Giao chỉ cùng Phạm Phú Nam cũng về công tác. Các tổ chức và nhiều cá nhân cùng tiếp tục tham gia. Hải ngoại đã viết thư cho Hà nội và bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Ngày nay hồ sơ Nghĩa trang Biên Hòa đã trở thành hiện hữu với nhiều hy vọng sẽ trở thành di tích lịch sử. Năm 2022 Việt Museum San Jose đã đón nhận tượng đài Quảng Trị từ miền Nam CA thực hiện. Năm 2023 lại tiếp nhận phiên bản tượng Thương tiếc do bà Đào làm chui từ Việt Nam. Đây là tác phẩm kỳ diệu thay thế tượng thiêng liêng đã bị cộng sản phá bỏ.

viet-musium

Viet Musium 2007 (Viện Bảo Tàng Việt Nam). © Wiki

11. Tổn thất chiến tranh.

Vì vậy sau khi nghe chuyện bên kia, chúng ta hãy nói chuyện bên này. Rồi đến năm 2025, nửa thế kỷ sau cuộc chiến, sử Việt sẽ ghi rằng chiến tranh Việt Nam đã làm chết 3 triệu dân trên khắp các miền đất nước. Riêng tại Quảng Trị, mùa hè năm 1972 cuộc chiến giằng xé điên cuồng đã giết chết 50 ngàn thanh niên của cả hai miền Nam Bắc. Lịch sử sẽ không cần ghi phần tổn thất hay thắng bại của các đơn vị. Sau này những đóa hoa tưởng niệm thả xuống dòng Thạch Hãn hay con sông Bến Hải sẽ cùng trôi ra biển Đông. Thể hiện tấm lòng của thế hệ tương lai gửi chung cho tất cả linh hồn các chiến binh đã hy sinh cho cuộc chiến tương tàn cuối thế kỷ thứ 20 tại Việt Nam.

12. Nhân chứng trên Đại lô Kinh hoàng (5).

Khi đi tìm nhân chứng của 1 chiến trường hết sức oan nghiệt và thê lương, hết sức dũng mãnh và hào hùng, tôi vẫn không quên đoạn đường đầy xác người trên quốc lộ số 1. Ngay khi chiến trường còn vương khói súng, cây bút nhẩy dù, đại úy Phan nhật Nam đã viết “Mùa hè đỏ lửa.” Tác phẩm đem vinh quang cho tác giả đồng thời cũng làm khổ ông sau 1975. Nhưng trước sau “Mùa hè đỏ lửa” đã gắn liền với tên tuổi Phan nhật Nam.

Phải chờ đến 32 năm sau, Hà Nội mới xuất bản cuốn “Mùa hè cháy“ của đại tá pháo binh “Quân đội Nhân dân” viết về trận pháo kích của trung đoàn pháo Bông Lau, trận pháo dã man trên đường di tản của dân Quảng Trị, giết chết hàng ngàn người và làm đoạn đường trên 2 cây số giữa con sông Thạch Hãn và Mỹ Chánh trở thành Đại lộ Kinh Hoàng.

Chúng tôi vẫn đi tìm xem ai là người đặt tên cho đoạn đường của trận thảm sát mùa hè năm 72. Có lẽ chỉ trong chiến tranh Việt Nam mới có cái đại lộ mang tước hiệu kinh hoàng.

Anh phóng viên của bộ Thông Tin có mặt tại Quảng Trị nói rằng bác đi hỏi ông Lê Thiệp trên DC. Khi quân ta phản công ở Mỹ Chánh, ông nhà báo Lê Thiệp có đi theo trên quốc lộ 1 qua lối này. Năm 2005 nhân dịp gặp ông Thiệp tại DC, ông nói rằng không biết tay nào đặt cái tên Đại lộ Kinh Hoàng thật hay. Câu chuyện dừng tại đó vì Lê Thiệp cũng ra đi.

