Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, cựu tư lệnh SĐ 18 BB, qua đời ở tuổi 87

Source: © VOA

NNQ sưu tầm & post on Apr 93, 2020

Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, cựu tư lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh QLVNCH, vừa qua đời tại bệnh viện Hartford, Connecticut, lúc 1 giờ 45 phút chiều (giờ địa phương) hôm Thứ Năm, 19 Tháng Ba, hưởng thọ 87 tuổi.

tang-le-tuong-le-minh-dao

Cáo Phó của gia đình Tướng Lê Minh Đảo

☆ ☆ ☆ ☆ ☆

Tin này được cô Lê Bích Phượng, ái nữ của thiếu tướng, xác nhận với nhật báo Người Việt.

Cô cho biết, vị thiếu tướng ra đi bình yên trong lúc có gia đình con cháu nội ngoại tề tựu xung quanh.

Cô Bích Phượng kể thêm: “Ba em được đưa vào bệnh viện chiều Thứ Bảy, 14 Tháng Ba.”

“Hôm Thứ Tư, 18 Tháng Ba, cả gia đình, 11 người, đi từ Virginia lên Connecticut. Tới bệnh viện, nhưng không được vào hết. Mỗi lần vào chỉ được ba người,” cô Bích Phượng kể tiếp. “Ông biết mình sắp ra đi, nên nói: ‘Ba chuẩn bị đi hành quân.’”

Cô thêm: “Trưa Thứ Năm, bệnh viện tự nhiên dễ dãi, cho cả gia đình vào, lúc đó ông mới đi. Có lẽ ông biết, nên đợi cả gia đình vào, rồi mới đi.”

Theo Lược Sử QLVNCH của ba tác giả Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, và Lê Đình Thụy, vị thiếu tướng tư lệnh Sư Đoàn 18 sinh ngày 5 Tháng Ba, 1933, tại xã Bình Hòa, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định.

Ông có chín người con, hai trai và bảy gái.

Hồi chưa vào quân đội, ông là học sinh trường Lyceé Pétrus Ký, Sài Gòn, rồi tốt nghiệp tú tài I và II.

Sau đó, ông theo học khóa 10 Trần Bình Trọng trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt ngày 1 Tháng Mười, 1953.

Một năm sau, ông mãn khóa với cấp bậc thiếu úy, nhưng được giữ lại trường.

Năm 1954, ông được chọn đi học lớp huấn luyện viên tại trường Võ Bị Lục Quân Fort Benning, Columbus, Georgia, Mỹ.

Năm 1956, ông được thăng trung úy.

Sau đó, ông trở lại trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, giữ chức đại đội trưởng sinh viên sĩ quan, huấn luyện viên các khóa 13, 14, và 15.

Năm 1960, ông là tùy viên của Thiếu Tướng Lê Văn Kim.

Năm 1962, ông mang cấp đại úy, được đi du học lớp Tác Chiến Rừng Rậm tại Malaysia.

Năm 1963, ông phục vụ tại Khối Nghiên Cứu của Bộ Tư Lệnh Hành Quân.

Ngày 2 Tháng Mười Một, 1963, ông được thăng thiếu tá tạm thời, và đến cuối năm làm tỉnh trưởng tỉnh Long An.

Cuối năm 1964, ông bàn giao chức tỉnh trưởng cho Thiếu Tá Nguyễn Văn Lộc, và đến đầu năm 1965 ông làm tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 1, Trung Đoàn 31, Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Sau đó, ông làm trung đoàn phó Trung Đoàn 31.

Năm 1966, ông là giám đốc Trung Tâm Hành Quân Quân Đoàn IV.

Một năm sau, ông làm tỉnh trưởng tỉnh Chương Thiện, và đến năm 1968 được thăng cấp trung tá nhiệm chức ngay tại mặt trận.

Cuối Tháng Hai, 1969, ông bàn giao chức tỉnh trưởng cho Trung Tá Nguyễn Văn Ngưu để về làm tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Định Tường.

Năm 1970, ông được thăng đại tá nhiệm chức đặc cách tại mặt trận.

Tháng Ba, 1972, ông lại bàn giao chức vụ hiện tại cho Đại Tá Chung Văn Bông, và ngày 4 Tháng Tư làm tư lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh thay Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ.

Ngày 1 Tháng Mười Một, 1972, ông được vinh thăng chuẩn tướng nhiệm chức tại mặt trận.

Ngày 1 Tháng Ba, 1974, ông được vinh thăng chuẩn tướng thực thụ.

Ngày 24 Tháng Tư, 1975, ông được vinh thăng thiếu tướng nhiệm chức đặc cách tại mặt trận Xuân Lộc.

