Hồ Hữu Tường


COVID-19 Update

☆ ☆ ☆ ☆ ⚟

Bản Đồ Cập Nhật Tình Hình COVID-19 Trên Thế Giới

Coronavirus COVID-19 Global Cases by the Center for Systems Science and Engineering (CSSE) at Johns Hopkins University (JHU)

Click đường link này: https://gisanddata.maps


COVID-19 Coronavirus Pandemic

Cases: 1,347,689; Deaths: 74,783; Recovered: 286,463
Last updated: April 07, 2020, 06:26 GMT

Click HERE: Coronavirus Info (https://www.worldometers.info)

Worlddometers Website: Worldometer is a reference website that provides counters and real-time statistics for diverse topics. It is owned and operated by a data company, Dadax, which generates revenue through online advertising. (Wikipedia)
Date launched: 29 January 2008

☆ ☆ ☆ ☆ ☆ ☆


Ho Huu Tuong
Hồ Hữu Tường,
© hsphuyen.com

Hồ Hữu Tường (1910-1980).


1. CON THẰN LẰN CHỌN NGHIỆP…

2. Hồ Hữu Tường (1910-1980)

3. ĐÔI NÉT VỀ HỒ HỮU TƯỜNG VÀ TIỂU THUYẾT PHI LẠC SANG TÀU

4. Văn học miền Nam 54-75 (529): Hồ Hữu Tường (kỳ 1)


CON THẰN LẰN CHỌN NGHIỆP…

HỒ HỮU TƯỜNG, BẬC THỨC GIẢ…. TÁC PHẨM CHẤT CAO HƠN CHIỀU CAO TÁC GIẢ !!

Source: © https://cuuhocsinhphuyencom.wordpress.com

NNQ sưu tầm và post on Sep 25, 2020


1. Giữa một đường truông thăm thẳm, vắng vẻ và âm u, không một xóm nhà, ít người qua lại, có một cái am nhỏ. Am ấy mới cất, độ non ba năm thôi. Trong am, chỉ có một sư cụ già, thui thủi một mình, quanh năm chẳng được ai thăm viếng. Trước am, nơi giữa sân, chất sẵn một đống củi, vừa lớn, vừa cao ngất, củi sắp vuông vắn, thẳng thắn, dường như được săn sóc chẳng khác một vườn kiểng do một vị lão trưởng giả chăm nom.

Một hôm, trời đã tối rồi, nhà sư vừa lên đèn được một chặp, thì có hai người khách đến trước ngưỡng cửa, vái mà thưa rằng:

Bạch sư cụ, nhờ ngọn đèn dắt dẫn, chúng tôi mới dõi đến đây. Mong nhờ sư cụ cho tá túc một đêm, sáng mai chúng tôi sẽ lên đường.

Nhà sư ung dung, chắp tay đáp:

Mô Phật, cửa thiền bao giờ cũng mở rộng cho người lỡ bước.

Rồi dừng một phút, dường như để trấn tĩnh nỗi vui đương sôi nổi trong lòng, nhà sư tiếp:

− Ngót ba năm nay, tôi mở am nơi này, không được một ai đến viếng. Ngày nay là ngày ước nguyện, may được hai ngài quá bước, ghé nghỉ chân. Âu cũng là duyên trước…

Nói xong, nhà sư dọn cơm chay cho khách dùng, và câu chuyện không đề, vô tình dẫn khách đến câu hỏi:

Bạch sư cụ, chẳng hay sư cụ thích tụng kinh nào?

Vui sướng, vì như gặp bạn tri âm, nhà sư đáp:

Tôi quy y Phật pháp từ thuở bé, rừng thiền có thể nói rằng đã viếng khắp nơi. Cách ba năm nay, lòng huệ được mở ra… .Và từ ấy, tôi chỉ tụng kinh Di Lặc.

Một người khách hỏi: − Sư cụ có thể cho tôi biết duyên cớ vì sao chăng?

− Mô Phật. Chỉ có lời nói mà độ được người, tôi sao dám tiếc lời? Vậy tôi xin vui lòng nói cho hai ngài rõ. Bởi tôi đọc qua các kinh sách, thấy rằng Phật Thích Ca khi đắc đạo, có dạy: Hai ngàn năm trăm năm về sau, Phật pháp sẽ đến chỗ chi ly, ấy là hồi mạt pháp. Di Lặc sẽ xuống trần mà cứu độ chúng sanh và chỉnh đạo lại. Nay cũng đã gần đến kỳ hạn. Chắc là Phật Di Lặc đã xuống trần mà độ kẻ thành tâm tu hành. Bởi lẽ ấy tôi có nguyện tụng đủ một nghìn lần kinh Di Lặc. Nếu lời nguyện được y, ấy là tôi sẽ đắc đạo.

Người khách thứ hai hỏi:

Sư cụ đã tụng được bao nhiêu lần rồi?

− Đã được chín trăm chín mươi chín lần rồi. Bây giờ, chỉ còn lần thứ một nghìn; lần tụng của đêm nay. Chắc hai ngài trước có duyên lành, đêm nay đến mà chứng kiến tôi tụng lần thứ một nghìn ấy…

Đến đây, bữa cơm chay đã mãn. Khách mệt mỏi, xin ngả lưng. Nhà sư dọn dẹp trong am cho thanh khiết, rồi bước tới trước bàn Phật, khêu bấc đèn dầu, mở kinh ra mà khởi sự tụng. Tiếng tụng kinh chậm rãi, như nện vào không gian. Thỉnh thoảng một tiếng chuông ngân lên, đánh dấu chuỗi tiếng mõ dài đăng đẳng…

Con thằn lằn
Photo1 @ cuuhocsinhphuyen.com

2. Trước khi nhắm mắt ngủ, hai người khách còn trao đổi vài câu:

− Tội nghiệp thay cho sư cụ già, quá mê tín, mất sáng suốt, mà không giác ngộ. Phật pháp lập ra đã hai nghìn năm trăm năm về trước, tránh sao cho chẳng có chỗ lỗi thời. Nhận thấy chỗ lỗi thời, các môn đệ ắt phải lo tài bồi, phát triển mối đạo. Thế là có tư tưởng này, học thuyết nọ; rồi sanh ra môn ra phái. Ấy là nguồn gốc của sự chi ly. Nay rừng thiền đã hơn tám mươi bốn ngàn cội khác nhau, ấy là lẽ dĩ nhiên vậy.

− Tôi cũng đồng ý với anh về chỗ đó, và nghĩ thêm rằng:− Nếu bây giờ có một vị Di Lặc xuống trần, thì vị ấy có trọng trách cất nhắc Phật pháp cho kịp với mọi sự tiến hóa của mọi sự việc từ hơn hai nghìn năm nay. Và trách nhiệm của mỗi tín đồ của Phật là dọn mình cho sẵn, để đón rước cái Pháp mới sắp ra đời. Chớ mê mải trong việc gõ mõ tụng kinh, há chẳng phải là phụ lòng mong của Thích Ca chăng?

