Ngày Từ Phụ – Father Day


Mỗi năm cứ đến ngày Chủ nhật thứ nhất của tháng 9, người Úc dành riêng ngày này để bày tỏ lòng tôn kính đối với Cha mình. Đó là Ngày Từ Phụ, Ngày Của Cha – Father’s Day. Ngày Father’s Day năm 2020 này là ngày Chủ nhật Sep-6.


Ngày Từ Phụ

Source: Cỏ Thơm Magazine
© Đoàn Xuân Thu

Năm 1961, thằng em thứ sáu, vừa lên 5 của tôi, bị viêm màng não rồi chết. Thân phụ tôi đang làm trưởng ty Bưu Ðiện Rạch Giá buồn bã quá, xin đổi về Sài Gòn làm ở Bưu Ðiện Trung Tâm gần Vương Cung Thánh Ðường, dắt cả gia đình chạy trốn một kỷ niệm buồn đau!

Nhà thì chính phủ cho một căn, ở lầu hai cư xá Bưu Ðiện trên đường Hai Bà Trưng, nằm trong con hẻm lớn, đối diện nhà thờ Tân Ðịnh.

L & T image
© L & T image

Rồi năm 63, cuộc đảo chánh 1/11 của các tướng lãnh. Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và bào đệ là Cố Vấn Ngô Ðình Nhu bị giết. Cái chết của Tổng Thống Diệm đã chấm dứt luôn cuộc sống tương đối dễ thở của các công chức bậc trung. Nhà đông con, vật giá càng lúc càng tăng, con cái ngày một lớn, tiền ăn tiền quần áo tiền trường đè nặng lên vai Ba. Nên Ba phải làm thêm ‘job’ nữa. Ðánh máy mướn!

Vốn xuất thân từ thư ký, sau vừa làm vừa học, thi đậu cải ngạch thành Cán Sự Bưu Ðiện, Ba đánh máy rất nghề, chỉ nhìn vào văn bản mà không cần nhìn vào bàn phím chữ. Ðánh bằng mười ngón, tốc độ nhanh, nghe như tiếng rào rào đổ trên mái tôn. Mưa!

Cuối đường Phan Ðình Phùng, đi về phía Chợ Lớn rồi quẹo tay phải sang đường Lý Thái Tổ có rất nhiều tiệm Ronéo. Trong tiệm, ngoài giàn máy Ronéo, còn có vài cái máy đánh chữ, bàn ghế ngồi do chủ tiệm cung cấp. Làm ăn chia, tứ lục, 6/4.

Muốn in Ronéo, phải đánh trên giấy stencil. Ðó là loại giấy có tráng sáp để khi đánh, chữ sẽ khắc dấu trên sáp; rồi khi đưa vào máy, mực sẽ tràn ra phủ đầy trên những dấu lõm. Dán stencil vào máy, rồi quay bằng tay hay bằng điện. Bài viết sẽ lần lượt được in ra.

Khách hàng đến là các giáo sư mướn đánh máy bài giảng ở trường đại học, bán “cours” cho sinh viên. Khách hàng cũng có thể là các nhà văn chuyên viết truyện dài đăng trên báo hằng ngày mà Miền Nam lúc bấy giờ gọi là viết “feuilleton” như Dương Hà, An Khê, Ngọc Linh, Sơn Nam… Họ mang những bản thảo viết tay, thường là khó đọc, đến mướn đánh máy cho rõ ràng để thợ sắp chữ nhà in dễ đọc, dễ sắp chữ trên bản kẽm rồi in ra thành tiểu thuyết.

Giá cả có khác nhau tùy theo khách hàng thường xuyên như các giáo sư hay các nhà văn. Ngoài ra cũng có nhận đánh đơn từ các loại.

Mỗi ngày, Ba cỡi chiếc xe đạp đòn dông đi làm theo giờ hành chánh từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Tan sở lại phải chạy xuống tiệm Toàn Thắng ở cuối đường Phan Ðình Phùng để làm cái “job” thứ hai.

Khoảng 9, 10 giờ đêm, mệt mỏi, rã rời sau 16 tiếng đồng hồ làm việc, Ba mới theo đường Phan Thanh Giản, chỉ cho chạy một chiều để quay trở về Hai Bà Trưng, Tân Ðịnh.

Má vẫn thường chờ Ba cơm tối; còn 8 anh em tôi thì đã đi ngủ mất rồi. Hôm nào được lãnh lương hoặc đánh máy có tiền nhiều, Ba vẫn thường ghé qua xe bán bánh mì Tám Cẩu ở ngã tư Cao Thắng và Phan Thanh Giản, gần rạp hát Ðại Ðồng, mua vài ổ bánh mì về cho con.

Về nhà Ba vô giường, bế từng đứa dậy, đặt ngồi ngoài bàn rồi bảo: “Ăn đi con!” Ăn thì khoái thiệt nhưng “buồn ngủ” híp con mắt luôn! Em gái tôi cắn miếng bán mì nhai, chưa kịp nuốt thì gục xuống bàn… ngủ tiếp. Ba lại bế từng đứa, cho vào giường ngủ.

Người ta thường bảo người mẹ như cánh cò. Cánh cò lặn lội bờ sông… Ba tôi không phải là cánh cò, Ba tôi là đại bàng nhưng con đông quá, bám vào đôi cánh của Ba nặng trĩu. Ba không bay cao, bay xa được mà chỉ bay là đà; nhưng vẫn phải rán mà bay để tìm mồi về cho vợ và con trong thời khốn khó!

Ba chưa từng bao giờ từ bỏ ước vọng là con mình sẽ được ăn học đàng hoàng, tới nơi tới chốn để cuộc đời chúng nó sau không phải vất vả như Ba!