Trong những ngày cuối của cuộc chiến Việt Nam ông là người chỉ huy Sư Đoàn 18 Bộ Binh với chiến tích chặn đứng Cộng Quân vào Xuân Lộc, từ đó, ông có biệt danh “Người Hùng Xuân Lộc.”

Sau đó, ông bị tù Cộng Sản cho tới ngày 5 Tháng Năm, 1992.

Tháng Tư, 1993, ông định cư tại tiểu bang Virginia, Mỹ, và sau này chuyển về sống ở tiểu bang Connecticut.

© Mai Phi Long | Người Việt
Đọc thêm @ Báo Việt Luận Úc Châu

Thiếu Tướng Lê Minh Đảo

– vị Tướng bất tử

© Nguyễn Quang Duy. Source: © https://vietbao.com

Sưu tầm & Post on Mar 03rd, 2020

Tướng-Lê-Minh-Đảo

Tướng Lê Minh Đảo, © Ảnh: vietluan

Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, tư lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, vừa qua đời ở Connecticut, Hoa Kỳ, ngày 19/3/2020, hưởng thọ 87 tuổi.

Xin chia sẻ suy nghĩ về một vị tướng lừng danh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, lãnh 17 năm tù cộng sản vẫn không ngừng vận động để dân Việt thoát ách cộng sản.

Vị tướng gần dân…

Gần 6 năm, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng tỉnh Chương Thiện và sau đó là tỉnh Định Tường, ông nổi tiếng là người thương lính và gần dân.

Năm 1979, tôi sống trong vùng Đồng Tiến, An Giang, một hôm chủ nhà nhắc chuyện cũ, ông chỉ về chỗ tôi đang ngồi rồi nói:

“Hồi đó ông Tướng Đảo có ghé thăm nhà mình, ỗng mặc áo thung, quần đùi ngồi (nhậu) ở chỗ Bảy nó đang ngồi đó (tôi thứ bảy trong gia đình nên ông chủ nhà gọi tôi là Bảy), ỗng thương dân lắm, ỗng nói bà con kêu ỗng bằng anh Tư, giờ nghe nói ỗng bị tù ở tận miền Bắc, thương ỗng lắm, bà con mình thương ỗng lắm…”

Vị Tướng và tôi…

Cuối năm 2004, Tướng Đảo cùng phái đoàn Tập thể Chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa sang thăm Úc, có ghé Canberra, vào Quốc Hội Úc vận động nhân quyền, sau đó có gặp bà con trong Cộng Đồng tại Canberra, ở một quán ăn, để chia sẻ tâm sự.

Tôi đến quán đúng lúc Tướng Đảo tới, tôi gặp ông ngay cửa quán ăn, ông đứng thẳng chào tôi theo Quân Cách rồi hỏi: “Chiến hữu thuộc đơn vị nào?”

Tôi hơi bỡ ngỡ trả lời ông “Thưa Thiếu Tướng thế hệ tiếp nối”, xong tôi đưa tay ra xin bắt tay ông và mời ông vào quán ăn.

Hôm đó, ông nhắc nhở mọi người đừng quên những tội ác cộng sản đã gây ra, đừng quên nhưng không thù, vì thù oán không giải quyết được vấn đề, đừng quên để nhớ trách nhiệm của tập thể chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa vẫn chưa hoàn tất đó là bảo vệ người dân khỏi ách cộng sản.

Vị Tướng và 9 người con…

Tướng Đảo có chín người con, hai trai và bảy gái, khi cộng sản chiếm miền Nam tất cả đều ở lại Việt Nam, đều chịu chung số phận tù đày với đồng bào, cho đến năm 1979 mới vượt biên sang đến Mỹ.

Cô Lê Bích Phượng, con gái thứ sáu trong gia đình Tướng Đảo, hiện làm phóng viên cho đài SBTN, có phỏng vấn Tướng Đảo tại sao ngày 30/4/1975 có điều kiện cho gia đình di tản sang Mỹ nhưng ông không thực hiện.

Ông trả lời chiến hữu của ông cũng có con cái, họ đều phải ở lại Việt Nam, nếu ông cho các con di tản, giờ con cái chiến hữu của ông sẽ chỉ vào mặt các con ông mà nói: “Ba mày không chạy trốn, nhưng cho chúng mày chạy trốn.”, biết vậy, để giữ danh dự cho cả gia đình nên ông không cho các con di tản.

