Nỗi Băn Khoăn của Kim Dung

NnQ sưu tầm & post on Oct 23, 2020

© Nguyễn Mộng Giác

bia-sach-NBKCKD

Phần Một

Bìa sách Nỗi Băn Khoăn Của Kim Dung. © isach.info

Bước Đầu Của Tên Du Ca: Nỗi Băn Khoăn Của Kim Dung

Gạt bỏ tất cả mọi thành kiến tự tôn, ta thấy phải công nhận tiểu thuyết Kim Dung ảnh hưởng lớn lao đến nếp sống tinh thần người Việt hiện nay. Tạo được đam mê cho đám đông đâu phải dễ dàng. Với máu trước mắt và lửa sau lưng, con người có thể dẫn mình vào những hành động bất cần, không suy tính. Nhưng khi khói súng nhạt và hào khí hạ xuống, tàn lụi như lửa rơm, người ta chỉ còn lại nỗi chán chường thụ động.

Chỉ có Kim Dung là nhà văn ngoại quốc giữ được sự đam mê thường xuyên đó. Tất cả những người biết đọc đều say mê từ Cô gái đồ long cho đến Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Lục mạch thần kiếm, Tiếu ngạo giang hồ. Độc giả nhật báo tăng hay giảm tùy theo báo đó đăng Lộc đỉnh ký nhanh hay chậm. Dòng chữ cáo lỗi: VÌ MÁY BAY HỒNG KÔNG KHÔNG QUA KỊP… nhiều khi làm độc giả buồn hơn là tin vật giá leo thang, phân suất kiệm ước, thảm sát khủng bố. Mấy năm trước, tờ báo độc nhất cố gắng không chìu độc giả thân mến của bổn báo là Chính luận. Nhật báo có uy tín nầy nhất định không chịu đăng Tiếu ngạo giang hồ. Rồi sau một cuộc đình bản ngắn, cuối cùng Chính Luận cũng phải mở rộng cửa đón tiếp đôi tình nhân Doanh Doanh và Lệnh Hồ Xung.

Bây giờ, hầu hết các báo đều có đăng Lộc đỉnh ký.

Trong tâm trạng chán chường mệt mỏi của đám đông, cái đám đông đã một thời mê tiếng hát trác táng của Bích Chiêu, cái đám đông đang lắng nghe một cách trân trọng tiếng hát mệt mỏi bất cần của Khánh Ly, bất cứ sự đam mê nào cũng có ý nghĩa tâm lý và xã hội khác thường.

Có người đã gọi đó là hiện tượng, một biến chứng của cuộc chiến. Trong không khí căng thẳng của những tranh chấp nội bộ và áp lực chính trị ngoại lai, nếu đôi lúc người Việt thoát ly ra ngoài được cái tê dại lười lĩnh, cái chai đá ù lì của tâm hồn, chắc họ phải thấy lạc lõng băn khoăn. Nếu những bước đường hành hiệp của các kiếm sĩ trong tiểu thuyết Kim Dung có tác dụng nhất thời làm họ quên được những phiền nhiễu của cuộc sống thực thì ít ra, tận cùng thâm sâu của tâm thức, có cái gì gần gũi, thật gần gũi giữa Kim Dung và chúng ta. Nỗi băn khoăn của Kim Dung chắc chắn giống nỗi băn khoăn của chúng ta, và sự lạc lõng bơ vơ của ông cũng phải giống với hoàn cảnh tâm trạng chúng ta. Chắc chắn phải vậy.

Nhưng nỗi băn khoăn đó là nỗi băn khoăn gì? … Đọc tiếp

» Back to top

Phần Hai:

Những bước chân vào đời

Tuy vậy, Kim Dung vẫn gắng đóng trọn vai trò tên du ca. Ở tửu quán, có thể người đời vẫn mãi lo ăn uống không thèm để ý tới lời hát. Trong các cung điện nguy nga, những người làm lịch sử vẫn đang hãnh diện cắt băng khánh thành, hả hê ban huấn từ, thản nhiên ký giấy tuyên chiến.