Bước ra đời, nếu mình có thành công, có giỏi hơn người khác thường là bị gièm pha, xúc xiểm, ganh tị… nhưng mỗi thành công dù rất nhỏ trên trường đời của con thì Ba lại tự hào, hãnh diện coi thành công đó là rất lớn và là chính của Ba luôn!

Năm 63, tôi thi đậu vào Petrus Ký. Ðỡ cho Ba không phải lo tiền trường. Vì nếu rớt, phải đi học tư, tốn lắm! Việt Nam lúc đó đậu vào một trường công lập nổi tiếng như Petrus Trương Vĩnh Ký cho con trai hay Gia Long cho con gái là rất khó. Trường rất có kỷ luật nên học trò trường công không dám “cúp cua” đi chơi nên thường học giỏi hơn học trò trường tư dù giáo sư trường tư lại nổi tiếng dạy hay hơn: Dạy hay hơn nên mới được chủ trường tư mời dạy!

Ngày coi kết quả thi vào Petrus Ký, trời đổ trận mưa to. Thầy Trường dạy luyện thi đệ thất, có danh sách học trò thi đậu, báo tin vui. Ba nhường áo mưa cho con, còn mình đội mưa đến. Thầy và Ba bắt tay nhau, hỉ hả cười rạng rỡ, dù nước mưa còn chảy ròng ròng trên má. Tôi thấy thương Ba quá trời. Sao mà khổ dữ vậy! Tôi thấy đậu vô đệ thất, cho dù là của một trường trung học nổi tiếng nhứt miền Nam đi chăng nữa thì có gì là… lớn lao lắm đâu! Mấy thằng bạn học chung với tôi cũng thi đậu đó thôi.

Rồi khi thi đậu tú tài một, tú tài hai, Ba cũng mừng như chính Ba thi đậu vậy!

Khi vào đại học, Ba muốn con học Luật Khoa để trở thành luật sư chẳng hạn… Có lẽ đường hoạn lộ công danh của Ba đã từng bị xui xẻ, bị đối xử bất công quá hay chăng mà Ba không muốn con mình phải gánh chịu: Phải biết Luật để cho tụi nó sợ mà không dám áp bức lại mình?

Tôi thì thấy những chồng “cours” là đã “ớn.” Lại phải tốn rất nhiều tiền để mua nên không muốn đi học Luật; dù trường đó, trên con đường Duy Tân, thơ mộng và có biết bao nhiêu là con gái, tiểu thơ con nhà giàu chưng diện, ẹo tới, ẹo lui…

Ba nói một, hai lần thì tôi vẫn giả bộ tảng lờ. Nhưng lần thứ ba thì con Ba, cái thằng bất hiếu, cứng đầu cãi lại: “Con là con ếch mà Ba muốn con to bằng con bò! Không được đâu!

Tôi đã nhẫn tâm làm tan nát niềm ước vọng của Ba tôi rồi; mà tôi cứ “thản nhiên” như không. Trời ạ!

Sau nầy vào Ðại Học Sư Phạm ra trường, đi dạy, một hôm Ba nói: “Thôi không làm luật sư, làm giáo sư cũng được!” Dù tôi chỉ là Giáo Sư Trung Học Ðệ Nhứt Cấp “quèn” mà thôi!

Rồi 75 đến, nước mất nhưng nhà tôi nhứt định không tan. Cũng sống lầm than mà cũng không nghe Ba một tiếng thở than: Ði tù cải tạo sáu tháng vì là viên chức ngụy quyền, cấp trưởng ty. Trong tù, Ba tôi vẫn ăn mặc một cách đàng hoàng, tề chỉnh. Ðêm trong trại, Ba xếp quần áo lại, lót dưới gối trên đầu nằm cho thẳng thớm. Sáng ra, mặc áo bỏ vô quần, mang giày như thuở còn đi làm; dù mấy thằng cán bộ nhiều lần mỉa mai, phê bình Ba là còn giữ tác phong ”tiểu tư sản”! Ba chỉ nói: “Mình mất nước chớ không mất tư cách!

Ra tù, Ba lại trở về Sài Gòn, ra Lý Thái Tổ ngồi đánh máy mướn để nuôi đàn con: đứa thì đi tù vì là sĩ quan Ngụy, đứa thì bị đuổi! Ba vẫn ăn mặc rất đàng hoàng, vẫn áo trắng bỏ vô quần, vẫn mang giày, dù cũ, ra đánh máy mướn, làm đơn cho bà con cô bác Sài Gòn đi thăm nuôi chồng, con đang ở tù cải tạo.

Cuộc sống cực kỳ khốn khó mà Ba vẫn không than van; vẫn không phiền trách ai đã làm cho mình mất nước!

Bà con ở Hố Nai, có thời đi lính Liên Hiệp Pháp, xuống nhờ Ba đánh đơn gởi Tổng Thống Francois Mitterrand để xin đi định cư. Là người học chương trình Pháp, Ba viết thơ giùm họ cảm động làm sao đến nỗi ông chánh văn phòng của tổng thống hồi đáp ngay, rồi Ba dịch ra tiếng Việt cho bà con nghe là: “Tổng Thống Cộng Hòa Pháp đã nhận được thơ ông và đã chỉ thị chuyển hồ sơ qua Bộ Ngoại Giao để hoàn tất tiếp hồ sơ!”. Sau đó cũng có vài gia đình được đi Pháp định cư.

