Jan2022-w3

✵✵✵✵✵✵

chotram-qr-code

Các bài viết sưu tầm: Jan 21, 22

Ông Đồ Già…
Giáo sư Nguyễn Văn Bông…
Lá phiếu của họ
Trần Dần Và Tố Hữu…
Sách lược Tào Tháo…
Luật Covid VN: F0, F1…

Ông Đồ Già (Vũ Đình Liên)

Ông đồ (Vũ Đình Liên).

ong-do-giaÔng đồ, Ảnh minh họa.

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người quạ

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay.

Nhưng mỗi năm, mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay.

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Vũ Đình Liên (1913-1996), học sinh trường Bưởi tức trường Trung học Bảo Hộ (Lycée du Protectorat). Năm 1932, khi thi đỗ Tú tài, ông ghi danh theo học trường Luật và dạy tư tại các trường Thăng Long, Gia Long, Hoài Đức… Một thời gian làm quản lý các báo Tinh Hoa, Revue Pédagogique (Tạp chí Sư Phạm), Kim Hoa và làm tham tá Sở Thương Chính, Hà Nội.

Thơ của ông in rải rác trên những báo Loa, Tinh Hoa, Phong Hóa, Ngày Nay, Phụ Nữ Thời Đàm, Trung Bắc Chủ Nhật. Vũ Đình Liên viết không nhiều và từ giã thi đàn khá sớm, văn thơ lưu lại ít nhưng đều có giá trị, đặc biệt là bài ‘Ông Đồ’


Về cái chết của giáo sư Nguyễn Văn Bông

© Phan Ba

Nguồn: phanba.wordpress.com | 02/06/2016

Giáo sư Nguyễn Văn Bông, © Ảnh phanba.wordpress.com

Giáo sư Nguyễn Văn Bông là một trong số rất ít giáo sư Việt Nam có bằng Thạc sĩ Công pháp Quốc tế. Đầu năm 1963, ông quyết định về nước làm việc.

Sau khi về nước, ông dạy môn luật hiến pháp và khoa học chính trị tại Trường Đại học Luật Sài Gòn và Học viện Quốc gia Hành chánh.

Tác phẩm: Luật Hiến pháp và Chính trị học. Sài Gòn, 1967 (in lần thứ nhất), 1969 (in lần thứ hai), 2013 (bản điện tử do pro&contra thực hiện)

Sau cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963, ông được chính quyền mới bổ nhiệm làm Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh thời Đệ nhị Cộng hòa. Rất nhiều sinh viên do ông đào tạo về sau nắm giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Đầu năm 1964, ông thành hôn với bà Thu Vân, người sinh viên đã rời bỏ nước Pháp để về thành hôn với ông, dù ông “chỉ là một giáo sư nghèo” hơn bà đến mười tuổi.

Cuối năm 1968, được sự cổ vũ của người bạn cũ Nguyễn Ngọc Huy, bấy giờ là một trong những lãnh đạo của đảng Tân Đại Việt, ông thành lập Phong trào Quốc gia cấp tiến, một tổ chức chính trị đối lập với chính phủ của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, với thành viên đa số là học trò của ông…

Xem Tiếp

Hai lần bị mưu sát:

1. Ngày 25 tháng 11 năm 1968, một quả bom phát nổ cạnh phòng làm việc của ông tại tầng hai Học viện Quốc gia Hành chánh, trái bom đặt trên cao, hơi ép do tiếng nổ đẩy ông té xuống và tuột dưới bàn. Tuy nhiên, ông thoát chết nhờ cái bàn giấy vững chắc giữ cho ông không bị cả bức tường đè bẹp. Theo nhà báo Nam Thi thuộc báo Thanh Niên, trong bài viết “Bí mật điệp báo chưa từng công bố: đốt cháy con bài của Mỹ” đã xác nhận hai người chịu trách nhiệm về vụ ám sát hụt Giáo sư Bông vào 25 tháng 11, 1968 chính là luật sư Đỗ Hữu Cảnh và công nhân Trần Văn Hoành. Cả hai đều là người của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Nguyên nhân: Những hoạt động chính trị tích cực của ông khiến ông trở thành mục tiêu ám sát của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Nguyễn Văn Bông bị ám sát vì ông “đang chuẩn bị lên nắm ghế thủ tướng. Nếu G.33 đã nắm chức, sẽ rất khó hành động vì khi ấy việc bảo vệ ông ta sẽ khác hẳn. Và nếu tình huống này xảy ra, cách mạng có thể gặp khó khăn hơn bởi Nguyễn Văn Bông là một trí thức có uy tín và chính quyền ngụy chuyển từ quân sự sang dân sự mọi diễn tiến sẽ có lợi cho địch”

