Apr24-w4

Các bài viết sưu tầm: Apr 26, 2024

Henry Kissinger, con người và di sản

© Nguyễn Gia Kiểng

Nguồn: © Báo Thông Luận (10/12/2023)

kissingerleductho

Kissinger và Lê Đức Thọ. © Tranh HS Chóe. (hsvnhaingoai)

Trong cuộc phỏng vấn về một trật tự thế giới mới nhà báo Hoàng Bách đã hỏi tôi về nhân vật Henry Kissinger nguyên cố vấn an ninh và ngoại trưởng Mỹ vừa qua đời. Có lý, vì Kissinger đã góp phần không nhỏ tạo ra bối cảnh thế giới hiện nay.

Đã có nhiều nhận định của người Việt trong những ngày gần đây về Kissinger. Điều này dễ hiểu vì Kissinger là một trong những nhân vật đã có ảnh hưởng lớn lên đất nước ta và khiến chúng ta là chúng ta hiện nay.

Kissinger đã vô hiệu hóa cuộc Hội Đàm Paris khi ông ta thương thuyết riêng với Lê Đức Thọ để đi đến Hiệp Định Paris 27/01/1973.

Nhận xét của tôi là Kissinger hoàn toàn tách rời chính trị và đạo đức. Ông ta không coi chính trị là một cố gắng để thể hiện lẽ phải và đạo đức trong cuộc sống và mưu tìm hạnh phúc cho đất nước mình và cho thế giới. Đối với Kissinger chính trị chỉ là một trò chơi để tranh giành quyền lợi và quyền lực bằng tính toán, thủ đoạn và dàn xếp.

mao-nixon

Đảng Cộng hòa (Nixon) bắt tay Cộng sản (Mao). © Tranh HS Chóe. (hsvnhaingoai)

Ông ta đã giúp tổng thống Mỹ Richard Nixon chụp lấy cơ hội để bắt tay với Trung Quốc và cô lập Nga. Ông đã là nhân vật chính trong chính sách bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa của chính quyền Nixon bằng Hiệp Định Paris rồi cắt viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa sau đó.

Cặp bài trùng Nixon – Kissinger (đảng Cộng Hòa) còn gián tiếp tặng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để làm quà và lấy lòng cho Trung Quốc bằng cách không những không phản ứng khi hải quân Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa mà còn ngăn cản hải quân và không quân Việt Nam Cộng Hòa phản công.

Tính toán của Kissinger là nếu Việt Nam thống nhất dưới một chế độ cộng sản thân Nga thì Trung Quốc sẽ bắt buộc phải sáp lại với Mỹ vì Trung Quốc đang xung đột với Liên Xô lúc đó. Số phận của dân tộc Việt Nam không có một tầm quan trọng nào đối với Kissinger. Đạo đức và nhân quyền hoàn toàn vắng mặt trong những ưu tư của ông.

Nhưng khi chính trị không có một lý tưởng đẹp làm la bàn và động cơ và tự tách khỏi lẽ phải và đạo đức thì nó chẳng còn giá trị gì và chỉ có thể sai. Tính toán của Kissinger đã sai một cách bi đát.

Việc Mỹ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa không chỉ khiến cả nước Việt Nam trở thảnh chư hầu của Liên Xô mà còn gây ra một tâm lý hoảng hốt trên thế giới khiến gần mười nước theo nhau lọt vào quỹ đạo Liên Xô: Lào, Campuchia, Grenada, Afghanistan, Nicaragua, Angola, Ethiopia, Yémen, etc. Liên Xô mạnh hẳn lên thay vì yếu đi như tính toán gian ác của Nixon và Kissinger.

Thành tích lớn nhất của Kissinger là đã góp phần quyết định khiến Mỹ hợp tác với Trung Quốc và giúp Trung Quốc mạnh lên, trở thành đối thủ nguy hiểm nhất của Mỹ và một đe dọa cho thế giới.

Chính trị gia mà Kissinger lấy làm mẫu mực là Metternich (*), ngoại trưởng rồi thủ tướng Đế quốc Áo, chủ đề luận án tiến sĩ của ông. Kissinger rất giống Metternich. Metternich có lúc được coi là một thiên tài về thủ đoạn và thỏa hiệp, nhưng cuối cùng đã thất bại, góp phần quyết định làm suy yếu Đế quốc Áo. Sau cùng phải chui vào một thùng quần áo dơ để trốn chạy và sống lưu vong trong sư khinh bỉ của dư luận.

Kissinger thuộc vào loại chính trị gia mà người ta phải hy vọng sẽ không còn nhìn thấy nữa.

(*) Klemens von Metternich. Henry Kissinger thần tượng Metternich và nghiên cứu ông một cách chăm chỉ. Ông ta đã viết bằng luận án tiến sĩ, sau đó được xuất bản vào năm 1957, với tựa đề “A World Restored: Metternich, Castlereagh and the Problems of the Peace 1812-1822”, về các cuộc đàm phán ở châu Âu nhằm đạt được sự cân bằng quyền lực sau Waterloo, ca ngợi vai trò của Metternich trong việc gìn giữ một Đế chế Áo đang sụp đổ (NnQ sưu tầm).

Mar24-7

Giây Phút Hấp Hối của Việt Nam Cộng Hòa

© Vũ Ánh

Nguồn: © https://www.quocgiahanhchanh.com/. (Viewed 21/02/2024)

illustration-img

Ảnh minh họa. © QGHC

Ba mươi năm trôi qua kể từ ngày xảy ra thảm kịch lớn lao nhất cho cả một dân tộc mà tưởng như mới ngày nào. Giây phút chạy trên con đường Brookhurst để về nhà, thấy cờ Việt Nam Cộng Hòa bay phấp phới bên cạnh cờ Mỹ, liếc nhìn vào kính chiếu hậu thoáng thấy mái tóc đã bạc trắng của mình, chợt nhớ tới những kỷ niệm của 30 năm trước. Buồn và đau, dù trong những năm tháng trôi qua trên đất Mỹ vẫn cứ cố phải tạm quên để nhìn về phía trước, và để mưu sinh.

Cho đến nay, tôi vẫn không rõ là mình may mắn hay bất hạnh khi phải chứng kiến giây phút tắt hơi của chế độ tại Ðài Phát Thanh Saigon, nơi mà tôi và một số nhân viên còn lại vẫn làm việc theo lệnh của Tổng Thống Dương Văn Minh và chính phủ của ông cho đến giờ phút chót…

Đọc tiếp…

Big Minh nhận chức và thành lập chính phủ trong hoàn cảnh của một đám cưới chạy tang. Chính phủ của ông chỉ tồn tại hơn một ngày rưỡi. Trí nhớ của tôi qua 30 năm nay đã mòn mỏi sau bao nhiêu tang thương, nên chỉ còn ghi nhận được một vài nhân vật trong nội các lúc ấy mà tôi có dịp tiếp xúc hay nói chuyện qua điện thoại: Tổng Thống Dương Văn Minh, Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu, Bộ Trưởng Thông Tin Lý Quí Chung, Thứ Trưởng Thông Tin Dương Văn Ba, Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng Thái Lăng Nghiêm, Bộ Trưởng Tư Pháp Trần Thúc Linh, Tổng Giám Ðốc CSQG, Luật sư Triệu Quốc Mạnh và Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Ðội lần lượt thay đổi từ Tướng Lâm Văn Phát, Vĩnh Lộc và cuối cùng là Nguyễn Hữu Hạnh. Ba tổng tham mưu trưởng thay đổi nhau trong vòng một ngày rưỡi!

Từ mồng 1 tháng Tư, theo lệnh của vị Hệ Thống Trưởng cuối cùng của Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia là Thiếu Tá Nguyễn Văn Thăng (Không Quân), tôi đã ăn ngủ ngay ở trong Ðài Phát Thanh Saigon để ứng trực và điều động các biên tập viên làm công việc trong tình hình có biến động nhanh chóng như vậy. Tôi có trách nhiệm điều khiển một sở khá quan trọng trong ngành truyền thông lúc đó là Sở Thời Sự gồm có bốn phòng: Phòng Phóng Viên, Phòng Bình Luận, Phòng Tin Tức (biên tập), Phòng teletype, Thư viện và Ban Thăm Dò-Trả Lời Thư Thính Giả.

Trước 30/4/1975, chúng tôi mua tin thế giới của các hảng thông tấn AP, UPI, Reuters và AFP. Họ ráp đặt cho chúng tôi những máy viễn-ấn-tự tức teletype và gởi tin cho chúng tôi 24/24. Ngoài ra chúng tôi còn có nguồn tin từ Phòng Kiểm Thính của Ðài, tin mua của Việt Tấn Xã và tin của phóng viên trung ương và các thông tín viên ở các tỉnh gởi về. Sở Thời Sự còn được trao cho trách nhiệm vạch chính sách tin tức và kiểm thính những chương trình thời sự và văn nghệ của từ 8 đến 10 đài phát thanh vùng và địa phương.

Có thể nói đây là cơ quan đầu não trong ngành truyền thông VNCH vì truyền đi những tin tức cùng các chương trình phóng sự, ký sự được truyền đi trong một thời gian nhanh nhất. Kể từ ngày 15-4-1975, nhân viên các Sở, Ban ngành khác trong Ðài đi làm việc đã bắt đầu thưa thớt do một số đang tìm đường để có một chỗ ngồi trên các chuyến bay của cơ quan DAO. Vị Tổng Giám Ðốc của tôi thỉnh thoảng mới ghé qua. Nhìn tới nhìn lui trong đài vẫn chỉ còn các biên tập viên, phóng viên, xướng ngôn viên, producers và những nhân viên điều khiển máy phát thanh là đi làm đều. Họ bình thản một cách đáng ngạc nhiên, tuy đôi lúc họ cũng có bàn tán về chuyện mất còn của Miền Nam Việt Nam.

Big Minh nhận chức vụ vào trưa ngày 28-4 với Phó Tổng Thống là Thương Nghị Sĩ Nguyễn Văn Huyền, Giáo sư Vũ Văn Mẫu, cựu Khoa Trưởng Luật Khoa giữ chức vụ Thủ Tướng. Khoảng 2 giờ trưa ngày 28-4, Lý Quí Chung (mới qua đời tại Việt Nam) điện thoại yêu cầu Hệ Thống Trưởng Hệ Thống Truyền Thanh sang họp tại văn phòng Tổng Cục Trưởng Truyền Thanh và Truyền Hình. Tôi điện thoại về nhà Thiếu Tá Thăng, không có ai bốc điện thoại. Buộc lòng tôi phải đại diện ông sang họp. Buổi họp kéo dài khoảng 15 phút. Chỉ thị duy nhất của ông vắn tắt có bấy nhiêu lời: “Tình hình nghiệm trọng, có nhiều phần trăm chúng ta phải đầu hàng, nhưng nhiệm vụ của truyền thanh và truyền hình là phải túc trực để nhận chỉ thị. Còn nước còn tát”. Sau đó ông Chung ra lệnh phải bỏ tất cả nhạc quân hành, những bản nhạc mà Viết Chung viết cho các đoàn cán bộ Xây Dựng Nông Thôn chúng tôi hay dùng làm nhạc nền, những bản nhạc của Cục Chính Huấn và thay vào đó bằng những nhạc phẩm nói về tình quê hương.