Có lần ông chủ một cây xăng ở Rạch Giá bị đánh tư sản, bị đuổi đi vùng kinh tế. Khổ quá, ông trốn về Sài Gòn và gặp lại Ba. Ông vẫn còn gọi Ba là ông trưởng ty như ngày cũ! Ông nói vì không có hộ khẩu nên không làm được thông hành và chiếu khán nhập cảnh Hoa Kỳ; dù con ông đã gởi đơn về bảo lãnh. Ba lại giúp ông làm đơn gởi cho bọn công an, bộ phận xuất nhập cảnh ở đường Nguyễn Trãi Chợ Lớn và Tòa Ðại Sứ Mỹ ở Bangkok, Thailand. Ðơn thành công và ông được ra đi! Bùi ngùi từ giã, ông nói: “Tôi đi rồi, không biết chừng nào mới có dịp gặp lại ông trưởng ty.” Rồi rưng rưng nước mắt, bắt tay chào vĩnh biệt!

Ðọc sử thế giới, tôi nhớ rằng Raoul Wallenberg (1912-1947), nhà ngoại giao Thụy Ðiển, đã cứu hàng chục ngàn người Do Thái ở Hungary thoát khỏi Holocaust, lò hơi ngạt của Phát Xít Hitler trong Thế chiến thứ hai. Ông đã cấp những thông hành bảo vệ (Schutz-Pass) và cho những người Do Thái ẩn náu trong những tòa nhà thuộc tòa đại sứ Thụy Ðiển ở hải ngoại. Ngày 17 tháng 1, 1945, Hồng quân Cộng Sản Liên Xô tiến vào Budapest, Hungary bắt ông giam cầm và ông chết ngày 17 tháng 7, 1947 trong nhà tù Lubyanka ở Moskva. Trái tim vĩ đại của một con người nhân hậu đã mãi mãi thôi đập nữa!

Chủ Nghĩa Phát Xít và Chủ Nghĩa Cộng Sản đều tàn ác như nhau. Chính bọn chúng đã giết đi những người nhân hậu!

Dĩ nhiên thân phụ tôi không thể cứu được nhiều nạn nhân như ông Raoul Wallenberg đã từng làm; nhưng chí ít Ba tôi cũng đã giúp được một số người, dù con số đó rất nhỏ nhoi, vượt thoát khỏi gông cùm cộng sản. Chỉ có một trái tim nhân đạo mới dám làm được như thế! Ba từng nói: “Giúp được ai, dù là chuyện nhỏ, để làm cho họ bớt thống khổ hơn là điều phải làm con ơi!”

Năm 81, thằng em thứ 5 của tôi liều chết vượt biên đến được Pulau Bidong, Mã Lai. Về Adelaide, Nam Úc định cư, nó lần lượt bảo lãnh Ba và các anh em qua. Cuối cùng cả gia đình đoàn tụ!

Ðêm nay, ngồi trước bàn phím computer, viết bài này do anh Hoàng Ðịnh Nam, báo Trẻ Garland Texas đặt bài, nhân Father’s Day bên Mỹ, tôi lại nhớ đến cái bàn máy đánh chữ của Ba. Nhớ mười ngón tay xương xẩu, cong vòng của Ba gõ trên bàn đánh máy mà ngày xưa người ta thường cảnh báo về già sẽ bị đau tim mà chết. Nhưng Ba không sợ! Mười ngón tay đó của Ba đã nuôi anh em con ăn học, đủ để sống sót và làm lại cuộc đời nơi đất lạ quê người. Tụi con xin cảm ơn Ba!

Ba bỏ tụi con đi, năm nay nữa là 15 năm chẵn. Tiếng gõ trên bàn máy chữ vẫn rào rào như tiếng mưa rơi… vẫn còn vang động đâu đây!Nhớ và thương vô cùng cái dáng của Ba còng lưng trên xe đạp trong những ngày ngược gió. Nhớ bánh mì Tám Cẩu Ba mua; mà đút vào miệng chưa kịp nhai tụi con đã gục đầu xuống bàn… mà ngủ tiếp. Nhớ cái bắt tay của Ba với thầy Trường ngày con đậu vào đệ thất.

Người ta cần tới Father’s Day, Chúa Nhựt, tuần lễ thứ ba của Tháng Sáu như ở Hoa Kỳ hay Chúa Nhựt, tuần lễ thứ nhứt của Tháng Chín ở Úc để kỷ niệm ngày từ phụ, để nhớ tới phụ thân!

Còn con, con nhớ Ba mỗi ngày, khi còn sống…
Và cho đến lúc nào đó con sẽ được gặp lại Ba!

© Ðoàn Xuân Thu

Cha và Con

Source: © http://www.banvannghe.com

© Phùng Nguyễn

Father-and-Daughter-Film_Poster-MDW.img

Father and Daughter (bích chương quảng cáo phim hoạt họa cùng tên) by Michael Dudok de Wit.

Tiếng ho của Vi Hương làm anh giật mình tỉnh dậy. Những chữ số màu đỏ của chiếc đồng hồ báo thức trên cái bàn đêm cạnh giường chỉ ba giờ sáng. Nghiêng đầu nhìn qua chiếc giường nhỏ bên cạnh, anh nhìn thấy Vi Thanh –đứa con gái bốn tuổì– đang nằm ngủ say mê, miệng vẫn ngậm ngón tay cái, đôi má bầu bĩnh lẫn vào đám chăn gối hỗn độn. Vi Hương nằm ở phía trong, quay lưng lại phía anh, đôi vai nhỏ run rẩy theo nhịp tiếng ho lẫn với tiếng thở khó nhọc. Anh nhẹ nhàng ngồi dậy, nghiêng mình qua đưa tay sờ trán con. Bàn tay anh chạm phải cái trán nóng hừng hực và mái tóc đẫm mồ hôi của đứa bé. Giật mình, anh hấp tấp vặn sáng ngọn đèn ngủ, rón rén đứng lên đi ra ngoài tủ thuốc gia đình tìm cái ống thủy. Anh đánh thức con dậy, dịu dàng bảo:

⚊ Con há miệng ra cho ba lấy nhiệt độ.