Lời nói của hai người khách giữa cái am vắng vẻ, không dè có kẻ trộm nghe. Kẻ nghe trộm này là một con thằn lằn, đến ở am khi am vừa mới dựng lên, và đã từng nghe 999 lần kinh, nên có linh giác, nghe được tiếng người, biết suy nghĩ và phán đoán. Câu phê bình của hai người khách đã giúp cho con thằn lằn giác ngộ. Nó vốn biết nguyện vọng của nhà sư: là hễ tụng xong lần thứ một nghìn, thì nhà sư sẽ lên giàn hỏa mà tự thiêu… Rồi nó nghĩ: nhà sư lòng còn mê tín, chưa được giác, phỏng có thiêu thân, thì làm sao nhập được Niết Bàn? Hay là ta tìm thế ngăn người, đừng để cho người thiêu thân, đợi chừng nào người được giác rồi sẽ hay?

Rồi con thằn lằn quyết định: Phải ngăn ngừa, đừng để nhà sư tụng xong lần thứ một nghìn. Nó nghĩ được một kế: Ấy là bò lên bàn Phật, đến dĩa đèn dầu, rán sức mà uống cạn dĩa dầu. Bấc sẽ lụn, đèn tắt, nhà sư không thấy chữ mà tụng nữa.

Một sức mầu nhiệm đã giúp cho con thằn lằn đạt được ý nguyện: chỉ trong một hơi mà dĩa dầu đã cạn: bộ kinh chỉ tụng được quá nửa mà thôi. Đèn tắt, nhà sư ngạc nhiên, nhưng nghĩ: hai người khách là kẻ phàm tục, không được duyên lành chứng giám việc đắc đạo của mình. Âu là xếp kinh, nghỉ, chờ ngày mai khách lên đường, sẽ tụng lần thứ một nghìn ấy.

Nhưng, sau đó đêm nào cũng vậy, buổi đọc kinh chưa xong mà đèn lại tắt đi. Nhà sư có lúc tính tụng kinh lần này vào khoảng ban ngày, nhưng nhớ lại khi xưa đã có lời nguyện tụng kinh vào lúc khuya, tĩnh mịch, nên không dám đổi.

Và một đêm kia, dằn lòng không được, tuy tụng kinh mà mắt chốc chốc nhìn lên dĩa dầu để xem sự thể do đâu, nhà sư bắt gặp con thằn lằn kê mỏ mà uống dầu. Nổi giận xung lên, nhà sư dừng gõ mõ, và mắng rằng:

Loài nghiệt súc! Té ra mi ngăn ngừa không cho ta được đắc đạo!

Rồi tay cầm dùi mõ, nhà sư nhắm ngay đầu con thằn lằn mà đập mạnh. Con thằn lằn bị đánh vỡ đầu, chết ngay. Hôm ấy, nhà sư tụng xong lần kinh, bước lên dàn hỏa, tự châm lửa mà thiêu mình.

Con than lan
Photo2 @ cuuhocsinhphuyen.com

3. Và cũng đêm ấy, hai cái linh hồn được đưa đến trước tòa sen của Phật. Uy nghiêm, ngài gọi nhà sư mà dạy:

Nhà ngươi theo cửa thiền từ thuở bé, mà chẳng hiểu bài học vỡ lòng của pháp ta là thế nào! Pháp ta đã dạy phải trừ hết dục vọng thì mới đắc đạo, mà ngươi dục vọng lại quá nhiều: bởi việc muốn đắc đạo, để được thành Phật kia cũng là một cái dục vọng. Có dục vọng ấy là Tham; bởi tham nên giận mắng con thằn lằn, ấy là Sân; bởi sân nên tưởng rằng trừ được con thằn lằn thì tha hồ tụng kinh, rồi đắc đạo, ấy là Si. Có đủ Tham Sân Si tất phải phạm tội sát sanh, thì dầu ăn chay trường trọn đời, cũng chưa bù được.

Tội ngươi lớn lắm, phải rán tu luyện thật nhiều mới mong chuộc được. Vậy ta truyền cho Kim Cang, La Hán hốt cho hết đống tro do xác ngươi thiêu mà hóa ra, rồi đem tro ấy tung khắp bốn phương trời. Mỗi một hột tro đó sẽ biến sanh thành một người. Chừng nào mọi người ấy đắc đạo, đám chúng sanh ấy sẽ được quy nguyên, trở hiệp lại thành một, thì nhà ngươi sẽ đến đây mà thành chánh quả. Rồi Phật cho gọi hồn con thằn lằn mà dạy:

Nhà sư chưa được giác mà làm tội, tội ấy đáng giá là một mà thôi. Còn nhà ngươi, được giác một phần rồi, mà làm tội, thì tội đáng kể là mười.

Con thằn lằn lạy mà thưa rằng: − Bạch Phật tổ, lòng của đệ tử vốn là muốn độ nhà sư, dầu nát thân cũng không tiếc. Chẳng hay đệ tử có tội chi?

Phật phán: − Muốn độ người, kể thiếu chi cách, sao ngươi ngăn đón việc tụng kinh của người? Đã đành rằng việc tụng làm của nhà sư là một việc mê tín, nhưng dầu là mê tín, song vẫn là một tín ngưỡng. Cõi Phật vốn là cõi tự tại. Nếu phạm đến tự do tín ngưỡng, gọi là để dắt người vào, thì làm sao cho được. Bởi ngươi không dùng phương pháp tự do, người là kẻ mất tự do, thì cả hai làm sao được vào cõi tự tại?

Một lần nữa, con thằn lằn được giác, quì lạy mà xin tội: − Xin Phật tổ mở lòng từ bi, cho đệ tử hóa sanh một kiếp nữa, để dùng phương pháp tự do mà độ vô số chúng sanh do những hột tro, mà các vị Kim Cang, La Hán vừa tung ra đó.

Phật đáp: − Ta cho ngươi được toại nguyện.

Hồn con thằn lằn vừa muốn lạy Phật mà đi đầu thai, thì sực nhớ lại, nên bạch rằng: − Xin Phật tổ dạy đệ tử phải hóa sanh làm kiếp chi?

Phật đáp: − Nhà ngươi đã gần bến giác, phải tự mình chọn hình thể mà hóa sanh. Tự do chọn lựa mới có thể luyện mình để bước vào cõi tự tại.

Con than lan

4. Hồn con thằn lằn từ ấy trôi theo mây gió, không biết trụ vào đâu, để có thể vừa dùng phương pháp tự do mà độ người, vừa có thể độ được đông người, số người đông như số hột tro do một cái xác thiêu ra. Thật chưa hề có lúc nào có một linh hồn bị trừng phạt phải đau khổ đến thế…

Một hôm trong hồi xiêu bạt, hồn con thằn lằn thấy bóng của một trong hai người khách đã đến am thuở nọ, mà câu chuyện nghe lóm đã làm duyên cho mình mấy năm đau khổ.

Thằn lằn vội vã bay theo vái chào và kể nỗi niềm đau đớn: − Ngài đã giúp cho tôi giác ngộ được một ít, có hay đâu tôi phải mang cái nghiệp vô định này. Đã trót làm ơn, xin độ cho tôi đến bờ bến.

Hai ông khách đáp: − Chúng tôi đâu dám lên mặt thầy đời mà dạy người, huống chi lại dám đèo bồng mang lại một giải pháp cho một vấn đề nan giải. Nhưng đã lỡ gieo trong trí ngươi một ý nghĩ làm cho ngươi phải khổ như bây giờ, thì phải góp ý kiến để cho ngươi suy xét mà gỡ rối. Ấy gọi là chuộc lỗi.