Có thể nói tình thế tuyệt vọng được phản ảnh qua hiện tình của “Tiếng Nói nước Việt Nam Cộng Hòa, phát thanh từ thủ đô Saigon” vào lúc đó. Chúng tôi còn khá đủ biên tập viên, phóng viên, kiểm thính viên và kỹ thuật viên teletype cần thiết để làm việc, nhưng các bộ phận yểm trợ không còn. Tôi cũng còn lại một vài nhân viên kỹ thuật viên lưu động trên đài trung ương. Bộ phận quan trọng nhất về kỹ thuật và đài dự phòng tại Trung tâm phát tuyến Quán Tre ở Quang Trung. Nhưng các phóng viên tại hai mặt trận Long Khánh và Long An thì không còn phương tiện gởi bản tường trình nào nữa kể từ 5 giờ chiều ngày 28/4.

Trước đó, Tổng Thống Dương Văn Minh đích thân gọi điện thoại vào Ðài Phát Thanh. Vẫn giọng hiền lành và dùng chữ “qua” làm ngôi thứ nhất, ông cho biết đã cử tướng LVP làm Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Ðội và yêu cầu tôi ghi một điện văn ngắn để loan báo trước khi văn thư chính thức đến đài được gởi tới Ðài vào sáng hôm sau.

Ghi xong, Big Minh hỏi tên và tuổi, “Em còn trẻ, sao không tìm cách đi đi?”

Tôi trả lời vắn tắt: “Thưa Tổng Thống chẳng còn đường, tôi lại quen biết ít”. Ông lại hỏi tiếp: “Qua thấy tình hình không hy vọng gì. Cụ Huyền đang ở Tân Sơn Nhứt để thương lượng với họ (Cộng Sản), mặt trận Long Khánh tan rồi, họ đưa xe tăng và hỏa tiễn vào sát Saigon. Em liệu giữ được tiếng nói quốc gia trong bao lâu nữa”. Tôi đáp: “Chừng nào tôi còn được bảo vệ, chừng đó làn sóng phát thanh vẫn còn duy trì được tiếng nói quốc gia, thưa Tổng Thống”.

Khoảng 5 giờ 30, lực lượng cảnh sát dã chiến bảo vệ cổng ra vào phía góc Nguyễn Bỉnh Khiêm và Phan Ðình Phùng báo cho tôi biết có sự xuất hiện mấy xe phóng thanh. Họ dùng loa phóng thanh nói chõ vào Ðài và tự xưng là lực lượng thứ ba yêu cầu chúng tôi “về với nhân dân” và để cho họ tiếp thu đài làm phương tiện dàn xếp một giải pháp với “cách mạng”.

Viên đại đội trưởng CSDC giữ an ninh cho Ðài và bảo vệ chúng tôi lúc đó còn rất trẻ, cấp bậc đại úy, người Huế (Năm tháng dài dằng dặc đã làm tôi quên mất tên anh) rất cứng rắn. Anh đề nghị với tôi là cho vài đứa què để chúng tởn. Sau khi hội ý, chúng tôi đồng ý là dùng biện pháp mạnh.

Viên sĩ quan cảnh sát trẻ hành động ngay: đầu tiên anh bắc loa cảnh cáo, sau đó là lựu đạn cay và những tràng đại liên 30 bắn rạp những ngọn cây trên đầu đám biểu tình. Họ chạy tán loạn, bỏ lại mấy chiếc xe. Viên đại đội trưởng CSDC với loa phóng thanh cầm tay nhắc lại nhiều lần: lần tới mà làm như vậy sẽ có người chết. Ðược báo động đại đội nhảy dù án ngữ tại sân Hoa Lư chuẩn bị đối phó với tình hình tương tự. Nhưng rồi suốt đêm đó cho tới sáng 30/4, đám người biểu tình đó “tởn” thật. Tôi nghĩ họ cũng chẳng muốn chết ở giờ thứ 25.

Buổi chiều 28 là buổi chiều có khá nhiều biến chuyển. Khoảng 6 giờ 30 chiều, Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu yêu cầu chúng tôi có mặt tại Ðài Truyền Hình THVN9 ở ngã tư Hồng Thập Tự – Cường Ðể để thu hình và thu thanh lời yêu cầu của ông đòi chính phủ Hoa Kỳ rút hết lực lượng bảo vệ sứ quán Mỹ, các nhân viên và chuyên viên Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ đồng hồ.

Ðó là lần cuối cùng tôi gặp Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu. Từ phòng thu hình ra, ông Mẫu không nói năng gì thêm ngoại trừ trả lời một câu hỏi của tôi về hiện tình. Ông nói thẳng, “Tình hình tuyệt vọng. Họ (những nhà lãnh đạo trước) đã làm nát bấy đất nước trước khi quá muộn để phía bên kia thương lượng với chúng ta. Việc yêu cầu Mỹ rút hết những người Mỹ cuối cùng ra khỏi Việt Nam chỉ để thành phố này không thành biển máu vô ích mà thôi.”

Tôi không nhớ hết những điểm giải thích của Thủ Tướng Mẫu nhưng những điểm chính trong lời lẽ của ông thì không thể nào quên được. Vì Ðài Truyền Hình và Ðài Phát Thanh chỉ cách nhau sân vận động Hoa Lư nên chúng tôi lội bộ về Ðài. Gặp Vũ Thành An vào tăng cường, tôi giao cuốn băng ghi âm cho anh yêu cầu hoàn chỉnh với nhạc hiệu và cho phát thanh cứ 15 phút một lần. Sau khi tắm rửa xong, tôi ghé qua phòng tin tức. Ðủ tám biên tập viên và chủ bút cho ca chiều. Ông H.C đưa tôi một bản tin của AP nói đến việc di chuyển của hàng không mẫu hạm chở trực thăng Midway ra khỏi Vịnh Thái Lan hướng về Việt Nam, tình hình đẫm máu tại Cambodia sau khi Khmer Ðỏ chiếm được Phnom Penh, cái chết của Sirik Matak, những vụ hành quyết và đuổi dân Phnom Pênh ra khỏi thành phố.

Ông HC là một chủ bút rất giỏi và nhạy bén với tình hình. Lúc tôi còn học lớp huấn luyện phóng viên vô tuyến truyền thanh, ông chính là một người thầy tận tụy chỉ dẫn cho chúng tôi cách viết một bản tin, cách chuyển một bản tin từ tiếng Anh qua Việt ngữ, cách phỏng vấn và làm sao khi dự một cuộc họp báo xong chỉ 10 phút sau có một bản tin ngắn. Ông cũng đã từng dẫn chúng tôi tham dự cuộc họp báo của tướng Nguyễn Khánh và làm một mẫu để chúng tôi thấy: vừa nghe vừa khởi sự viết bản tin ngay trong phòng họp báo. Ông nói: “Muốn được như vậy cần có kiến thức thời sự và nắm bắt được điểm chính trong những lời tuyên bố tràng giang đại hải của người chủ trì họp báo”.

Khi tôi vừa xem xong bản tin AP, ông HC nói: “Chắc mất rồi bạn ơi. Nhưng thôi kệ mẹ nó. Hút một điếu thuốc lào không. Tao có trà nóng ngon lắm. Hồi chiều trước khi đi làm, vợ mới mua cho một ít bánh bía nhân hạt sen mới sang chứ”. Ðối với ông, trà và bánh đậu xanh hay bánh bía của người Triều châu là loại sang vì ông rất nghèo, lúc nào tôi cũng thấy ông túng thiếu cả. Chắc quí vị không thể hiểu được là một số biên tập viên vào cỡ đàn anh chúng tôi tại Phòng Biên Tập Ðài Phát Thanh không hút thuốc lá mà hút thuốc lào, bằng điếu bát và thuốc Cái Sắn. Những điếu thuốc lào đầu tiên trong đời tôi không phải bắt đầu từ trại cải tạo sau này mà bắt đầu từ việc gạ gẫm của ông HC khá lâu trước 30-4-1975.

Xuống dưới CLB để ăn một tô mì gói và uống một ly cà phê, tôi gặp tài xế Ðường. Ông nói ngay: “Tối nay không phải phiên trực của tôi, nhưng tôi vào đây ngộ nhỡ ban đêm ông cần dùng công xa”. Tôi hỏi Ðường: “Ông Thăng đâu, ông mang xe vào đây lỡ cần lấy gì cho ông ấy đi?”. Ðường cười: “Có lẽ sếp lớn không cần dùng xe đâu. Hồi hôm ông ấy lái chiếc Fiat của riêng ông ấy và nói tôi mang xe vào đây cho ông. Tôi là người chạy xe bạt mạng nhưng được việc trong trường hợp khẩn cấp”. Tôi nghĩ bụng khẩn cấp vào giờ phút này chỉ có chạy thôi chứ còn làm gì được nữa. Trong câu lạc bộ đầy lính nhảy dù và cảnh sát dã chiến. Họ bình thản hút thuốc và đấu láo, không hề chú ý gì tới chiếc giây thong lọng đang xiết dần vào cổ họ và chúng tôi. Trên tường từ chiếc radio, phát ra một giọng ca rất ngọt của Trần Văn Trạch:

“Chiều mưa biên giới Anh đi về đâu
Sao còn đứng mãi nơi giang đầu”

Tôi không hiểu sao, lúc đó ca khúc này làm cho tôi chùng xuống và nghĩ bài hát hợp với hoàn cảnh của chúng tôi đến thế. Hai tài xế đồng thời là chủ nhân câu lạc bộ thấy tôi vội nói: “Không còn bàn, tôi bưng lên văn phòng cho ông. Bà xã mới nấu một nồi cháo gà. Sao giờ này ông còn ở đây?”. Tôi nói với ông là tôi đứng ở quầy ăn cũng được. Ông Hai hỏi: “Liệu còn hay mất”. Tự nhiên tôi sợ một lời xác định hay phủ định mà chính bản thân tôi cũng không biết rõ.

Nhưng còn hay mất lúc này có là vấn đề gì nữa đâu. Chuyện quan trọng trước mặt là tất cả chúng tôi lính cũng như dân còn ở đây giữa khối người di chuyển, hốt hoảng tìm phương tiện ra đi như một đàn ong vỡ tổ. Chúng tôi cần được lãnh đạo. Tôi gần như bị tê dại giống như lần tôi tường thuật một vụ trực thăng vận tấn công vào mật khu Ðồng Bò (Tuy Hòa) năm 1967. Năm đó, việc đổ quân vẫn còn phải dùng loại trực thăng H-34. Trong đợt đổ quân đầu tiên, các phóng viên Việt Nam duy nhất chỉ có tôi và Bình (năm 1972 chết tại mặt trận An Lộc).

Trước khi các trực thăng chở quân đến mục tiêu, các khẩu 12 ly 8 của địch đã bị các phi tuần AD-6 làm câm họng, nhưng địch vẫn còn bắn ra bằng súng cá nhân. Chiếc trực thăng vừa hạ thấp cao độ và là là trên ngọn cây thì anh chàng xạ thủ của khẩu đại liên 30 trên cửa phi cơ nằm vật xuống, máu tuôn xối xả, đồng thời thấy khói luồn vào than tầu. Tôi gần như không còn biết gì nữa, trong vài giây tôi như bị tê liệt hoàn toàn và ngay sau giây phút nhận thức rằng mình cầm chắc cái chết vì trực thăng bị trúng đạn, tôi bỗng tĩnh trở lại cùng với Bình giúp kéo người xạ thủ đại liên 30 vào trong thân tầu. Nhưng chỉ một phút sau, chiếc H-34 đáp được xuống an toàn, tuy bị shock gẫy bánh đáp, chúng tôi chỉ bị thương nhẹ và được những người lính xuống trước lôi ra khỏi thân tầu. Những sự tê dại toàn thân trước cơn nguy khốn đó thỉnh thoảng trở lại trong suốt đêm 28, ngày 29/4 và sáng 30/4.

