Jan-2023-w2

✵✵✵✵✵✵


Các bài viết sưu tầm: Jan 13, 2023

✵✵✵

pho-de-doc-HoVanKyThoai-1032-2022

Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại 1933 – 20/12/2022, © Ảnh TTVNHTD – YouTube

1

Can Trường Trong Chiến Bại…

© Hồ Văn Kỳ Thoại.

Nguồn: © https://noralangdu.blogspot.com (26/04/2017)

hinh-bia-sach-CTTCB

Hình bià sách CTTCB, © cantruong.com

Vũ Ánh (03/2007): “Can Trường Trong Chiến Bại”, cái tên sách mang cái vẻ như một lời biện minh, nhưng trong suốt 330 trang sách, tác giả, cựu phó Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại không hề biện minh cho một thất bại lớn lao của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong biến cố 30-4-1975. Thất bại đó đã được ghi nhận bằng những cách nhìn khác nhau của nhiều tác giả Việt Nam cũng như ngoại quốc. Nhưng khác với những tác giả này, cựu Phó Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại chỉ ghi lại tất cả những gì đã xảy ra trong đời binh nghiệp mà ông đã trải qua, ít dùng những tĩnh từ trong lúc mô tả, cố gắng để những cảm tính ra ngoài những trang sách và cũng rất ít lời phê phán những người khác. Ðoạn chót trong lời mở đầu ở trang 20, ông viết như sau:

“Biết rằng “sự thật mất lòng” nên nếu tôi đã làm cho một vài vị nào đó bối rối, thì khi hạ bút viết ra, tôi cũng đau lòng không kém… Tôi xin quả quyết rằng “Can Trường Trong Chiến Bại sẽ không làm thay đổi tấm lòng quí mến và kính trọng cũng như tình chiến hữu của tôi đã có từ trước đến nay đối với các vị đó (những nhân vật đã được đề cập đến trong hồi ký), nhưng vì là nhân chứng trong một số trường hợp hay biến cố quan trọng nên tôi đã cố gắng “trả lại sự thật cho lịch sử.”

Can Trường Trong Chiến Bại – Hồ Văn Kỳ Thoại

(Tài liệu lịch sử sau đây trích một phần từ chương 16, từ ngày 18/1/1974 tức một ngày trước khi xảy ra cuộc hải chiến Hoàng Sa, trong sách “CAN TRƯỜNG TRONG CHIẾN BẠI” của tác giả Hồ Văn Kỳ-Thoại xuất bản năm 2007. Ông nguyên là Phó Đề Đốc Tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên Hải, Quân khu I, Việt Nam Cộng Hoà, từ năm 1970 đến năm 1975.)


Xem tiếp…

Mười giờ sáng ngày 18 tháng 1, trung tá San, hạm trưởng khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ 4) cho toán đổ bộ lên bờ gồm một trung úy và mười ba đoàn viên để thám sát đảo Cam Tuyền vì thấy có chiến hạm Trung Cộng thả trôi gần đó.Toán này cắm cờ Việt Nam khi lên tới đảo.

battle-of-paracel-island-1974-map

Sơ đồ diễn biến trận hải chiến, © wiki

Khi hải đội của đại tá Ngạc đến Hoàng Sa thì tôi được biết là có ít nhứt bốn chiến hạm của Trung Cộng đã có mặt tại vùng đảo. Các chiến hạm của Trung Cộng và Việt Nam hải hành rất gần nhau. Chiến hạm Việt Nam ra dấu hiệu đuổi chiến hạm Trung Cộng ra ngoài lãnh hải. Trên chiến hạm Trung Cộng thì các thủy thủ của họ cũng ra dấu yêu cầu chiến hạm Việt Nam phải ra xa các đảo.

Chiều ngày hôm đó, tình hình tại Hoàng Sa càng thêm căng thẳng. Các chiến hạm hai bên chạy kế bên nhau và chĩa súng vào nhau. Ngày hôm sau, tôi liên lạc điện thoại về Bộ Tư Lịnh Hải Quân tại Sàigòn để hỏi vị trí các đơn vị của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ. Đại tá Kiểm, giám đốc Trung tâm hành quân Hải Quân, theo dõi và thông báo cho tôi kịp thời mọi tin tức về phía Hoa Kỳ và xác nhân rằng các chiến hạm Hoa Kỳ ở rất gần các vị trí chiến hạm Việt Nam. Ông nói với tôi: “Cứ yên trí.” Tôi nói với đại tá Kiểm rằng tôi không biết việc gì sắp xảy ra, có lẽ chỉ yêu cầu chiến hạm của Đệ Thất Hạm Đội cứu vớt thủy thủ Việt Nam nếu có tổn thất. Tôi không nghĩ rằng họ sẽ can thiệp vào chiến trận.