Một lần khác, chúng tôi rao lên là muốn tìm gặp những ai đã chạy trên con đường ác độc vào đúng lúc địch pháo kích. Tôi biết có trung tá Lê huy Linh Vũ của Tổng cục Chiến tranh Chính trị là người đã trải qua và đã viết lại thành cuốn sách. Con gái của trung tá Vũ là họa sĩ Hương Alaska có cho phép chúng tôi in lại cuốn này để tặng các bạn. Nhưng ông Vũ nay không còn nữa. Đại tá Hà Mai Việt, tỉnh trưởng Quảng Trị thời kỳ 72 đã nói rằng: “Tại ông không lưu tâm đọc sách của tôi. Mở trang này ra mà xem, nhân chứng sống là ông Phan văn Châu. Tôi đã viết rõ từng trường hợp của trận Quảng Trị trong tác phẩm Thép và Máu. Ông nhân chứng này không những chịu đựng trực tiếp trận pháo trên quốc lộ mà còn nằm lại 1 đêm giữa các xác chết.”

Sau cùng nhờ ông Hà mai Việt, chúng tôi đã gặp nhân chứng sống. Trung sĩ Phan văn Châu năm nay hơn 80 tuổi quả thực là 1 người dân tiêu biểu của miền đất Quảng. Qua máy điện thoại, dường như cả một trời tâm sự tuôn tràn. Những hình ảnh quê hương, chiến tranh, loạn lạc, pháo kích, khói lửa, lẫn lộn giữa trận 72 và trận 75.

Nói đến chuyện đất nước biết bao nhiêu địa danh nào là Nhan Biều, Cầu Ga, Ái Tử, Mai Lĩnh, Cầu Dài. Rồi đến biết bao nhiêu con sông, bao nhiêu rạch nước. Âm thanh đất Quảng của người dân chân chỉ hạt bột, vòng qua quay lại để sau cùng trở về với cái ngày cả gia đình bỏ Nhan Biều mà đi. Ông Châu nói rằng, lúc đó dường như mọi người đã chạy hết. Phan văn Châu là trung sĩ thông dịch viên cho ngành tình báo tại Đà Nẵng đang đi công tác về Ái tử.

Đến khi thiên hạ bỏ chạy hết, thầy thông ngôn trẻ tuổi mặc đồ dân sự cùng 1 đứa cháu, dẫn vợ có bầu với 3 đứa con nhỏ, năm một, sáu, bảy, tám tuổi. Tất cả vội vàng ra đi bỏ lại phía sau căn nhà mới cất tại Nhan Biều bên bờ Bắc của sông Thạch Hãn.

Vợ con đi trước 1 đoạn với gia đình bà chị. Thằng cháu và ông Châu đi xe gắn máy kéo theo 1 chiếc xe gỗ 2 bánh. Hành trang chất đầy, người kéo, người đẩy chiếc xe qua khỏi cầu Ga, đi được một đoạn dài đến 9 giờ sáng thì pháo nổ ngay trên đường. Con đường đầy người chạy loạn. Cả dân cả lính với đủ mọi thứ xe. Đa số đi bộ vì đường tắc nghẽn nên không thể đi nhanh. Đạn rơi chỗ nào cũng có người chết. Xác bắn tung lên trời. Khói lửa mù mịt. Mạnh ai nấy chạy. Vợ con thất lạc ngay từ lúc đó. Ông Châu nghĩ rằng vợ con có thể đang ở phía trước. Nhưng phía trước hay phía sau thì cũng bị pháo. Khi pháo tạm ngưng thì có người lại tràn ra đi tới. Nhưng phần lớn nằm yên chịu trận. Có nhiều người không chết ở đợt pháo đầu nhưng rồi bị chết ở các đợt pháo sau. Nhiều xác chết trên đường bị pháo đi pháo lại nhiều lần. Bị thương lại bị pháo rồi cũng chết.

Biết bao nhiêu người cố chạy cho thoát bỏ lại cả gia đình vợ con. Những đứa nhỏ nằm khóc bên xác mẹ. Những em bé sơ sinh bú vú mẹ đã lạnh khô. Có người còn sống thấy đó mà phải bỏ đi. Ông Châu và đứa cháu chạy về phía đông quốc lộ, vùi thây xuống cát mà chịu đựng 1 ngày pháo kích. Đủ loại pháo của cộng sản thay phiên bắn phá suốt một ngày dài. Pháo 122, pháo 130 và pháo 155. Chỉ khi nào có B52 đến thả bom mới thấy địch im tiếng súng được 1 lúc.Toàn thân ông tê liệt dưới trời nắng gắt. Phải bò đến các vũng nước có cả phân trâu và máu người để uống. Khi trời tối dần, tất cả đều im lặng và ghê sợ.