Hồn con thằn lằn gật đầu, cảm ơn trước. Một người khách nói: − Chúng tôi đây là bọn chơi văn giỡn chữ, quanh năm chỉ lấy việc đem ý hay lời đẹp mà làm cho vui lòng kẻ đọc mình, rồi lấy sự vui của người làm sự sung sướng của mình, cho đó là sự “đắc đạo” của mình. Nếu phải mong muốn điều gì, thì cố gắng trình bày cho bóng bẩy, văn hoa: được thì tốt, bằng không thì thôi, chớ chẳng hề khi nào phạm đến tự do của người…

Nghe đến đó, thì một điểm linh quang bắt đầu hiện trong trí con thằn lằn. Người khách thứ hai nói tiếp: − Xưa nay, trong bọn chúng tôi cũng được một vài tay lỗi lạc, kể một chuyện lý thú, hát một bài thơ hay, chuyện ấy thơ này được truyền ở hàng triệu miệng. Vậy, nếu ngươi có lòng muốn độ hằng hà sa số chúng sanh, thì cố gắng trau dồi văn tài cho tương xứng, văn ngươi tung ra là có thể cảm hoá triệu triệu người… Rồi, cũng phải luyện văn tâm, để cho văn ngươi có thể nhen nhúm được trong lòng mỗi người một điểm lửa thiêng. Lửa bắt cháy, văn của ngươi như dầu rót thêm vào, làm cho ngọn lửa sáng lên…

Hồn con thằn lằn gật đầu ba cái để tạ ơn và nói rằng: − Con đường ấy khó đi cho đến hết được, song chắc chắn là đi cùng đường, ắt có thể đến trước tòa sen mà chầu Phật tổ. Vậy tôi xin cố gắng.

Hồ Hữu Tường | 1953

Ho Huu Tuonh trong tu

Hồ Hữu Tường (1910-1980)


Source: © http://thuykhue.free.fr

© Thụy Khuê | Paris, tháng 5/2003

Hồ Hữu Tường, chính trị gia, nhà văn, nhà báo và là một nhân vật kỳ lạ, sống 70 năm trong thế kỷ XX, trải nhiều vòng tù tội dưới tất cả các chính quyền: thực dân, quốc gia và cộng sản. Tác phẩm của ông phản ảnh tính chất nổi loạn trong con người, một con người vừa trào lộng, vừa bi đát, suốt đời đi tìm phương cách giải phóng dân tộc ra khỏi mọi hình thức quản trị giáo điều: từ bị trị đến hủ tục, từ độc tôn đến độc tài, nhưng cũng suốt đời “thất bại” trong việc “chống lại định mệnh”, cho đến phút chót vẫn muốn “cưỡng lại số trời” mà không được. Có lẽ ở bên kia thế giới, Hồ vẫn tiếp tục con đường thiên lý của một Phi Lạc đã đại náo trần gian: Tây, Tàu, Nga, Mỹ và giờ đây, xuống âm ty đại náo địa ngục.

Cuộc đời tranh đấu trên hai mặt trận chính trị và văn hóa của Hồ Hữu Tường đầy tính cách tiểu thuyết chiêu hồi như một truyện Tàu, nhưng cũng lại gắn bó sâu xa với định mệnh bát nháo của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ vừa qua. Hồ Hữu Tường luôn luôn giữ hai vai: một Tôn Ngộ Không nổi loạn trong Tây Du Ký và một quân sư du thuyết trong Tam Quốc Chí, khi Khổng Minh, Lỗ Túc, lúc là thằng mõ Cổ Nhuế, thằng mõ Phù Ninh…. Hành động của nhà chính trị Hồ Hữu Tường và những người cùng thời biến thành những thế võ tiếu lâm, hài hước trong tiểu thuyết, hồi ký của nhà văn. Hồ Hữu Tường là tác giả hiếm hoi, trong một xã hội đầy nghi thức, đã hóa giải những trịnh trọng của chính trị thành chuyện giễu để hóm hỉnh chọc cười và đó là một trong những lý do khiến không chế độ nào “dung” Hồ Hữu Tường. Nhưng có lẽ lý do sâu xa nhất vẫn là những gì Hồ Hữu Tường thuyết minh trong tác phẩm toát ra một chủ nghĩa dân tộc độc đáo, lấy văn hóa dân tộc làm phương châm và mục đích cấu thành. Hồ Hữu Tường suốt đời biện hộ cho một Việt Nam trung lập chế, chống chiến tranh. Hồ dùng văn hóa thay súng ống để giải phóng dân tộc ra khỏi cảnh tối tăm nô lệ. Tranh đấu chống thực dân bằng ngòi bút của nhà báo, bằng tổ chức thợ thuyền tổng đình công, muốn đánh đuổi hai chữ “căm hờn” mà ông gọi là ác quỷ ra khỏi tâm hồn người Việt.

Con đường ông đi không có nhiều đồng hành, bởi tiếng kêu gọi của ông chỉ là những tiếng kêu trong sa mạc, không ai nghe và cũng ít người hiểu. Một con người như thế, từ đâu đến và những lý do nào đã thúc đẩy ông có một nghị lực khác thường triền miên trong hành động đấu tranh cũng như trong ngòi bút?

Hồ Hữu Tường xuất thân trong một gia đình nghèo, cha mẹ phải làm tá điền cho người cậu là điền chủ, hội đồng. Tại nhà cậu, sáu tuổi đã đọc Nam Phong. Đọc đâu nhớ đấy. Cha đặt cho cái tên là thằng Thuộc vì đọc gì cũng thuộc. Bị Nam Phong “đầu độc”, gieo và đầu chất “tân hủ nho” từ nhỏ, sau phải nhờ Phan Văn Hùm “gột rửa”. Lớn hơn chút nữa, đọc và chịu ảnh hưởng tinh thần yêu nước của Đông Pháp Thời Báo. Tại trung học Cần Thơ, Hồ Hữu Tường và các bạn tổ chức tờ báo “trường” đầu tiên. Báo tiếng Việt, nhưng Hồ viết bài tham luận bằng tiếng Pháp để “cho Tây nó đọc”, ký tên Pierre Vutren, Vutren là chữ nói lái của Ventru, dịch từ biệt hiệu Tường Bụng (Tường bụng to). Ký tên như thế là “lậy ông tôi ở bụi này”, thêm việc tổ chức bãi khóa nhân vụ xử Nguyễn An Ninh, cả nhóm bị đuổi.

Lúc ấy mới 16 tuổi, gia đình cho Hồ Hữu Tường sang Pháp du học, năm 1926. Tại Pháp, kết bạn với Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, vào đảng Đệ Tứ Quốc Tế. Bốn năm sau, 1930, Hồ Hữu Tường ở Lyon đang chuẩn bị thi thạc sĩ toán học thì được tin cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, Nguyễn Thái Học và các đồng chí bị xử tử; Hồ bỏ học, lên Paris, liên lạc với Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, làm báo bí mật lấy tên là Tiền Quân. Báo chưa ra thì ban biên tập bị bắt vì tổ chức những cuộc biểu tình, đặc biệt là biểu tình trước điện Elysée, cả bọn bị trục xuất về Việt Nam, trừ Phan Văn Hùm và Hồ Hữu Tường trốn thoát, chạy sang Bỉ, liên lạc với nhóm cách mạng cộng sản ở Bỉ, rồi trở lại Paris tiếp tục làm tờ Tiền Quân trong năm tháng trước khi về nước hoạt động chính trị.