Suốt đêm 28/4, tôi chỉ di chuyển giữa phòng tin tức và văn phòng tôi để nhận những bản tin mới nhất của các hãng thông tấn ngoại quốc, và dường như tôi chỉ thiếp đi nửa giờ. Lý Quí Chung chắc cũng không ngủ được nên ông ta liên tiếp gọi cho tôi. Ông còn than phiền là không tiếp xúc được cho Hệ Thống Trưởng của tôi lúc đó là Thiếu Tá Nguyễn Văn Thăng, người thay thế Thiếu Tá Phạm Bá Cát từ chức và xin trở lại quân đội từ Tháng Giêng 1975. LTT, Trưởng Khối Thời Sự và Chương Trình là một phóng viên đồng khóa với tôi còn rất trẻ cũng đã tìm đường thoát thân.

Sáng ngày 28/4, tài xế Hai ra khỏi đài để mua thực phẩm cho CLB đã nhận ra chiếc Toyota của chính phủ cấp cho anh vất ở trước tiệm phở Trần Cao Vân. Ở cấp chánh sự vụ, duy nhất chỉ còn có tôi, vài trưởng phòng và một số nhân viên. Ngày 27-4, tôi đã cho phép các nhân viên hành chánh trở về nhà lo gia đình ngoại trừ ông phát ngân viên, vì ông giữ chìa khóa Quĩ Xã Hội của Ðài. Lúc đó, không ai còn trông chờ gì vào lương Tháng Tư. Chúng tôi cần dùng tiền quĩ xã hội để chi phí cho những việc khẩn cấp.

Các phóng viên thường xuyên có mặt trong Ðài lúc bấy giờ là Lê Phú Bổn, Yến Tuyết, Trần Nhật Cự, Phạm Mạnh Ðức và Phụ Tá Trưởng Khối Thời Sự Chương Trình Vũ Thành An. Các biên tập viên tin tức mỗi ca vẫn đầy đủ. Kỹ thuật viên, xướng ngôn viên, kiểm thính viên và nhân viên phòng viễn ấn tự, vẫn cắt người đủ để cho bộ não của ngành thông tin tuyên truyền VNCH lúc đó không bị tê liệt.

Hai ngày cuối cùng của chế độ, tất cả những chính sách tin tức và tuyên vận của VNCH gần hầu như tan hoang. Chúng tôi không biết bám víu vào đâu “để được chỉ huy”. Chưa bao giờ trong cuộc đời làm việc, chúng tôi cần sự chỉ huy đến thế. Nhưng rồi cuối cùng chúng tôi đành chỉ huy lẫn nhau mà thôi.

Tôi áp dụng phương án khẩn cấp: loại bỏ tất cả những tin nào có thể gây hoang mang trong dân chúng khiến họ đổ vào Sứ quán Mỹ trên đường Thống Nhất và sân golf gần Tổng y viện Cộng Hòa vì những vụ đạp lên nhau và những vụ người di tản cố gắng trèo lên tường Sứ quán để tìm cách lọt vào trong bị TQLC Hoa Kỳ đánh trọng thương đã xảy ra. Trong những ngày cuối cùng, phải nói rằng các hãng thông tấn AP, UPI. Reuters làm việc rất hữu hiệu. Những bản tin chính họ phát đi giúp chúng tôi nhận ra ngay chiều hướng của tình thế: kế hoạch dùng các trung đoàn TQLC bảo vệ hành lang Saigon Vũng Tầu để di tản những nhân viên cao cấp của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa mà tính mệnh sẽ nguy hiểm nếu lọt vào tay Cộng Sản không thể nào thực hiện được sau khi có lời tuyên bố của Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu đòi Hoa Thịnh Ðốn rút toàn bộ nhân viên Mỹ ra khỏi Việt Nam.

Một ngày sau khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, chúng tôi đã được ghi tên vào một danh sách di tản nhưng lại được nói trớ đi rằng “danh sách để được tầu Singapore của chính phủ Lý Quang Diệu chở sang căn cứ Subic ở Phi Luật Tân”. Khoảng chín giờ tối 28, Chủ bút H.C đưa tôi bản phân tích của hãng thông tấn AP và nói: “Bọn Mỹ có thể sẽ phải áp dụng kế hoạch di tản khẩn cấp nhân viên Mỹ bằng trực thăng vào ngày mai ra tầu Midway lúc đó đậu cách Vũng Tầu có 40 hải lý và hai hàng không mẫu hạm và các khu trục hạm của Ðệ Thất Hạm Ðội cũng đang tiến sát Vũng Tầu”. Ông còn cho tôi xem một bản tin khác nói đến việc mất tuyến Long Khánh và Bộ Chỉ Huy của Tướng Lê Minh Ðảo rút về tới Biên Hòa. Bản tin cũng còn nói Sư Ðoàn 18 là sư đoàn duy nhất của VNCH còn chống trả khá mãnh liệt trên đường rút.

Văn phòng trưởng của hãng thông tấn AP lúc đó là George Esper cũng gởi trên máy một bản tin rất dài về việc rút lui có trật tự của Liên Ðoàn 81 Biệt Kích và các Sinh Viên Sĩ Quan các khóa cuối cùng của trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt. Ông hỏi tôi: “Loan chứ?”. Tôi nói: “Có gì mà không loan nhưng sẽ phải viết rất khéo, tránh gây xúc động cho gia đình những đơn vị nào chưa biết số phận chồng con họ ra sao”. Vị chủ bút đầy kinh nghiệm này cười và nói: “Ðược cậu khỏi lo, đó là nghề của tao”.

Sở dĩ tôi nhắc lại chi tiết này để cho thấy rằng cho tới giờ phút hấp hối của chế độ, Ðài Phát Thanh Saigon vẫn là tiếng nói Việt Nam Cộng Hòa, tuy có người bỏ chạy nhưng không phải là tất cả. Những người được giao phó làm công việc chuyên môn của mình vẫn làm việc với một thái độ bình tĩnh và sáng suốt, chứ không phải là đã tan hoang như Văn Tiến Dũng viết trong cuốn “Ðại Thắng Mùa Xuân”, một cuốn sách viết hết sức cẩu thả và dựng đứng nhiều chi tiết.

Khoảng 4 giờ sáng ngày 29/4 vừa mới chợp mắt một chút. Người thư ký trực với tôi, anh Bào báo cho biết có điện thoại của Tổng Thống Dương Văn Minh trong văn phòng Hệ Thống Trưởng, tôi chạy vào. Bên đầu dây bên kia tiếng Big Minh:

– Qua là Minh đây. Trong Ðài ai là người cao cấp nhất vào lúc này?

– Thưa Tổng Thống, không có ai ngoại trừ tôi, một số phóng viên, biện tập viên và nhân viên kỹ thuật.

Qua hỏi để là hỏi thôi, giờ này họ bỏ đi hết rồi. Có tin tức gì mới liên quan đến Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ không trên những bản tin viễn ấn?

Tôi đáp không, ngoại trừ một bản tin rất ngắn của hãng thông tấn UPI cho biết mọi liên lạc giữa Tòa Ðại Sứ Mỹ và chính phủ Vũ Văn Mẫu bị cắt đứt. Hãng thông tấn AFP thì nói đến vai trò trung gian cuối cùng của Ðại Sứ Pháp Merillon và cựu tướng Vanuxem để tránh cho Saigon một cuộc đổ máu. Cộng quân đã kéo hỏa tiễn SAM vào tới Tân Uyên và sẵn sàng mở cuộc tấn công.

Tôi đặt một vài câu hỏi liên quan đến khả năng tử thủ của những tướng lãnh dưới vùng Ðồng Bằng Sông Cửu Long. Tổng Thống Minh chỉ nói: “Khả năng thì có đấy, nhưng giữ được trong bao lâu và sẽ chết bao nhiêu người.” Sau đó ông nhờ tôi chuyển lời cám ơn đến tất cả anh em trong Ðài đã cố gắng làm việc với ông trong giờ phút nghiêm trọng này.

Sáng 29/4, tôi vào phòng Hệ Thống Trưởng để tắm sau khi phòng vệ sinh cho nhân viên dưới lầu không có người bảo trì và quét dọn đã bị nghẹt. Nước lạnh làm giúp tôi tỉnh táo. Bước ra lan can, hút một điều thuốc lá. Cây hoa sứ ở phần tường ngăn tiếp giáp với đài cũ bị sập từ Tết Mậu Thân nở những bông đỏ chói cùng với những cơn mưa hè bắt đầu. Ðối diện với tôi là phòng phát thanh. Kiểm soát viên phát thanh Hoài An cũng thò đầu ra cửa cười toe toét: “Ê sao không về thăm nhà, tôi thấy ông ở đây hoài”. “Còn ông, sao không về?”. Tôi hỏi lại ông. Hoài An là một nhạc sĩ, nhưng ông lại làm kiểm soát viên phát thanh của phòng sản xuất và là một trong những thành viên cựu trào của hệ thống truyền thanh quốc gia. Hoài An hỏi:

– Ê, ngoài cái tớ biết rồi, còn tin gì cậu biết mà tớ đếch biết không. Nghe nói bọn nó pháo kích vào Tân Sơn Nhất dữ lắm, mẹ kiếp, coi chừng đây cũng lãnh quả. Ê này, sang đây tôi nói cho cậu cái này hay lắm.

Tôi xuống lầu để sang phòng phát thanh dù thừa biết cái hay lắm của Hoài An chỉ là chuyện bói toán, tử vi. Hoài An rất thích tử vi. Tuấn “râu” tức xướng ngôn viên Anh Tuấn xách túi “hồ lô” đựng quần áo ngủ trực đêm gặp tôi ở giữa cầu thang dẫn lên phòng phát thanh. Ông nói: “Tôi về xem nhà có gì không, rồi quay lại với cậu”. Tôi bắt tay ông rất chặt. Anh Tuấn là một kịch sĩ chuyên đóng những vai “độc”. Nếu ông thủ vai một tên đểu giả thì có thể khiến khán giả ở dưới ném cà chua vào ông. Tuy nhiên, cuộc sống ngoài sân khấu là một cuộc sống nghiêm túc và một xướng ngôn viên đóng góp khá nhiều vào việc hướng dẫn những xướng ngôn viên lớp sau, tuy rằng đôi khi cách nói năng của ông rất khinh bạc.

Trên phòng phát thanh, có mặt đủ cả: chị Ngọc Sương, nữ xướng ngôn viên đàn chị từ trước khi tôi mới thi đậu vào khóa phóng viên và đang trong thời gian huấn luyện năm 1964, các chị Minh Tần, Song Hạnh (cũng là một diễn viên kịch truyền thanh), nam xướng ngôn viên Hồng Phúc (một kịch sĩ và diễn viên kịch truyền thanh) và Dạ Lan. Họ đùa giỡn như thường ngày và chuẩn bị thay ca vào 8 giờ sáng. Là những xướng ngôn viên, họ thừa biết tình hình nghiêm trọng như thế nào qua những bản tin mà họ phải đọc, nhưng dường như không ai tìm cách lo toan một chỗ ngồi trên những chuyến bay C-141 cất cánh từ Tân Sơn Nhất.