Ông Châu và đứa cháu bắt đầu bò quanh lật các xác chết đàn bà và trẻ em lên xem có phải vợ con. Lật một xác phụ nữ mà ông nghĩ rằng người vợ, đầu óc ông mê muội. Thằng cháu còn tỉnh táo nói rằng không phải mợ. Mợ có bụng mà cậu. Mấy người khác còn sống cũng làm như vậy. Tất cả đi tìm xác thân nhân. Nhưng rồi trời tối hẳn, bộ đội Việt Cộng bắt đầu xuất hiện. Chúng tìm đến các xe nhà binh và tìm các quân nhân mặc quân phục bắt đi hết. Cậu cháu ông Châu khai là dân thường nên được lệnh phải nằm yên tại chỗ. Đêm hôm đó, ông Châu thức trắng trên bãi cát đẫm máu của Đại lộ Kinh Hoàng. Hình như có đôi lúc ông cũng thiếp đi. Cũng chẳng còn nhớ rõ. Chung quanh toàn xác chết. Người chết nhiều hơn người sống. Những xác chết cháy như than củi. Ông nghĩ rằng chắc xác vợ con cũng quanh đây.

Sáng hôm sau, từ sớm mai những người còn sống đành phải bỏ lại 1 cánh đồng xác ở đằng sau để chạy về miền Nam. Đi đến cầu Dài gần sông Mỹ Chánh thì gặp toán tiền sát của thủy quân lục chiến Việt Nam chận lại. Khi biết chắc là không phải quân địch, ông trung úy thủy quân lục chiến phất tay cho qua. Vừa đi khỏi một đoạn đường thì thấy ông sĩ quan bị du kích phía sau bắn sẻ chết ngay tại chỗ. Đó là cái chết cuối cùng ông Châu chứng kiến tại Quảng Trị. Tìm xe quá giang về Huế với tâm trạng hết sức não nề. Nhưng rồi phép lạ đầu tiên đến với cuộc đời ông. Ngay tại khu vực tạm cư Phú văn Lâu, thuộc thành phố Huế, ông gặp lại đầy đủ vợ con. Bà vợ bầu đã dẫn 3 đứa con nhỏ đi xuống đường ven biển theo dân địa phương. Đoàn người đi xa quốc lộ nên tránh được pháo kích.

Vợ con dắt díu nhau đi suốt 1 ngày 1 đêm về đến Mỹ Chánh rồi được xe cho bà bầu quá giang về Huế. Hai năm sau người vợ đầu tiên của ông Châu qua đời, sau khi sinh cho ông thêm 2 ngưới con nữa. Cô gái còn nằm trong bụng mẹ trên đại lộ kinh hoàng năm nay đúng 47 tuổi, tốt nghiệp đại học và có gia đình cư ngụ tại miền đông Hoa Kỳ.

Những bước chân trần ai trên bãi cát Quảng Trị mùa hè năm 72 của bà mẹ mang bầu không biết có còn vương vấn chút nào trong lòng cô bé nghe pháo kích từ lúc chưa ra đời. Ông Châu nói rằng: Tụi nhỏ chẳng biết gì đâu. Chỉ có đứa lớn nhất năm nay ngoài 50 tuổi là còn nhớ đôi chút. Hỏi rằng thế ông có được bao nhiêu con tất cả. Ông tính nhẩm rồi nói rằng tất cả 10 con. Bà đầu tiên 6 con. Bà thứ hai 3 con. Bà này bỏ tôi đi lấy chồng nên bây giờ vẫn còn ở Việt Nam. Tôi đưa cả 3 cháu đoàn tụ bên này. Bà hiện nay ở với tôi có 1 cháu. Năm nay cháu cũng 30 tuổi rồi. Bà sau này có 1 con riêng. Như vậy là chúng tôi có 11 con. Thế bác có hạnh phúc không. Hạnh phúc chứ. Tất cả là số trời. Ông Châu nói rằng, cái đêm nằm ở đại lộ kinh hoàng, uống nước máu người và phân trâu tôi không bao giờ giờ nghĩ đến có ngày đi Mỹ như bây giờ. Tôi nghĩ rằng bây giờ vợ con chết hết thì mình sẽ ra sao. Làm sao tìm xác. Rồi chôn ở đâu. Hàng trăm xác người chung quanh, biết bao nhiêu xác trẻ con, nếu vợ con tôi trong số đó. Không hiểu nó bắn pháo đạn gì quá ác. Tất cả xác chết như than củi chẳng làm sao biết được người nào là người nào.