Cặp chân mày nhăn tít lại vì bị chói, Vi Hương ngoan ngoãn há miệng ra ngậm đầu ống thủy. Anh vừa lau mồ hôi cho con, vừa lo lắng chờ đợi. Một tràng tiếng bíp bíp vang lên từ cái máy đo thân nhiệt nhỏ xíu. Anh lấy ra, đưa vào gần ngọn đèn ngủ quan sát. Một trăm lẻ bốn độ F. “Kiểu này phải đưa nó đi nhà thương rồi,” anh rầu rĩ nghĩ thầm.

⚊ Cám ơn bác sĩ, tôi sẽ mang cháu đến nhà thương ngay.

Anh gác ống điện thoại, vội vã thay quần áo. Còn một cú điện thoại nữa mà anh phải gọi ngay. Có tiếng trả lời của Ðông ở đầu dây phía bên kia. Anh ngập ngừng một chút rồi nói nhỏ:

⚊ Bé Hương bị sốt nặng lắm, tôi phải đưa nó đi nhà thương ngay. Ðông soạn sẵn cái thẻ bảo hiểm y tế, lát nữa tôi ghé lấy được không?

Có tiếng lục đục ở trong ống nghe. Hình như nàng vừa đánh đổ một vật gì đó. Nàng cất tiếng, giọng nói có vẻ hốt hoảng:

⚊ Trời đất! Nó có bị làm kinh không vậy?

Anh chưa kịp trả lời, Ðông đã hỏi tiếp, giọng nàng bỗng cao hẳn lên, chát chúa trong đêm vắng:

⚊ Mà sao kỳ vậy? Mới hồi chiều nó còn chơi giỡn ào ào với em nó ở đây mà! Hay là anh dắt tụi nó đi đâu…

“Cũng cái giọng kiếm chuyện đó nữa,” anh bực bội nghĩ thầm.

Tôi sẽ ghé qua lấy giấy tờ trong vòng mười lăm phút.

⚊ Anh nói cộc lốc rồi gác điện thoại sau khi dứt câu. Bước qua phòng bên cạnh, anh nhẹ nhàng mở cửa. Duy Phiên –đứa con trai đầu lòng–nằm ngang trên giường, ngủ mê mệt. “Cái thằng nằm ngủ kỳ cục,” anh cằn nhằn trong đầu. Anh đến gần, vỗ nhẹ vào má con mấy cái cho nó tỉnh ngủ. Duy Phiên giật mình tỉnh dậy, ngơ ngác.

⚊ Con qua phòng ba với Vi Thanh, Ba phải đưa bé Hương đi nhà thương, anh nói.

⚊ Vi Hương bị gì vậy ba? Phiên hỏi, vẻ lo lắng.

⚊ Nó bị sốt nặng lắm, bác sĩ bảo phải đi nhà thương ngay. Có thể đến sáng ba mới về được, con ở nhà với Vi Thanh. Nhớ cho nó ăn sáng dùm ba.

Anh vừa giải thích vừa dặn dò con trai. Duy Phiên ngồi dậy một cách khó nhọc, kéo lê cái gối ôm ưa thích đi vào phòng anh. Nó cúi mình xuống hôn Vi Hương đang nằm yên lặng, hai mắt mở thao láo. Đôi môi nhỏ khô nứt nẻ cố nhoẻn một nụ cười, Vi Hương nói:

⚊ Anh Phiên đừng có chọc em nghen, em bị bịnh đó!

⚊ Anh biết rồi, bịnh hoài à!

Phiên cằn nhằn em gái mình một cách trìu mến.

Lúc anh bấm chuông, Ðông đã chờ sẵn tự bao giờ. Cặp mắt của hai người thoáng chạm nhau rồi cùng lảng đi nơi khác. Anh đưa tay cầm mớ giấy tờ, miệng lí nhí hai tiếng “cám ơn” rồi quay ra xe một cách vội vã. Có tiếng chân của Ðông đuổi theo phía sau. Anh lặng lẽ mở rộng cánh cửa xe phía Vi Hương đang ngồi rồi đi vòng qua phía bên kia ngồi vào sau tay lái, chờ đợi.

Ðông chồm hẳn người vào xe, ôm lấy con. Bàn tay nàng dịu dàng áp vào vầng trán nhớp nháp mồ hôi của đứa con gái nhỏ, miệng thì thầm “tội nghiệp con tôi, tội nghiệp con tôi.” Vi Hương vòng tay ôm lưng mẹ, miệng bắt đầu mếu máo. Ðông dùng mặt trong của chiếc áo thun nàng đang mặc lau nước mắt cho con. Nếu là ngày xưa, anh đã lên tiếng cự nự hoặc chọc quê cái thói quen mất vệ sinh này rồi. Bây giờ thì…

Ðông hôn lên má con rồi lùi lại đóng cửa xe. Nàng hỏi anh với giọng nhỏ nhẹ, mắt vẫn dán vào Vi Hương:

Có cần mang thêm áo quần gì cho nó không?

Không cần. Nó đang bị sốt, mặc nhiều quần áo không tốt đâu.

Anh nhấn nút quay kiếng xe lên. Mùi da thịt quen thuộc của người vợ cũ bỗng trở nên đậm nồng trong chiếc xe bít bùng. Anh nhắm mắt hít vào rồi thở ra một hơi dài để trấn tĩnh nỗi xúc động dang ào đến đột ngột. Mở mắt, anh liếc nhìn Vi Hương như sợ con đọc được tư tưởng thầm lén của mình, rồi cúi xuống gài số cho xe lùi lại.

