Apr24-w3

Các bài viết sưu tầm: Apr 19, 2024

Một Quan Niệm Về Tuổi Già

Ở tuổi hiện tại, chúng ta đừng nghĩ đến đồng tiền, đừng nghĩ đến giàu hay nghèo nữa và… Tứ khoái của tuổi già là: Ăn, ngủ, thể dục và du lịch.

Đọc 2 câu trên thì phải cười 3 tiếng rồi… lắc đầu 3 cái.

Không nghĩ đến tiền? OK. Nhưng trong cái tứ khoái được liệt kê thì hết 50% là cần tiền: Ăn và Du Lịch. Ăn thì cần tiền còn ít nhưng món du lịch thì đúng là “không tiền, đố mày làm nên” và càng già thì càng nghiệm ra rằng: Tiền không làm nên tất cả nhưng không có tiền thì tất cả đều không nên làm!

Nguồn: Người Phương Nam Blog (25/02/21)

Apr24-5

Bóng hình năm cũ.

© Nguyễn Vĩnh Long.

Nguồn: © Việt Báo (15/02/2024)

pha-my-thuan

Ảnh minh họa. © vietbao.

… Hello darkness, my old friend
I’ve come to talk with you again
Because a vision softly creeping
Left its seeds while I was sleeping
And the vision that was planted in my brain
Still remains
Within the sound of silence
In restless dreams I walked alone…
(1)

Tiếng hát khàn đục, nghẹn ngào của người ca sĩ da đen phát ra từ chiếc loa nhỏ, cũ kỷ tình cờ ở một góc đường thành phố New York. Họ là những ca sĩ đường phố, hát lang thang đây đó để bán những đĩa hát của mình. Đôi mắt nhắm nghiền, những vết nhăn nhún trên khuôn mặt đen sạm nắng bụi thời gian, tiếng hát chừng như đang dỗ dành, kể lể với thân phận của chính mình. Tiếng hát như níu chân trái tim của bạn lại. Tiếng hát như mời mọc tâm hồn bạn với khoảnh khắc một đời người. Vậy mà bao nhiêu người vẫn thản nhiên đi qua, dửng dưng như trong không gian chung quanh không hề có một âm vang vọng lại. Tiếng hát chấm dứt như một tiếng thở dài không dứt. Tôi đã nghe rất nhiều ca sĩ nổi tiếng hát bài nầy, nhưng đây là lần tôi xúc động vô cùng với giọng ca của người ca sĩ đường phố. Tiếng hát đẩy tôi thật xa, thật xa trong vùng tận cùng của ký ức, trong một khung trời của dĩ vãng ngỡ chôn sâu…

Đọc tiếp…

Khoảng hơn mười giờ, chuyến xe dừng lại bến phà Mỹ Thuận. Tôi ló đầu ra cửa, điệu này chắc phải cả tiếng đồng hồ mới qua được phà. Hai mươi tám Tết, không khí thật ồn ào, nhộn nhịp. Tiếng còi xe, tiếng rao hàng, tiếng mời gọi nức vang dọc theo dãy hàng quán bên đường. Trong cảnh rộn ràng của những ngày cận Tết, không khí chiến tranh cũng không lắng dịu chút nào. Những đoàn xe nhà binh che đậy bít bùng, từng đoàn đang chạy vội vã, vang dậy tiếng còi inh ỏi, thúc dục. Cảnh sát, lính địa phương từng tốp xuôi ngược theo dòng người dọc hai bên đường, mắt gườm gườm, quan sát sẵn sang cho mọi bất trắc.

Gói mười ổ bánh mì Sài-gòn (*), được tôi treo cẩn thận trước khi quảy chiếc túi vải xuống xe. Đây là món không thể thiếu mỗi lần tôi về thăm nhà. Bánh mì ở đâu cũng có, vậy mà phải là bánh mì Sài Gòn mới được. Quà cho nhà, cho bà con chòm xóm. Mẹ tôi nói, bánh mì Sài Gòn ăn không cũng ngon. Tôi thì không thấy như vậy. Bánh mì Sài Gòn hay bánh mì Vĩnh Long, Cái Bè tôi ăn cũng thấy như nhau! Mẹ và bà con quê nội nói, chắc tại tôi ăn bánh mì Sài Gòn mấy năm nay nên quen miệng, không thấy khác. Chứ thật sự, bánh mì Sài Gòn rất đặc biệt, có mùi thơm và độ giòn rất là Sài Gòn, chỉ có bánh mì Sài Gòn mới có. Tôi tin mẹ và bà con quê nội nói đúng.