Từ 1931 đến 1939, Hồ Hữu Tường làm lý thuyết gia cho nhóm Đệ Tứ ở Việt Nam, đồng thời dạy học để sinh sống và điều khiển các tờ báo bí mật như tờ Tháng Mười, từ 1931 đến 1932, tờ Thường Trực Cách Mạng từ 1934 đến 1937, tờ Quần Chúng từ 1937 đến 1938. Hoặc các tờ báo công khai như Le militant năm 1936, tờ Tháng Mười năm 1938, tờ Tia Sáng năm 1939 và tham gia tờ La lutte của Nguyễn An Ninh và Tạ Thu Thâu.

Tháng 11 năm 1932, Hồ Hữu Tường bị Pháp bắt lần đầu, giam 6 tháng. Ngày 1/5/1933 ra tòa bị xử án treo ba năm. Trong thời gian bị giam giữ, ông xuất bản nhật báo “nhẩm” Thiên Thu. Thiên Thu là “cứu cánh” của tạp chí Tháng Mười sau này. Trong suốt mười năm làm báo (1930-1939), ông đã viết rất nhiều nhưng nay không còn lưu lại được gì.

Đầu tháng 6 năm 1939, Hồ Hữu Tường bỏ Đệ Tứ và chủ nghĩa Mác; ngày 29 tháng 9 năm 1939, bị nhà cầm quyền Pháp bắt, cuối năm 40 bị đầy đi Côn Đảo cùng với Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu… và những người chống Pháp khác. Đến cuối năm 1944 mới được trả tự do (Phan Văn Hùm bị phù thũng, Nguyễn An Ninh mất trong tù ngày 14/8/1943).

1945 Nhật đảo chính Pháp. Hồ Hữu Tường ra Hà Nội để sang Tầu nhưng bị kẹt tại Hà Nội cùng với Tạ Thu Thâu; có đề nghị với Hồ Chí Minh nên để Việt Nam trung lập nhưng không được chấp nhận. Thời gian này bắt đầu viết Xã hội học nhập môn, chống lại biện chứng pháp, và một loạt sách chính trị, kinh tế khác.

Suốt đời vào tù ra khám, Hồ Hữu Tường là khuôn mặt trí thức độc đáo của Việt Nam trong thế kỷ XX: một trí thức hành động. Là nhà chính trị, nhưng biết lợi khí của văn hóa, ông luôn luôn tuyên bố: “Tôi là kẻ dụng văn, chớ không phải nhà văn.” Lời tuyên bố có vẻ khiêm tốn này nói lên tính chất minh họa tư tưởng trong các tác phẩm của Hồ Hữu Tường. Là một tác giả đa năng, đa dạng, ông viết nhiều thể loại, nhưng thành công nhất ở những tiểu luận, tham luận, tự thuật, truyện ngắn và tiểu thuyết trào phúng.

Một số những tác phẩm Hồ Hữu Tường:

Chính trị, kinh tế, triết học: Xã hội học nhập môn (Minh Đức, 1945), Kinh tế học và kinh tế chánh trị nhập môn (Tân Việt, 1945), Tương lai kinh tế Việt-nam (Hàn Thuyên, 1945). Phong kiến là gì? (Minh Đức, 1946), Vấn đề dân tộc (Minh Đức, 1946), Muốn tìm hiểu chánh trị (Minh Đức, 1946),Tương lai văn hóa Việt-nam (Minh Đức,1946, Huệ Minh, 1965).

Văn học sử: Lịch sử văn chương Việt-nam (quyển 1) (Lê Lợi, 1950).

Văn phạm: Phép nói và viết hỏi ngã (1950), Em học tiếng mẹ (1950), Em tập đọc (1951).

Dịch: Tam quốc chí (quyển 1, 1951)

Truyện:

Bộ Một thuở ngàn năm (truyện trào phúng chính trị) gồm có: Phi Lạc sang Tàu (Sống Chung, 1949), Phi Lạc náo Hoa Kỳ (Vannay, Paris, 1955), Tiểu Phi Lạc náo Sàigòn (Nam Cường, 1966), Diễm Hồng xuất giá (Nam Cường, 1966).

Bộ Hồn bướm mơ hoa (tiểu thuyết lịch sử xã hội, miền Hậu Giang) gồm 4 tập: Mai Thoại Dung, Tam nhơn đồng hành, Ông thầy Quảng, Bủa lưới người (Nam Cường, 1966).

Bộ Gái nước Nam làm gì? (tiểu thuyết tranh đấu chống Pháp) gồm Thu Hương và Chị Tập (Sống Chung, 1949).

Nỗi lòng thằng Hiệp (Lê Lợi, 1949).

Kế thế (tiểu thuyết dã sử) (Huệ Minh, 1964).

Bộ Thuốc trường sanh gồm 3 tập: Xây mộng, Phúc đức và Vẹn nguyền (Huệ Minh, 1964). Hoa dinh cẩm trận (tiếp theo Thuốc trường sanh).

Người Mỹ ưu tư (tác giả xuất bản, Paris, 1968)…

Tiểu luận: Những kỹ thuật căn bản của nghề làm báo (in tại Paris, 1951, Hòa Đồng, 1965), Trầm tư của một tên tội tử hình (Lá Bối, 1965), Luận lâm I (Huệ Minh, 1965), Nói tại Phú Xuân (những bài tham luận đọc tại Đại Học Huế) (Huệ Minh, 1965).

Truyện ngắn, tạp văn: Quả trứng thần (1952), Kể chuyện (Huệ Minh, 1965), Nợ tinh thần (Huệ Minh, 1965).

Tự truyện và hồi ký: Thằng Thuộc con nhà nông (An Tiêm, 1966), 41 năm làm báo (Trí Đăng, Đông Nam Á tái bản tại Paris, 1984), Un fétu de paille dans la tourmente (Paris, 1969, chưa in).


Hồ Hữu Tường:

Tôi muốn cất tiếng mà kêu to. Kêu thật to để ai nấy cùng nghe. Tôi muốn có một giọng tha thiết. Thực tha thiết để ai nấy cùng cảm. Tôi muốn có những luận điệu đanh thép. Thực đanh thép để ai nấy cùng tin. Nghe, cảm, tin,… để cùng tôi đem một cái vinh quang chưa hề có trên quả địa cầu về cho dân tộc ta, dân tộc Việt” (trích Tương lai văn hóa Việt Nam, in lần thứ ba, Huệ Minh, Sài Gòn, 1965)…

Trong Phi Lạc sang Tàu, Hồ Hữu Tường tấn công vào vạn lý trường thành của một ngàn năm đô hộ: Người Việt đã trở thành một thứ con nuôi của nhà Hán, sách vở “mở ra thì nếu không phải là “Tử viết” thì cũng là một anh ba Tàu nào đó viết, chớ không có ai trích lục tư tưởng của một người Việt nào đó để mà viết.”

Đối với Hồ Hữu Tường, sự thần phục người Tầu trên hơn hai ngàn năm, phát xuất trên núi từ Không Tử, Mạnh Tử, rồi hạ san xuống đến Mao, hậu Mao … như một feuilleton hồi đoạn, một sự xuống dốc ăn theo độ trượt không phanh của nước Tàu.