Có đáng gì, lời ca một tên hát dạo già nua. Giọng khàn yếu không át nổi lời nịnh hót, tiếng vỗ tay và những tràng súng nổ.

Giống như chúng ta, trước sau Kim Dung cũng chỉ là một người chịu đựng lịch sử. Nhưng chính trong thái độ khiêm nhường của một người chỉ dám nhận vai trò gợi ý, bừng sáng sức mạnh của người trí thức, ý chí bậc trượng phu, cái dũng của kẻ sĩ không bịt tai lại để ăn cắp nhạc ngựa.

Trong suốt văn nghiệp đồ sộ của ông, Kim Dung đã dự phóng những cách nhập thế, phác họa những giải pháp để con người trở lại sống thật với tình người.

Dù ban đầu có ngập ngừng, tên du ca ấy vẫn không thể đứng ngoài vòng thị phi. Hoài nghi, băn khoăn, không biết đâu là biên giới chính tà, nhưng Kim Dung không thể tự dối bằng cách phủ nhận tất cả hay tìm riêng cho mình một băng hỏa đảo. Tên du ca vẫn phải vào đời, tuy thực tình chưa biết đi về đâu.

Nhìn chung mọi cuộc hành trình, chúng ta buồn rầu mà nhận rằng niềm hăm hở của Kim Dung càng ngày càng vơi.

Những bước chân vào đời đều lỡ lầm.

Những toan tính, dự phóng của Kim Dung đủ khiến chúng ta suy nghĩ. Sự thất bại của mỗi nhân vật cho chúng ta một kinh nghiệm làm người. Điều đó đủ quý giá rồi.

Trong các chương sau đây, chúng ta lần lượt theo dõi những bước chân vào đời của TIÊU PHONG, LỆNH HỒ XUNG và VI TIỂU BẢO.

Chương 1 – Tâm Sự Nhạn Môn Quan

Vách núi sừng sững như chọc thủng khoảng mây, ngăn tầm mắt người Khất Đan bên nầy và người Tống bên kia. Những cuộc nam chinh của nước Liêu từ cửa ải này xuất phát, cuồn cuộn chảy vào Trung Nguyên để nổi lửa đốt cháy nhà cửa và bật cung khơi nguồn máu chảy. Rồi nếu muốn bắc phạt để trả nợ máu, quân Tống cũng từ cửa ải này tuôn vào những sa mạc nước Liêu dậm nát không còn ngọn cỏ xanh hay một tiếng khóc tiếng cười.

Nhạn môn quan là tuyến đầu, biên giới giữa nước Liêu và nước Tống. Quân lính hai bên sẵn sàng ở thế tác chiến, đôi mắt xoi mói hoài nghi. Trừ trường hợp do nội tình, một bên bị suy yếu để bên kia thừa cơ lấn áp cướp bóc, bình thường cửa ải đóng kín, không ai được qua khỏi. Chỉ có chim hồng chim nhạn nhờ góp gió vào đôi cánh, từ ngả nhạn môn quan bay xuôi về phương nam tìm hơi ấm.

Tâm sự Nhạn môn quan là hoài bão của kẻ muốn làm kiếp chim, bay bổng lên trên, xóa hết biên giới nhỏ hẹp để sống theo tình người. Kẻ đó vẻ mặt hiên ngang, tính khí cao ngạo, to lớn hào sảng như con hùng sư , là nhân vật mà Kim Dung tha thiết đặt hết niềm tin, cố gắng thâu góp tất cả mọi đức tính lý tưởng giao cho hắn, nhờ hắn thay mình vào đời để bình thiên hạ.

Nhân vật tuyệt vời ấy là TIÊU PHONG, trong Lục Mạch Thần Kiếm. Cuộc đời của Tiêu Phong gắn liền vào cửa ải này.

Nếu Tiêu Viễn Sơn và người vợ bất hạnh không bồng con về thăm ngoại, thì Tiêu Phong vĩnh viễn là một vương tử Khất Đan, suy nghĩ theo quan niệm thuần túy Khất Đan, hành động theo quyền lợi người Khất Đan, nghĩa là ông sẽ bằng lòng với thế đứng của kẻ ở mạn bắc Nhạn môn quan.