Tướng Đảo còn nói, mà cũng nhờ mấy năm sống với cộng sản các con mới hiểu, vì sao ba chiến đấu bảo vệ miền Nam, các con mới hiểu, mà thương cho đồng bào vẫn chưa thoát được ách cộng sản như các con.

Vị Tướng thương dân…

Được BBC tiếng Việt phỏng vấn Tướng Đảo cho biết: “Vợ tôi có hỏi tôi tại sao anh thương dân miền Bắc hơn dân miền Nam. Tôi cho bà ấy biết, dân miền Bắc đáng thương lắm, họ đau khổ lắm, họ đau khổ hơn mình, họ đau khổ nhiều hơn mình, hơn 20 năm trong chế độ cộng sản.”

Tướng Đảo cho biết một người cộng sản đã nói với ông rằng: “Các anh có biết, tại sao các anh thua không? Không phải tại Mỹ bỏ đâu, là tại các anh không dám cầm súng các anh bắn vô dân. Còn tụi tôi có chuyện [cần] làm chúng tôi vẫn phải bắn…”

Vị Tướng thương cả “địch quân”

Tướng Đảo cũng từng chia sẻ, bộ đội miền Bắc nhiều người còn rất trẻ chỉ 16 hay 17 tuổi, họ được mang thẳng từ miền Bắc vào, họ thiếu kinh nghiệm chiến trường, nên chết rất nhiều, tội nghiệp họ lắm, họ cũng là nạn nhân cộng sản.

Ông cho biết Đức, Đại Hàn, Tàu cũng chia thành 2 miền, nhưng chỉ có cộng sản miền Bắc là mang quân đánh miền Nam.

Miền Bắc hy sinh 2 hay 3 triệu những đứa con ưu tú của Việt Nam, miền Nam cũng hy sinh hằng triệu người, lỗi cũng tại những người cầm quyền miền Bắc quá tin vào chủ nghĩa cộng sản và quyết đánh chiếm miền Nam.

Vị Tướng anh hùng…

Đầu tháng 4/1975, khi quân đội miền Bắc vượt vĩ tuyến 17 tràn xuống miền Nam, Tướng Đảo chỉ huy Sư Đoàn 18 Bộ Binh tại mặt trận Xuân Lộc, Long Khánh.

Lực lượng Bắc Việt do Tướng Hoàng Cầm chỉ huy đông gấp 3 đến 5 lần hơn lực lượng của Tướng Đảo, có nơi hơn gấp 10 lần, nhưng đã bị chặn lại 12 ngày tổn thất nặng nề, cộng sản cho Tướng Trần Văn Trà lên thay và cho đổi hướng tiến quân.

Xuân Lộc không còn là địa thế chặn quân miền Bắc, Tướng Đảo được lệnh rút quân, vào tối ngày 20/4/1975 ông rút khỏi Xuân Lộc mang theo được mọi vũ khí, cả pháo, cả đến thương binh và tử sĩ.

Tướng Đảo đi bộ theo đoàn quân, ông đốc thúc binh sĩ hàng ngũ trật tự và nhanh chóng rút quân, đến sáng hôm sau phía cộng sản mới biết.

Trận Xuân Lộc và cuộc rút quân tạo cho Tướng Đảo biệt danh “người hùng Xuân Lộc”, một biệt danh ông không muốn nhận.

Ông cho biết trong suốt 25 năm, chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa vừa phải chiến đấu để bảo vệ an ninh cho dân, vừa phải xây đường xá, xây cầu cống, xây trường học, xây nhà thương, xây nhà ở, xây làng xóm cho dân.

Không một Quân Đội nước nào mà các binh sĩ đã có những đóng góp tích cực như vậy, vì thế theo ông mỗi chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đều là một anh hùng.

Vị Tướng với thế hệ tiếp nối…

Trong lần hội luận do SBTN Úc châu tổ chức, được đồng hương hỏi ông nghĩ sao về một Chính Phủ ở hải ngoại, Tướng Đảo trả lời, sau biến cố 30/4/1975, Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa không còn tồn tại, nhưng tinh thần Việt Nam Cộng Hòa theo ông thì bất diệt.

Tinh thần Việt Nam Cộng Hòa không chỉ được lưu truyền ở hải ngoại cho các thế hệ thứ hai, thứ ba, mà còn được lưu truyền trong nước khi các thế hệ tiếp nối biết được quá trình giữ nước và dựng nước của ông cha. Bởi vậy chúng ta phải nói, nói cho con em chúng ta hiểu rõ.

Những vị Tướng bất tử…

Ở tiểu học, tôi được dạy tấm gương của 2 vị Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu tuẩn tiết khi quân Pháp chiếm thành Hà Nội năm 1873.