Đại tá Ngạc báo cáo tiếp theo là các chiến hạm Trung Cộng đến quá gần chiến hạm Việt Nam, có ý khiêu khích và đôi khi làm cho các chiến hạm Việt Nam vận chuyển khó khăn vì chung quanh các đảo lại có rất nhiều đá san hô. Tôi gọi máy về Sàigòn thì đô đốc Chơn đang trên phi cơ trên đường ra Đà Nẵng, nhưng không biết lúc nào ông sẽ đến Đà Nẵng. Tôi nói chuyện âm thoại với đại tá Ngạc và ông nói rằng việc chạm súng chắc là không sao tránh khỏi. Tôi và đại tá Ngạc rất khó xử. Nếu Trung Cộng nổ súng trước thì chúng tôi không có gì phải tính toán và phải nổ súng tự vệ. Nhưng lúc ấy tổn thất sẽ rất nặng nề về phía Hải Quân Việt Nam. Không còn ai có thể giúp tôi quyết định. Tôi nghĩ là nếu Hải Quân Việt Nam nổ súng trước thì rất có lợi vì địch bị bất ngờ và ta làm chủ được tình hình. Trong đêm đại tá Ngạc và tôi nói chuyện với nhau rất nhiều vì cả hai đều lo âu, dù không nói ra, cả hai đều đoán là Trung Cộng sẽ không nhượng bộ như mấy lần trước khi chiến hạm ta đuổi tàu đánh cá của họ.

Sáng ngày 19, tôi và đại tá Ngạc ở thường xuyên trên hệ thống âm thoại. Đến khoảng 10 giờ sáng, các chiến hạm Trung Cộng vẫn không thay đổi vị trí và bám sát chiến hạm Việt Nam. Tôi nhắc đại tá Ngạc chỉ thị là nếu dùng tín hiệu mà chiến hạm Trung Cộng không thi hành thì nhớ bắn trước mũi tàu họ trước chớ đừng bắn trúng họ. Đại tá Ngạc trả lời với tôi là không thể bắn dọa được vì các chiến hạm đôi bên đang ở vị trí quá gần nhau và ở thế “cài răng lược” tức là bạn địch ở vị trí xen kẻ với nhau, nếu tác xạ có thể trúng bạn.

Toán đổ bộ của chiến hạm HQ 16 được lịnh trở ra chiến hạm. Nhân viên xuống xuồng cao su, nhưng xử dụng được có một chiếc cho nên nhân viên bơi giỏi, hy sinh và níu vào bè mà bơi theo.

Tôi cảm thấy là không còn giải pháp nào khác, hoặc tấn công trước hoặc rời khỏi lãnh hải của mình để tránh đụng chạm. Lúc ấy tôi lại nghĩ ngay đến thủ bút của Tổng Thống. Nếu rời lãnh hải quốc gia bỏ đi là lịnh Tổng Thống sẽ không được thi hành. Rồi tôi sẽ trả lời ra sao với thượng cấp?

hai-quan-NguyVanTha

Hải quân Thiếu tá Ngụy Văn Thà, © Ảnh rfa.org

Tôi với đại tá Ngạc bàn đi bàn lại nhưng không biết phải làm thế nào và rồi tôi chỉ nói với đại tá Ngạc là khi tình hình quá căng thẳng thì mình phải khai hỏa trước để giảm thiểu thiệt hại. Đại tá Ngạc đồng ý với tôi là chiến hạm Việt Nam phải khai hỏa trước. Tôi nhắc thêm đại tá Ngạc: “Anh nhớ hãy chỉ thị cho tất cả chiến hạm khai hoả cùng một lúc khi anh bắt đầu khai hoả!” với mục đích phân tán sự phản pháo của địch. Đại tá Ngạc trả lời: “Nhận rõ 5 trên 5.” Tâm trạng bồi hồi, một cảm giác mà tôi không bao giờ quên, nhưng vì không rõ vị trí của từng chiến hạm, qua máy âm thoại, tôi nói tiếp: “Tùy nghi khai hỏa khi nào anh sẵn sàng!”

Vài phút sau, tiếng nổ chát chúa của các hải pháo vang dội trong máy truyền tin, dường như đại tá Ngạc hoặc nhân viên truyền tin cố tình bấm nút “on” để tôi có thể nghe, làm tôi vừa hãnh diện cho Hải Quân Việt Nam vừa lo sợ cho Hải Đội của đại tá Ngạc. Giọng đại tá Ngạc rất là bình tĩnh và nhà binh: “Báo cáo đã bắt đầu khai hoả!” Tôi trả lời ngay: “Tôi nghe tiếng súng rồi anh Ngạc”, và sau đó là một sự yên lặng trong khoảng năm mười phút, nhưng đối với tôi nó kéo dài như hằng giờ.