2. Vào ngày 10 tháng 11 năm 1971, tổ trinh sát vũ trang Ban An ninh T4 bao gồm Vũ Quang Hùng và Lê Văn Châu tổ chức ám sát ông tại ngã tư Cao Thắng – Phan Thanh Giản, bằng cách ném cái cặp chứa 4 kg chất nổ C4 được liên kết với ba trái lựu đạn xuống gầm xe của ông đang ngừng tại đèn đỏ ngã tư. Giáo sư Bông thiệt mạng cùng các cận vệ của ông. Lúc đó ông mới 42 tuổi. Sự kiện Nguyễn Văn Bông bị ám sát không chỉ làm sụp đổ kế hoạch thay đổi nhân sự của Việt Nam Cộng hòa mà còn làm cho nội bộ chính quyền này nghi ngờ lẫn nhau. Theo báo Công An TPHCM, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và dư luận cho rằng phe Trần Thiện Khiêm thực hiện vụ ám sát này để cố giữ chức Thủ tướng.

Bài của Vũ Quang Hùng tường thuật vụ ám sát Nguyễn Văn Bông

Giáo sư Nguyễn Văn Bông, © Ảnh phanba.wordpress.com

* “Chiến công” này, chính ông Vũ Quang Hùng kể lại trong một bài đăng trên tạp chí Đứng Dậy của Linh Mục Chân Tín năm 1976. Đến tháng 4/2000, trong dịp kỷ niệm 25 năm ngày chiến thắng 30 tháng 4 nhà báo chuyên về các đề tài tình báo Nam Thi của báo Thanh Niên cũng kể lại chuyện này, trong đó có ghi rõ vai trò trợ giúp đắc lực của Nguyễn Hữu Thái.

Theo vợ của giáo sư Nguyễn Văn Bông, bà Jackie Bong-Wright, tác giả “Mây Mùa Thu”, (Autumn Cloud), Capital Books, Inc. (2001): “Cũng giống như ông Martin, tôi tin là Việt Cộng giết Bông. Điều này đã được xác định năm 1976 trong cuốn sách mang tựa đề Giải Phóng, được viết bởi nhà báo Ý tả khuynh Tiziano Terzani, người đã ở lại Sài Gòn trong thời gian Việt Cộng chiếm Sài Gòn. Ông đã phỏng vấn những người anh em cộng sản của mình, những người này đã hãnh diện cho biết là họ ra lệnh cho những đồng chí của mình, trong đó có Nguyễn Hữu Thái, giết Bông.”

Như vậy, đồng phạm giết GS Nguyễn Văn Bông bao gồm cả Nguyễn Hữu Thái.

© Phan Ba

Thân mời đọc thêm @ phanba.wordpress.com

Đọc thêm:

Tôi ám sát người sắp làm thủ tướng Sài Gòn – Dân Việt (30/04/2011)
Về cái chết của GS Nguyễn Văn Bông.

Luật Hiến pháp và Chính trị học, GS Nguyễn Văn Bông (dưới dạng PDF)

Bà con có thể đọc và download toàn bộ sách này về máy @ TẠI ĐÂY

    ❖ Ghi Chú: Bà con không cần log-in với Dropbox, (đóng log-in window lại) đẻ xem hay tãi về máy.

⟩⟩Trở Về Đầu Trang


Lá phiếu của họ

© Phạm Thị Hoài

Nguồn: http://www.procontra.asia | 30/10/2020

Gần đây tôi nhận được một số tin nhắn từ người Việt ở Mỹ ủng hộ Trump. Mẫu số chung của những lời thóa mạ và cả đe dọa cá nhân này là chống cộng; tôi được tặng danh hiệu “mụ cộng cái”, chứng chỉ “con chó điên ăn cứt cộng sản” và một suất chắc chắn dưới địa ngục sau ngày 3/11 sắp tới. Tôi không có gì chung với chủ nghĩa chống cộng thời đồ đá cũ của họ, nhưng có thể hiểu vì sao họ thăng hoa như thế trong đợt bầu cử ở Hoa Kỳ lần này. Câu trả lời là Trump trong vai một McCarthy mới.