Biến cố 30/4/1975 tôi biết thêm 5 vị Tướng tuẫn tiết là Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Chuẩn tướng Lê văn Hưng, Chuẩn tướng Trần Văn Hai, Thiếu tướng Phạm Văn Phú, và Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ.

Sau gần 45 năm, có thêm Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, với 17 năm tù cộng sản, không ngừng hy sinh vận động cho một Việt Nam không cộng sản.

Anh hùng tử khí hùng bất tử, họ là những tấm gương một lòng vì nước vì dân, họ là những vị Tướng bất tử.

© Nguyễn Quang Duy (Melbourne Úc Đại Lợi (2020)
Xin đọc thêm tại các trang web sau đây: © vietbao.com

Related subjects:

Thiếu Tướng Lê Minh Đảo – Vị Tướng Bất Tử @ https://vietbao.com

Thiếu Tướng Lê Minh Đảo

và Sư Đoàn 18 Bộ Binh

© Phan Nhật Nam
Source: © bienxua wordpress.com

NNQ Sưu tầm & Post on Apr 04th, 2020

tuong-le-minh-dao-img

Tướng Lê Minh Đảo. Ảnh Wikipedia
Về Tướng Quân Lê Minh Đảo và Những Người Lính Sư Đoàn 18 Bộ Binh
Lữ Đoàn 3 Thiết Kỵ
Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù
Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân Và những đơn vị thống thuộc Quân Đoàn III , Tiểu Khu Long Khánh/VNCH

Đến những giòng chữ cuối cùng của tập ký sự nầy, tự bản thân có cảm giác kiệt sức, sụp xuống. Cũng có thể vì phải đọc, phân loại, biên soạn khối tài liệu quá lớn về một cuộc chiến tranh liên quan đến nhiều giới người, nhiều phe phái, diễn ra trong một quá trình lâu dài, tác động nghiêm trọng đối với lịch sử của nhiều quốc gia – Cuộc chiến mà những phe tham dự mãi đến hôm nay vẫn chưa có những kết luận chung nhất. Tại sao và do đâu đã nẩy sinh ra một tình thế bi thảm và bế tắc đến như thế? Tại sao và do đâu mà trận chiến đã mãi kéo dài với hậu quả khốc hại mấy mươi năm qua hằng khoét sâu vào tâm thức, trí nhớ của mỗi người – Người Mỹ lẫn người Việt; kẻ gọi là thắng lợi ở trong nước kia, hoặc người phải chịu cảnh nước mất nhà tan sau lần xé cờ, gãy súng. Nhưng chung nhất là buộc phải thấy lại toàn bộ tình cảnh oan khốc của chiến tranh mà không ai xa lạ, chính là toàn khối người Việt, tập thể đơn vị quân đội, gia đình, bản thân từng chịu đựng.

Tuy nhiên, gần ba mươi năm sau năm tháng khổ nạn 1975, người trong cuộc, những Người Lính của chiến trường xưa vẫn canh cánh tấc lòng sắc son nhớ nước, với mỗi người dân mà họ đã hiến thân khắc kỷ, cao thượng chiến đấu bảo vệ, giữ gìn. Người Lính vẫn giữ chắc tay súng giữa vũng lầy chính trị Trong những ngày đầu tháng 4, 1975 Cựu Bộ trưởng tin tức Chiêu Hồi Hoàng Đức Nhã nay giữ chức vụ Phụ tá riêng của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu đã có mặt tại Singapore theo lời mời của Thủ Tướng Lý Quang Diệu. Cá nhân cố vấn Nhã rất ái mộ nhà lãnh đạo họ Lý, bởi vị nầy đã thành công trong quá trình cai trị (dẫu bị phê phán là độc tài, độc đảng theo thói tục của chính giới Tây Phương) bằng việc thực hiện cho người dân Singapore những điều mà chế độ cộng sản hứa hẹn “sẽ có nơi địa đàng trần thế”: Tự do, dân chủ, việc làm, phồn thịnh kinh tế, ổn định xã hội. Mức sống người dân Singapore được xếp hạng cao nhất Châu Á. Môi trường, thành phố, phi trường Singapore được đánh giá là những địa điểm công cộng sạch nhất thế giới. Thủ Tướng Lý vào thẳng vấn đề: “Đừng để mất thì giờ vô ích, tôi mời ông tới đây bởi kết thúc (ở Việt Nam) sắp xẩy đến. Rockefeller vừa hỏi ý kiến tôi cũng như những vị lãnh đạo Á Châu khác, liệu chúng ta có cách gì để đưa ông Thiệu ra đi hay không…”(2) Đọc tiếp