Toán đổ bộ của HQ 16 trên xuồng cao su đang chèo ra khơi thì trận hải chiến bắt đầu, thình lình một tiếng nổ lớn vang rền, nhìn kỹ thì họ thấy đó là một tàu Trung Cộng bị trúng đạn của chiến hạm Việt Nam. Cả toán reo lên và vị trung úy chỉ huy kêu gọi cả toán cùng hát bài: “Việt Nam, Việt Nam!”

Tôi không kể lại chi tiết trận hải chiến vì có những nhân chứng tại chỗ như trung tá Vũ Hữu San, Phạm Trọng Quỳnh, Lê Văn Thự, Ủy Ban Hải Sử cùng chiến sĩ Hải Quân khác đã kể chi tiết trong những tài liệu khác.

Sau một thời gian mất liên lạc vô tuyến, đại tá Ngạc bắt đầu báo cáo tổn thất cả đôi bên. Về phía tàu Trung Cộng thì một chiến hạm bị bốc cháy và khi bỏ chạy bị rướn lên đá san hô. Về phần Hải Quân Việt Nam thì chiếc hộ tống hạm Nhựt Tảo bị trúng đạn ngay đài chỉ huy. Hạm trưởng bị tử thương và chiến hạm đang bốc cháy. Chiếc Lý Thường Kiệt cũng bị trúng đạn hải pháo bắt đầu nghiêng một bên. Đại tá Ngạc cho biết tình trạng chiếc Nhựt Tảo rất nguy ngập. Tôi chỉ thị nếu có thể được thì cho chiếc nầy chạy thẳng và ủi vào bờ để ít nhứt xác tàu là một chứng cớ chúng ta bảo vệ hải đảo. Tại chỗ chiếc Nhựt Tảo chìm thì một số thủy thủ đang lềnh bềnh trên mặt nước, người thì đeo phao, người thì bám vào tất cả những gì đang nổi trên mặt nước. Dã man nhứt là khi một số thủy thủ thuộc chiến hạm Nhựt Tảo đa số bị thương, bị tàu Trung Công bất chấp quy lệ về hải chiến tiếp tục bắn xối xả vào các chiếc bè, rất may chỉ có một nhân viên bị thương nhờ tất cả nằm sát xuống bè để tránh đạn. Tôi điện thoại về Bộ Tư Lịnh Hải Quân tại Sàigòn để xin cố vấn Hoa Kỳ can thiệp với Đệ Thất Hạm Đội của Hoa Kỳ đến nơi để cứu vớt các thủy thủ Việt Nam đang bị nạn. Mãi đến mấy ngày sau, chiến hạm Mỹ vẫn không đến mặc dù các thủy thủ đang trôi trên biển trong hải phận quốc tế. Điều đó cho thấy là họ không muốn tham dự vào vụ tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Cộng và hơn thế nữa họ cũng không có một hành động gì dù là một hành động nhân đạo.

Tôi thấy tình hình sau đó trở nên bi đát ví như châu chấu đá voi, tới không được mà lùi cũng chết. Giải pháp duy nhứt mà một cấp chỉ huy tối thiểu phải làm là xin tăng viện. Bộ Tư Linh tăng phái thêm cho vùng I Duyên Hải hai chiến hạm nữa là tuần dương hạm Trần Quốc Toản (HQ 6) và hộ tống hạm Chí Linh (HQ 11).

Sau khi nghe trận hải chiến bắt đầu, trung tướng Trưởng đáp trực thăng đến trung tâm hành quân của Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải và gặp tôi tại đó để nghe tôi trình bày tình hình. Lúc đó cố vấn Mỹ tại Sài gòn cho tôi biết, qua cố vấn của Hải Quân Vùng I Duyên Hải, có khoảng 17 chiến hạm Trung Cộng trong đó có 4 tàu ngầm đang hướng về Hoàng Sa từ phía Bắc. Sau này theo tài liệu hải sử thì không có ghi là có tàu ngầm.