“Năm 1973 tôi có trở lại, đi qua con đường thấy có đài tưởng niệm, rồi có các mồ chôn tập thể, có mồ chôn riêng rẽ. Lòng tôi hết sức xúc động. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn xúc động. Con cháu tôi thì nhiều nhưng mà làm sao các con hiểu được những gì tôi đã trải qua. Trận 72 quân ta mới lấy lại một nửa Quảng Trị. Đứng bên này dòng Thạch Hãn, bên kia là Nhan Biều, nơi tôi ra đời còn cả ngôi nhà thân yêu. Bên ta đã bị địch chiếm bờ Bắc, chỉ giữ được bờ Nam, đến 75 thì bờ Nam cũng chẳng còn.”

“Vâng thưa bác, năm nay em ngoài 80 tuổi,” ông Châu nói tiếp, “quê ở Nhan Biều, bờ Bắc sông Thạch Hãn, ngay dưới cầu Ga. Nhà em thi vào làm trung sĩ thông dịch viên năm 1966 khóa 11 tại quân đoàn I. Sau 75 em trốn được. Nếu khai thật chắc là bị buộc tội CIA.

Bờ sông Mỹ Chánh và cây cầu mới năm 2009. Mùa hè năm 1972, Nam quân và thường dân đã chạy qua “Đại lộ Kinh hoàng” để rút về phía Nam sông này.

Sau đó em vượt biên rồi đoàn tụ. Trước sau 3 vợ, 11 người con. Bà sau này là bà bền chặt nhất đã sống với nhau 35 năm. Vâng, thưa bác đây chắc chắn là bà sau cùng. Gia đình em rất hạnh phúc. Phần em, dù có bị kinh hoàng nhưng cũng chỉ có 1 ngày 1 đêm. So với người ta có người cả đời kinh hoàng thì nỗi khổ của chúng em có thấm vào đâu.”

Đó là câu chuyện của ông Châu, nhân chứng số 1 của chúng tôi. Tôi hỏi ông Châu câu cuối cùng. “Ông có biết ai đặt tên Đại lộ kinh hoàng.” “Không đâu,” bây giờ ông gọi tôi là cụ. “Cụ với cụ Hà Mai Việt không biết thì ai mà biết. Nhưng quả thực là kinh hoàng thực đấy các cụ ạ.”

Tuy hỏi vậy, nhưng tôi đã tìm ra. Số là vào mùa hè năm 72 đó, có anh phóng viên trẻ tuổi bút hiệu Ngy Thanh cũng ra chiến trường Quảng Trị. Anh đã bỏ ra cả 1 ngày dài trên đoạn đường oan nghiệt. Chụp hình các xe cháy, các xác chết và có được 1 bộ hình hết sức đặc biệt. Khi về lại Saigon viết loạt bài phóng sự, anh có đặt tên là Đại lộ Kinh Hoàng. Câu chuyện làm xúc động độc giả tại thủ đô. Chủ nhiệm là chị Trùng Dương bèn cùng anh chị em quyên góp tiền bạc ra Trung tổ chức nhặt xác và chôn cất. Câu chuyên ngày đó có lẽ ai cũng biết, nhưng ngày nay ai cũng quên hết cả rồi. Hành động của báo chí và đồng bào tự nguyện đứng lên lo việc chung sự cho nạn nhân của đại lộ kinh hoàng là 1 câu chuyện ý nghĩa nhất trong phần nhân bản của trận Quảng Trị mùa hè 72.

Hai tháng sau đêm kinh hoàng của ông Phan văn Châu, quân miền Nam vượt sông Mỹ Chánh, phản công tái chiếm Quảng Trị. Cuộc chiến nào mà không có thảm sát, chiến tranh nào mà chẳng có nạn nhân. Nhưng hình ảnh của 1 đứa bé ngồi khóc bên xác mẹ giữa 1 chiến trường thảm khốc đầy xác thường dân như ở đại lộ kinh hoàng vẫn là 1 hình ảnh đau thương nhất mà chúng ta không thể nào quên được.