Lúc vòng xe ra khỏi khu chung cư, anh còn thấy Ðông đứng sau cửa sổ đưa mắt trông theo. Tự nãy giờ ngồi yên lặng trong xe, Vi Hương bỗng lên tiếng: “Chắc em bé ngủ hả Ba?” “Ừ, chắc vậy,” anh trả lời, giọng chìm xuống. Buổi chiều hôm qua, lúc đến đón con sau giờ tan sở, anh muốn vào thăm Tiểu Trần, đứa con út, mà lại ngần ngại không muốn hỏi Ðông, cuối cùng lại thôi không nói gì.

Áp cái đầu nóng hổi của con vào ngực mình, anh ẵm Vi Hương đi vào phòng cấp cứu. Thủ tục nhập viện tương đối mau lẹ cũng nhờ phòng cấp cứu hôm nay vắng bịnh nhân. Người y tá trực bảo anh, “Lúc nãy bác sĩ của em bé có gọi vào cho biết trước. Chúng tôi sẽ cho em bé nhập viện ngay, xin ông yên tâm.” Anh nháy mắt trấn an Vi Hương lúc con được chuyển vào trong, rồi đi qua phía bên kia làm thủ tục giấy tờ.

Khi người bảo vệ đưa anh vào, Vi Hương đang nằm trên giường bịnh khóc thút thít, bộ đồ bệnh nhân càng tăng thêm vẻ xanh xao trên khuôn mặt thanh tú. Anh nắm tay con bóp nhè nhẹ, hỏi:

⚊ Sao con khóc vậy? Bộ bác sĩ chích con hả?

Vi Hương lắc đầu, phụng phịu,

⚊ Hồi nãy con muốn ba mà ba đi đâu vậy?

⚊ Ba phải đi lo giấy tờ để người ta chữa bịnh cho con chứ đâu có đi đâu.

Anh dỗ dành con, lòng vừa cảm thấy xót xa, vừa cảm thấy buồn cười. Lúc anh và Ðông còn ở với nhau, bạn bè cứ hay chọc phá anh mỗi khi con anh chạy ra kêu réo om sòm “Ba ơi, mẹ muốn ba!” hoặc “Ba muốn mẹ!

⚊ Mai mốt ba đừng có đi như vậy nữa nghe!

Vi Hương lại lên tiếng, giọng nghiêm trọng.

⚊ “Yes, ma’am,” anh làm mặt xấu trả lời.

Vi Hương cười khúc khích, cao giọng trách móc:

⚊ Con biểu ba đừng có nói tiếng Mỹ với con nữa mà!

Anh cúi xuống hôn lên trán con thay cho câu trả lời.

Lúc anh đưa Vi Hương về đến nhà, cây kim giờ của chiếc đồng hồ tay đã nhích qua số mười. “Thế là mất toi hết sáu tiếng đồng hồ,” anh nghĩ thầm. Cái thời gian mà cha con anh được quây quần bên nhau không có bao nhiêu, chỉ hai ngày cuối tuần, nên anh không muốn mất đi những giây phút quý báu được cùng bầy con đoàn tụ. Theo sự giao kết giữa anh và người vợ cũ, anh chỉ được đón con mỗi hai tuần một lần, từ chiều thứ Sáu đến chiều Chủ Nhật. Tuy nhiên, Ðông cũng dễ dãi về vấn đề này nên anh hầu như được gặp con mỗi cuối tuần ngoại trừ những lúc anh có công việc phải đi xa. Chuyện anh yêu con thì ngay cả Ðông trong lúc hận anh dữ dội cũng không chối cãi. Có lẽ vì vậy mà Ðông không nỡ chia cách cha con anh nhiều.

Lúc anh bước vào nhà, Vi Thanh đang ăn sáng. Thả cái muỗng xuống bàn, mặc cho sữa văng tung tóe, Vi Thanh chạy ra ôm chầm lấy anh cự nự:

⚊ Ba đi chơi với bé Hương mà không cho con đi theo, con giận ba rồi đó!

Vi Thanh bốn tuổi, mặt bầu bĩnh, mắt to và đen nhánh, tính hay giận hay hờn. Anh đang tìm lời giải thích thì Vi Hương đã lên giọng đàn chị:

⚊ Ba đưa chị đi bác sĩ mà. Chị bị chích đau lắm biết không?

Nghe Vi Hương bị chích đau, Vi Thanh quên cả giận, quay lại hỏi:

⚊ Chích đau ở đâu?

Vi Hương đưa cánh tay khẳng khiu khoe cục bông gòn cầm máu và miếng băng keo màu vàng. Vi Thanh đưa mắt nhìn có vẻ khâm phục, rồi hỏi tiếp:

⚊ Bé Hương đeo cái gì đẹp vậy? Cho em được không?

Vi Hương giơ cao cánh tay, hãnh diện chỉ vào cái vòng nhựa màu trắng dùng để nhận dạng bệnh nhân mà cô y tá gắn cho nó lúc mới nhập viện, trả lời:

⚊ Không được đâu! Chỉ có bị bịnh như chị mới được đeo cái này, bé Thanh không có bị bịnh bác sĩ không cho đeo đâu.

Duy Phiên, tự nãy giờ đứng nhăn nhó chờ tới phiên mình hỏi chuyện, bực mình nạt lớn:

⚊ Hai đứa im đi. Nói gì mà nói nhiều quá vậy?

Hai đứa nhỏ cụt hứng, nhìn ba cầu cứu. Thấy anh không nói gì, hai cô bé “lắm mồm” tiu nghỉu bỏ đi chổ khác. Duy Phiên quay lại hỏi anh:

⚊ Bé Hương có sao không ba?

⚊ Không sao. Nó đỡ nhiều rồi. Chút nữa con đọc hướng dẫn trên mấy chai thuốc rồi cho em nó uống thuốc đàng hoàng cho ba.