Để chống lại sự leo thang xuống dốc ấy, Phi Lạc như một con rối, đứng ngã ba đường, huơ tay, huơ chân, đáng trống, khua chuông, hú hồn những nhà tư tưởng Việt Nam như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, như Đức Phật Thày Tân An, như Cống Quỳnh … về nhập thế. Họ nhập vào Phi Lạc, nói ra những điều “minh triết” trong tư tưởng Việt…

Phi Lạc sang Tàu còn là tiếng cười cay đắng của người dân nhược tiểu, biết mình kém thua đủ đường nhưng vẫn muốn nổi loạn, tìm chỗ đứng cao nhất trong lòng một cộng đồng nhân loại mà phi lý và bất công phủ trùm lên tất cả. Đây là một sự phản kháng toàn diện của những người thấp cổ bé miệng, của những trí thông minh xuất chúng, không tháo gỡ được thân phận mình ra khỏi sự gò ép của những cơ chế cứng nhắc mà tựu trung chỉ là những trò hề lập nghiêm. Phi Lạc đã đi vào lòng người và sẽ ở lại lâu dài bởi nó đã cười lên được cái bi đát của những thân phận cùng khốn, những kiếp mõ làng trong lòng những dân tộc nhược tiểu.

© Thụy Khuê | Paris, tháng 5/2003


Hồ Hữu Tường – Wikipedia tiếng Việt

Source: https://vi.wikipedia.org

Hồ Hữu Tường (1910-1980) là một chính trị gia, nhà văn, nhà báo Việt Nam.

Tiểu sử:

Ông sinh tại làng Thường Thạnh, quận Cái Răng, tỉnh Cần Thơ.

Năm 1926, Hồ Hữu Tường sang Pháp học tại trường Đại học Marseille và nạp luận án thi Cao học Toán tại Đại học Lyon. Tại Pháp ông kết bạn và tham gia hoạt động chính trị với những nhà ái quốc lưu vong như Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Tạo, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Phan Văn Chánh v.v. và gia nhập Đệ Tứ Quốc tế.

Vận động thời Pháp thuộc

Năm 1930, Hồ Hữu Tường được giao làm chủ nhiệm tờ báo bí mật tên là Tiền quân. Thành viên của ban biên tập là những chính khách sau này như Tạ Thu Thâu, Hồ Văn Ngà, Phan Văn Chánh, Huỳnh Văn Phương, Lê Bá Cang… Báo chưa phát hành số đầu thì ban biên tập bị bắt vì tổ chức cuộc biểu tình ngày 22 tháng 5 năm 1930 trước điện Élysée (dinh Tổng thống Pháp) để xin giảm án cho các liệt sĩ trong cuộc Khởi nghĩa Yên Bái bị kết tội tử hình. Cả nhóm bị trục xuất về Việt Nam, ngoại trừ Phan Văn Hùm và Hồ Hữu Tường trốn thoát sang Bỉ. Sau đó ông về nước.

Tháng 11 năm 1932, Hồ Hữu Tường bị Pháp bắt vì phụ trách tạp chí lý luận chính trị bí mật Tháng Mười (theo xu hướng Trotsky chỉ trích hoạt động của đảng Cộng sản Đông Dương), đến ngày 1 tháng 5 năm 1933 bị xử án treo ba năm. Sau đó ông được mời gia nhập ban biên tập của nhật báo Công luận và tuần báo Đồng Nai.

Năm 1936, Hồ Hữu Tường xuất bản tạp chí Thường trực Cách mạng, một tạp chí bí mật duy nhất trong nước được in bằng chữ in. Tạp chí này được dùng làm công cụ đối lập với Đảng Cộng sản Đông Dương. Cũng trong thời gian này ông bỏ nhóm La Lutte và cho xuất bản một tuần báo tiếng Pháp tên là Le Militant (Chiến sĩ), công khai công kích chủ nghĩa Stalin. Cùng với Đào Hưng Long ông cho ra tờ Thày Thợ cổ xúy đường lối của Đệ tứ Quốc tế.

Từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản

Tháng 6 năm 1939, ông tuyên bố từ bỏ Đệ Tứ và chủ nghĩa Mác. Ngày 29 tháng 9 năm 1939, chính phủ thuộc địa mở chiến dịch tổng đàn áp, bắt hết những đảng phái đối lập. Đến cuối năm 1940 Hồ Hữu Tường bị đày ra Côn Đảo cùng với các nhà cách mạng chống Pháp khác như Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu… Năm 1944, ông được trả tự do. Trong thời gian ở tù, Hồ Hữu Tường đã hình thành một hệ thống tư tưởng mới: chủ nghĩa dân tộc, không lệ thuộc Tây, Tàu, Nga, Mỹ. Ông tuyên bố: “Tôi trở về con đường dân tộc; tôi cho rằng việc giai cấp vô sản giải phóng nhân loại là một huyền thoại lớn của thế kỷ 19 và tiềm năng cách mạng của giai cấp vô sản ở châu Âu và Bắc Mỹ là một huyền thoại lớn của thế kỷ 20.”

Năm 1945, Hồ Hữu Tường ra Bắc Kỳ. Trong thời gian này ông viết Xã hội học nhập môn, chống lại phép biện chứng và một loạt sách chính trị, kinh tế khác như: Muốn hiểu chánh trị, Kinh tế học, Kinh tế chánh trị nhập môn, Tương lai kinh tế Việt Nam, Vấn đề dân tộc, Tương lai văn hóa Việt Nam. Tháng 8 cùng năm ông cùng với các nhà trí thức Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Xiển đã cùng ký tên vào bức điện gửi cho vua Bảo Đại yêu cầu thoái vị.

Năm 1946, Hồ Hữu Tường được mời tham dự hội nghị Đà Lạt với tư cách cố vấn trong phái đoàn Việt Nam đang điều đình với Pháp. Sau đó, ông tham gia soạn chương trình sách giáo khoa bằng tiếng Việt cho bậc trung học cho bộ Giáo dục Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Năm 1947, Hồ Hữu Tường bị Pháp bắt trong lúc tản cư về Hải Dương. Sau đó ông trở về Sài Gòn viết văn, làm báo. Năm 1948, Hồ Hữu Tường hợp tác với báo Sài Gòn Mới và bắt đầu viết tiểu thuyết Phi Lạc sang Tầu.

Cổ võ con đường Trung lập

Năm 1953, Hồ Hữu Tường đưa ra giải pháp Trung lập chế (Neutrality). Năm sau ông sang dự hội nghị Genève, ra sức vận động cho giải pháp trung lập Việt Nam nhưng không thành công.

Tháng 3 năm 1955, Hồ Hữu Tường bị bắt vì làm cố vấn cho Mặt trận Thống nhứt Toàn lực Quốc gia (Cao Đài, Hòa Hảo, Lực lượng Bình Xuyên) chống lại chính phủ của Thủ tướng Ngô Đình Diệm.

Năm 1957, Hồ Hữu Tường bị kết án tử hình, nhưng nhờ Albert Camus và những trí thức khác như thủ tướng Ấn Độ Nehru viết thư can thiệp nên chỉ bị đày ra Côn Đảo. Ngày 31 tháng 1 năm 1964 (sau khi Đệ Nhất Cộng hòa Việt Nam sụp đổ) Hồ Hữu Tường được trả tự do rồi được đại xá ngày 14 Tháng Bảy 1967.[1] Ra tù, ông viết bài cho tờ Ánh Sáng và đưa ra giải pháp: đề nghị Liên Hiệp Quốc hóa miền Nam Việt Nam.

Năm 1965, ông làm Phó Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh và vào ban biên tập tuần báo Hòa đồng Tôn giáo.