Vì vậy tôi cố tìm cho được câu chuyện của 1 nhân chứng đích thực, còn sống để kể lại hầu quý vị và riêng tặng cho đại tá Nguyễn Việt Hải chỉ huy trung đoàn pháo Bông Lau của quân đội Nhân dân, nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong tác phẩm “Mùa hè cháy” xuất bản năm 2005 tác giả đã viết thật rõ ràng là đơn vị của ông khai hỏa tập trung pháo 122 pháo 130, pháo 155 mà ông gọi là trận địa pháo cường tập trên quốc lộ số 1 vào đám ngụy quân trên đường bỏ chạy.

Ông đại tá pháo binh tác giả của tác phẩm “Mùa hè cháy” đã đích thân quan sát trong vai trò tiền sát viên để trực tiếp chỉ huy bắn.

Bài báo ngắn ngủi và khiêm nhường hôm nay hy vọng sẽ đến tay các pháo thủ miền Bắc ngày xưa để họ nhớ lại thành quả vào ngày 1 tháng 5 trong chiến dịch Nguyễn Huệ 1972.

Định mệnh nào đã dành cho ông Phan văn Châu còn sống để định cư tại Hoa Kỳ với 11 người con thành đạt, hàng năm vẫn gửi tiền về giúp cho miền quê nghèo khổ xứ Nhan Biều. Bây giờ, những mộ phần tập thể của dân oan chết vì trận mưa pháo Bông Lau năm 72 đã chẳng còn dấu vết. Những đứa bé đói sữa nằm bên xác mẹ rồi cũng đã chết hết trên đại lộ kinh hoàng 37 năm về trước.

Nhưng mà sao tiếng khóc của em vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây…

© Giao Chỉ San Jose

Thân mời đọc thêm @ Việt Báo Hoa Kỳ

Các bài viết cùng tác giả hay cùng chủ đề (NnQ sưu tầm).

(1) Mùa hè đỏ lửa Phan nhật Nam.

(2) Mùa hè cháy Nguyễn Quý Hải.

(3) Mãi mãi tuổi 20 Nguyễn văn Thạc.

(4) Một Thời Hoa Lửa (Nguyễn Việt Phát)

(5) Đại Lộ Kinh Hoàng Ngy Thanh

Hốt xác đồng bào tử nạn trên ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’ 1972!

May24.10

Tương lai không trong tay ta

Viết cho hai cháu với tình thương sâu đậm của ông bà nội
(Dựa theo quyển Homo Deus, tác giả Yuval Noah Harari).

© BS Tăng Quốc Kiệt

Nguồn: © Đàn Chim Việt (22/03/2024)

book-cover

Bìa sách Homo Deus (*). © kinokuniya.com

Thời tôi còn trẻ, được người lớn dạy tương lai trong tay ta, có nghĩa là: nếu ta gắng sức học hành, phấn đấu vươn lên, thì tương lai cầm chắc trong tay. Điều đó, không còn là sự thật trong tương lai rất gần cho con cháu chúng ta; tôi nói rất gần, có nghĩa là ít hơn 20 năm. Xin bạn đọc theo dõi để biết điều gì chờ đón thế hệ tương lai.

Học ngành gì cho tương lai?

Các bậc phụ huynh, thường khuyên con cháu theo học các ngành nghề như bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, kỹ sư, vì dễ kiếm việc và bảo đảm lợi tức. Nhưng ngay ngành y, bác sĩ trong tương lai, sẽ bị kĩ thuật toán AI làm cho thất nghiệp…

Đọc tiếp…

Với siêu máy tính WATSON của IBM (hệ thống trí tuệ nhân tạo Artificial Intelligence AI) từng thắng trò chơi Jeopardy 2011, hiểm họa thất nghiệp của bác sĩ với sự lấn đất dành dân của thông minh nhân tạo không xa.

Trí tuệ của Watson có vô số lợi thế so với con người.

Thứ nhất: có thể lưu giữ trong ngân hàng dữ liệu thông tin về tất cả các loại bệnh, các loại thuốc đã có trong lịch sử. Sau đó nó cập nhật hằng ngày các dữ liệu trên, trên toàn thế giới.

