Chuyện Tháng Tư Đen (Gs.Lâm Văn Bé)

© Giáo Sư Lâm Văn Bé
Source: © baovecovang

NNQ Sưu tầm & Post on May 01st, 2020

Phần I

lich-ngay-30-thang4-1975Bàn quyền hình ảnhbaovecovang2012.

Lịch sử nhiều khi bị thay đổi. Không phải vì sự kiện lịch sử thay đổi, nhưng sự kiện lịch sử khi được tường thuật, nhận định, lại bị thay đổi bởi chính kiến, thành kiến, tư lợi.

Khi xưa, sử quan viết sử để phục vụ cho một triều đại cầm quyền, hôm nay người viết sử hay nghiên cứu sử lại bị quyền lợi cá nhân hay phe nhóm chi phối. Đem tâm tình viết lịch sử và đọc lịch sử là chuyện muôn đời.

Sự gian trá, ngụy tạo tài liệu lịch sử lại càng trầm trọng hơn với thông tin điện tử. Thông tin trên internet hôm nay là sản phẩm đôi khi của tưởng tượng, nếu không là sự lập lại thành thật những dữ kiện đã bị nhào nặn, vô tình hay cố ý qua các trung gian.

Dĩ nhiên, chúng ta không thể đa nghi về mọi sự việc, nhưng đôi khi, việc sử dụng óc phân tích, sự thông minh để phân biệt hư thực là điều cần thiết.

Nhân ngày 30 tháng tư, chúng tôi muốn ghi lại những biến cố quan trọng của Tháng tư đen từ một số tài liệu và hồi ký viết bởi các tác giả người Mỹ, Pháp, và nhất là người VN, để xem chỉ một tháng thôi, sự kiện lịch sử đã được tường thuật và nhận định khác biệt thế nào bởi ngay những chứng nhân hay tác nhân của các biến cố.

⚊ 4 tháng tư: Trần Thiện Khiêm từ chức (Todd, p.237), [nhưng theo Hoàng Đống, tr. 356 thì Khiêm từ chức ngày 2] và đề nghị một danh sách người kế nhiệm là Trần Văn Đổ, Nguyễn Ngọc Huy, Trần Văn Lắm. Sau khi cân nhắc, ngày 5, TT Thiệu mời Nguyễn Bá Cẩn đứng ra lập nội các chiến tranh (Viên, tr.218) nhưng phải chờ đến ngày 14 tháng 4, tân thủ tướng mới trình diện được nội các với Tổng Thống Thiệu.
• Theo Nguyễn Tiến Hưng trong Khi Đồng Minh tháo chạy «Trong suốt buổi lễ, ông Thiệu tỏ ra căng thẳng, vẻ mặt xanh xao, duờng như những biến cố vừa qua đã tiêu hao hết nghị lực của ông bởi Cộng Sản(CS) đã tiến gần đến Phan Rang, nơi sinh trưởng của ông» (Hưng, tr. 310).
• Theo Snepp, giới chính trị dửng dưng vì đó chỉ là bình phong vì mọi việc do TT Thiệu quyết định, còn Polgar, trưởng phòng CIA tại Saigon thì hài lòng vì một tổng trưởng quan trọng của nội các là nhân viên của CIA (Snepp, tr. 232).
• Theo Trần Văn Đôn, mặc dù ông chấp nhận chức vụ Phó Thủ Tướng, nhưng ông đã nhận định ông Thủ Tướng của ông «không phải là người của tình thế, không phải là người dốc tâm dốc sức để giải quyết cơn bệnh đã đến hồi ngặt nghèo của VNCH» (Đôn, tr. 447)
• Bùi Diễm, đại sứ VN tại Mỹ tỏ ra xem thường ông Cẩn cho là “một người mà tất cả Saigon biết rằng chẳng có quyền hành gì” (Diễm, tr. 560)

⚊ 8 tháng tư: Trung Úy KQ/VNCH “trở cờ” Nguyễn Thành Trung lái F-5 oanh tạc dinh Độc Lập rồi đáp xuống phi trường Nha Trang (Đà Nẳng, theo Darcourt, Phước Long, theo Lý Quí Chung) đã do CS kiểm soát. Báo chí Saigon lúc ấy đăng tin Trung là người bị khủng hoảng tâm thần nhưng CS xác nhận Trung là đảng viên CS đã được gài vào Không quân Saigon, được tu nghiệp ở Hoa Kỳ từ năm 1969 đến 1972.