Cuộc đời run rủi cho mọi sự bi đát mâu thuẫn có thể xảy ra, do mưu ly gián Liêu Tống của Mộ Dung Bác, quần hào trung nguyên tưởng một nhóm võ sĩ Đại Liêu âm mưu tấn công Thiếu Lâm tự để đoạt kinh, nên cùng nhau ra Nhạn môn quan phục kích. Vợ chồng Tiêu Viễn Sơn vô tình mắc nạn, mẹ Tiêu Phong bị thảm sát, cha Tiêu Phong tuyệt vọng tưởng vợ con chết hết nên ôm xác thân nhân nhảy xuống vực sâu tự vận. Nhưng như lời Trí Quang đại sư thuật lại:

Gã người Liêu trong lúc lơ lửng chưa xuống đến đáy vực mới phát giác ra con mình chưa chết. Gã liền lập tức quăng con lên. Tâm linh gã mau lẹ đã đành, nhưng tung con đúng chỗ không sai mảy may thì võ công này ai mà không khiếp sợ. Tôi nhìn anh em chết thảm, khóc ròng một lúc rồi nhấc đứa nhỏ lên toan đập nó vào tảng đá cho chết đi. Nhưng vừa toan liệng vào; bỗng nghe nó khóc thét lên. Tôi nhìn mặt nó một cái, thấy má nó bụ bẫm đỏ hây, mắt nó đen láy và trong sáng đang nhìn tôi. Nếu tôi không trông vào mặt nó, thì đã quật chết tươi rồi, chả còn chuyện gì nữa“.

Cậu bé Tiêu Phong sống sót nhờ một cái nhìn. Trí Quang đại sư đã nhìn thẳng vào gương mặt đứa bé, để thấy trong đôi má bụ bẫm đỏ hây quyền sống thiêng liêng của một con người, trong đôi mắt đen láy chan chứa niềm vui, tình thương yêu, tình liên đới giữa người với người, không phân biệt Liêu hay Tống, già hay trẻ.

Tiêu Phong được quyền sống sót nhờ ở tình người, và dĩ nhiên lớn lên, cũng phải có nhiệm vụ phụng sự cho tình ngườiĐọc tiếp

» Back to top page

Chương Hai:
Những bước vô chiêu của Lệnh Hồ Xung

THỰC TRẠNG PHÂN HÓA CỦA CÁC CHÍNH PHÁI

Đến bộ truyện Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung hết sức bi quan khi nhận định về chính phái. Thực trạng phân hoá không những phát sinh giữa phái khác, mà còn manh nha rồi phát tác trầm trọng tạo cảnh nồi da nấu thịt giữa các kiếm khách cùng một phái với nhau.

Trong phái Hoa Sơn, có một mối thù truyền kiếp giữa phe khí tông và kiếm tông đến độ Nhạc Bất Quần thà mất một tên đệ tử tài ba còn hơn thấy hắn trọng kiếm hơn trọng khí. Dù Nhạc Bất Quần có che giấu, cái quá khứ đẫm máu của cuộc tương tàn giữa hai phe Hoa sơn vẫn làm cho mọi người trong võ lâm rùng mình.

Trong phái Hành Sơn, do tính tình khác biệt, gia cảnh sang hèn, vẫn có sự hiềm khích âm ỉ giữa Mạc Đại tiên sinh và Lưu Chính Phong. Lúc Tung Sơn âm mưu bức tử Lưu Chính Phong, Mạc Đại tiên sinh không ra tay viện trợ. Mãi về sau, khi biết chắc chắn Lưu Chính Phong sắp chết, Mạc Đại tiên sinh mới quyết định giết Phí Bân. Người đọc có thể xem đó là hành động cuối cùng của một chưởng môn chính phái để chuộc lỗi kẻ sắp lìa đời, tự xoá hết mọi mặc cảm tội lỗi để thảnh thơi hưởng hết cuộc đời thừa.