Năm 1967, Hồ Hữu Tường trúng cử dân biểu đối lập trong Hạ viện Quốc hội Việt Nam Cộng Hòa, thời gian này ông tham gia viết bài cho các tờ báo: Tiếng Nói Dân tộc, Quyết Tiến, Đuốc Nhà Nam, Tin Sáng, Sài gòn Mới, Điện Tín v.v…

Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, Hồ Hữu Tường chưa bị chính quyền mới bắt đưa đi học tập cải tạo cho đến khi ông có sáng kiến là in một tập tài liệu gởi trực tiếp bằng đường bưu điện cho giới lãnh đạo Đảng về nhu cầu bắt buộc Việt Nam phải trung lập trong bối cảnh tình hình của khu vực Á Châu, vào năm 1978. Khi ông bệnh nặng, khó có thể cứu chữa thì được trả tự do và mất vài ngày sau đó (26 tháng 6 năm 1980) tại Sài Gòn.

Giai thoại về cuộc đời tù:

Khi bị giam ở phòng giam tập thể, một người tù hỏi Hồ Hữu Tường:

Bác Tường ơi! Thời Tây, thời Ngô Đình Diệm và cả thời này nữa, thời nào bác cũng đi tù. Bác có hiểu tại sao bác cứ ở tù hoài vậy không ?

Hồ Hữu Tường nhìn anh ta, vừa cười, vừa hỏi:

Mày trả lời giùm tao đi, tại sao ?

Anh ta nhanh nhẩu trả lời:

Dễ quá mà! Tên bác là ” Hữu Tường” nên bác phải “hưởng tù” dài dài!

Hồ Hữu Tường cười buồn:

Có thể thằng nầy nói đúng!

Tham khảo và chú thích

  • Nguyễn An Tiêm. “Sổ luân lưu”. Khởi hành năm XIV, số 166. Tháng 8, 2010
  • Hémery, Révolutionnaires vietnamiens et pouvoir colonial en Indochine, Francois Maspero, Paris Vè, 1975
  • Đỗ Thái Nhiên, Hồ Hữu Tường: Người Chết U Uẩn, Tài liệu chép trên Internet, VMAFORUM, 2-18-02
  • Hồ Hữu Tường, 41 Năm Làm Báo, Hồi Ký, ISBN 2-85881-011-7, Đông Nam Á, Imprimerie Sudestasie, 17 rue Cardinal Lemoine-75005, Paris, 1984.
  • Ngô Văn, Việt Nam 1920-1945, ISBN 2-908744-14-7, L’Insomniaque, Paris, juillet 1995.
  • Ngô Văn, VIỆT NAM 1920-1945, ISBN 2-908744-40-06, Chuông Rè-L’Insomniaque, California, USA, 2000.

Trang liên hệ


ĐÔI NÉT VỀ HỒ HỮU TƯỜNG VÀ TIỂU THUYẾT PHI LẠC SANG TÀU


Source: © http://lainguyenan.free.fr

Có lẽ trong các thế hệ người Việt mới lớn lên vài ba chục năm gần đây hầu như ít ai biết gì về tác gia Hồ Hữu Tường!

Thế nhưng, nếu chịu khó lục tìm trong các tủ sách, các thư viện, người ta sẽ thấy có một tác gia Hồ Hữu Tường, dưới nhiều bút danh khác nhau, với một di sản trứ tác khá đồ sộ và đa dạng.

Ông là soạn giả một loạt sách chính trị, kinh tế, triết học như Xã hội học nhập môn (1945), Kinh tế học và kinh tế chánh trị nhập môn (1945), Tương lai kinh tế Việt Nam (1945), Phong kiến là gì? (1946), Vấn đề dân tộc (1946), Muốn hiểu chính trị (1946), Tương lai văn hoá Việt Nam (1946, 1965).

Ông là soạn giả một loạt sách văn phạm, văn học sử như Phép nói và viết hỏi ngã (1950), Em học tiếng mẹ (1950), Em tập đọc (1951), Lịch sử văn chương Việt Nam, quyển 1 (1950).

Ông là tác giả 4 bộ truyện dài: bộ Một thuở ngàn năm (truyện trào phúng chính trị) gồm 4 cuốn: Phi Lạc sang Tàu (1949), Phi Lạc náo Hoa Kỳ (1955), Tiểu Phi Lạc náo Sài Gòn (1966), Diễm Hồng xuất giá (1966); bộ Hồn bướm mơ hoa (truyện lịch sử xã hội miền Hậu Giang) gồm 4 cuốn: Mai Thoại Dung (1966), Tam nhơn đồng hành (1966), Ông thầy Quảng (1966), Bủa lưới người (1966). Bộ Gái nước Nam làm gì? (truyện chống Pháp) gồm 2 cuốn: Thu Hương (1949) và Chị Tập (1949). Bộ Thuốc trường sanh gồm 3 tập: Xây mộng (1964), Phúc đức (1964), Vẹn nguyền (1964). Cạnh đó là các cuốn tiểu thuyết: Nỗi lòng thằng Hiệp (1949), Kế thế (1964), Hoa dinh cẩm trận (1967), Người Mỹ ưu tư (1968), và các tập truyện ngắn, tạp văn: Quả trứng thần (1952), Kể chuyện (1965), Nợ tinh thần (1965).

Ông còn có các sách tiểu luận: Những kỹ thuật căn bản của nghề làm báo (1951, 1965), Trần tư của một tên tội tử hình (1965), Luận lâm 1 (1965), Nói tại Phú Xuân (1965); là tác giả các thiên tự truyện và hồi ký: Thằng Thuộc con nhà nông (1966), 41 năm làm báo (1968)…

Sách Từ điển văn học, bộ mới (Nxb. Thế giới, H., 2003) cho biết, Hồ Hữu Tường sinh ngày 8/5/1910 ở làng Thường Thạnh huyện Cái Răng tỉnh Cần Thơ; cha mẹ làm tá điền cho người cậu là một viên Hội đồng (tức là thành viên Hội đồng quản hạt Nam Kỳ, cơ quan dân cử của xứ Nam Kỳ thời thuộc Pháp). Sống tại nhà người cậu này, Hồ Hữu Tường từ 6 tuổi đã đọc tạp chí Nam phong, từng nhiễm chất “tân hủ nho” bởi tờ tạp chí ấy, sau chơi với bạn là Phan Văn Hùm, được người này “gột rửa” giúp. Năm 16 tuổi Hồ Hữu Tường lại mê đọc tờ Đông Pháp thời báo (nhật báo xuất bản ở Sài Gòn từ 1923, do Nguyễn Kim Đính làm Giám đốc chính trị), chịu ảnh hưởng tinh thần yêu nước của tờ này, cùng các bạn làm tờ báo trường, lên tiếng phản đối vụ án xử Phan Bội Châu. Việc bị lộ, gia đình phải cho Tường sang Pháp du học (1926). Tại Pháp, Tường kết bạn với Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm và gia nhập Đệ Tứ quốc tế. Năm 1930, khi đang chuẩn bị thi Thạc sĩ toán học ở Lyon, nghe tin khởi nghĩa Yên Bái thất bại, Tường bỏ thi lên Paris cùng các bạn làm tờ báo bí mật Tiền quân, nhưng chưa ra được báo thì cả ban biên tập bị bắt, bị trục xuất về nước; riêng Tường cùng Phan Văn Hùm trốn thoát sang Bỉ, liên lạc với tổ chức cách mạng ở Bỉ rồi lại quay lại Paris làm tờ Tiền quân trong 5 tháng, sau đó trở về nước hoạt động chính trị.