Anh xoa đầu con trai, hỏi với vẻ quan tâm:

⚊ Ở nhà hai anh em có ngủ được không?

⚊ Dạ được, nhưng bé Thanh lúc thức dậy không thấy ba, nó khóc um sùm đòi về với mẹ.

Anh nghe tưng tức trong lòng. Mấy đứa nhỏ ở với Ðông quen rồi, về với anh chỉ mấy hôm vẫn thường xuyên nhắc đến mẹ. Mẹ con thế này, mẹ con thế kia. Mẹ bảo làm thế này, mẹ bảo không được làm thế kia… Nỗi lo âu pha lẫn ganh tị về cái mênh mông, choáng ngợp của Ðông so với cái mong manh, mờ nhạt của anh trong lòng mấy đứa con nhỏ đã như một chất độc dai dẳng ăn ruỗng trái tim anh từng ngày.

⚊ Lúc nãy mẹ gọi qua hỏi thăm bé Hương. Con nói ba chưa về, mẹ có vẻ lo lắm. Hay là ba gọi cho mẹ biết đi, Phiên nói tiếp.

Nghĩ đến cái giọng cáo buộc của Ðông trong cuộc điện đàm hồi khuya, anh ngần ngừ một chút rồi bảo con:

⚊ Thôi con gọi cho mẹ con đi, ba muốn đi nghỉ một chút.

Duy Phiên hí hửng quay đi, nói vói lại:

⚊ Con dùng điện thoại trong phòng con nghe ba?

Anh mỉm cười không trả lời. Chắc cu cậu có tâm sự gì muốn kể lể với mẹ hoặc đang thèm ăn món gì rồi đây!

Duy Phiên mười sáu tuổi, chào đời tại Việt Nam chỉ một năm sau khi anh và Ðông thành hôn. Khi anh và Ðông quyết định xa nhau, hai người đồng ý để Duy Phiên lựa chọn nơi nó muốn ở, với cha hoặc với mẹ. Duy Phiên chọn anh. Khi chỉ còn có hai cha con với nhau, sau khi anh gạn hỏi mãi, Duy Phiên mới ngập ngừng cho anh biết cái lý do muốn ở với anh: “Tại vì mẹ có mấy em còn ba không có ai hết.” Ðơn giản vậy thôi! Anh nửa đùa nửa thật hỏi lại:

⚊ Vậy là con chỉ thương hại ba thôi, phải không?

⚊ Không phải đâu. I love you, Dad.

Anh cảm động ôm con vào lòng, nói nhỏ: “Cám ơn con.”

⚊ Chút nữa ba phải dẫn con đi Chuck E. Cheese’s.

Vi Thanh từ trong chạy ra vòi vĩnh. Ðúng theo dự định, chiều nay cha con anh sẽ kéo nhau ra Chuck E. Cheese’s, cái tiệm “pizza” quyến rũ của bầy con anh. Ở đó, anh sẽ ngồi nhấm nháp ly bia, chỉ một ly thôi, nhìn con chạy nhảy tung tăng, cỡi con ngựa nâu, lái chiếc xe đỏ, những món đồ chơi sặc sỡ gắn liền với tuổi thơ. Ở đó, Duy Phiên sẽ kiêu hãnh khoe với anh đống “tickets” mà nó thắng được sau khi “hạ cái computer” trong một cuộc chiến đấu khốc liệt, đẫm máu với Lý Tiểu Long hay Mohamed Ali. Ở đó, Vi Hương và Vi Thanh sẽ có dịp làm quen với Chuckee, con chuột khổng lồ có hai lỗ tai dựng đứng và cái mũi tròn đen bóng. Ở đó, anh sẽ thấy lại cái tuổi thơ xa lắc xa lơ qua cặp mắt của bầy con anh. Ở đó, niềm hạnh phúc hiếm hoi, nỗi an bình quý giá sẽ trở lại, dù trong một lúc thôi cũng làm cho lòng anh ấm áp.

Hôm nay thì không được rồi, Vi Hương chưa khỏe hẳn, không thể mang con đến đó được. Nhìn vẻ thất vọng của đám con, anh nhẹ giọng an ủi:

⚊ Thôi để Phiên đi mướn phim hoạt họa về cho mấy con coi. Tuần tới ba sẽ dẫn mấy đứa đến đó chơi.

⚊ Dẫn em bé đi nữa nghe Ba, Vi Hương nhắc nhở.

Nhắc nhở? Anh nào có quên đâu! Tiểu Trần. Tiểu Trần. Anh kêu nhỏ trong lòng, khóe mắt bỗng cay cay. Ðứa con út của anh còn quá nhỏ, anh đâu có thể mang theo được. Ðứa con mà ngay từ buổi đầu của hình thành đã mang mầm ly biệt, sự đổ vỡ đã thấy trước, đã không còn phương cứu vãn.


Tiểu Trần, hạt bụi nhỏ nhoi, một lần bám vào khóe mắt anh, làm mắt anh cay, tay anh run, trái tim anh tan nát. Cái hạt bụi nhỏ vẫn nằm mãi nằm hoài ở nơi mà những giọt lệ lặng lẽ đã ứa ra trong đêm khuya, một mình. Nhắc nhở! Anh nào có quên đâu. Chiếc trán cao bướng bỉnh, một bên tai có cái bớt nhỏ giống anh như đúc, cái miệng nhỏ xíu mếu máo, đôi mắt đen tròn nhìn anh lạ lẫm. Thỉnh thoảng Ðông thương tình cho anh vào thăm con, anh phải mất một lúc để làm quen lại với con, để được nhìn cái miệng nhỏ xíu tươi cười mỗi khi anh tung con lên đùa giỡn, để được nhìn cặp mắt to đen không còn ngơ ngác dò hỏi “Ông là ai?”