Thứ hai: Watson biết hết toàn diện gen của bệnh nhân kể cả lịch sử bệnh tật, các bộ gen của cha mẹ, anh chị em ruột, anh chị em họ, của bệnh nhân, Watson biết ngay là bệnh nhân có đi du lịch ở xứ nhiệt đới gần đây không để có thể loại trừ bệnh nhiệt đới, trong gia đình có ai bị ung thư không…

Thứ ba: Watson là bác sĩ không bao giờ biết mệt, biết đói, không bao giờ bệnh, là những thứ có thể ảnh hưởng đến sự sáng suốt khi định và chữa bệnh.

Watson sẽ đặt cho bệnh nhân hàng trăm câu hỏi để trả lời.

Nếu ngày hôm nay, bạn vui mừng khi được nhận vào y khoa với hy vọng là sẽ làm bác sĩ gia đình; trong 20 năm nữa, bạn nên suy nghĩ lại! Với một Watson như vậy, người ta không cần tới bạn nữa đâu! Một máy tính chẩn đoán chính xác 90 % ca ung thư phổi, trong khi bác sĩ chỉ chẩn đoán đúng 50 % ca mà thôi.

Một số vấn đề kĩ thuật khó khăn còn ngăn cản Watson và đồng loại thay thế bác sĩ ngày mai. Nhưng dù khó khăn tới đâu, chỉ cần giải quyết xong, thì nó sẽ thay thế bác sĩ, vì sự đào tạo bác sĩ kéo dài nhiều năm, và hết sức phức tạp.

Muốn có một bác sĩ, cần mười năm đào tạo, muốn có thêm một bác sĩ thứ hai cần 10 năm nữa. Còn Watson thì người ta chế ra hàng ngàn, trực 24/7. Ở mọi nơi trên thế giới, và bác sĩ thật sẽ làm gì sau đó?

Dược sĩ, cũng không hơn. Năm 2011, một nhà thuốc ở San Francisco, do một robot duy nhất vận hành. Trong vòng một năm hoạt động, trên 2.000.000 toa thuốc, không một lỗi nào. Trung bình dược sĩ thật, phạm sai lầm1.7% tổng số đơn thuốc. Riêng ở Mỹ, sai lầm là 50 triệu đơn thuốc mỗi năm!

Máy AI không thể thay con người?

Có lý luận khác: máy tính chỉ tốt cho việc thay thế kỷ thuật nhưng làm sao có thể thay thế con người để giải thích và an ủi bệnh nhân? Cái máy là cái máy, vốn lạnh lùng, vô cảm.

Nhưng Watson, là thuật toán (*), nó nắm bắt trạng thái cảm xúc của người bệnh. Bằng cách đo huyết áp, giám sát hoạt động não… Watson có thể biết chính xác bạn đang cảm thấy ra sao. Nó phân tích hàng triệu dữ kiện, do tiếp xúc của máy với người bệnh. Nó sẽ nói với người bệnh chính xác điều bạn muốn nghe và bằng một tông hợp lý, rất phù hợp với cảm xúc của người bệnh, máy không gắt gõng, không rầy la bệnh nhân.

Không việc làm, loài người sẽ làm gì?

Vấn đề đặt ra trong kinh tế học thế kỷ 21, là chúng ta phải làm gì khi hệ thống AI thế cho con người, một cách tốt hơn trên mọi lĩnh vực và tất cả những người thừa thải sẽ làm gì?

Đó là câu hỏi lớn đáng sợ chưa có lời giải đáp.

Việc làm của con người nằm trong ba lĩnh vực chính: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
– Cho tới năm 1800, đa số làm nông nghiệp, thiểu số là công nghiệp và dịch vụ.
– Trong cuộc cách mạng công nghiệp, nông dân rời bỏ ruộng đồng để đi vô các nhà máy, ngành dịch vụ cũng bắt đầu gia tăng.
– Đến năm 2010, 2 % dân Mỹ làm nông nghiệp. 20 % làm công nghiệp, 78% làm dịch vụ, bác sĩ, giáo sư, thiết kế trang web… Khi AI có thể dạy học, chẩn đoán và thiết kế Web tốt hơn. Con người sẽ làm gì để sống?

Khi cuộc cách mạng công nghiệp xảy ra, người ta sợ loài người sẽ bị thất nghiệp, nhưng điều đó không xảy ra, vì có nhiều ngành nghề mới thay thế cho các ngành nghề đã lỗi thời. Nhưng đây không phải là quy luật tất nhiên cho những gì sắp xảy ra.