Ly cà-phê và cái bánh tiêu hồi sáng sớm vẫn còn no bụng. Thôi thì đợi trưa tới Vĩnh Long ăn luôn trước khi xuống đò về nhà nội… Những chuyến xe về quê cuối năm người đông như nấm, đi bộ phải lách phải luồn mới không đụng vai chạm tay. Dưa hấu màu xanh thẳm, bóng lưỡng chất đống dọc hai bên đường. Rồi thì mứt, đủ loại đủ màu, bày cùng khắp trong bọc, trong những hộp bao giấy kiếng thật đẹp và bắt mắt. Tiếng mời mọc, nỳ nèo giá cả, tiếng cười nói rộn ràng một không khí Tết gần kề. Đó là chưa kể mùi hủ tiếu, cháo lòng, mùi thịt nướng thơm lừng… quyện kín cả vùng.

Tôi thương vô cùng không khí cuộc sống hai bên bờ phà Mỹ Thuận, bận về cũng như bận đi. Có cái gì đó bịn rịn quê nhà khi sang phà, trước khi vào Sài Gòn. Có cái gì rộn ràng cho nửa đoạn đường gần quê nhà hơn, khi bước chân lên chuyến phà qua bên kia bờ chờ đợi. Tôi sẽ thấy hình dáng của mẹ gần hơn.

Tiếng còi xe vang dậy, kềm theo từng đoàn người tất bật ngược dòng. Chắc phà vừa cập bến. Tôi thấy hơi khát, định ghé vào mua một bọc nước mía cầm theo. Chợt đâu văng vẳng trong tiếng ồn ào, náo nhiệt của bến phà vang lên tiếng đàn với nhịp điệu quen tai. Tôi khựng người, lắng nghe. Tiếng đàn gần, gần dần và quyện trong tiếng hát giọng nữ ngọt buồn:

“… Mưa ơi! Mưa ơi!
Mưa gieo sầu nhân thế
Mưa nhớ ai,
biết người thương có còn nhớ hay quên
Riêng ta vẫn u hoài
Đêm đêm tiếp đêm nhớ mong người
Đã cách xa…”
(2)

Người con gái dáng gầy gò, chiếc áo màu xanh đậm bạc màu, một tay cầm chiếc nón lá rách vành, tay kia cầm chiếc gậy theo sau là người đàn ông ôm đàn thùng, đeo kiếng sậm đen. Tiếng hát ngân dài dịu vợi, bơ vơ trong tiếng ồn ào, nhộn nhịp bao cuộc đời xuôi ngược chung quanh. Vài người khách bộ hành dừng lại nhìn cô gái, rồi bỏ vội vào chiếc nón lá rách vành những tờ giấy bạc vô tình. Âm vang cuối cùng của bài hát đã dứt, khoảng lặng yên như xô đẩy dòng người dòng đời náo nhiệt hơn lên. Tiếng từng phím đàn lại rão lên một bài hát khác. Người con gái ngẩn mặt lên, dưới mái tóc bồng bềnh biếng chảy là đôi mắt, đôi mắt u hoài như chẳng nhìn ai, sao xé thịt da người. Đôi môi tuổi xuân thì, cũng phơn phớt hồng cất giọng, bất chấp gian truân hằn sâu trên khóe mắt:

“Mưa rừng ơi, mưa rừng!
Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên
Phải chăng mưa buồn vì tình đời
Mưa sầu vì lòng người
Duyên kiếp không lâu…”
(3)