Sau này, năm 1996, Trung là phi công trưởng lái chiếc Boeing 767 đưa chủ tịch Lê Đức Anh qua New York dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Liên Hiệp Quốc.

Cuộc oanh tạc gây ra nhiều hoang mang trong dân chúng và quân đội như Kỳ đảo chánh hay TT Thiệu tạo đảo chánh giả để bắt các phe đối lập.

Cùng lúc ấy, tại Hà nội, Phạm Văn Đồng tiếp kiến Đại sứ Pháp Philippe Richer đề cập đến viễn tượng hợp tác với Pháp trong việc khai thác các mỏ dầu ở miền Nam, thay thế các chuyên viên Hoa Kỳ. Tổng Thống Pháp Giscard d’Estaing chỉ thị cho đại sứ Jean- Marie Mérillon tại Saigon tích cực thăm dò và bày tỏ lập trường của Pháp bên cạnh các nhà lãnh đạo VNCH và đại sứ Mỹ Graham Martin… Đọc tiếp

Tham khảo:

“Thật là ngạc nhiên và nhục nhã cho người Mỹ, tất cả nội các và đa số nhân vật cao cấp trong chánh quyền Cao Miên từ chối lời mời của Mỹ để di tản như thủ tướng Long Boret, Lon Non (em của Lon Nol), mặc dù những người nầy có tên trong danh sách bị án tử hình của Khmer Đỏ.” (Todd p.274)

Tinh thần kiên cường nầy đã biểu hiện rõ trong bức thư của Hoàng thân Sirik Matak viết tay bằng tiếng Pháp gởi cho đại sứ Mỹ John Dean.

Thưa ông Đại Sứ,

Tôi thành thật cám ơn lời mời của Ông định đưa tôi đến bến bờ tự do nhưng tôi không thể nào bỏ đi một cách hèn nhát như vậy.

Đối với Ông và quốc gia vĩ đại của Ông, tôi không bao giờ tưỡng tượng được, dù chỉ một phút, các Ông đành lòng bỏ rơi một dân tộc đã chọn lựa chiến đấu cho tự do. Các ông ra đi, tôi xin cầu chúc cho Ông và quốc gia của các ông sẽ tìm được hạnh phúc duới bầu trời này.

Nhưng các ông nên ghi nhận điều nầy là tôi sẽ chết ở đây, trên đất nước thân yêu của tôi, và chúng tôi chỉ ân hận đã phạm một sai lầm lớn là đã đặt niềm tin vào các ông và nước Mỹ của các ông.


Sirik Matak

Trong lịch sử chiến tranh, không có cuộc chiến nào để lại một khối lượng sử liệu khổng lồ, đa dạng và phức tạp như chiến tranh VN. Tại Hoa Kỳ, có ít nhất 10 đại học danh tiếng có bộ sách về chiến tranh VN trong đó trung tâm Texas Tech University được xem như quan trọng nhất. Ghi lại những biến cố chỉ trong tháng 4 từ một số tài liệu mà độc giả có thể tìm được dễ dàng trong các thư viện công cộng hay nhà sách, chúng tôi muốn nói lên bản chất dị biệt của các tài liệu qua các nguồn tư liệu và tác giả.