Tại sao vậy? Cho đến mãi sau này tôi vẫn chưa có dịp hỏi họ xem điều gì đã khiến họ bình thản trước những sự đổi thay chính trị và quân sự mạnh mẽ đến như thế, hay họ coi biến cố chính trị nào thì cũng giống những cuộc đảo chánh mà mình đã trải qua. Trong thời gian huấn luyện và làm phóng viên tập sự năm 1964, tôi cũng đã từng chứng kiến cuộc đảo chánh do tướng Lâm Văn Phát và Dương Văn Ðức cùng một số tướng lãnh khác.

Một số sĩ quan đánh chiếm đài phát thanh Quốc gia hùng hổ, súng lục cầm tay lên đạn nghe răng rắc, la hét lùa tất cả các nhân viên nhốt vào phòng tin tức. Nhiều nhân viên bị tát tai oan uổng, đến khi lực lượng Nhảy Dù đến giải tỏa, những sĩ quan binh lính thuộc phe đảo chánh bị còng tay đưa lên xe bít bùng trước mặt những người mới vài giờ trước bị họ đánh đập, mặt ông nào cũng cúi gầm. May cho tuổi trẻ của chúng tôi, cảnh chán chường này không còn được lập lại sau cuộc đảo chánh ngắn ngủi đó nữa. Vào những giờ phút cuối cùng của VNCH, tôi thường tự hỏi: không biết có phải những chính biến ấy có phải đã góp gió thành bão biến cố Tháng Tư này không?

Trong suốt buổi sáng 29/4, kho dự trữ của USAID tại Newport bị dân hôi của tràn vào phá vỡ. Họ chở hàng xe vận tải, thịt hộp, sữa bột, các loại thực phẩm khô và thuốc lá, máy truyền hình, radio, máy cassette đem bán dọc theo đường Ðinh Tiên Hoàng, Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Khoảng 10 giờ, tôi nhận được lệnh của Bộ Trưởng Thông Tin Lý Quí Chung là sắp xếp để giảm nhân số trong đài, chỉ giữ lại một số rất ít nhân viên thật cần thiết thôi. Khoảng 11 giờ, một phóng viên chót của Ðài phải rút chạy theo sư đoàn 18 về đến Ðài. Anh cho biết rằng Bộ Chỉ Huy của Sư Ðoàn này đã về đến nhà máy xi măng Hà Tiên và đang củng cố các tuyến phòng thủ mới (Hải trước là quản đốc Ðài Ban Mê Thuột. Sau khi Ban Mê Thuột mất, tưởng anh đã bị Việt Cộng bắt làm tù binh, nhưng thực ra anh trốn được theo dân di tản. Tháng Ba, Hải đã về trình diện và tôi tạm sắp xếp cho anh công việc của một phóng viên. Trung tuần tháng Tư, Hải xin vào mặt trận Long Khánh của Sư Ðoàn 18 cùng với một số phóng viên khác).

Khoảng 2 giờ trưa 29/4, văn phòng Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu điện thoại cho biết Hoa Kỳ đã bắt đầu chiến dịch di tản những TQLC và nhân viên cuối cùng của Mỹ ra khỏi Việt Nam và yêu cầu tôi phối kiểm trên các bản tin viễn ấn. Vừa buông điện thoại, quay ra ngoài hành lang để xuống phòng viễn ấn tự thì trên không phận Saigon bốn chiếc Phantom F-4, loại chiến đấu cơ tối tân nhất của Hải Quân Hoa Kỳ đã gầm thét và bay khá thấp với tốc độc nhanh. Một vài chiếc còn vượt bức tường âm thanh gây ra những tiếng nổ lớn làm rung chuyển cửa kính trong các phòng của Ðài. Rồi các trực thăng CH-53, Chinook, UH-1B xuất hiện như những con chuồn chuồn khổng lồ. Ðầu tiên họ hạ thấp cao độ từ phía cầu xa lộ và đài phát thanh Saigon để đậu xuống sân trực thăng trên nóc Sứ Quán Hoa Kỳ. Nhưng không hiểu sao đó, họ đổi hướng hạ thấp cao độ từ phía Dinh Ðộc Lập để vào Sứ Quán và từ từ nâng cao độ ngay ở trên mái nhà của Ðài Phát Thanh Saigon.

Tôi gọi điện thoại cho ông Chung để báo là các bản tin của bốn hãng thông tấn mà Ðài mua đã xác nhận cuộc di tản bắt đầu. Ông ra lệnh cho tôi là bỏ tất cả những hiệu triệu nào “có tính chất súng đạn” đi, kể cả lời kêu gọi của Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu, phát nhạc “hòa bình” và làm những tin liên quan đến việc di tản. Bộ Trưởng Thông Tin Lý Quí Chung còn yêu cầu Ðài Phát Thanh Saigon viết một bản phân tích “hàm ý cho thấy Mỹ đã bỏ rơi VNCH, khuyến cáo dân chúng không nên hoảng loạn, chính phủ sẽ dàn xếp để Saigon tránh khỏi biển máu”.

Ðây là một bản phân tích khó khăn nhất trong lịch sử của Ðài Phát Thanh Quốc Gia dựa trên lời hiệu triệu của Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Huyền, người đã đại diện cho Tổng Thống Dương Văn Minh chống gậy vào căn cứ David để thương lượng với trưởng đoàn Cộng Sản trong Ban Liên Hợp Quân Sự 2 bên lúc đó là Hoàng Anh Tuấn từ chiều 28/4 (tôi sẽ đề cập đến chi tiết này trong bài viết khác vì tôi là người tiếp chuyện cụ Huyền khi cụ đến Ðài đọc bản hiệu triệu trấn an dân chúng). Khó khăn vì chưa ai viết phân tích mà chỉ để trấn an chứ không đưa ra được một luận điểm nào khác.

Khoảng 5 giờ chiều ngày 29/4, nhân viên Phủ Tổng Thống đưa đến Ðài bản thông cáo của văn phòng Tổng Thống Dương Văn Minh kêu gọi quân đội cảnh sát bình tĩnh và tuyệt đối tránh những hành động nổ súng vào máy bay của đồng minh, nhất là tránh những hành động có thể gây hiểu lầm hay gây thiệt hại cho dân chúng trong cơn hoảng loạn. Khoảng 7 giờ tối dường như các chuyến trực thăng di tản được tăng cường. Xuống phòng Tin Tức, tôi yêu cầu Chủ Bút ca đêm (bắt đầu từ 8 giờ tối) chỉ nên để lại chủ bút và hai biên tập viên. Nhưng họ cứ bịn rịn mãi cho tới giờ giới nghiêm không về nhà được và đến 8 giờ sáng hôm sau mới dần dần ra khỏi Ðài. Sau đó, có vài người lại quay trở lại với tôi.

Quá mệt mỏi, nên tôi ăn qua loa chút đỉnh ở dưới CLB rồi lên phòng dọn dẹp những hình cảnh cá nhân cho vào một cái túi. Tôi đứng ngắm bức hình chụp đứng cùng với tướng Vũ Văn Giai tại một đồi cát thuộc quận Hải Lăng, Quảng Trị vào năm 1969. Tôi không còn nhớ một sĩ quan nào đó trong Phòng Tâm Lý Chiến của Sư Ðoàn 3 chụp và phóng lớn tặng tôi vào kịp kỷ niệm ngày thành lập sư đoàn.

Gần 36 năm qua rồi, ký ức đã mờ phai nhiều chuyện, nhưng tôi vẫn nhớ đến giây phút cuối cùng của tôi tại phòng làm việc mang đầy kỷ niệm ấy. Tôi thích bức hình, và ngắm nó mãi bởi vì chiếc nón sắt mà tôi đội bị thủng một lỗ ngang thái dương, chiếc quần trận bị rách toạc ngay đầu gối chân trái. Chiếc nón sắt ấy là của một người lính đã tử trận, văng ra trên bờ một giao thông hào ở Ðông Hà. Mưa nắng đã làm chiếc nón hơi bị sét. Ðầu năm ấy, khi di chuyển cùng với một đơn vị của Sư Ðoàn 3 trong cuộc hành quân ở Ðông Hà, tôi đã nhặt được chiếc nón sắt ấy và dùng nó cho đến năm 1972 là năm mà tôi đã không còn rong ruổi để tường thuật từ mặt trận nữa.

Hình chụp đẹp và đầy tính nghệ thuật. Tháo bức hình ra khỏi khung và cuốn lại, tôi tính sẽ nhờ tài xế Ðường đưa về nhà sáng hôm sau, rồi góp mấy bản thảo các scripts phóng sự chiến trường mà tôi thích nhất, các bức hình tôi chụp tại San Clemente và Hoa Thịnh Ðốn cùng với các phóng viên Nguyễn Mạnh Tiến và Lê Thái Tuế trong chuyến tháp tùng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đi xin viện trợ lần cuối cùng Tháng Tư năm 1973… cho tất cả vào trong một chiếc ba lô mà tôi đã mang theo đi các mặt trận suốt 5 năm. Sau đó, ngả lưng trên chiếc ghế bố trong góc phòng làm việc, tôi chìm dần vào giấc ngủ dù tiếng động cơ trực thăng vẫn ầm ầm suốt đêm trên đầu.

Người thư ký trực đánh thức tôi dậy vào quãng 7 giờ sáng. Ánh ban mai lọt qua khung cửa mở rộng khiến cho căn phòng tràn ngập bình minh. Tôi hỏi: “Có chuyện gì không?”. Anh đáp: “Êm ả quá, chúng ngưng pháo kích Tân Sơn Nhất rồi, không biết có chuyện gì đây. Ông xuống căng tin uống cà phê cho tỉnh. Phóng viên Lê Phú Bổn chờ ông dưới đó”. Bổn vừa gặp tôi đã nói: “Tiêu rồi anh, bọn nó về tới Hốc Môn và Phú Lâm”. Tôi hỏi: “Cậu lấy tin ở đâu?”. Bổn đáp “Ngoài phố họ đang nhao lên. Trên đường từ nhà tới đây, em thấy dân chúng ở ngoại ô bắt đầu tản cư vào Saigon. Bây giờ tính sao?”

Tôi giở “bựa”: “Tính mẹ gì nữa. Ngồi chờ cho nó siết cổ thôi.” Bổn lại hỏi: “Họ chạy hết sao anh còn ở đây?” Tôi nói, “Vì những người còn ở lại đây, thế thôi.”

Cuộc di tản của Mỹ chấm dứt vào lúc tôi đang ngủ. Vũ Thành An bước vào CLB đã vội loan báo: “Xong hồ sơ rồi ông ơi”. An không hút thuốc lá, nhưng hôm ấy anh phì phèo điếu thuốc. Tôi nói đùa với anh: “Chẳng qua cũng là bài không tên cuối cùng thôi”. Chúng tôi uống cà phê, ăn mì gói, hút thuốc đến khoảng 9 giờ 30 (sáng 30-4) vừa định vào phòng tin tức thì thư ký trực hốt hoảng chạy từ trên lầu xuống: “Ông ơi, văn phòng Tổng Thống điện thoại xin cử người sang thâu băng hiệu triệu”. Vừa lúc ấy nữ phóng viên Yến Tuyết vào đài. Cô đòi đi theo kỹ thuật viên sang thu thanh nhưng tôi không cho. Tôi chỉ định Lê Phú Bổn và một kỹ thuật viên là anh Hồ Ổn sang Phủ Thủ Tướng, số 7 đường Thống Nhất, Tổng Thống Dương Văn Minh và Nội Các chờ họ ở đó.