Trong phái Thái Sơn, trên Phong thiền đài, chính sư thúc của chưởng môn là Ngọc Cơ Tử đã giết chết chưởng môn là Thiên Môn đạo nhân. Đến lúc Ngọc Cơ Tử trở thành phế nhân cụt cả hai tay, thì Ngọc Khánh Tử lại tranh giành chức chưởng môn Thái Sơn với Ngọc Âm Tử, làm trò cười cho hàng nghìn người cả chính lẫn tà.

Sự phân hoá đó bắt nguồn ngay trong bản chất các phái thuộc phe chính. Hầu hết danh môn chính phái đều là những kết tập cục bộ. Mỗi phái vì cùng một nguồn gốc võ học, tự họp nhau lại thành một nhóm người có tổ chức. Trên có chưởng môn, truyền lưu theo võ công, giữ bí quyết tuyệt học của môn phái. Sau đó, theo trình độ, phân chia địa vị huynh đệ.

Bản chất của môn phái là sự độc lập, tự tồn. Lý tưởng của võ lâm là làm thế nào để mỗi phái được tồn tại lâu dài ở một địa phương riêng biệt không xâm phạm quyền lợi khu vực của nhau. Đào Hoa Tiên tuy không được bình thường về thần kinh, nhưng nhờ Doanh Doanh, mớm lời đã nói rất đúng thực trạng chia rẽ ngay trong cách tạo lập các chính phái:

“Ngũ Nhạc kiếm phái hợp nhất thì được, nhưng năm trái núi Thái Sơn, Hành Sơn, Hoa Sơn, Hằng Sơn và Tung Sơn lại ở năm phương vị khác nhau: đông, nam, tây, bắc, trung, thì làm sao hợp liền vào một khối được? Tả Lãnh Thiền đâu phải đức Thượng đế có quyền di sơn đảo hải để chụm năm tòa núi lớn này vào một chỗ.”

Vì được tạo thành trong tinh thần cục bộ địa phương và muốn duy trì trạng thái biệt lập về quyền lợi và bổn phận, nên giới luật của chính phái có chủ ý duy trì trật tự cố hữu, bảo vệ nguyên trạng. Ngay cả hai phái võ uy tín về phương diện đạo đức là Võ Đang và Thiếu Lâm cũng có một thái độ thiếu dứt khoát đối với thực trạng bất công bóc lột tàn nhẫn của xã hội. Chính phái thường làm ngơ trước bất công, gian tà, hay nếu có thái độ, chỉ là một thái độ hoà hoãn, gần như khuyến khích. Chính phái thường hô hào bảo vệ một thứ tôn ti trật tự có lợi cho thiếu số đặc quyền.

Chúng ta cứ lấy thất giới của Hoa Sơn làm bằng chứng.

Trong lễ bái sư của Lâm Bình Chi, Nhạc Bất Quần uỷ nhiệm cho Lệnh Hồ Xung long trọng tuyên đọc bảy điều giới của môn phái. Lệnh Hồ Xung liền nói:

“Lâm sư đệ hãy nghe đây.
Nhất giới của bản phái là lừa thầy diệt tổ, bất kính tôn trưởng.
Nhị giới là ỷ mạnh hiếp yếu, gia hại kẻ vô tội.
Tam giới là gian dâm hiếu sắc, trêu cợt phụ nữ.
Tứ giới là đồng môn ghen ghét, tàn sát lẫn nhau.
Ngũ giới là thấy lợi quên nghĩa, trộm cắp tài vật
Lục giới là ngông cuồng tự đại, khinh khi đồng loại
Thất giới là giao thông với địch, cấu kết bọn yêu tà.
Hoa Sơn thất giới là thế đó. Đã là đệ tử bản môn nhất luật phải thi hành.


Chúng ta không dám nghi ngờ trí nhớ xuất chúng của Lệnh Hồ Xung nên chắc chắn đây là những giới luật mọi môn phái Hoa Sơn phải thuộc, để làm phương châm cho hành động. Suốt bảy điều răn, chúng ta đã thấy gì?