HQ Trung Tá Vũ Hữu San, hạm trưởng khu trục hạm Trần Khánh Dư, © danlambao

Được tin trên, tôi có cảm giác ngay là nếu không khéo quyết định thì sẽ có một sự đụng độ lớn lao mà lần nầy sẽ là một thảm kịch cho lực lượng Hải Quân Việt Nam vì sự hiện diện của tàu ngầm. Ngay lúc đó, cố vấn trưởng Hoa Kỳ của Hải Quân Vùng I Duyên Hải bước vào Trung Tâm Hành Quân cho tôi biết phản lực cơ chiến đấu của Trung Cộng sắp cất cánh từ đảo Hải Nam để tấn công hai chiến hạm vừa được tôi chỉ định hướng về Hoàng Sa để gia nhập Hải Đội của đại tá Ngạc. Tôi rất lo ngại vì nếu 5 chiến hạm Việt Nam còn lại bị hạm đội và phi cơ Trung Cộng đánh chìm và thêm 5 thủy thủ đoàn nữa bỏ mình theo chiến hạm thì phần trách nhiệm của tôi quá nặng nề để tôi có thể lấy quyết định một mình, trong khi đó đô đốc Chơn vẫn chưa thấy đến Đà Nẵng. Rồi tự nhiên tôi chợt nghĩ tới một người, không ai khác hơn là Tướng Nguyễn Đức Khánh. Từ Trung Tâm Hành Quân Hải Quân tại Tiên Sa, trước sự hiện diện của Trung Tướng Trưởng tôi gọi điện thoại cho Chuẩn Kướng Khánh, tư lịnh Sư Đoàn I Không Quân. Tướng Khánh xuất thân là phi công khu trục. Khánh và tôi là bạn thân và chúng tôi không ngần ngại mà giúp đỡ lẫn nhau khi hữu sự. Khánh đã chở tôi theo phản lực cơ oanh tạc A-37 trong các phi vụ tập dượt của ông. Khi được điện thoại của tôi, ông nói để ông bàn lại với đơn vị khu trục của ông rồi sẽ gọi lại.

Khi Chuẩn Tướng Khánh gọi lại thì Trung Tướng Trưởng còn ngồi trong trung tâm hành quân. Ông Khánh bằng một giọng nói buồn cho tôi biết rằng ông có nói chuyện với vị chỉ huy Không Đoàn Khu Trục và được biết khu trục cơ F-5 của ông nếu ra Hoàng Sa chỉ chiến đấu được 15 phút vì sẽ không đủ xăng ở lâu hơn nữa. Tôi xoay qua hỏi Trung Tướng Trưởng nghĩ sao thì ông chỉ trả lời ngắn: “Tùy ông Thoại.” Tôi còn sợ một việc nữa là cuộc không chiến rất bất lợi về phía ta vì phi cơ Trung Cộng cất cánh từ Hải Nam gần hơn phi cơ của Không Quân Việt Nam cất cánh từ Đà Nẵng và cuộc chiến sẽ leo thang với mức độ mà chúng ta không lường trước được.

Trận hải chiến thật sự chỉ kéo dài hơn ba mươi phút. Khi phi cơ của Đô đốc Chơn và sĩ quan tùy viên của ông chạm đất tại phi trường Đà Nẳng thì trận hải chiến đã coi như kết thúc. Chiến hạm Việt Nam không đuổi theo tàu địch mà chiến hạm Trung Cộng cũng không đuổi theo chiến hạm Việt Nam.

Tôi gọi điện thoại về Bộ Tư Lịnh Hải Quân xin can thiệp với cố vấn Mỹ yêu cầu Đệ Thất Hạm Đội của Hoa Kỳ vớt các thủy thủ Việt Nam, nhưng dường như họ được chỉ thị nên không một chiến hạm Mỹ nào đến gần nơi xảy ra cuộc hải chiến.

Với những đe dọa từ phía Trung Cộng, sự không tham dự của quốc gia mà chúng ta gọi là “đồng minh”, sự từ chối của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ trong việc cứu người trôi trên biển, tôi cảm thấy ê chề, đau đớn cho các thủy thủ đang trôi trên biển với những vết thương mà máu ra là dấu hiệu cho cá mập. Và trong sự chán nản tột cùng, tôi chỉ thị các chiến hạm bị thiệt hại rời chiến trường để đưa các thủy thủ tử thương và thương binh lên bờ tại Đà Nẵng.

Trớ trêu nhứt là 23 thủy thủ Việt Nam trôi dạt trên biển được tàu Skopionella của hãng Shell mang quốc kỳ Hòa Lan vớt, ngay sau trận hải chiến. Thương thuyền này đang trên đường từ Hong Kong đi Singapore. Trên tàu, các phu nhân của thuyền trưởng và thuyền phó chăm sóc các thủy thủ lâm nạn hết sức tận tình và tặng một số quà cho mỗi thủy thủ khi họ được giao lại cho đơn vị của Hải Đội I Duyên Phòng thuộc Vùng I Duyên Hải. Lúc ấy các nhân viên Hải Quân tham chiến đặt câu hỏi ai là “đồng minh” của ai?

Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ 16) bị trúng đạn nghiêng một bên sau trận hải chiến nên rút ra ngoài và được lịnh về Đà Nẵng, nên mất liên lac với toán đổ bộ. Mười ngày sau, 15 thủy thủ trên xuồng cao su sống lây lất trên bè, thiếu thức ăn nước uống, trôi dạt về đến Qui Nhơn và được một thuyền đánh cá cứu vớt mà chỉ có một thủy thủ chết vì kiệt sức, làm như nhờ một phép lạ mà các bác sĩ lúc đó không giải thích được.

Về phần trên đảo thì người nhái Hải Quân Việt Nam cũng chạm súng với toán đổ bộ của Trung Cộng bằng súng nhỏ. Trung úy Đơn, sĩ quan người nhái bị tử thương ngay lúc đầu khi xuồng cao su vừa đến bờ. Vì lực lượng người nhái Việt Nam quá ít nên sau cùng phải đầu hàng và bị bắt làm tù binh.

tuan-duong-ham-ly-thong-kiet-hq16

Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16). © Ảnh bienxua.

Sáng sớm ngày 20 tháng 1, một hải đội tiếp viện hùng hậu của Trung Cộng trên mười chiến hạm bắt đầu đổ quân lên bờ tràn ngập hai đảo Cam Tuyền và Hoàng Sa. Toán đổ bộ của khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ 4) trên đảo Cam Tuyền cũng như nhân viên Đài khí tượng, địa phương quân và biệt hải trên đảo Hoàng Sa bị bắt làm tù binh, tổng cộng 43 người được đưa về tỉnh Quảng Châu, Trung Cộng. Viên cố vấn Hoa Kỳ đi theo chiến hạm cũng được đưa đi Trung Hoa Lục Địa. Tất cả được trao trả lại cho chánh phủ Việt Nam Cộng Hoà, qua Hồng Thập Tự Quốc Tế, sau 27 ngày bị giam giữ nhưng họ được đối xử tương đối nhân đạo. Đề Đốc Lâm Nguơn Tánh được cử sang Hong Kong để tiếp nhận. Sự hiện diện của người Mỹ nói trên là một sự bối rối cho chánh phủ Hoa Kỳ kể cả chánh phủ Trung Cộng.

Tại tân cảng Tiên Sa (hải cảng sâu), trong khi chờ chiến hạm Lý Thường Kiệt cập bến đưa thương bịnh binh về Đà Nẵng, tôi nói với đô đốc Chơn: “Tư Lịnh, sao tôi có linh tính là Mỹ sẽ bỏ Việt Nam, nếu không tại sao họ biết Hoàng Sa là của Việt Nam mà đài khí tượng tại đó đã được quốc tế công nhận từ mấy chục năm nay, mà ngày giờ nầy họ tuyệt đối yên lặng để Trung Cộng cưỡng chiếm. Phải chăng là trước khi bỏ miền Nam, họ không muốn Hoàng Sa lọt vào tay Nga Sô?” Đô Đốc Chơn, một tướng lãnh hết sức hiểu biết nhưng dè dặt trong mọi việc, khi nghe tôi nói ông lặng thinh một hồi rồi trả lời: “Tôi không nghĩ như vậy.” Rồi ông xoay qua đề tài khác.

Khi chiến hạm Lý Thường Kiệt cập vào cầu tàu của tân cảng tại Tiên Sa, thì một cảnh tượng hết sức đau buồn diễn ra khi các băng ca đưa các nhân viên bị tử thương cũng như bị thương được đưa lên các xe cứu thương.

Tôi đích thân ra tận phi trường Đà Nẵng để tiển đưa một số thương binh bị thương nặng lên máy bay về các bịnh viện ở Sàigòn.

Vài ngày sau, Đại tướng Trần Thiện Khiêm, thủ tướng chánh phủ hướng dẫn một phái đoàn đến ủy lạo các thương binh còn lại tại bịnh xá Hải Quân Sơn Chà.

Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị cũng đề cử một phái đoàn dưới sự hướng dẫn của Đại tá Trần Văn Triết, tham mưu phó chiến tranh chính trị của Bộ Tư Lịnh Hải Quân, ra Đà Nẵng phỏng vấn và quay phim, được tôi và đại tá Ngạc tiếp đón, thuyết trình diễn tiến trận hải chiến, trên sân thượng của tuần dương hạm Trần Bình Trọng.

Thế là kết thúc một sự xâm lăng bằng võ lực của một cường quốc đối với một quốc gia nhỏ bé.

© Hồ Văn Kỳ Thoại.

Thân mời đọc thêm @ https://noralangdu.blogspot.com

(NNQ: Một số hình ảnh minh họa từ bài viết hay sưu tầm trên NET.)