Bổn thu thanh và mang vào Ðài vài phút trước 10 giờ sáng và chuyển lệnh của Tổng Thống: “Ðầu hàng rồi. Anh cho phát ngay, không cần hoàn chỉnh”. Tôi đưa cuốn băng cho Vũ Thành An. Nội dung cuốn băng chỉ dài chưa đầy 5 phút, trong đó Tổng Thống Dương Văn Minh kêu gọi quân nhân, cảnh sát và các lực lượng bán quân sự “giữ vị trí, buông súng để bàn giao chính quyền trong vòng trật tự”. Bản hiệu triệu này do chính Tổng Thống Dương Văn Minh đọc theo một script do chính ông viết trên một mảnh giấy nhỏ.

Nhưng cuốn băng chỉ phát được một lần vào lúc 10 giờ 15 phút sáng 30-4-1975. Lê Phú Bổn vừa ra khỏi đài thì Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Ðội, vị Tổng Tham Mưu Trưởng thứ ba trong vòng hơn 1 ngày rưỡi từ phủ Thủ Tướng sang Ðài Phát Thanh sau khi đã ghé qua Ðài Truyền Hình. Tôi đón ông ở cổng. Tướng Hạnh nói ông sang tiếp nhận Ðài để trao cho phía “cách mạng”.

Còn đang nói chuyện với tướng Hạnh thì một đoàn xe trờ tới. Khi chiếc Mercedes đen ngừng lại ở cổng ngoài, tôi thấy một người mặc quân phục tác chiến mầu cỏ úa của bộ đội CS, súng lục cầm trong tay, tiếp theo là Tổng Thống Dương Văn Minh, và một người khác cũng mặc quân phục mầu cỏ úa, cũng súng lục cầm tay. Tổng Thống Dương Văn Minh đi giữa hai người này, phía sau có nhiều cán binh mang AK-47. Rồi đến những chiếc xe jeep lùn khác của quân đội VNCH cũng đến đậu trước Ðài phát thanh.

Từ trên xe bước xuống là một đám thanh niên, thiếu nữ, trang phục dân sự nhưng trên tay phải của mỗi người đều có đeo băng đỏ. Tôi nhận ra ngay Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm, Cao Thị Quế Hương, Nguyễn Hữu Thái, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, và Hà Huy Ðỉnh thì cầm chiếc máy quay phim, ký giả Mỹ Don Luce, một phóng viên đeo thẻ của Ðài BBC và một người của hãng thông tấn AP, dường như là George Asper (lâu quá, không chắc chắn lắm), và hai thu hình viên của phía Cộng Sản.

Ông Hạnh yêu cầu tôi lên phòng phát thanh trước (họ vẫn sợ có thể bị phục kích?) Lên tới phòng phát thanh, Tướng Hạnh yêu cầu mở cửa phòng vi âm lúc đó đang đóng vì không phải là giờ đọc tin. Viên sĩ quan đi bên cạnh Tổng Thống Dương Văn Minh lớn tiếng yêu cầu mọi người bình tĩnh, không được kháng cự vì kháng cự cũng vô ích. Ông ta nói: “Tổng Thống của các ông đã bị bắt”, và quay lại đẩy Big Minh vào phòng vi âm và nói: “Các anh thua rồi, phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chứ còn gì nữa mà bàn giao” (*). Cuốn băng thứ hai mà dân chúng miền Nam được nghe từ 11 giờ ngày 30/4/1975 trở đi chỉ khác cuốn băng đâu tiên ở điểm “đầu hàng vô điều kiện” thay vì “bàn giao chính quyền trong vòng trật tự”.

Sau đó tôi hỏi tướng Hạnh: “Tôi có thể ra khỏi đài được chứ?”. Ông Hạnh nói: “Anh hãy về nhà ngồi đợi lệnh của Ủy Ban Quân Quản”. Tôi bước xuống cầu thang thì phóng viên Yến Tuyết từ phòng làm việc chạy ra. Vừa ra đến cổng thì thấy xe của Thiếu Tá Nguyễn Văn Thăng do tài xế Ðường lái chạy vào. Trên xe có cả vợ ông Thăng, chắc họ không kiếm được chỗ đi. Ông Thăng còn mặc bộ đồ bốn túi bằng vải ka-khi vàng. Tôi nói: “Họ đầy ra ở trên đó, Thiếu tá còn vào đây làm gì, quay xe ra ngay đi”. Ðường thấy vậy mở cửa xe và đẩy vội tôi và Yến Tuyết lên, vọt nhanh ra khỏi cổng.

Ra đến đường Hồng Thập Tự, Ðường quay lại hỏi: “Ði đâu ông?”. Tôi lắc đầu và không nói gì nữa, vì “phim” đã cháy thực sự.

© Vũ Ánh

Thân mời đọc thêm @ Hội ái hữu Quốc Gia Hành Chánh VNCH

Các bài viết cùng tác giả hay cùng chủ đề (NnQ sưu tầm).

(*) 30/04/1975: Dinh Độc Lập và cuộc chuyển giao không ký văn bản (Phạm Cao Phong, “Lẽ ra VNDCCH đã sở hữu đầy đủ giấy tờ chuyển giao quyền lực, quyền tài phán, quan hệ ngoại giao với 77 quốc gia, quyền kế thừa VNCH về phương diện quốc tế thì họ có quyền đòi lại những máy bay, tầu thuyền sở hữu của VNCH chạy đi sau biến cố 30/4/1975. Những sở hữu, bất động sản kể cả những tài khoản ký gửi tại các ngân hàng ngoài nước đã tuột khỏi tay người chiến thắng vì họ không mang vũ khí pháp luật trong cuộc hành quân. Họ đã ngạo mạn không chịu ký bàn giao VNCH với Tướng Minh ngày ấy!”)

30 tháng 4, 75 và cụ Nguyễn Văn Huyền (Vũ Ánh)

Thung lũng tử thần P1. (Vũ Ánh)

Vài suy nghĩ về “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức (Vũ Ánh).

Mar24.8

Bắn chậm thì chết

Kỷ niệm Ngày Cựu Chiến Binh Chiến Tranh Việt Nam (National Vietnam War Veterans Day ngày 29/3 – Viết phỏng theo bài báo NBC News, 25/5/2008)…

© Lê Hữu

Nguồn: © Diễn Đàn Thế Kỷ. (04/2024)

Fastestgunposter

The Fastest Gun Alive (movie poster). © DDTK

Bắn Chậm Thì Chết là tên một cuốn phim cao bồi Mỹ (The Fastest Gun Alive) trình chiếu tại các rạp chiếu bóng ở miền Nam trước năm 1975. Vai chính trong phim là Glenn Ford, diễn viên điện ảnh quen thuộc với khán giả yêu thích phim cao bồi miền Viễn Tây. Chuyện phim kể về một tay súng cừ khôi đã quyết định giải nghệ để sống cuộc đời bình dị bên vợ hiền con thơ trong ngôi làng nhỏ. Thế nhưng, cuộc đời không bình lặng như anh mong muốn. Một ngày kia, tên đầu sỏ khét tiếng của băng cướp dữ dằn quyết tìm đến anh để thách đấu tay đôi, một mất một còn. Kẻ sống sót là kẻ rút súng nhanh hơn đối thủ. Nếu anh không nhận lời thách đấu, hắn sẽ cho đốt phá, thiêu hủy cả ngôi làng. Câu chuyện gay cấn, ly kỳ đến phút chót.

Đấy là chuyện phim, còn câu chuyện Bắn Chậm Thì Chết bên dưới là chuyện “người thật, việc thật” thời chiến tranh Việt Nam. Điểm hơi khác, hai đấu thủ đều không giỏi nghề bắn súng, không rút súng nhanh như chớp như câu chuyện trong phim. Ngược lại, trong giây phút căng thẳng đến nghẹt thở ấy cả hai đều… lọng cà lọng cọng, rút súng chậm rì…

Đọc tiếp…

Nhân vật chính trong câu chuyện là chàng lính Mỹ trẻ tuổi tham chiến ở Việt Nam, tên Rick. Đối thủ của anh là một người lính Bắc Việt, tên Ngọc. Rick không phải là tay súng lành nghề, anh chỉ mới 18 tuổi khi sang chiến đấu ở Việt Nam. Anh sống sót chỉ nhờ vận may, hay không bằng hên. Anh đã chậm mà ngón tay bấm cò súng của đối thủ lại còn chậm hơn anh.

Chuyện xảy ra giữa năm 1967, vào một ngày hè thật nóng bức trong một cánh rừng ở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Chàng lính trẻ Rick thuộc Đại đội A, Tiểu đoàn 2, Sư đoàn Kỵ Binh Bay 101, vừa mới ra trường đã được thả vào thử sức tại chiến trường Việt Nam.

Sau một trận đụng độ nhỏ, Rick và các bạn chạy tản ra. Anh vừa chạy vừa lăm lăm khẩu M16 trên tay. Một lát, Rick ngồi thụp xuống dưới một gốc cây lớn, đảo mắt nhìn quanh, nghe ngóng. Anh không nghe động tĩnh gì, cũng không thấy bóng đồng đội nào, chỉ thấy quanh mình rừng cây rậm rạp. “Không khéo mình bị lạc mất,” Rick nghĩ. Anh ghìm chặt tay súng, thận trọng dò dẫm từng bước qua những bụi cây cao quá đầu người. Bỗng, trong cái im ắng rờn rợn ấy anh nghe những tiếng động khe khẽ, xào xạc. Rick giật mình, hướng mũi súng về phía phát ra tiếng động. Anh trông thấy những cành lá lay động, một cái gì đó động đậy.

Khom người xuống nhìn cho rõ hơn, Rick bỗng lạnh toát cả người. Chỉ cách anh vài mét, xuyên qua những cành lá, hai con mắt mở lớn đang nhìn xoáy vào anh, trừng trừng. Căng mắt ra nhìn kỹ, anh thấy thấp thoáng một khuôn mặt, một chiếc nón cối, một mầu áo cỏ úa, một thân người ngồi tựa gốc cây, khẩu AK trên tay. Trong khoảnh khắc, toàn thân Rick như bị tê cứng. Khẩu súng vẫn nắm chặt trong tay nhưng anh không biết phải làm gì. Mặt đối mặt, bốn mắt nhìn nhau chằm chằm. Nhác thấy tay cầm súng của người lính cử động, Rick như bừng tỉnh, anh siết mạnh cò súng. Loạt đạn nổ giòn. Rick nhìn thấy một thân người bật ngửa ra sau. Rồi anh nghe những loạt đạn nổ tiếp theo, tiếng chân người chạy rầm rập về phía mình lẫn tiếng la hét của đồng đội.

“Rick, Rick, cậu ở đâu?”

“Tôi đây, tôi ở đây.” Rick kêu lớn.

Rất nhanh, đồng đội chạy xộc đến chỗ anh. Tiếng súng nổ chát chúa, tiếng cành lá rớt rụng. Tất cả nhoài người xuống.