– Điều thứ nhất và điều thứ tư có mục đích bảo vệ trật tự có sẵn trong môn phái. Điều thứ nhất (lừa thầy diệt tổ, bất kính tôn trưởng) nhằm bảo vệ trật tự hàng dọc và điều thứ tư (đồng môn ghen ghét, tàn sát lẫn nhau) nhằm bảo vệ trật tự hàng ngang. Muốn bảo vệ trật tự đó, người lập thất giới đã tiên liệu những ngoại lệ nguy hiểm.

– Trước hết phải ngăn ngừa uy quyền của kẻ thật xuất sắc về võ công hay nắm địa vị thuận lợi để lạm dụng chức vụ. Điều hai ngăn ngừa kẻ mạnh hiếp yếu, điều sáu ngăn ngừa kẻ có tài tự cao tự đại. Còn điều ba và điều năm ngăn ngừa những lạm dụng của kẻ nắm ưu thế, lạm dụng tiền tài và tình yêu.

– Tuy vậy, điều răn cuối cùng mới là điều quan trọng nhất, đập mạnh vào trí nhớ kẻ nhập môn. Đó là điều giao thương với địch, cấu kết bọn yêu tà.

Nếu không bị ám ảnh bởi thù nhà, chắc chắn Lâm Bình Chi không khỏi thắc mắc tự hỏi: Thế nào là địch? Thế nào là yêu tà? Không phải vô tình mà các cao thủ võ lâm sáng lập Hoa Sơn phải dành rất nhiều mơ hồ trong cách định nghĩa chữ ĐỊCH, chữ YÊU TÀ. Sự chừa rất nhiều tự do để suy diễn quy nạp về đối phương có mục đích ngăn ngừa hầu hết, nếu không bảo là tất cả, các ảnh hưởng ngoại lai. Những gì xâm phạm đến trật tự có sẵn, đều có thể bị gắn chữ YÊU TÀ. Những nhân tài dám ra ngoài khuôn khổ có sẵn, có thể bị xem là ĐỊCH.

Không biết các giới luật các phái khác trong Ngũ nhạc kiếm như thế nào, chúng ta chỉ xét riêng trường hợp Hoa Sơn, đã thấy thất giới điều này là cái gươm bén dành cho chưởng môn, để giữ vững trật tự, duy trì nguyên trạng, cắt đứt mọi hy vọng hoài bão canh tân cho phù hợp với hoàn cảnh.

Như vậy, xét chung, tính chất cục bộ là bản chất của chính phái. Gạt bỏ âm mưu hiệp nhất để làm minh chủ thống nhất võ lâm, chúng ta thấy lập luận của Nhạc Bất Quần ở Phong Thiền đài thật đáng với thực trạng phe chính:

“Sự phân tán trên chốn giang hồ trải hàng ngàn năm đã gây ra những vụ thù hằn chém giết không bao giờ chấm dứt. Số bạn đồng đạo võ lâm bị chết uổng không biết bao nhiêu mà kể. Xét cho cùng thì kiếp nạn giang hồ gây ra chỉ vì ý kiến riêng rẽ bè phái. Tại hạ nghĩ rằng nếu khắp võ lâm không còn môn hộ bang phái riêng biệt, thiên hạ biến thành một nhà, ai ai cũng coi nhau như huynh đệ đồng đạo thì những tai nạn huyết kiếp mười phần bớt được chín. Các vị anh hùng hào kiệt đã không phải bỏ mình trong lúc tráng niên thì dĩ nhiên số cô nhi quả phụ trên đời không còn mấy nữa.

Đáng tiếc là các môn phái võ lâm tu luyện võ thuật theo những nguồn gốc khác nhau, vì thế môn phái đã có sự cách biệt do những môn võ công gây nên rồi. Như vậy mà bây giờ muốn cho những người luyện võ không phân biệt tôn phái để thành thiên hạ đệ nhất gia là một việc khó khăn không biết đến đâu mà nói.”