    ❖ Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại. Theo Lược Sử Quân lực Việt Nam Cộng Hòa của ba soạn giả Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân và Lê Đình Thụy, ông Hồ Văn Kỳ THoại tốt nghiệp trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang năm 1954 cấp bậc Hải Quân Thiếu Úy (thuộc ngành chỉ huy).

– 1955: Hải Quân Thiếu Úy hộ tống Hạm Glaive của Hải Quân Pháp do Hải Quân Đại Úy Jacques Guthier làm hạm trưởng.
– 1960: Hải Quân Đại Úy Hạm Trưởng hộ tống Hạm Tụy Động HQ-24
– 1969: Hải Quân Trung Tá
– 1970: Hải Quân Đại Tá Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải, kiêm Tư Lệnh Liên Đoàn Đặc Nhiệm 213 tại Đà Nẵng
– 1972: Phó Đề Đốc nhiệm chức
– 1974: Tấn công Hải Quân Trung Quốc bảo vệ chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.
– 1975: Sáng 31 Tháng Ba, kiêm tư lệnh các Lực Lượng Hải Quân yểm trợ chiến trường Quy Nhơn. Đêm 29 Tháng Tư từ Vũng Tàu di chuyển ra khơi trên Cơ Xưởng Hạm Vĩnh Long.

Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, qua đời hôm 20/12/22 tại Houston, Texas, hưởng thọ 89 tuổi (NV).

Đọc tiếp @ https://www.nguoi-viet.com

Các bài viết cùng tác giả hay cùng chủ đề (NNQ sưu tầm).

    ❖ Lời Di Chúc của Vua Trần Nhân Tông.

“Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo.
Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo.
Cho nên cái hoạ lâu đời của ta là hoạ nước Tàu.
Chớ coi thường chuyện vụn vặt nảy ra trên biên ải.
Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn.
Tức là họ không tôn trọng biên giới qui ước.
Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp.
Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta.
Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta
từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích.
Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn:
“Một tấc đất của Tiền nhân để lại,
cũng không được để lọt vào tay kẻ khác.”

Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời.

Nguồn: @ https://huongduongtxd.com

    ❖ Điểm sách: Can Trường Trong Chiến Bại.‎‎ Đối với mọi đọc giả ngày nay, dù quan tâm hay không đến lịch sử miền Nam, chương quan trọng nhất trong quyển sách là Chương 16: Trận Hải Chiến Tại Hoàng Sa. Đây là trận chiến giữa các chiến hạm Hải quân VNCH dưới quyền của tác giả, tư lệnh hải quân vùng 1 duyên hải, và các chiến hạm Trung quốc, tháng 1 năm 1974… Trần Đình Hoành @ https://cvdvn.net

    ❖ Ðọc “Can Trường Trong Chiến Bại: Hành trình của một thủy thủ”‎‎ “Can Trường Trong Chiến Bại”, cái tên sách mang cái vẻ như một lời biện minh, nhưng trong suốt 330 trang sách, tác giả, cựu phó Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại không hề biện minh cho một thất bại lớn lao của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong biến cố 30-4-1975. Thất bại đó đã được ghi nhận bằng những cách nhìn khác nhau của nhiều tác giả Việt Nam cũng như ngoại quốc. Nhưng khác với những tác giả này, cựu Phó Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại chỉ ghi lại tất cả những gì đã xảy ra trong đời binh nghiệp mà ông đã trải qua, ít dùng những tĩnh từ trong lúc mô tả, cố gắng để những cảm tính ra ngoài những trang sách và cũng rất ít lời phê phán những người khác… Vũ Ánh (03/2007) @ vnnavydallas.com

   ❖ Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại nói về trận Hải Chiến Hoàng Sa. Ngày 19 Tháng Giêng, 2014 lễ tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh trong trận Hải Chiến Hoàng Sa được tổ chức nhiều nơi trên thế giới. Nói đến tuởng niệm người ta vẫn nghĩ vấn đề Hoàng Sa là chuyện đã qua, trong quá khứ. Sự thực thì vấn đề Hoàng Sa là vấn đề hiện đại, vì Trung Cộng vẫn còn muốn thôn tính cả Biển Đông và đất nước Việt Nam, vì vậy tinh thần dũng cảm, hy sinh của các chiến sĩ Hải Quân hy sinh ở Hoàng sa cần đuợc nhắc nhở, nuôi dưỡng, để nun đúc tinh thần chúng ta, cương quyết tranh đấu bằng mọi cách để lấy lại phần đất này của Việt Nam… Đọc tiếp @ https://bienxua.wordpress.com

    ❖ Hải chiến Hoàng Sa (Lê Vĩnh tổng hợp).‎‎ Sau trận hải chiến, HQ10 không điều khiển được, bị bỏ lại và sau đó bị Trung Quốc đánh chìm; 3 chiến hạm (HQ4, HQ5, HQ16) bị hư hại; 74 binh sĩ hy sinh, 28 người bị thương và 48 người bị bắt làm tù binh khi Trung Quốc tăng quân đổ bộ lên chiếm các đảo vào ngày 20/1/1974… Toàn bộ quần đảo Hoàng Sa kể từ thời điểm này rơi vào tay Trung Cộng!