Chủ nghĩa McCarthy, tìm và diệt cộng sản, hoành hành ở Mỹ cả một thập niên mở đầu Chiến tranh Lạnh với sự đồng tình rộng rãi của xã hội Mỹ. Hàng ngàn người bị tình nghi, vu khống, trục xuất, phá sản, chôn vùi sự nghiệp, tự tử hay kết án oan là cộng sản hay dính líu với cộng sản, chúng ta đã biết những nạn nhân nổi tiếng: Charlie Chaplin, Humphrey Bogart, Orson Welles, Thomas Mann, David Bohm, Robert Oppenheimer, Albert Einstein…

Xem Tiếp

Trump có thể thất bại ở một số chính sách, song hết sức thành công trong việc đánh thức nỗi sợ hay kích động nỗi ám ảnh luôn tiềm ẩn trong xã hội Mỹ đối với tất cả những gì bị coi là cộng sản hay thiên cộng. Đảng Dân chủ, New York Times, CNN, BLM, George Clooney, Đại học Harvard, Colin Kaepernick, Hollywood, Borat, con gái của Rudy Giuliani, một số tướng về hưu và chưa về hưu, các thành viên chính phủ bị đuổi việc hay tự bỏ chạy, cả Never Trumpers từ phe bảo thủ, và tất nhiên con virus Tàu…, tất cả đều là hiểm họa cánh tả và cộng sản cho nước Mỹ. Đồng chí Biden mà thắng thì Tổng Bí thư Pelosi sẽ nhuộm đỏ nước Mỹ. Chủ nghĩa xã hội sẽ thống trị. Bóng đêm sẽ ập xuống. Chúa sẽ bỏ đi. Nào, bây giờ thử đoán Chúa sẽ cử ai đại diện trong lúc mình vắng mặt? Ai sẽ là ngọn đuốc xua tan đêm tối? Ai sẽ cứu nước Mỹ, cứu nền dân chủ Mỹ, cứu thế giới tự do?

Chủ nghĩa cộng sản đã thất nghiệp từ 30 năm nay, nhưng bóng ma của nó thì vô cùng bận rộn, hơn cả thời xuất hiện để mở đầu bản tuyên ngôn lập ngôn của Marx và Engels. Căn cứ vào chỉ đạo tư tưởng trong 50.000 bài xã luận chữ to trên Twitter của Trump thì tổ sư cộng sản ở Mỹ chính là Tổng thống Franklin D. Roosevelt với chính sách New Deal và Luật An sinh Xã hội. Tổng thống Lyndon B. Johnson với Medicare, Medicaid và đặc biệt Đạo luật Dân quyền cũng phải là cộng sản hạng bự. Hai ông có sống lại mà ra tranh cử chắc chắn sẽ bị người Việt cho ôm đầu máu mà chạy về Bắc Kinh. Trong show McCarthy Reloaded đang diễn nước rút, Tập thay thế Stalin, Trung Cộng sắm vai quỷ đỏ Sô-viết.

Tôi được biết là mình đã bị Tàu mua đứt, hình như khá được giá, nên vừa chăm chỉ lục laptop tìm Nhân dân tệ thất lạc giữa đống bản thảo văn chương không ai thèm mua vừa chăm sóc một sự cảm thông nhất định với những đồng bào đang đem chính nghĩa quốc gia chống cộng ra tương tác trong show dũng sĩ da cam ngăn chặn làn sóng đỏ nuốt chửng Hoa Kỳ. Cầu nối giữa Trump và McCarthy, không có gì đáng ngạc nhiên, là luật gia Roy Cohn. Sau sự nghiệp đánh hơi cộng sản cho McCarthy, Cohn hành nghề luật sư ở New York City. Không chỉ là khách hàng của Cohn như hàng loạt bố già mafia, Trump còn tìm thấy ở nhân vật quái đản này tất cả những gì sẽ in đậm dấu vết lên số phận và tính cách khác thường của mình.

Dù sẽ để lại hậu quả lâu dài hơn chủ nghĩa McCarthy, rồi cuối cùng chủ nghĩa Trump cũng sẽ qua đi. Nhưng vấn đề nan giải của mô hình dân chủ bỏ phiếu thì vẫn còn lại, như lời than trước khi nhắm mắt của Albert Einstein với người tình cuối cùng, nàng thủ thư Johanna Fantová ở Đại học Princeton, rằng không thể vượt qua sự thống trị của những kẻ ngu, vì họ đông quá, và lá phiếu của họ cũng được tính hệt như lá phiếu của chúng ta.