Sau đó, bản chất của chính phái cũng là tính chất bảo thủ. Nó đưa hành động nhân danh phe chính đến ngõ cụt phi lý hoặc biến thiện chí thế thiên hành đạo của họ thành cố chấp, mâu thuẫn. Không có gì nực cười bằng cảnh vì đuổi theo tru diệt tên yêu tà Hướng Vân Thiên, hằng trăm kiếm khách phe chính sẵn sàng kề cận hợp tác với hàng trăm tên yêu tà của ma giáo. Biên giới chính tà không còn nữa rồi, và từ trên trà đình uống rượu với Hướng Vân Thiên, tên lãng tử phiêu bạt Lệnh Hồ Xung nhìn xuống đám người lúc nhúc dưới kia, không thể nhận ra ai là kẻ đáng trọng, ai là kẻ tà ma mà bảy điều răn của Hoa Sơn đã nhắc nhở đếnĐọc tiếp

❖ Chương Ba:
Chặng cuối của một niềm tin

GIẢ VÀ THỰC?

Sự ái mộ của độc giả Việt nam hiện nay đối với Kim Dung đã giảm sút. Lộc đỉnh Ký không quyến rũ được người đọc như trước nữa. Nhiều người còn thất vọng đến độ nghi ngờ, bảo tác giả Lộc đỉnh Ký không phải Kim Dung.

Trong Tạp chí CHÍNH VĂN, số 1, nhà văn Nguyễn mạnh Côn, dưới bút hiệu Đằng Vân Hầu viết :

Lộc đỉnh Ký không phải của Kim Dung, nếu của nhà văn nầy không lẽ gì xuống giá quá mức …Vì sao Đằng Vân Hầu dám quả quyết vậy?

– Vì tác phẩm của Kim Dung luôn luôn có hai đặc điểm. Thứ nhất là trên đường đời của nhân vật chính, hắn thường gặp những nhân vật phụ có khi chỉ xuất hiện trong một đoạn ngắn mà thôi, là những nhân vật rất đặc biệt .

Tất cả sở học mênh mông dù sâu sắc của Kim Dung đã được sử dụng để viết về rượu và cách thức cùng vật dụng để uống rượu, về nghệ thuật đánh cờ, viết chữ, vẽ tranh, đánh đàn, về rắn cũng các thứ chất độc, về kinh Phật và các phương pháp tu hành. Đó là một đặc điểm.

– Đặc điểm thứ hai là mỗi tác phẩm đều có những nhân vật hoặc hoàn cảnh mà nghệ thuật diễn tả được Kim Dung đưa lên đến mức độ kù diệu. Ví dụ đoạn Kiều Phong đánh lộn với bạn cũ, đoạn Trương Thúy Sơn tuẫn tiết, đoạn Vô Kỵ cù chân Triệu Minh trong cái trống lớn, đoạn Lệnh Hồ Xung quì lạy thánh cô trước mành và đoạn hai người dưỡng thương dưới ánh sao, thấy ngôi sao nào vắng bóng thì biết là em xuống đó. Về nhân vật thì Nhạc Bất Quần, Tạ Tốn… là những nhân vật mà sự sáng tạo (ra nhân vật ấy) bắt buộc những nghệ sĩ khác phải cúi đầu. Đó là đặc điểm thứ hai.

Có người nói tên Vi Tiểu Bảo cũng là một nhân vật lớn mà tác giả đặt vào cái thế càng hành động bỉ ổi càng hạ giá trị triều đình Mãn Thanh chắc hẳn bị Kim Dung (người Hán) thù ghét. Điều đó có phần có lý nhưng không đúng hẳn, vì có nhiều lúc tên tiểu quỷ nầy lại tỏ ra đứng đắn, hào hùng (nhất là trung thành và quí trọng vua Khang Hy). Vả lại sự co kéo Vi Tiểu Bảo lên quá cao quả có làm lộ rõ những đồi bại của xã hội như một đôi khi Kim Dung có làm, nhưng Kim Dung không thể lạm dụng kỷ thuật để hạ giá các nhân vật chân tu của phái Thiếu lâm, hoặc làm cho một đoàn thể yêu nước như Thiên Địa hội lọt vào vòng lố bịch.

Nói tóm lại, cái hay của Kim Dung, ngoài sự bác học, là lúc nào cũng rất người, dù cho sự bịa đặt có vô lý đến đâu. (Ví dụ quơ một nhát kiếm độc nhất mà chọc mù mườỉ lăm cặp mắt).