“Nằm xuống! Đồ ngốc.” Người nào đó xô Rick ngã sấp.

Lính Mỹ đâu lưng vào nhau, chĩa súng bắn vãi đạn ra chung quanh. Tiếng súng đối phương thưa dần, rồi im bặt.

Cả bọn cúi nhìn xác người lính Bắc Việt nằm ngửa, mắt trợn trừng. Jack, anh chàng vui tính, giơ ngón tay cái lên, dứ dứ về phía Rick.

“Tuyệt lắm!”

Ai đó cúi nhặt khẩu AK-47, lật nghiêng cái xác, lục lọi các túi quần áo. Một chiếc ví sờn cũ, ít giấy tờ nhàu nát bên trong, không có gì đáng giá. Một mẩu giấy nhỏ rơi xuống, Jack nhặt lên. Một tấm ảnh. Anh chàng liếc sơ qua, đưa cho Rick.

“Cậu quen người này chứ? Giữ làm kỷ niệm đi.”

Rick vẫn như kẻ mất hồn, anh nhìn kỹ tấm ảnh nhỏ, chỉ cỡ 1.5” x 2”. Ảnh chụp người lính bộ đội mặc quân phục và một đứa bé gái. Anh nhìn khuôn mặt người lính trong ảnh, nhìn khuôn mặt xác chết, rồi lại nhìn tấm ảnh. Đúng là người nằm chết dưới chân anh, dưới họng súng của anh. Đứa bé ấy là con anh ta? Không có thì giờ nghĩ ngợi nhiều, Rick nhét vội tấm ảnh vào túi áo, vội vã theo chân đồng đội thoát ra khỏi nơi ấy.

Dần dà Rick học cách làm quen với chiến trận sau ít lần đụng trận. Anh bị thương vài lần nhưng không nguy hiểm đến tánh mạng. Cho đến một hôm đơn vị của Rick bị phục kích, anh xông ra cứu một đồng đội ngã gục thì bị trúng đạn vào lưng, suýt chết. Vết thương mang anh về lại quê nhà.

Tấm ảnh, Rick vẫn cất giữ trong ví, cũng theo anh về Mỹ. Rick cắp sách đi học lại. Việc tình nguyện nhập ngũ giúp anh được hưởng những đặc quyền để theo đuổi việc học hành đến nơi đến chốn. Ít năm sau khi hoàn tất chương trình đại học, anh lập gia đình với Carol, cô bạn học xinh đẹp quen biết nhau từ thời trung học.

Rick có một việc làm ổn định ở Sở Cựu chiến binh Rochester, Illinois. Hai vợ chồng đã có những năm hạnh phúc bên hai đứa con gái xinh xắn. Cuộc sống bình lặng, êm đềm. Có lúc Rick tưởng đã quên đi tấm ảnh anh mang về từ Việt Nam, nhưng không hẳn. Đến lúc Amy, con gái đầu lòng của anh lên 5 tuổi, cứ mỗi lần nhìn ngắm đứa con trong vòng tay yêu thương của hai vợ chồng, anh lại nhớ tới đứa bé trạc tuổi con mình trong tấm ảnh ấy. Tim anh thắt lại.

Thỉnh thoảng Rick lấy tấm ảnh ra xem. Anh ngồi thừ người một lúc lâu, nghĩ ngợi lan man. Tấm ảnh toát lên một vẻ lành lạnh, buồn buồn. Rick không đoán được tuổi người lính, nhưng nếu đứa bé là con anh ta thì Rick hẳn kém anh vài tuổi. Người lính tóc hớt cao, khuôn mặt xương xương, trông hơi gầy ốm. Rick không đọc được cấp bậc trên cổ áo anh ta. Đứa bé trắng trẻo, mặc áo trắng, hai đuôi tóc thắt bím thả trước ngực, tựa vào một bên vai ông bố. Hai bố con đều nhìn thẳng vào máy ảnh, đều không có nụ cười nào trên môi. Tấm ảnh có lẽ được chụp trước khi người bố từ biệt gia đình, lên đường vào Nam chiến đấu, rồi không bao giờ về lại nữa.

Fastestgunposter

Tấm ảnh hai bố con người lính. © DDTK

Rick nhìn vào đôi mắt người lính Bắc Việt. Anh không sao quên được, đôi mắt ấy, từ khoảng cách có mấy thước, nhìn xoáy vào anh như thôi miên, khiến cả người anh như bị đóng băng. Rick tự hỏi người lính ấy trông thấy anh từ lúc nào. Anh ta nghĩ gì trong đầu vào khoảnh khắc ấy? Vì sao chỉ có một mình anh ta ở đấy? Vì sao anh ta không nổ súng khi vừa phát hiện ra Rick? Những câu hỏi và câu hỏi.

Rồi Rick chuyển cái nhìn sang đôi mắt đứa bé, anh ngỡ như mình bị hút vào đôi mắt ấy. Đôi mắt buồn buồn nhìn anh như oán trách, như gặng hỏi, “Vì sao? Vì sao chú lại làm thế? Bố cháu có làm gì chú đâu.” Anh không thể trả lời. Rick nghĩ anh có giải thích cách nào thì cô bé cũng không hiểu được và cũng không tha thứ cho anh. Cô chỉ biết anh là kẻ độc ác, kẻ đã giết bố cô, một người không quen biết, không thù oán. Giết người lính, anh đã biến cô bé thành đứa trẻ mồ côi bố, anh đã giằng tay cô ra khỏi người bố, chỗ dựa ấm áp của cô trong ảnh. Giết người lính, anh cũng giết chết niềm hy vọng của cô bé, của anh em cô, của bà mẹ cô ngày đêm mỏi mòn trông ngóng một ngày nào người chồng, người cha sống sót trở về.

Tấm ảnh ấy, đôi mắt ấy theo Rick vào trong giấc ngủ. Có đêm anh ú ớ, nói năng lảm nhảm. Có đêm anh la hét, giãy giụa, “Không không, đừng đừng!… Đừng nhìn tôi như thế.” Carol phải đập đập vai anh, lay dậy. Mồ hôi Rick toát ra như tắm. Cứ thế, ít có đêm nào anh được yên giấc. Carol nhận ra những biểu hiện bất thường nơi ông chồng mình. Nhiều lần cô tỏ ra lo lắng và gặng hỏi, Rick chỉ nói anh nằm mơ, giấc mơ kinh dị.

Từ lâu, Rick giữ kín câu chuyện tấm ảnh, anh chỉ kể cho vài người bạn thân và nhận được ở bạn mình những lời khuyên giống nhau, “Cậu đã làm đúng, quên chuyện ấy đi. Đấy là chiến tranh.” Anh không kể cho Carol vì không muốn một phụ nữ tính cách dịu dàng như cô phải khiếp hãi nghe chuyện bắn giết trong chiến tranh. Cho đến một hôm, anh nhờ Carol lấy giúp tấm thẻ tín dụng trong ví của anh. Khi cô rút tấm thẻ, tấm ảnh nhỏ rơi ra. Rick giật mình, hoa mắt. Trong một thoáng, anh tưởng như trông thấy tấm ảnh từ trong ví của người lính Bắc Việt rơi xuống dưới chân mình trong cánh rừng già ấy. Carol cúi xuống nhặt lên. Cô nhìn chăm chú tấm ảnh.

“Ai vậy?” Carol ngước lên nhìn Rick. “Em chưa thấy ảnh này bao giờ.” Cô hỏi và nhận thấy vẻ khác thường trên khuôn mặt chồng mình.

Rick biết là anh không thể giấu cô được nữa.

“Đấy là một người lính Bắc Việt,” Rick nói. “Em thấy người này như thế nào?”

“Làm sao em biết được,” Carol trả lời, “chỉ là tấm ảnh. Trông có vẻ hiền lành. Anh quen biết người này sao?”

Rick lại giật mình. Carol lặp lại đúng câu hỏi mà Jack, anh chàng đồng đội vui tính, hỏi anh khi cúi nhặt tấm ảnh bên cạnh xác người lính và đưa cho anh.

“Anh không quen,” Rick lắc đầu. “Anh chỉ gặp có một lần, thật ngắn ngủi.”

“Vậy sao anh lại hỏi em?”

“Anh đã giết người này.” Rick nói sau ít giây im lặng, và anh kể vắn tắt về cuộc chạm trán bất ngờ giữa hai người.

Carol sững sờ, chặn bàn tay lên ngực mình, kịp ngăn một tiếng kêu. Cô trố mắt chăm chăm nhìn chồng mình như nhìn người nào xa lạ, nhưng rồi cô kịp trấn tĩnh lại.

“Chỉ là tự vệ,” Carol thấp giọng, “anh đâu có chọn lựa nào khác. Nếu anh không nhanh tay hơn người lính ấy thì anh đâu còn ngồi đây được để kể em nghe chuyện này.”

“Nhanh tay hơn?” Rick cười, miệng méo xệch. “Em tưởng như vậy sao? Anh lính quýnh đến độ không biết phản ứng như thế nào. Người nổ súng trước lẽ ra phải là anh ta chứ không phải anh, vì anh ta trông thấy anh trước.”

“Vậy thì… vì sao anh ta không bắn anh?”

“Anh ước gì biết được câu trả lời,” Rick gục đầu. “Câu hỏi đó theo anh suốt từ ngày ấy đến nay.”

“Rick, nghe em nói này.” Carol nói, sau một lúc im lặng. “Anh không có lỗi gì cả. Đấy là chiến tranh. Hoặc anh, hoặc người lính Bắc Việt ấy, chỉ một người được sống. Em tin chắc người lính chiến nào cũng làm giống như anh. Anh phải quên tấm ảnh ấy đi. Đừng có tự dằn vặt mình như thế nữa.”

“Đấy là chiến tranh”, Rick từng nghe những bạn mình nói thế, có nghĩa là trong chiến tranh người ta được cấp giấy phép để có thể bắn giết kẻ đối đầu vô tội vạ. Đổ lỗi cho chiến tranh là cách tốt nhất để không phải bận tâm về những việc mình làm.

“Quên tấm ảnh ấy đi”, đã có đôi lúc Rick toan xé, đốt tấm ảnh ấy, nhưng rồi anh không thể. Cứ mỗi lần vừa lóe lên ý định ấy là anh lại bắt gặp ánh mắt nhìn của đứa bé, nửa buồn bã nửa trách móc, “Chú định làm gì vậy? Chú không làm vậy được đâu.” Rick tưởng nghe được giọng nói thì thầm, tưởng thấy được cái lắc đầu nhè nhẹ của đứa bé.

Rick chưa bao giờ gặp lại người lính trong giấc mơ anh, anh chỉ gặp có mỗi cô bé. Đứa bé trong ảnh bây giờ đã là cô gái xinh đẹp, chỉ có đôi mắt buồn buồn. Cô gái đứng xa xa, mỗi lần anh tiến lại gần định nói gì với cô thì cô từ từ biến mất. Cứ thế, những đêm trằn trọc, những tiếng kêu trong cổ họng, những lần choàng dậy trong cơn mơ. Carol cũng phờ phạc, mất ngủ theo anh. Rick trở nên ít nói hơn, nhiều lúc cô bắt gặp anh ngồi thẫn thờ nhìn thật lâu vào khoảng không.