© Phạm Thị Hoài

Thân mời đọc thêm @ http://www.procontra.asia/

Ghi chú: McCarthyism (NNQ: Sưu tầm )

– McCarthyism: Hiện tại thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi để đặt tên cho các tình huống trong đó những người cai trị, gọi “an ninh quốc gia”, bức hại đối thủ mà không tôn trọng quyền lập hiến. Lấy trường hợp chính quyền của một quốc gia ra lệnh điều tra những người, trong các mạng xã hội, đưa ra những bình luận chỉ trích chống lại chính phủ. Theo các quan chức, những cuộc điều tra này là cần thiết để bảo vệ đất nước khỏi các cuộc tấn công có thể ảnh hưởng đến nền dân chủ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến ​​cho rằng những người cầm quyền đang tham gia vào McCarthyism và cố gắng kiểm duyệt những người không đồng ý với chính sách của họ. <McCarthyism>

– Chủ nghĩa McCarthy, tên được đặt cho khoảng thời gian trong lịch sử Hoa Kỳ chứng kiến ​​Hoa Kỳ Sen.Joseph McCarthy ở Wisconsin thực hiện một loạt các cuộc điều tra và điều trần trong những năm 1950 với nỗ lực vạch trần sự xâm nhập được cho là của cộng sản vào các khu vực khác nhau của chính phủ Hoa Kỳ. Kể từ đó, thuật ngữ này đã trở thành một biệt danh để bôi nhọ nhân vật hoặc danh tiếng bằng cách đưa ra những cáo buộc bừa bãi được công bố rộng rãi , đặc biệt là trên cơ sở những cáo buộc không có căn cứ <https://delphipages.live>


Trần Dần Và Tố Hữu

© Huy Đức

Nguồn: Saigon Weekly Online( 05/11/2021)

Tất nhiên, không ai tin việc tập thơ Trần Dần bị “niêm phong” chỉ vì vài cái lỗi về thủ tục. Nhưng thôi, đó cũng là một lối ra rất đỡ mất mặt. Dù sao, Thơ Trần Dần cũng đã bán rất chạy, ngay đến cậu con trai tôi, 15 tuổi, cũng tò mò.

Thơ ông đa nghĩa quá. Chỉ riêng một bài Nhất Định Thắng, tôi nghĩ, đã có thể vừa quy kết ông là một tên phản động cực kỳ nguy hiểm, vừa có thể ca ngợi ông như một người yêu nước nồng nàn. Không hiểu sao, cho tới nay, chưa thấy ai làm một bộ phim truyện dựa trên bài thơ ấy.

Ta ở phố Sinh Từ…

Trần Dần, © Ảnh wikipedia

Một giai đoạn lịch sử buồn đau của đất nước hiện ra mồn một trong mỗi câu thơ của ông. Khi Trần Dần viết bài thơ ấy, đất nước đang bị phân đôi, ở miền Bắc chiến tranh kết thúc. Nhưng, cuộc sống của người dân thì không có hòa bình. Trần Dần viết:

Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc
Đất hôm nay tầm tã mưa phùn
Bỗng nhói ngang lưng, máu rỏ xuống bùn
Lưng tôi có tên nào chém trộm?

Không hiểu, hình tượng “vết chém ngang lưng” ông viết ở đây là để nói về nỗi đau chia cắt tổ quốc hay chỉ đơn giản nói về cái không khí ngột ngạt ở miền Bắc, cái không khí mà đến 30 năm sau, Hữu Loan vẫn nhớ: “Thành viên nào (trong cộng đồng) cũng chứa toàn âm mưu đen tối để chủ hại người bên cạnh”
Theo Hiệp định Geneve, người dân có một thời gian dài để chọn cho mình miền Nam hay miền Bắc. Nhưng lúc ấy, không có ai tự nguyện từ miền Nam chạy ra “Miền Bắc thiên đường của các con tôi”. Trong khi, hàng triệu người dân đã gồng gánh vào Nam để lại mồ mả ông bà trên đất Bắc. Thoạt đầu, có vẻ như Trần Dần trách móc, thậm chí ông đã buộc tội “những bạn đi Nam”Thiếu quả tim bộ óc! Nhưng rồi quan sát kỹ hơn, ông buột hỏi:

Họ vẫn ra đi
Nhưng sao bước rã rời?
Sao họ khóc?
Họ có gì thất vọng?


Đọc tiếp @ TẠI ĐÂY…

⟩⟩Trở Về Đầu Trang


Sách lược Tào tháo

© Huỳnh Ngọc Nga

Nguồn: Xứ Nẫu Việt Nam(11/11/2013)

Con người thật kỳ lạ, lúc trẻ nhỏ thường mơ được làm người lớn, khi có tuổi rồi lại vẫn vơ nhớ chuyện ngày xanh. Tôi của những ngày xanh đó cũng có nhiều điều để nhớ và trên bước đường về hướng cổ lai hy tôi muốn kể mọi người nghe một câu chuyện rất xa xôi, đã thành là kỹ niệm khó quên, mỗi lần nhớ là tôi lại thấy không chỉ có tôi và… hắn mà còn có cả ngôi trường Gia Long thương mến cùng thầy cô, bè bạn thân thương một thời, thuở tuổi mới tròn trăng, ăn chưa no, lo chưa tới vậy mà ngoài bài học nhà trường trái tim cũng bày điều đòi chuyện… yêu đương.