Những năm 1931-1939, Hồ Hữu Tường là lý thuyết gia của nhóm Đệ Tứ ở Việt Nam, vừa đi dạy tư vừa điều khiển nhiều tờ báo của nhóm này, hoặc bí mật (như các tờ Tháng Mười, 1931-32; Thường trực cách mạng, 1934-37; Quần chúng, 1937-38) hoặc công khai (như các tờ Le militant, 1936; Tháng Mười, 1938; Tia sáng, 1939), tham gia tờ La lutte của Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu.

Tháng 11/1932, Hồ Hữu Tường bị nhà cầm quyền thực dân Pháp bắt giam lần đầu, giam 6 tháng, ra toà ngày 1/5/1932 bị án treo 3 năm. Giữa năm 1939, Hồ Hữu Tường rời bỏ Đệ Tứ quốc tế, sau đó bị nhà cầm quyền Pháp bắt đày đi Côn Đảo cùng với Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu,… đến cuối năm 1944 mới được trả tự do.

1945, sau khi quân Nhật làm đảo chính Pháp, Hồ Hữu Tường ra Hà Nội, định sang Trung Quốc nhưng bị kẹt lại Hà Nội cùng với Tạ Thu Thâu.

1946, Hồ Hữu Tường được chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mời dự hội nghị Đà Lạt với tư cách cố vấn trong phái đoàn Việt Nam. Tiếp đó, giúp Bộ giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hoà xây dựng chương trình, soạn sách giáo khoa trung học. 1947 khi tản cư về Kẻ Sặt (Hải Dương), Hồ Hữu Tường bị quân Pháp bắt, sau đó trở về Sài Gòn viết văn làm báo.

1948-49, hợp tác với tờ Sài Gòn mới của bà Bút Trà. Đầu 1949 sang Pháp. Ở Pháp, năm 1952 chủ trương tạp chí Pacific, thử vạch một “đường lối thứ ba” cho các nước Á-Phi. 1953 trở về nước, chủ trương nhật báo Phương Đông, nêu giải pháp “trung lập chế” không tưởng. 1954 sang dự hội nghị Geneve với tư cách ký giả, hết sức vận động cho giải pháp trung lập, nhưng thất bại.

Tháng 3/1955, vì có liên lạc với các nhóm chống chế độ Ngô Đình Diệm nên bị bắt, ra toà bị kết án tử hình, song nhờ các nhóm trí thức Pháp, trong đó có nhà văn A. Camus, viết thư can thiệp nên án lệnh bị đình chỉ và Hồ Hữu Tường bị đày ra Côn Đảo. Đầu năm 1964 được trả tự do sau khi chính quyền Diệm đổ.

1964 Hồ Hữu Tường cộng tác với nhật báo Ánh sáng, 1965 cộng tác với tuần báo Hoà đồng, làm Phó Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh. 1967 được bầu làm Dân biểu Hạ nghị viện Việt Nam Cộng hoà.

Sau tháng Tư 1975, Hồ Hữu Tường bị đưa đi học tập cải tạo trong 5 năm, được trả tự do ít lâu thì qua đời tại Gia Định ngày 26/6/1980.

Nhìn vào hành trạng và sự nghiệp Hồ Hữu Tường, người ta thấy đây là một nhân vật ít nhiều kỳ lạ, một hành nhân có rất ít bạn đồng hành, một tiếng nói dù gắng sức bao nhiêu vẫn giống như tiếng nói giữa sa mạc, ít người nghe thấy, ít người hiểu thấu. Sống với giả tưởng, sống trong giả tưởng dường như là thực tại sống của nhà tư tưởng kiêm nhà văn này. Tác phẩm của ông, nhất là các tác phẩm tự sự, bộc lộ khá rõ tính chất nổi loạn của con người, − nổi loạn không phải theo nghĩa đòi tự do cá nhân, mà rộng hơn, con người ấy tìm mọi phương cách chống lại các dạng thức cai quản dân tộc mình, tìm mọi cách giải thoát cộng đồng mình khỏi các dạng thức kìm kẹp mà ông ý thức được; nhưng con người ấy suốt đời thất bại, là tù nhân dưới mọi chế độ; luôn luôn “cưỡng lại số trời”, cũng luôn luôn thất bại.

Ở Hồ Hữu Tường cũng thấm đậm khí chất kẻ sĩ đất Lục tỉnh, khí chất con người Việt Nam. Một trong những huyền thoại mà ông say mê, vừa là tín đồ vừa là kẻ tân tạo nó, − ấy là huyền thoại về dòng họ Hồ với hai vị vua Hồ Quý Ly và Quang Trung (Nguyễn Huệ tương truyền gốc họ Hồ, được gọi là Hồ Thơm); những “dự phóng” làm mới tương lai dân tộc ở tầm vĩ mô được ông phác hoạ trong sự gắn kết với vị trí tương lai những con người thuộc dòng họ ấy!

Điều vừa nói trên liên quan đến một loạt cuốn truyện của nhà văn này, trong đó có cuốn Phi Lạc sang Tàu được giới thiệu lại ở đây.

☆ ☆ ☆ ☆ ☆ ☆

Phi Lạc sang Tàu là một thiên trào phúng khá đặc sắc. Nhân vật chính là một anh bợm, vốn là thằng mõ làng Phù Ninh, vô học nhưng tài phét lác, lại giả danh là dòng dõi họ Hồ, là con cháu của Hồ Thơm tức Nguyễn Huệ Quang Trung đế. Anh bợm này bị một anh bợm khác là thằng mõ làng Cổ Nhuế lừa “bán” cho một vị tu hành Trung Hoa là sư Hồng Hạc, vốn có sứ mệnh xuôi Nam tìm một “Khổng Minh mới” rước về trung nguyên làm thánh sư cho sự nghiệp phò Minh đuổi Thanh phục quốc. Chuyến Bắc du của chàng Phi Lạc trải ra với những cuộc du thuyết bất tận trong đó thằng mõ làng Việt này hiện diện trong vai trò một ngài cố vấn, vai trò một vị “phu tử”, đã khuynh đảo nền văn minh vĩ đại kia bằng các trò tán phét, nói láo … như thật!

Phi Lạc sang Tàu là một thứ “truyện bợm”, truyện phiêu lưu, thấm đậm chất trào phúng. Chàng bợm Phi Lạc thuyết phục các yếu nhân xứ người bằng cách đảo lộn các giá trị tinh thần hàng ngàn năm, đem chúng ra thao tác theo lối diễu nhại, xuyên tạc. Ở phương diện này, tác giả Phi Lạc sang Tàu tỏ ra khá gần gũi với tinh thần nổi loạn tiền phong chủ nghĩa của văn nghệ thế giới đầu thế kỷ XX. Đọc lại tác phẩm được viết những năm giữa thế kỷ XX này thậm chí ta còn thấy sự gần gũi thú vị của nó với những xu hướng phát triển mới trong văn nghệ cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI.

☆ ☆ ☆ ☆ ☆ ☆

Xin trân trọng giới thiệu tiểu thuyết Phi Lạc sang Tàu với bạn đọc.