“Hãy nghĩ lại đi, Rick.” Carol tìm mọi cách thuyết phục chồng. “Anh đã sống sót trở về, trong lúc bao nhiêu đồng đội khác lại không được may mắn như anh. Nếu anh không làm vậy thì anh đã mất mạng rồi và tên anh được khắc trên bức tường tưởng niệm lính Mỹ hy sinh trong chiến tranh Việt Nam.”

Câu nói của Carol làm Rick bất chợt lóe lên ý tưởng. Phải rồi. Anh sẽ mang tấm ảnh tới đó. Anh sẽ đặt nó dưới chân bức tường ấy, là cách người ta vẫn làm như đặt ở đấy những bó hoa, những kỷ vật thời chiến. Đấy sẽ là nơi thích hợp nhất cho tấm ảnh. Anh bộc lộ ý định ấy với vợ mình.

“Tuyệt!” Carol gật gật đầu. “Ý kiến hay đấy.” Tất nhiên là Carol tán thành, cô thúc giục Rick xúc tiến ngay việc ấy và chỉ sợ anh đổi ý.

Sau khi hội ý với vợ mình, Rick ngồi viết lá thư ngắn gửi người lính trong ảnh.

Thưa anh bạn,

Xin tạ lỗi với anh về việc tôi đã làm. Tôi tin là anh hiểu, tôi không còn cách nào khác hơn. Nếu anh biết rằng tôi đã sống những chuỗi ngày thật nặng nề trong nỗi ray rứt, dằn vặt. Cuộc chiến mà chúng ta tham dự vào từ hai phía đối nghịch đã chấm dứt từ nhiều năm qua, tôi mong nhận được ở anh sự tha thứ giúp tôi tìm được sự bình an trong tâm hồn bên những người thân yêu trong những ngày còn lại ở thế gian này. Tôi tin là chúng ta sẽ gặp lại nhau vào lúc nào đó, sẽ không giống như cuộc gặp nghiệt ngã giữa hai kẻ đối đầu trong chiến tranh.

Hôm nay tôi gửi lại nơi đây tấm ảnh trong ví của anh mà tôi đã giữ trong suốt 22 năm. Tôi luôn cầu nguyện mỗi ngày cho linh hồn anh được thảnh thơi ở bên kia thế giới.

Rick Littrell (ký tên)

Xong, anh cho lá thư và tấm ảnh vào một phong bì, bọc trong một túi nhựa zipper.

Ít hôm sau hai vợ chồng đã có mặt nơi Bức tường Đá đen (Vietnam Veterans Memorial) ở Washington D.C. Rick nhẹ nhàng đặt bó hoa và phong thư dưới chân bức tường. Anh thắp ngọn nến nhỏ và lâm râm cầu nguyện. Xong, anh thổi tắt ngọn nến, đứng im một lúc rồi lặng lẽ đưa tay chào như cử chỉ từ biệt người bạn thân thiết, gần gũi trong bao nhiêu năm.

Xong, anh nắm tay Carol, vội vã rời khỏi nơi ấy. Rick quay nhìn lần cuối. Bức tường Đá đen vẫn im lìm, câm lặng.

Cuộc chiến bây giờ mới kết thúc

Câu chuyện tưởng chấm dứt, nhưng vẫn chưa ngừng ở đó. Ít năm sau, một người bạn thân của Rick, cũng là cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam, làm việc ở thư viện thành phố, tìm đến anh.

“Tôi có cái này cho cậu,” Don nói và đặt lên bàn làm việc của Rick cuốn sách bìa cứng. Tựa sách là Offerings at the Wall. Bìa trước là ảnh chụp Bức tường Đá đen và những bó hoa, những lá cờ, những vật lưu niệm đặt dưới chân tường.

“Chuyện gì vậy?” Rick hỏi.

“Cậu mở trang số 52 đi.”

Rick làm theo. Trang sách mở ra. Hình ảnh đập vào mắt anh là tấm ảnh quen thuộc, tấm ảnh người lính Bắc Việt và đứa bé gái. Bên dưới là hình chụp những dòng chữ trong một lá thư. Rick nhận ra ngay nét chữ của mình.

“Sao lại có chuyện này?” Rick giật nẩy người. “Tôi không hiểu gì cả.”

“Duke là người quản lý Phòng sưu tập nơi Bức tường Đá đen ấy,” Don kể. “Anh ta có ý định xuất bản cuốn sách giới thiệu những món kỷ vật đặc biệt thu nhặt được dưới chân bức tường. Trông thấy chiếc phong bì cậu để lại nơi đó, anh ta mở ra xem và quyết định đưa ngay vào cuốn sách này. Tôi nghĩ cần cho cậu biết.”

Rick ngồi chết lặng. Anh tưởng đã quên tấm ảnh, nhưng cô bé lại quay về với anh. Cô không chịu rời xa anh. Ánh mắt buồn buồn của cô nhìn xoáy vào anh như trách móc, “Sao chú làm vậy? Chú không thể làm vậy.”

Hai tay bưng lấy mặt, nước mắt Rick ứa ra.

“Cám ơn cậu nhiều, Don.” Rick nói, sau ít phút im lặng. “Tôi biết mình phải làm gì.”

Rick vẫn ngồi một mình bên trang sách sau khi Don rời đi. Cuốn sách in đẹp, trang trọng. Anh nhìn thật lâu tấm ảnh hai bố con người lính, tấm ảnh như chưa bao giờ rời xa anh.

“Này cô bé,” Rick thì thầm, “cô muốn gì ở tôi? Cô muốn tôi phải làm gì bây giờ?”

“Chú biết phải làm gì mà.” Rick nghe tiếng nói trong đầu mình.

Carol bước lại gần anh, cúi xuống trang sách mở rộng trên mặt bàn. Cũng như Rick, cô sững người. Cô ngồi xuống bên Rick, không ai nói với ai một lời.

“Anh biết mình phải làm gì,” một lúc sau Rick nói nhỏ. “Anh phải trả tấm ảnh này về đúng chỗ của nó.”

“Em không rõ ý anh?” Carol hỏi.

“Anh phải đi tìm đứa bé ấy,” Rick nói. “Tấm ảnh phải được trả về tận tay cô bé, trả về cho gia đình người lính ấy. Chính anh, không phải ai khác, phải làm việc ấy.”

“Để làm gì chứ?” Carol ngần ngừ, hỏi. “Anh không thay đổi được gì cả.”

“Có chứ, Carol. Anh sẽ tìm được viên thuốc ngủ tốt nhất và sự an bình khi rời bỏ thế giới này.”

Carol biết không gì có thể ngăn cản được Rick, làm như có tiếng gọi nào thôi thúc anh vậy. Cô cũng muốn một lần này nữa cho xong.

“Chuyện này cũng khó như mò kim đáy biển. Nhưng, nếu anh muốn vậy, em sẽ đồng hành với anh,” Sau cùng, Carol nói.

“Tốt lắm,” Rick khẽ nắm bàn tay cô, “chỉ cần em gật đầu. Anh luôn cần có em.”

Rick xúc tiến ngay việc ấy. Anh liên lạc với Duke, người biên soạn cuốn sách Offerings at the Wall, xin lại tấm ảnh. Sau đó anh tìm đến một nhà báo quen biết ở East St. Louis, thuật lại câu chuyện xoay quanh tấm ảnh ấy. Câu chuyện sau đó được đưa lên trang đầu tờ Sunday Post-Dispatch, tờ báo có nhiều độc giả ở địa phương.

Rick cắt trang báo ấy cho vào một phong bì, cùng với lá thư viết gửi về Đại sứ quán Việt Nam nhờ giúp đỡ tìm kiếm tin tức về gia đình người lính trong ảnh. Công việc xem ra không dễ dàng chút nào và Rick chỉ biết cầu nguyện. Rick đợi, đợi mãi, cho đến lúc anh ngỡ việc mình làm quả là chuyện “mò kim đáy biển” như lời Carol nói thì anh nhận được thư hồi đáp từ Đại sứ quán.

Tin ông rõ, chúng tôi vừa nhận được thư của một người tên là Nguyễn Văn Huy. Anh ta cho biết người lính trong ảnh là bố anh, tên Nguyễn Trọng Ngọc, và bé gái trong ảnh là chị của anh, tên Nguyễn Thị Loan, lúc 6 tuổi. Hai chị em hiện đang sống ở xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Ông có thể liên lạc với gia đình chị Loan theo địa chỉ bên dưới…

Qua lá thư, Rick biết được câu chuyện dẫn đến việc lần ra tung tích người trong ảnh: Một tờ nhật báo ở Hà Nội đưa tấm ảnh ấy lên trang báo với dòng ghi chú vắn tắt, “Độc giả nào có thông tin gì về người trong ảnh, xin liên lạc tòa soạn.” Đến gần một năm sau, một cậu sinh viên xa nhà ở Hà Nội dùng tờ báo cũ để gói quà, gửi về cho mẹ mình ở làng quê. Bà mẹ nhận được quà, mở trang báo ra đọc, nhìn thấy tấm ảnh cha con người bộ đội, nhận ra người lính. Bà vội mang tờ báo sang làng bên cạnh, gõ cửa một căn nhà. Một người phụ nữ ra mở cửa. Bà cụ chìa tờ báo, chỉ tay vào tấm ảnh nói, “Ông này là bố của cháu đây.”

“Tạ ơn Trời,” Carol vỗ mạnh vào vai Rick. “Anh sắp tìm ra được ‘chiếc kim’ ấy rồi.”

Cỗ xe bắt đầu khởi động. Rick vội viết lá thư cho Huy, kể rõ câu chuyện về tấm ảnh và ngỏ ý muốn được đến thăm gia đình để trao lại tấm ảnh ấy. “Thư đi” khá lâu, không có “tin lại”. Rick hoang mang, không rõ phản ứng của gia đình người lính như thế nào hoặc thư có đến tay người nhận. Cho đến một ngày, anh nhận được lá thư từ Việt Nam, tên người gửi là Nguyễn Văn Huy. Thư chỉ vắn tắt ít dòng, nói gia đình đã nhận được thư và sẵn sàng đón tiếp vợ chồng Rick khi có dịp nào đến Việt Nam.

Bàn tay đã chìa ra, Rick chỉ mong có vậy. Anh và Carol đã sắp xếp sẵn mọi việc, chỉ chờ ngày lên đường. Với Rick, đấy còn là chuyến đi thăm lại một đất nước từng là “mảnh đất chiến trường xưa” ba mươi năm về trước, khi anh còn là người lính trẻ của một bên tham chiến. Với Carol, đấy là chuyến đi đến một đất nước xa lạ, con người và ngôn ngữ cũng xa lạ và những rủi ro nào khó mà biết trước được.

Rick thuê khách sạn ở Hà Nội. Nhờ sự trợ giúp của Đại sứ quán Mỹ, anh thuê được một chiếc xe, một người thông dịch tiếng Anh và tin đến gia đình Huy ngày anh và Carol đến thăm gia đình.

Hôm ấy không phải là ngày đẹp trời, xe khởi hành vào một sáng trời mây âm u. Người tài xế cho biết mất khoảng hai tiếng rưỡi từ đây đến một thôn làng nhỏ xa Hà Nội.