Nói xưa nhưng thật ra cũng chẳng mấy xa, chỉ cách đây hơn bốn mươi mấy năm mà thôi, năm 1964, năm tôi học lớp đệ ngủ 13 tại ngôi trường con gái nổi tiếng nhất miền nam VN thời bấy giờ: trường nữ trung học Gia Long. Năm đó cô Tỵ làm Hiệu trưởng, có chị Kha Quỳnh Châu là hoa hậu của trường, làm bà Trưng Trắc cởi voi cùng một chị bạn trường Trưng Vương đi diễn hành trong ngày lể Phụ Nữ, có Huỳnh Kim Chi là biệt danh của ca sĩ Hoàng Oanh lẫy lừng tên tuổi. Và cũng lần đầu tiên tôi viết bài “Xuân Về Với Biển” được đăng trên báo Xuân của trường, tôi lại được có tên trong danh sách ban biên tập nữa. Ngày cô Hiệu trưởng kêu lên văn phòng tặng “tiền nhuận bút” ba trăm đồng, tôi cảm động không thốt đuợc tiếng nào. Cô cười nói “Ráng năm tới viết bài hay như vậy nữa nghen”, chừng đó tôi mới lí nhí cám ơn cô. Hơn mười năm sau, lúc đó cô đã nghĩ hưu, tôi đạp xe trên đường Trần hưng Đạo để đến sở làm, ngang qua đoạn gần trường Cầu Kho tôi gặp lại cô đang đứng chờ xe buýt, ngừng xe tôi chào cô, cô chẳng nhớ tôi là ai, nhưng khi biết tôi là học trò cũ của Gia Long ngày nào cô bỏ chuyến xe buýt đang sắp sửa đến và hỏi thăm chân tình cuộc sống của tôi sau ngày ra trường. Cô vẫn thế, già đi hơn đôi chút nhưng nét hiền lành mãi còn trên đôi mắt, trong nụ cười. Đó cũng là lần duy nhất tôi gặp lại cô cho đến khi tôi rời VN sang Ý… Xứ Nẫu Việt Nam

Tìm Hiểu Luật Covid Việt Nam: F0, F1, F2, F3…

F0, F1, F2, F3… là gì? Cách nhận biết thế nào?

Có thể hiểu F0, F1, F2, F3… là các cấp độ lây nhiễm virus Covid-19 hoặc phân loại đối tượng người nhiễm và người nghi nhiễm Covid-19.

Theo Bộ Y tế, các trường hợp F0, F1, F2, F3… được xác định như sau:

Đối tượng F0: Người được xác định là dương tính với Covid-19

   – Những người này được cách ly, điều trị tại bệnh viện.
   – – F0 nên báo cho F1 về tình trạng của mình.

Đối tượng F1: Người nghi nhiễm hoặc tiếp xúc với người dương tính với Covid-19 (F0)

   – Những người này cần đeo ngay khẩu trang, giữ khoảng cách với người xung quanh trên 2m.
   – Báo cho cơ sở y tế gần nhất hoặc qua hệ thống hotline đã được Bộ Y tế công bố.
   – Chuẩn bị đồ và đi cách ly tại bệnh viện.
   – Những người này tự báo cho F2 về tình trạng của mình.

Đối tượng F2: Người tiếp xúc gần với F1

   – Những người này cần đeo ngay khẩu trang, giữ khoảng cách với người xung quanh trên 2m.
   – Báo cho cơ sở y tế gần nhất hoặc qua hệ thống hotline đã được Bộ Y tế công bố.
   – Chuẩn bị đồ, làm theo hướng dẫn cách ly tại nhà hoặc nơi quy định khác.
   – Những người này tự báo cho F3 về tình trạng của mình.

Đối tượng F3: Người tiếp xúc với F2

   – Đeo ngay khẩu trang, báo cho cơ sở y tế gần nhất.
   – Tự cách ly, theo dõi tại nhà, tự báo cho F4 về tình trạng của mình.

Đối tượng F4, F5 là người tiếp xúc với F3, F4: Những người này cần tự cách ly, theo dõi ở nhà, báo cho cơ sở y tế gần nhất.

Nguồn: hieuluat.vn


⟩⟩Trở Về Đầu Trang

Leave a comment