AI không thể thay thế năng lực nhận thức?

Con người có hai kiểu năng lực cơ bản, năng lực thể chất và năng lực nhận thức. Phải chăng máy móc có thể cạnh tranh với chúng ta ở mặt năng lực thể chất nhưng không thể cạnh tranh với chúng ta năng lực nhận thức. Sai lầm!

Điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày, AI vượt qua chúng ta trong việc ghi nhớ, phân tích và nhận dạng mẫu? Là ảo tưởng nếu chúng ta nghĩ rằng mãi mãi năng lực nhận thức nằm ngoài AI. Mãi mãi đó chỉ kéo dài 20 năm nữa thôi các ngài à!

Thập niên 1980, để chứng minh loại người ưu việt, người ta dẫn chứng cờ vua chess, người ta tin rằng, máy tính không bao giờ thắng được con người; nhưng ngày 10-02-1996, deep blue của IBM đã đánh bại vô địch thế giới người Nga Garry Kasparov.

AI lại chiến thắng cờ vây, do phần mềm Alpha Go của Google tự học đánh cờ vây phức tạp hơn cờ vua (gốc ở Trung Hoa khác với cờ tướng).

Tháng 03-2016 trận đấu ở Seoul, giữa Alpha Go và vô địch cờ vây Hàn Quốc là Lee Sedol Alpha Go thắng 4-1.

Thời tiền sử, khi con người săn bắt hái lượm còn ngự trị, họ phải biết nhiều kỹ năng khác nhau, do đó, robot không thể thay thế họ được. Vì robot phải biết chế tạo dụng cụ bằng đá, tìm nấm để ăn, theo dấu con mồi…

Ngày nay người ta bắt đầu chuyên môn hóa, càng chuyên môn hóa robot càng dễ thay thế con người. Chuyện gì xảy ra khi mà thuật toán thay thế hàng 1.000.000 tài xế, hằng triệu tài xế đâm thất nghiệp thì của cải sẽ tập trung vào sở hữu chủ của thuật toán và một nhóm tỷ phú họ sẽ nắm hết của cải của nhân loại. Khoảng cách giầu nghèo ngày càng cách xa vời vợi.

Ngày AI sẽ thay thế con người, nó có tư cách pháp nhân thành sở hữu chủ của các công ty.

Nghệ thuật độc tôn của loài người?

Thế thì con người sẽ làm gì? Câu hỏi được lập đi lập lại hằng 1.000.000 lần. Phải chăng chỉ còn lại một chỗ trú ẩn tối hậu: nghệ thuật. Sai luôn!

Thí dụ sáng tạo nhạc: David Cope giáo sư âm nhạc của đại học California ở Santa Cruz. Cope đã viết chương trình vi tính sáng tác concerto, thánh ca, giao hưởng và opera. Sáng tạo đầu tiên của ông tên là EMI (Experiments in Musical Intelligence)

Chuyên bắt chước phong cách Bach. Ông mất bẩy năm để lập chương trình, sau đó EMI sáng tác 5000 thánh ca theo phong cách J S Bach trong vòng một ngày!

Cope tổ chức một buổi biểu diễn vài thánh ca chọn lọc tại lễ hội âm nhạc Santa Cruz, khán giả nhiệt liệt tán thưởng, họ không biết EMI sáng tác chứ không phải là Bach. Khi biết sự thật, một số người câm lặng, số khác phẫn nộ la hét.

EMI tiếp tục học phong cách Beethoven, Chopin, Rachmaninov, Stravinsky. Cuốn album đầu tay của EMI máy tính soạn nhạc cổ điển bán rất chạy.

Bị các chuyên gia nhạc cổ điển phản đối cho là nhạc EMI không có chiều sâu, không có linh hồn. Nhưng sau khi nghe mà không biết tác giả thì khán giả vẫn cho EMI có hồn và có cảm xúc.

Một cuộc tranh tài ở đại học Oregon, do giáo sư âm nhạc Steve Larson thách thức: các nghệ sĩ dương cầm sẽ chơi ba bản nhạc: một của Bach, một của EMI, một của Larson sau buổi trình diễn khán giả bỏ phiếu.

Kết quả: khán giả tưởng nhạc EMI là của Bach, Bach là của Larson, và nhạc Larson là do EMI làm.