Xe chạy vòng vèo qua những con đường làng nhỏ hẹp, có lúc tài xế phải xuống xe hỏi thăm đường xá. Đến một lúc, anh ta chạy chậm lại, ra dấu, chỉ tay vào dãy nhà lụp xụp trước mặt. Từ xa, Rick đã trông thấy nhóm người, khoảng hơn hai chục người, đứng lố nhố, đón đợi trước sân nhà. Rick cố trấn tĩnh, hít một hơi thở sâu vào lồng ngực rồi thở ra từ từ. Anh không sao biết được những gì chờ đợi mình ở phía trước.

Xe đậu ở ven đường, tài xế mở cửa cho Rick và Carol bước ra, người thông dịch theo sau. Tay ôm bó hoa cúc vàng, tay cầm túi xách nhỏ, Rick sánh đôi Carol rảo bước về phía cổng nhà. Mọi cái nhìn đều đổ dồn về phía anh. Người thông dịch tiến đến trao đổi ít câu với người đàn ông và một phụ nữ đứng ngoài cùng. Rick dừng lại, lưỡng lự. Người phụ nữ chầm chậm bước lên giữa khoảng sân, nhìn chăm chăm vào Rick.

Rick khẽ rùng mình, tim anh đập mạnh. Anh tin chắc người phụ nữ đứng trước mặt mình là cô bé trong tấm ảnh năm xưa, tuy không tìm thấy nét gì quen thuộc giữa người và ảnh. Điều gì khiến anh tin vậy? Rick hiểu ra, chính là ánh mắt nhìn anh. Đôi mắt trông quen lắm. Đôi mắt gợn buồn, nhiều đêm theo anh vào trong giấc ngủ.

“Đây là chị Loan và anh Huy,” người thông dịch chìa tay về người phụ nữ và người đàn ông đứng sau. “Còn đây là ông Rick.”

Người đàn ông Mỹ tóc bạc trắng và người phụ nữ đứng sững nhìn nhau, bối rối. Rick quên mất mình nói gì, làm gì. Ít giây sau, như tỉnh người, anh bước lại gần hơn.

“Chào chị Loan,” Rick nói, trao bó hoa cho cô.

Người phụ nữ nói cám ơn, đưa tay đón bó hoa. Rick rút trong túi áo mảnh giấy ghi câu tiếng Việt anh học được từ người thông dịch.

“Thưa chị,” Rick bập bẹ, vừa nói vừa nhìn vào mảnh giấy. “Hôm nay tôi đến đây để xin hoàn trả lại chị và gia đình tấm ảnh mà tôi đã giữ suốt ba mươi năm. Xin tha thứ cho tôi.”

Người phụ nữ cúi mặt, quay đi giấu những giọt nước mắt ứa ra. Rồi cô bỗng nấc lên, tiếng khóc bật ra. Rick lúng túng, anh vỗ nhè nhẹ bàn tay cô cầm bó hoa. Hai chân muốn khuỵu xuống, cô ngã chúi vào Rick, ôm chầm lấy vai người đàn ông Mỹ xa lạ. Cô úp mặt vào ngực Rick, khóc rưng rức. Bàn tay Rick xoa xoa, vỗ vỗ vào lưng cô.

Một lát, đợi cho Loan trấn tĩnh lại, Rick ra hiệu cho Carol đưa cho anh chiếc túi xách. Anh lấy ra chiếc khung hình lồng tấm ảnh nhỏ, đưa cho Loan. Cô cầm lấy, mắt nhòe đi. Cô úp mặt vào khung ảnh, khẽ nấc lên. Trao chiếc khung ảnh cho người em đứng bên, cô lại dúi đầu vào ngực Rick, tiếng khóc vỡ òa. Rick cảm thấy bờ vai cô rung rung theo tiếng nấc nghẹn. Nước mắt cô thấm ướt ngực áo anh. Rick cố nén xúc động, anh không biết phải làm sao. Anh lại vỗ vỗ, xoa xoa vào lưng cô như cố xoa dịu một vết thương.

Carol bước lại gần đưa khăn giấy cho Loan, rồi quay nhìn hướng khác. Cô nhìn dãy nhà lợp tôn, cũ kỹ, lụp xụp. Cô nhìn những đứa trẻ lem luốc, đen đủi, giương to mắt nhìn cô và Rick. Cô nhìn nhóm người già trẻ đứng vây quanh, hẳn là những thân nhân, những người quen biết với gia đình này. Cô nhìn thấy vẻ hiền hòa trên những khuôn mặt, vừa tò mò vừa lộ vẻ xúc động.

“Cháu có oán hận tôi không?” Rick khẽ hỏi, qua người thông dịch.

Loan vẫn gục đầu lên ngực anh, khóc nức lên, không trả lời. Anh hỏi lại lần nữa. Cô ngước lên, nhìn Rick, ít giây sau cô nhè nhẹ lắc lắc đầu. Huy, người em cô, đến bên Rick.

“Chị Loan rất ít nói,” Huy nói. “Chị ấy không oán ghét gì chú đâu. Ngày trước thì có, bây giờ thì không còn nữa. Chú không có lỗi, đấy là chiến tranh.”

Đấy là chiến tranh. Carol từng nói vậy, những bạn bè anh từng nói vậy, và bây giờ Huy cũng nói vậy. Vẫn là mấy chữ ấy. Chỉ đơn giản là vậy sao?

“Chúng cháu oán ghét chiến tranh chứ không oán ghét chú,” Loan bỗng ngước lên nhìn Rick, mắt đỏ hoe.

“Hai cháu không biết đâu,” Rick trầm ngâm, “lẽ ra người chết phải là chú chứ không phải bố của hai cháu. Ông ấy nhìn thấy chú trước khi chú kịp nhìn thấy ông, nhưng không hiểu vì sao ông đã không bắn chú. Câu hỏi ấy theo chú suốt bao nhiêu năm nay.”

“Đấy là phần số của bố cháu,” Huy nói, sau mấy phút im lặng. “Chú đừng tìm kiếm câu trả lời nữa, chẳng thay đổi được gì đâu. Cháu cũng có nhiều câu hỏi và khi biết sẽ gặp chú hôm nay cháu cũng định hỏi chú, nhưng bây giờ thì… cháu không muốn hỏi nữa. Chiến tranh đã đi qua. Mọi chuyện đã kết thúc như chiến tranh đã kết thúc.” Anh quàng tay ôm siết vai chị mình, “Mọi người cần hướng về phía trước, cần sống cho những người thân yêu của mình.”

Rick khựng người, mở lớn mắt nhìn người đàn ông. Anh chàng này là ai mà đã cho anh những lời khuyên ấy? Anh ta nghĩ thế và nói thế, hay là anh ta nói thay cho bố mình?

“Cám ơn chú đến thăm và gửi chúng cháu tấm ảnh bố cháu,” Huy nói thêm. “Ảnh này rất quý đối với chúng cháu.”

“Chính chú mới phải cám ơn gia đình cháu đã tha thứ cho chú và cất dùm chú khối nặng đè trên ngực chú từ bao lâu nay,” Rick nói, áp bàn tay lên ngực mình.

Huy nói anh chưa nhìn thấy tấm ảnh này bao giờ. Cả mẹ anh, khi còn sống, cũng không giữ được ảnh này. Ngày bố xa gia đình, đi biệt, anh chỉ mới 6 tháng tuổi, nên hình ảnh người bố chỉ là tấm ảnh đen trắng mờ mờ bên ánh nến lung linh trên bàn thờ.

“Cô chú có muốn đi thăm mộ bố chị Loan?” người thông dịch ghé tai Rick. “Ở gần đây thôi.”

“Vậy sao?… Cậu hỏi giúp hai chị em xem có tiện không.”

Mộ người bố nằm giữa cánh đồng gần nhà. Huy đưa mọi người đến đó. Nấm mộ thấp, đơn sơ, chỉ một tấm bia nhỏ, khắc tên người lính.

Huy thắp nén nhang trao cho Rick. Anh đón lấy, vụng về làm theo động tác khấn vái của hai chị em. Xong, anh đứng thẳng người, chụm hai chân, đưa cánh tay lên chào, môi mấp máy một đôi lời với người dưới mộ.

Đã lâu lắm Rick mới tìm lại được cảm giác nhẹ nhõm như lúc này. Anh đứng yên một lúc, dõi mắt nhìn đồng cỏ rộng trải dài tận chân núi xa xa, nhìn những bông lau trắng phau đong đưa theo chiều gió và những bông hoa dại lay động nhẹ nhàng trên mộ người lính.

“Chú biết không?” Huy khẽ nói, “Khi thoạt nhìn thấy chú bước vào cổng nhà cháu, chúng cháu tin rằng linh hồn bố cháu ở trong chú, và ngày hôm nay bố đã trở về lại nhà mình sau chiến tranh.”

Rick lặng người. Anh muốn thốt ra câu gì đó nhưng nghẹn lời. Anh dang rộng cánh tay ôm chặt hai chị em một lúc lâu. Đến lúc ra xe, anh và Carol lần lượt ôm hôn từng người trong gia đình, nói lời từ giã. Xong, anh bước vội vào xe. Xe nổ máy, Rick ngoái lại nhìn. Loan úp mặt vào lòng bàn tay trong lúc Huy ôm vai chị mình, đứng nhìn theo.

Xe chạy chậm, để lại đám bụi nhỏ trên mặt đường gồ ghề. Từ lúc ấy cho đến khi ra khỏi con đường làng dẫn ra đường lớn, bốn người trên xe, Carol và Rick, người tài xế và người thông dịch, không ai nói với ai một lời nào.

Một lúc sau trời chuyển mưa, rồi cơn mưa nặng hạt rơi xuống. Rick chăm chú nhìn chiếc cần gạt nước chuyển động qua lại quét những màng nước chảy ràn rụa trên mặt kính xe. Carol ngồi sát vào anh hơn.

“Anh có tin là người chết có linh hồn?” cô hỏi khẽ.

Rick lặng thinh, không trả lời.

“Em nhớ Huy nói gì chứ?” một lúc sau, anh hỏi lại cô. “Đừng tìm kiếm câu trả lời nữa.” Anh nói và mỉm cười, tìm bàn tay Carol.

Trong bài trả lời cuộc phỏng vấn của báo Mỹ sau chuyến đi ấy, Rick có đoạn nói:

Trong nhiều năm, tôi luôn cảm thấy nặng nề và ray rứt trong lòng mỗi khi nghĩ tới gia đình người lính ấy; tuy nhiên, là một cựu chiến binh, tôi không hề hối tiếc việc mình từng tham dự vào cuộc chiến đó, cuộc chiến mà biết bao đồng đội tôi đã hy sinh. Đấy là hai chuyện khác nhau, nói rõ là vậy. Tôi tin là gia đình người lính và mọi người hiểu được điều đó. Mỗi bên tham chiến đều chiến đấu cho niềm tin của mình. Niềm tin ấy ở trong tôi đến nay vẫn không hề lay chuyển.

Ở dòng cuối bài phỏng vấn, Rick nói lời sau cùng, “Với tôi, kể từ phút ấy, giây phút tôi đưa cánh tay lên chào người lính nằm dưới nấm mộ, cuộc chiến tranh đó mới thực sự kết thúc.”

© Lê Hữu

Thân mời đọc thêm @ Diễn Đàn Thế Kỷ

Các bài viết cùng tác giả hay cùng chủ đề (NnQ sưu tầm).

Kể từ ngày 31 tháng Tư.

Hannah Hà Nội (Don North, “The Mystery of Hanoi Hannah.”)

Thi hỏng Tú Tài…

Leave a comment