Về phía Trung Cộng, 2 chiến hạm (274 và 396) bị chìm hoặc dạt vào bãi san hô; 2 chiến hạm (271 và 389) bị thiệt hại nặng; không rõ số nhân viên bị thương và chết… Đọc tiếp @ https://viettan.org

   ❖ Hải chiến Hoàng Sa 19-1-1974 có một người Ông Tạ: Vũ Hữu San, hạm trưởng HQ-4 Trần Khánh Dư. 0g đêm 16 rạng 17-1-1974, 25 tháng Chạp, còn vài ngày nữa là Tết. Khu Ông Tạ đang tràn ngập không khí đón Tết Giáp Dần 1974 thì một người Ông Tạ lặng lẽ cùng chiến hữu mình lướt sóng Biển Đông tiến ra Hoàng Sa: Hạm trưởng HQ-4 Trần Khánh Dư, Vũ Hữu San.

“Sau khi mạo-nhận ngày 11-1-1974 chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa của VNCH, Trung-Cộng đã đưa Hải-Quân tới khu-vực Hoàng-Sa, và đổ-bộ quân lính lên các đảo Cam-Tuyền, Quang-Hoà và Duy-Mộng. Lực-lượng Hải-Quân Trung-Cộng gồm 11 chiến-đĩnh thuộc nhiều loại và trọng-lượng khác nhau, kể cả tàu loại Komar có trang-bị hỏa-tiễn… Đọc tiếp @ TẠI ĐÂY

   ❖ Ðào Dân – Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ16 và trận hải chiền Hoàng Sa. Sáng 15-01-1974, tàu tách bến Tiên Sa. Những tia nắng yếu ớt của một ngày cuối đông đang cố gắng chọc thủng màn mây trắng dày để tỏa ánh sáng xuống mặt biển xanh rì trước mặt. Gió Ðông-Bắc cấp 2. Biển không động, nhưng khi bắt đầu quay mũi, tàu cũng lắc lư dữ dội. Bên phải, ngọn hải-đăng Sơn-Chà đã tắt, các tháp nhọn từ từ nhú lên sau dãy núi đen ngòm, trông như các đinh nhọn, chĩa mũi lên trời. Tại đây đáng lẽ tàu chuẩn bị quay phải, xuôi Nam kết thúc một chuyến công tác như lịch trình. Nhưng không, tàu tiếp tục Ðông-tiến, trực chỉ Hoàng-Sa. Vậy là niềm vui của thủy-thủ-đoàn chợt tắt, bỏ cái ước mơ của một chiều dạo phố Sài Gòn bên người yêu lại cho tuần sau. Hy vọng thế bởi vì chuyến hải hành phụ trội này dự trù kéo dài không quá 5 ngày. Và sau đó, tàu sẽ thảnh thơi nằm sửa chữa ở cầu B, để cho đám con có thì giờ thụ-thưởng cái đầm ấm và an-vui bên gia đình cho một cái tết hòa-bình đầu tiên… Đọc tiếp @ https://dongsongcu.wordpress.com

    ❖ Tâm tình nhớ Hoàng Sa.‎‎ Mỗi năm đến ngày 19 tháng Giêng thì người Việt hải ngoại và người Việt trong nước dù ở miền Nam hay miền Bắc đều cảm phục, tưởng nhớ đến “Hải Chiến Hoàng Sa”. Nơi đấy, Quân nhân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã can trường giữ đảo và biển Đông, đã oanh liệt hy sinh. Sắp đến ngày tưởng nhớ trận “Hải Chiến Hoàng Sa” năm nay là năm thứ 44 (2018-1974). Từ đấy, tôi xin viết bài này là để thắp nén tâm hương đến người đồng đội đã xả thân vì nước… Đọc thêm @ https://bienxua.wordpress.com

   ❖ Bối cảnh và diễn biến Hải chiến Hoàng Sa 1974. Ngày 11/01/1974, các sĩ quan Nam Việt Nam nhận được báo cáo về những động thái của Trung Quốc trên hai hòn đảo của Nam Việt Nam thuộc quần đảo Hoàng Sa. Hai ngày sau, Bộ tư lệnh Hải quân Sài Gòn phái hai tàu khu trục Lý Thường Kiệt HQ-16 và Trần Khánh Dư HQ-4 tới thám sát..