Tháng 9/2013, hai nhà nghiên cứu của ĐH Oxford là CARL BENEDIKT FREY và MICHAEL A OSBORN đã xuất bản cuốn tương lai của người lao động cho biết ngành nghề nào sẽ bị AI loại bỏ. – 47 % việc làm ở Mỹ sẽ có nguy cơ cao biến mất, từ nay đến 2033, 14 năm nữa thôi.

Dĩ nhiên, đến 2033 nhiều ngành nghề mới xuất hiện, như thiết kế thế giới ảo, nhưng nó đòi hỏi nhiều sáng tạo và linh hoạt. Liệu các người ở tuổi 40, bị mất các việc kể trên, có khả năng thiết kế thế giới ảo? Nếu được, 10 năm sau, họ lại phải tự tái tạo, một lần nữa mới theo kịp trào lưu.

Vấn đề là phải tạo ra các ngành nghề mà con người vượt qua thuật toán. Chúng ta không biết vào năm 2030-2040 thị trường lao động sẽ ra sao? Thế thì phải dạy con cái chúng ta chọn nghề gì đây?

Người ta sẽ phải học tập suốt đời, phải làm mới bản thân suốt đời, nên sẽ rất mỏi mệt không như trước kia chỉ có giai đoạn học, rồi giai đoạn làm việc.

Phát triển công nghệ tương lai có thể giúp nuôi ăn hỗ trợ cho người không việc làm. Nhưng họ sẽ phải làm gì để không cảm thấy nhàn rỗi và vô dụng? Họ sẽ phát điên nếu sáng dậy không biết làm gì cả ngày.

Kết luận:

Đọc đến đây bạn nghĩ gì? Tác giả bi quan quá chăng? Xin lỗi đã làm độc giả băn khoăn. Nhưng sự thật thì hay mất lòng. Thôi thì mình cứ sống vui từng ngày, còn chuyện gì sẽ xảy ra thì sẽ tính sau. Con người vốn thông minh, chắc sẽ tìm ra giải pháp cho tương lai, nếu không, có lẽ là nhờ AI tìm giải pháp. Chớ quên cái nút bấm để tiêu hủy robot phòng khi nó phản lại ta. Nếu không loài người sẽ chỉ là đám nô lệ kiểu mới cho robot. Nhưng không dễ, vì AI sẽ tìm cách hóa giải nút đó!

Sẽ còn nữa chăng cái gọi là loài người, và tình người?

© BS Tăng Quốc Kiệt (Mùa đông Canada tháng một 2019)

Thân mời đọc thêm @ Đàn Chim Việt

Các bài viết cùng tác giả hay cùng chủ đề (NnQ sưu tầm).

(*) Thuật toán= algorithm Thuật toán là một chuỗi các bước được sắp xếp theo thứ tự cần thiết để giải quyết một vấn đề. Để hoạt động, các thuật toán cần phải có các bước theo đúng thứ tự.

Các thuật toán có ở khắp mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Ở cấp độ đơn giản nhất, các thuật toán tồn tại dưới dạng một chuỗi hướng dẫn cho phép chúng ta giải quyết các vấn đề đơn giản; ví dụ như công thức nấu ăn hoặc chuẩn bị sẵn sàng cho một ngày. Các thuật toán cũng có thể phức tạp hơn. Ví dụ: một số tập đoàn lớn nhất sử dụng thuật toán để hướng dẫn việc duyệt internet của chúng ta, các sân bay sử dụng chúng để lập trình đường bay và ngành y tế sử dụng chúng để tìm những người hiến tặng phù hợp với bệnh nhân.

(**) Homo Deus: A Brief History of Tomorrow. Homo Deus (từ tiếng Latin “Homo” có nghĩa là con người và “Deus” có nghĩa là Chúa) Cuốn sách mô tả những khả năng và thành tựu hiện tại của nhân loại cũng như nỗ lực vẽ nên một bức tranh về tương lai. Nhiều vấn đề triết học được thảo luận như chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa xuyên nhân loại, và cái chết… Đọc thêm @ TẠI ĐÂY (PDF – Viewed 27/05/24).

Năm mươi năm tình lận đận (BS TQK).

Phim Letter to Juliet @ Internet Achieved Org (Phim dài 1:45:21, Viewed on 11/12/23 & 07/05/24).