⚊ Em bé có tám cái răng! Vi Thanh phát biểu.

⚊ Sao con biết?

⚊ Mẹ nói. Con cũng thấy nữa.

⚊ Con cũng thấy nữa đó ba, Vi Hương không chịu kém chen vào. Bốn cái trên với lại bốn cái dưới.

⚊ Anh ôm hai đứa con nhỏ vào lòng, nói dịu dàng:

⚊ Khi nào em bé có được mười hai cái răng, ba sẽ dẫn đi chơi với mấy con.

⚊ Thiệt hả ba?

⚊ Thiệt mà — Anh trả lời, nhẹ như tiếng thở dài.

Vào buổi tối, Vi Hương đã khá hơn nhiều. Với nhiệt độ trong người đã gần như bình thường, Vi Hương có vẻ tươi tỉnh, cùng với Vi Thanh theo dõi cuốn phim hoạt họa “Cây Ðèn Thần Của Aladdin” một cách thích thú. Dứt cuốn phim, anh đưa con đi ngủ. Khi những hơi thở ngắn và nhẹ của hai đứa con nhỏ đều đặn vang lên, anh rón rén đứng dậy đi ra phòng khách, ngồi vào chiếc bàn giấy nhỏ. Anh còn có công việc quan trọng cần phải quyết định.

Anh lục lọi trong đống thư từ chưa giải quyết lấy ra một phong bì lớn màu vàng anh nhận được hôm qua. Phong thư gởi từ một tiểu bang xa xôi ở miền Ðông và một công ty điện toán tăm tiếng. Phong thư anh chờ đợi đã lâu, chứa tấm giấy mời anh đi nhận nhiệm sở mới và những tài liệu liên quan đến trách nhiệm và quyền lợi của công việc anh sắp được giao phó. Công việc thích hợp với khả năng, thù lao khá cao, quyền lợi đầy đủ, có thể coi như là một thăng tiến đáng kể so với công việc anh đang làm hiện nay. Sau bao nhiêu ngày tháng kiên nhẫn tung đơn đi tìm việc khắp nơi, và sau nhiều lần buồn bực ném những lá thư “cám ơn” với lời lẽ lịch sự vào thùng rác, cuối cùng nỗ lực của anh đã mang đến kết quả. Anh mở phong bì lấy lá thư ra đọc lại. Trong tay anh là tấm vé tốc hành mầu nhiệm có khả năng mang anh đến một nơi trú ẩn an toàn, để anh — con thú bị thương — có cơ hội và thời gian liếm láp những vết thương còn loang máu.

Ý định bỏ đi xa đã nhen nhúm trong anh từ lâu. Ðã quá nhiều thị phi, quá nhiều thêu dệt, quá nhiều tổn thất kể từ khi anh và Ðông chia tay. Anh buồn rầu nhìn những tình bạn tưởng đã keo sơn nối tiếp nhau tan vỡ như bong bóng xà phòng chỉ sau một lần thử thách. Anh đau đớn nhìn mảnh đời mình nhăn nhúm, co rút lại như tấm da lừa trong một điển tích Hy Lạp mà chi tiết anh chỉ còn nhớ lờ mờ. Anh cong mình lại như con nhím tội nghiệp trong tư thế tự vệ, giương những cái lông cứng cùn quằn ra chống đỡ búa rìu dư luận. Anh chỉ muốn rời xa cái thành phố bội bạc mà có lần anh đã tưởng sẽ gắn bó với nó cho hết cái phần đời còn lại của kiếp tha hương, nơi có lần anh đã có một mái ấm gia đình, những bữa cơm đông vui, và bầy con thân yêu lúc nào cũng quây quần bên cạnh. Cũng chính ở thành phố này, sau nhiều năm cố gắng làm việc không ngừng nghỉ, anh đã tưởng ước mơ một ngày nào đó anh có thể mang lại cho những người thân yêu một tương lai tươi sáng sắp trở thành hiện thực, vậy mà cây yêu thương bỗng tàn lụi và trái hạnh phúc bỗng rụng rời, oan uổng.

Bây giờ thì ước muốn bỏ đi xa đã có thể thực hiện. Anh nghĩ đến thành phố xa lạ anh sẽ đến ở một tiểu bang rét mướt. Không biết nơi đó có lạnh lắm không? Ở vùng Cali ấm áp này đã lâu, anh không có nhiều cảm tình với xứ lạnh, nơi mà mỗi khi ra đường lại “lù lù một đống tôi” như một nhà văn đã diễn tả. Cũng chả quan trọng gì, anh nghĩ, càng xa chốn này càng tốt. Rồi anh nghĩ đến cư dân ở nơi anh sắp đến. Không nhiều thì ít, thế nào cũng có người Việt sinh sống ở đó. Rồi anh sẽ có những người bạn mới, những quan hệ mới, dè dặt hơn, chín chắn hơn. Rồi thời gian và khung cảnh mới sẽ chữa lành những vết thương đã có lần rướm máu. Rồi anh sẽ cởi bỏ bộ da nhím xơ xác, bước ra khỏi cái hang ổ chật hẹp. Ðể tìm lại mùi hoa hồng buổi sớm và dạ lan buổi đêm. Ðể — biết đâu — trái tim anh lại một lần mở ra đón nhận một cuộc tình mới, để phần đời còn lại của anh bớt trống trải, cô đơn.