Sự dị biệt ít nhiều và bàng bạc qua gần 20 tài lệu mà chúng tôi tham khảo, nhưng chúng tôi chú tâm đặc biệt vào hai biên khảo-hồi ký căn bản của biến cố tháng tư viết bởi hai cộng sự viên quan trọng của Tổng Thống Thiệu là Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng quân lực VNCH và Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, cố vấn đặc biệt của Tổng thống. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên, qua lời văn tuy ôn tồn nhưng quyết liệt, ông Viên đã dành một chương «Lời bạt» thêm vào quyển quân sử The final Collapse do ông soạn thảo cho Trung Tâm Quân sử lục quân Hoa Kỳ phổ biến hạn chế năm 1983 và Nguyễn Kỳ Phong chuyển ngữ với tựa đề là Những ngày cuối cùng của VNCH, xuất bản năm 2003, để làm sáng tỏ và đính chính một số sai lầm, thiếu sót viết về ông và về Bộ Tổng Tham Mưu do ông điều khiển mà tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng đã viết trong quyển The Palace File xuất bản năm 1986 và ấn bản Việt ngữ tựa là Hồ sơ mật Dinh Độc Lập xuất bản năm 1987.

Khi viết biên khảo, các tác giả có khuynh hướng sử dụng những tài liệu trích dẫn từ những tài liệu tham khảo cấp hai hay cấp ba mà không phải từ tài liệu gốc. Sự sai lầm, nếu có, tuy đáng tiếc, nhưng vẫn có thể hiểu được vì lẽ chúng ta không thể có được trong tay tất cà các tài liệu.

République Française
Ambassade de France En URSS
L’Ambassadeur


Moscou le 12th November1990


Dear Dr Thanh,

Your letter of the 22nd October has just reached me. I was most touched by it and very pleased to hear from you.

As far as the book «Saigon et moi» is concerned, I must make a point particularly clear. I did not write this book nor have I written any other about Vietnam; therefore the work that you are enquiring about is not mine. However, I am intrigued by this publication and should be glad to have any information relating to it.

Should I visit California, I shall not fail to take advantage of your kind invitation to a Vietnamese dinner.

Wishing your new book every success, I remain

Yours sincerely,


Jean- Marie Mérillon


Tuy nhiên, khi đã biết một tài liệu ngụy tạo mà vẫn cố tình sử dụng vì một ý đồ, hành động nầy không thể nào nói khác hơn là một thứ bất lương trí thức. Đó là trường hợp bản dịch quyển «La mort du VietNam» của tướng Vanuxem của Dương Hiếu Nghĩa với tựa là «Nước Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử» (Nhà xb Đại Nam, 1997) có một phụ bản đặc biệt từ trang 194 đến trang 221 đăng lại từ tập san Đa Hiệu một chương sách ngụy tạo của Mérillon!

Hôm nay, đọc lại những tài liệu cũ về những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, chúng tôi không giữ được nỗi bàng hoàng nhớ lại nỗi kinh hoàng của những ngày quốc biến của 34 năm trước. Người đọc lịch sử, nhất là lịch sử của tổ quốc mình không thể vô tâm như người ngồi ở ga xe nhìn đoàn tàu đi qua, mà tùy theo cảnh ngộ, người đọc xúc động với biến cố hay suy nghĩ về biến cố

Hôm nay, lần giở lại gần hai mươi quyển hồi ký và biên khảo tiếng Việt và ngoại ngữ trong kho tài liệu khổng lồ về chiến tranh VN, nếu chúng tôi được soi sáng và được lãnh hội nhiều sự kiện và nhận định ghi lại với sự trung thực và thành khẩn đáng được xem như những sử liệu giá trị qua vài biên khảo và hồi ký, chúng tôi lại cảm thấy bùng dậy nỗi bất bình với những trang giấy viết để ca tụng mình, phe nhóm mình, nhục mạ chiến hữu mình, phe nhóm đối lập với mình.

Tác giả những thiên hồi ký khoác lác nầy đa số là những người đã vinh thân trong cuộc chiến, và giờ đây, họ vẫn không còn biết giữ được chút liêm sĩ còn sót lại để im tiếng, để yên cho những người may mắn thoát chết tiếp tục sống với nỗi đau gặm nhấm. Lịch sử sẽ phải thực sự được viết lại bởi những người viết sử công chính và những quyển hồi ký man trá nầy sẽ phải bị chôn sâu dưới nấm mồ của những tác giả đã đánh mất lương tri

© Giáo Sư Lâm Văn Bé (Montréal)

Leave a comment