Lộc Đỉnh Ký đoạn đầu có vẻ do Kim Dung viết thật, cho đến đoạn Vi Tiểu Bảo thú tội với Khang Hy, còn sau đó, chỉ bầy đặt những tình tiết kỳ lạ theo tác phong thông thường của truyện võ hiệp rẻ tiền, như đoạn Tiểu Bảo hài tội Thái hậu, Tiểu Bảo cắt tay tên Lạt ma trêu gái, và giết mấy tên còn lại.

Có lẽ đoạn trên đây chỉ là những ý nghĩ bất chợt đến, phù hợp với một mục tạp văn như NGHĨ TRONG THÁNG của tạp chí, nên ông Đằng Văn Hầu không có chủ ý trình bầy lập luận một cách chặt chẽ mạch lạc. Đại ý ông Đằng Vân Hầu nêu ra các lý do sau đây để hồ nghi xuất xứ của Lộc Đỉnh Ký :

– Qua các truyện khác, Kim Dung có một lối viết bác học, sâu sắc khi mô tả các nhân vật.

– Nghệ thuật của Kim Dung qua nhiều đoạn đã đến mức độ tuyệt diệu, khiến các nghệ sĩ khác phải cúi đầu thán phục.

– Dù tiểu thuyết Kim Dung là giả tưởng, đôi khi phi lý, nhưng câu chuyện luôn luôn đầy nét người.

Ông Đằng Vân Hầu bảo rằng Lộc Đỉnh Ký không có được hai đặc điểm trên. Còn cái nét người có tìm thấy trong Lộc Đỉnh Ký hay không, chúng ta không thấy ông đề cập đến.

Nhưng nếu gác qua một một hữu lý của lập luận, và chỉ xét hiện tượng ái mộ Kim Dung của độc giả Việt nam như một chứng tích xã hội, thì sự ơ thờ của đám đông, và sự hồ nghi của một số trí thức đối với Lộc Đỉnh Ký thật có ý nghĩaĐọc tiếp

Phần Ba:

Xem tiếp Phần Ba @ TẠI ĐÂY

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác

(Nguồn: nguyenmonggiac.com)

Tiểu Sử

– Sinh năm 1940 tại Bình Định, miền Trung Việt Nam.

– Học trung học ở trường Cường Để Qui Nhơn, trường Võ Tánh Nha Trang và trường Chu Văn An Sài Gòn (2)

– Học một năm ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn rồi ra Huế học Đại học Sư phạm ban Việt Hán

– Tốt nghiệp thủ khoa Đại học Sư phạm Huế năm 1963, khóa Nguyễn Du (1)

– Dạy học tại trường Đồng Khánh Huế (1963-1965), trường Cường Để Qui Nhơn (1965-1973)

– Là Chánh Sự Vụ Sở Học Chánh tỉnh Bình Định (1973-1974) và làm chuyên viên nghiên cứu giáo dục Bộ Giáo Dục, Sài Gòn (1974-1975) (2)

– Bắt đầu viết văn năm 1971, đã cộng tác với các tạp chí Bách Khoa, Văn, Thời Tập, Ý Thức.

– Vượt biển tị nạn năm 1981 qua ngả Nam Dương, đến định cư tại Hoa Kỳ cuối năm 1982.

– Cộng tác với các báo Đồng Nai, Việt Nam Tự Do, Người Việt, Văn, Văn Học Nghệ Thuật.

– Chủ bút tạp chí Văn Học, California, Hoa Kỳ, từ 1986 đến tháng Tám /2004.

– Định cư tại thành phố Westminster thuộc quận Orange, California, cùng với gia đình.

– Qua đời lúc 22 giờ 15 phút ngày 2 tháng Bảy năm 2012 (ngày giờ địa phương ở California) tại tư gia ở Westminster, California.

Các bài viết cùng chủ đề:

Lai rai chén rượu giang hồ – Huỳnh Ngọc Chiến
Kim Dung Giữa Đời Tôi – Vũ Đức Sao Biển

» Back to top page

Leave a comment