Hà Nội, 18/6/2008


Mời bà con cô bác đọc truyện Phi Lạc sang Tàu của học giả Hồ Hữu Tường @: https://letungchau.blogspot.com
hay download sách dưới dạng PDF @: TẠI ĐÂY

Các trang web liên hệ:

1. Tưởng Niệm Hồ Hữu Tường (1910-1980) @ vietnamvanhien.net

4. Trầm Tư Của Một Tên Tội Tử Hình HHT


Văn học miền Nam 54-75 (529): Hồ Hữu Tường (kỳ 1)


Hồ Hữu Tường (1910-1980) là một chính trị gia, nhà văn, nhà báo Việt Nam.

Ông sinh tại làng Thường Thạnh, quận Cái Răng, tỉnh Cần Thơ.

Năm 1926, Hồ Hữu Tường sang Pháp học tại trường Đại học Marseille và nạp luận án thi Cao học Toán tại Đại học Lyon. Tại Pháp ông kết bạn và tham gia hoạt động chính trị với những nhà ái quốc lưu vong như Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Tạo, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Phan Văn Chánh, v.v. và gia nhập Đệ Tứ Quốc tế.

Năm 1930, Hồ Hữu Tường được giao làm chủ nhiệm tờ báo bí mật tên là Tiền quân. Thành viên của ban biên tập là những chính khách sau này như Tạ Thu Thâu, Hồ Văn Ngà, Phan Văn Chánh, Huỳnh Văn Phương, Lê Bá Cang… Báo chưa phát hành số đầu thì ban biên tập bị bắt vì tổ chức cuộc biểu tình ngày 22 tháng 5 năm 1930 trước điện Élysée (dinh Tổng thống Pháp) để xin giảm án cho các liệt sĩ trong cuộc Khởi nghĩa Yên Bái bị kết tội tử hình. Cả nhóm bị trục xuất về Việt Nam, ngoại trừ Phan Văn Hùm và Hồ Hữu Tường trốn thoát sang Bỉ. Sau đó ông về nước.

Tháng 11 năm 1932, Hồ Hữu Tường bị Pháp bắt vì phụ trách tạp chí lý luận chính trị bí mật Tháng Mười (theo xu hướng Trotsky chỉ trích hoạt động của đảng Cộng sản Đông Dương), đến ngày 1 tháng 5 năm 1933 bị xử án treo ba năm. Sau đó ông được mời gia nhập ban biên tập của nhật báo Công luận và tuần báo Đồng Nai.

Năm 1936, Hồ Hữu Tường xuất bản tạp chí Thường trực Cách mạng, một tạp chí bí mật duy nhất trong nước được in bằng chữ in. Tạp chí này được dùng làm công cụ đối lập với Đảng Cộng sản Đông Dương. Cũng trong thời gian này ông bỏ nhóm La Lutte và cho xuất bản một tuần báo tiếng Pháp tên là Le Militant (Chiến sĩ), công khai công kích chủ nghĩa Stalin. Cùng với Đào Hưng Long ông cho ra tờ Thày Thợ cổ xúy đường lối của Đệ Tứ Quốc tế.

Tháng 6 năm 1939, ông tuyên bố từ bỏ Đệ Tứ và chủ nghĩa Mác. Ngày 29 tháng 9 năm 1939, chính phủ thuộc địa mở chiến dịch tổng đàn áp, bắt hết những đảng phái đối lập. Đến cuối năm 1940 Hồ Hữu Tường bị đày ra Côn Đảo cùng với các nhà cách mạng chống Pháp khác như Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu… Năm 1944, ông được trả tự do. Trong thời gian ở tù, Hồ Hữu Tường đã hình thành một hệ thống tư tưởng mới: chủ nghĩa dân tộc, không lệ thuộc Tây, Tàu, Nga, Mỹ. Ông tuyên bố: “Tôi trở về con đường dân tộc; tôi cho rằng việc giai cấp vô sản giải phóng nhân loại là một huyền thoại lớn của thế kỷ XIX và tiềm năng cách mạng của giai cấp vô sản ở châu Âu và Bắc Mỹ là một huyền thoại lớn của thế kỷ XX.”

Năm 1945, Hồ Hữu Tường ra Bắc Kỳ. Trong thời gian này ông viết Xã hội học nhập môn, chống lại phép biện chứng và một loạt sách chính trị, kinh tế khác như: Muốn hiểu chánh trị, Kinh tế học, Kinh tế chánh trị nhập môn, Tương lai kinh tế Việt Nam, Vấn đề dân tộc, Tương lai văn hóa Việt Nam. Tháng 8 cùng năm ông cùng với các nhà trí thức Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Xiển đã cùng ký tên vào bức điện gửi cho vua Bảo Đại yêu cầu thoái vị.

Năm 1946, Hồ Hữu Tường được mời tham dự hội nghị Đà Lạt với tư cách cố vấn trong phái đoàn Việt Nam đang điều đình với Pháp. Sau đó, ông tham gia soạn chương trình sách giáo khoa bằng tiếng Việt cho bậc trung học cho bộ Giáo dục Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Năm 1947, Hồ Hữu Tường bị Pháp bắt trong lúc tản cư về Hải Dương. Sau đó ông trở về Sài Gòn viết văn, làm báo. Năm 1948, Hồ Hữu Tường hợp tác với báo Sài Gòn Mới và bắt đầu viết tiểu thuyết Phi Lạc sang Tàu.

Năm 1953, Hồ Hữu Tường đưa ra giải pháp Trung lập chế (Neutrality). Năm sau ông sang dự hội nghị Genève, ra sức vận động cho giải pháp trung lập Việt Nam nhưng không thành công.

Tháng 3 năm 1955, Hồ Hữu Tường bị bắt vì làm cố vấn cho Mặt trận Thống nhứt Toàn lực Quốc gia (Cao Đài, Hòa Hảo, Lực lượng Bình Xuyên) chống lại chính phủ của Thủ tướng Ngô Đình Diệm.

Năm 1957, Hồ Hữu Tường bị kết án tử hình, nhưng nhờ Albert Camus và những trí thức khác như thủ tướng Ấn Độ Nehru viết thư can thiệp nên chỉ bị đày ra Côn Đảo. Ngày 31 tháng 1 năm 1964 (sau khi Đệ Nhất Cộng hòa Việt Nam sụp đổ) Hồ Hữu Tường được trả tự do rồi được đại xá ngày 14 Tháng Bảy 1967.[1] Ra tù, ông viết bài cho tờ Ánh Sáng và đưa ra giải pháp: đề nghị Liên Hiệp Quốc hóa miền Nam Việt Nam.

Năm 1965, ông làm Phó Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh và vào chủ bút tuần báo Hòa đồng’.

Năm 1967, Hồ Hữu Tường trúng cử dân biểu đối lập trong Hạ viện Quốc hội Việt Nam Cộng Hòa, thời gian này ông tham gia viết bài cho các tờ báo: Tiếng Nói Dân tộc, Quyết Tiến, Đuốc Nhà Nam, Tin Sáng, Sài gòn Mới, Điện Tín, v.v.

Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, Hồ Hữu Tường chưa bị chính quyền mới bắt đưa đi học tập cải tạo cho đến khi ông có sáng kiến là in một tập tài liệu gởi trực tiếp bằng đường bưu điện cho giới lãnh đạo Đảng về nhu cầu bắt buộc Việt Nam phải trung lập trong bối cảnh tình hình của khu vực Á Châu, vào năm 1978[2]. Khi ông bệnh nặng, khó có thể cứu chữa thì được trả tự do và mất vài ngày sau đó (26 tháng 6 năm 1980) tại Sài Gòn…

Source: © Văn Học Miền Nam !954-75 Kỳ 1 @ vanviet.info

Leave a comment