HQ- 16 tới đảo Hữu Nhật (Robert Island) vào 16/1 và nhận thấy đảo này đã bị “ngư dân” Trung Quốc, từ hai thuyền đang neo tại bãi ven đảo, chiếm đóng. Chỉ huy tàu HQ – 16 lệnh cho những người Trung Quốc rời đảo và bắn thị uy để họ hiểu ý định của ông. Sau đó họ bắn và phá hủy các lá cờ Trung Quốc và một khu vực chế biến cá mà những “người đánh cá” triển khai 6 ngày trước đó. HQ – 4 tới Hoàng Sa ngày 17/1 và phái một đơn vị đặc nhiệm SEAL của Nam Việt Nam lên đảo Hữu Nhật và đảo Quang Ảnh (Money Island) gần đó để nhổ những cờ Trung Quốc. Ngày 18/1, hai tàu chiến của Nam Việt Nam đuổi một tàu đánh cá bằng lưới rà của Trung Quốc, buộc con tàu bị phá hủy nặng nề này phải rời vùng biển. Sau đó các tàu khu trục Trần Bình Trọng HQ-5 và tàu quét mìn Nhật Tảo HQ-10 tới Hoàng Sa… Đọc thêm @ https://nghiencuuquocte.org

Hồ Biểu Chánh (1885 – 1958), Nhà văn khai sáng nền tiểu thuyết hiện đại Việt Nam

Hồ Biểu Chánh, tên thật là Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh, sinh ngày 1/10/1885 tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công và mất ngày 4/9/1958 tại Phú Nhuận (Sài Gòn). Từ 8 đến 12 tuổi học nhữ nho, 13 tuổi học trường tiểu học (Pháp-Việt) tổng Vĩnh Lợi, rồi lên trường tỉnh Gò Công, tiếp đến trường trung học Mỹ Tho (1902-1903), rồi lên Sài Gòn học trường Pháp Chasseloup-Laubat (1904-1905). Năm 1905 đậu bằng thành chung. 1921, đậu Tri huyện. 1927 lên Tri phủ. 1936 thăng Đốc Phủ sứ. 1941 đắc cử Nghị viên thành phố Sàigòn. 1946 làm cố vấn cho bác sĩ Nguyễn Văn Thinh lập chính phủ Nam Kỳ tự trị…(thuykhue.free.fr)

Hồ Biểu Chánh đã tập viết văn từ năm 1906, bước vào nghiệp văn từ năm 1910, và động cơ chính thúc đẩy ông viết là vì ông muốn cho “người mình đọc chuyện xẩy ra ở nước mình bằng chữ nước mình” và chọn văn xuôi vì thấy “văn xuôi dễ cảm hoá người đọc hơn văn vần”. Vì thế, dân tộc và bình dân là hai yếu tố cơ bản xây dựng nên tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Và cũng chính với hai yếu tố này, ông đã “đánh đổ” được lối viết tiểu thuyết chương hồi theo lối Tàu đang thịnh hành và “đánh bại” được lối văn biền ngẫu, réo rắt, vế đối vế, vần đối vần, trong những truyện quốc ngữ thời ấy…

Trong hơn nửa thế kỷ sáng tác, Hồ Biểu Chánh đã để lại 64 cuốn tiểu thuyết, 23 cuốn nghiên cứu văn học, 13 tuồng hát, 7 đoản thiên, 3 truyện ngắn, 2 truyện dịch, 2 tác phẩm văn vần, 5 tập tuỳ bút phê bình, 6 ký ức và 8 bài diễn văn. Một di sản văn hóa đồ sộ mà cho đến nay, dường như chưa có công trình khoa học nào thực sự nghiên cứu toàn bộ. Chính văn chương Hồ Biểu Chánh cũng còn xa lạ với số đông người đọc, nhất là độc giả miền Bắc.

Cho đến gần đây, phần đông giới làm văn học vẫn còn coi Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách là cuốn tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam. Sai lầm này phát xuất từ những nhà nghiên cứu văn học thời trước, phần lớn gốc Bắc, từ Dương Quảng Hàm, đến Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh… khi nghiên cứu văn học thế kỷ XX, đã quá nghiêng về miền Bắc, mà không chú trọng đến miền Nam, nơi khởi thủy của nền văn học quốc ngữ. (© Thụy Khuê @ http://thuykhue.free.fr 2014)

(NNQ) Trân trọng giới thiệu đến ‘Xóm nhà lá’ trang web Hồ Biểu Chánh nơi phổ biến các tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh cho các bạn yêu văn học nước nhà, đặc biệt văn chương miền Nam nước Việt. Thân mời… hobieuchanh.com.

Thân chào tạm biệt và hẹn gặp lại Thứ Sáu tuần sau. NNQ

Leave a comment