Anh đứng dậy mở cửa sổ. Hơi đêm lùa vào lạnh ngắt. Cũng phải chịu thôi, anh nghĩ thầm. Anh đang thèm một điếu thuốc lá, nhưng lại không muốn khói thuốc làm ảnh hưởng đến mấy đứa nhỏ. Anh nhớ Duy Phiên hay cằn nhằn anh việc hút thuốc. “Ba cứ hút thuốc hoài!” Anh lúng túng chống chế qua loa, rồi cũng chứng nào tật nấy. Không biết ở thành phố đó có người ta có chống thuốc lá gắt gao lắm không? Anh tự hỏi. Sự liên tưởng lại đưa anh quay trở về với dòng suy nghĩ lúc trước. Phải rồi, ở nơi chốn mới mẻ ấy, anh sẽ có một người yêu, một mái ấm để chui ra chui vào. Rồi thỉnh thoảng anh và Duy Phiên sẽ gọi về thăm Vi Hương, Vi Thanh, và Tiểu Trần. Rồi thỉnh thoảng anh sẽ về thăm con.

Thỉnh thoảng? Một tháng, hai tháng? Một năm, hai năm? Thời khóa biểu bận rộn, công việc gò bó, những chuyến bay vội vã. Rồi những đứa con anh sẽ có lúc đau yếu, bệnh hoạn. Rồi Ðông với ba đứa con thơ dại lúng túng xoay xở. Rồi Vi Hương xanh xao trong bộ đồ nhà thương, khóc thút thít, “Con muốn ba mà bây giờ ba ở đâu?” Rồi Duy Phiên sẽ không có dịp cúi xuống hôn em cằn nhằn “Bịnh gì mà bịnh hoài à!” Rồi biết bao giờ anh mới lại có dịp nhấm nháp ly bia, chỉ một ly thôi, nhìn con đùa giỡn với con chuột khổng lồ có cái mũi tròn đen bóng. Rồi Tiểu Trần với cặp mắt đen tròn nhìn anh lạ lẫm. Rồi Vi Thanh nhìn anh lạ lẫm. Rồi Vi Hương nhìn anh lạ lẫm…

Anh ngồi một mình trong đêm sâu, đốt thuốc lá mù mịt, lòng dạ rối beng. Trái tim anh đau thắt như con cá mắc lưới tội nghiệp, hết phương vùng vẫy. Hơi lạnh của đêm tiếp tục lùa vào qua khung cửa mở. Anh cảm thấy lạnh, hắt hơi. Một giọt nước mắt ứa ra trên khóe mắt, rồi giọt thứ hai từ khóe mắt bên kia. Những giọt nước mắt tiếp tục lăn xuống một cách tự do. Bởi vì đêm thì sâu và anh thì một mình.

Anh cầm chiếc hộp quẹt, bật lửa. Bàn tay anh mò mẫm tìm kiếm trong gói thuốc lá bẹp dí. Gói thuốc trống trơn. Anh nhìn ngọn lửa trắng xanh leo lắt. Anh nhìn cái phong bì màu vàng có tấm vé tốc hành mầu nhiệm mà anh chờ đợi đã lâu. Rồi anh lại nhìn ngọn lửa. Rồi anh lại nhìn phong thư. Rồi anh run rẩy cầm phong thư đưa vào ngọn lửa. Một góc phong bì bắt lửa cháy lên, tỏa ra mùi nồng nồng của gỗ. Chiếc phong bì tiếp tục cháy. Và cũng cháy lên cái thành phố xa xăm ở miền Ðông, cháy lên cái hang ổ bình yên của con thú đào vong, cháy lên những hoa hồng buổi sớm, những dạ lan buổi đêm, cháy lên cuộc tình chưa thành hình, người tình chưa có chân dung, cháy lên cái ước mơ của phần đời còn lại.

Anh đứng dậy, nhẹ nhàng mở cửa căn phòng ngủ của con trai. Duy Phiên nằm dưới thảm, hai chân gác trên giường, cái remote của TV để trên ngực. Anh cằn nhằn nho nhỏ: “Cái thằng ngủ kỳ cục.” Anh quay về phòng mình, nhẹ nhàng leo lên giường để khỏi đánh thức hai đứa con nhỏ. Anh nghe những tiếng thở ngắn nhẹ, bình yên của Vi Hương và Vi Thanh. “Ngày mai lại phải trả chúng về rồi,” anh nghĩ thầm. Anh nghiêng người qua chiếc giường nhỏ, hôn lên vầng trán mát dịu của Vi Hương, lên đôi má bầu bĩnh của Vi Thanh, rồi nằm xuống. Có tiếng Vi Thanh cười rúc rích. Có lẽ vì râu của anh làm nó nhột. Cũng có thể vì nó đang nằm mơ, giấc mơ có con Chuck E. với hai lỗ tai dựng đứng và cái mũi tròn. Anh ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

Ðêm rất sâu. Rất dịu dàng. Rất bình yên.

© Phùng Nguyễn | Mùa Ðông 94


Father and Daughter

In 2000, Father and Daughter won the Academy Award for Best Short Film for its Dutch director Michael Dudok de Wit. For such a short (eight minutes) movie it has a remarkable capacity to move an audience. The story of a father who leaves his daughter and rows off into the ocean, it commences with two figures riding their bicycles, the smaller of the wheels in perfect symmetry with the larger. The father and daughter climb to the top of a hill at which point the father alights, hugs his daughter before climbing down to the seashore. He cannot resist running back and holding the girl one last time before rowing off towards the distant horizon. The girl runs up and down against the skyline as the sun gradually sets. There is no explanation. She returns again and again to her vantage point on the cliff to peer out to sea for his return. Each return marks a passage in her life from child to adolescent, mother and eventually old woman. And still she returns to search for the father who left her. Of course it is not literal, of course her father will never, can never, return. But still she hopes…

Source: © www.shortoftheweek.com

Father and Daughter – by M. Dudok de Wit

Note: Sometime, the video cannot be played at wordpress blog. Please, click on “Watch on YouTube” button then the video will be viewed on YouTube site. Thank you.


Leave a comment