Tiếng hát thơ ngây sao vọng nỗi u hoài trong không gian rộn rã vây quanh. Tiếng hát như bóp chặt mỗi nhịp đập tim tôi, giữa mùa gió trở. Tiếng còi xe bất chợt kéo tôi về thực tại. Chuyến xe tôi đang chuyển bánh về phía bến phà. Tôi móc vội những tờ giấy bạc trong túi, những tờ giấy bạc dành dụm suốt năm dạy kèm trong đáy xách vải. Đi nhanh về phía tiếng hát, tôi bỏ tất cả nắm giấy bạc và cả tấm lòng mình vào chiếc nón lá rách vành. Tiếng hát bất thần im bặt giữa nhịp đàn. Dưới đôi chân mày đen rậm, ánh mắt ngưởi con gái thoáng kinh ngạc, chút bừng vui. Tôi quay đi nhanh, chạy theo chuyến xe hướng về phía trước. Trong bước chân vội như trốn, tôi chợt ngoái đầu lại tự dưng, để bắt gặp lại đôi mắt thoáng hiện nụ cười cuối khóe nhẹ tênh…

Chuyến phà rời bến, thổi hơi nước trong khứu giác tôi rộng mở. Tôi muốn la to lên niềm hạnh phúc vỡ bờ. Tôi cũng quên mất, trong người tôi trống rỗng, không còn gì cả. Không tiền để ăn trưa, không tiền cho chuyến đò về nhà nội. Mà cần gì, trong tôi đang căng đầy hạnh phúc; căng đầy mọi nỗi niềm, đầy ấp ánh mắt, bóng hình của người con gái hát dạo ở lại bên kia bến phà Mỹ Thuận.

✩ ✩ ✩

Rất nhiều năm, nhiều năm sau nầy, trên chuyến xe về thăm lại quê nhà, tôi nói với người lái xe dừng lại dưới chân cầu Mỹ Thuận. Thời gian không ngừng lại chờ ai. Cuộc sống không ngừng trôi trong mọi kiếp người hữu hạn. Tóc tôi đã bạc màu năm tháng. Đất nước, quê hương tôi vẫn đang thay đổi “chóng mặt” từng ngày. Trước mắt tôi là hiện tại. Những gì tôi nhớ, tôi muốn tìm là quá khứ, là những vùng ký ức chìm sâu. Dọc hai bên đường là những công trình đang xây cất, là những tấm bảng quảng cáo đầy màu sắc của hôm nay. Thỉnh thoảng có vài tán dù bày bán những chai nước uống, bánh trái lẻ loi. Chân cầu Mỹ Thuận đã hiện ra phía trước. Chiếc xe chậm lại, người tài xế trẻ quay qua tôi:

– Đây là điểm gần nhất em có thể dừng xe cho chú.

Đó là một trạm xăng Petrolimex. Bên hông trạm xăng, phía ngoài là một quán ăn nhỏ. Chiếc xe dừng và tắt máy trước cửa quán. Tất cả lục đục xuống xe, bà xã tôi nói:

– Mọi người vào quán uống nước, để ông ấy đi chụp vài bức ảnh.

Quá quen tính bốc đồng, cũng như những cảm xúc riêng tư, bà xã rất tôn trọng giây phút “một mình” của tôi. Đi dọc theo lối cỏ ven đường, tôi đã nhìn thấy những sợi cáp treo của cầu Mỹ Thuận. Đã thấy xa xa mặt nước sông Tiền nâu sậm và mùi hơi nước thoảng trong gió lùa. Cảnh vật không còn chút gì để nhận ra, nhưng bầu trời vẫn xanh với từng cụm mây trắng lơ lững như ngày nào. Và hương vị, cái hương vị của quê tôi cũng không hề thay đổi. Mùi hanh hanh của nắng, mùi ngây ngây của hương đồng cỏ nội, mùi hơi nước nồng tênh phả vào từ phía ven sông. Mùi vị mà không bất cứ vùng đất nước nào tôi đã sống, đã đi qua có được. Mùi vị của quê hương tôi! Mỗi bước chân tôi như đang đi ngược về quá khứ. Ánh mắt tôi như chợt nhạt nhòa những hình bóng của ngày xưa.

Những chuyến phà ngang, những dòng đời xuôi ngược và… một ánh mắt. Ánh mắt của tiếng hát một đời tôi cứ hệ lụy, cưu mang. Họ là ai? Người con gái hát dạo ngày đó là ai? Tên gì? Hay cũng chỉ là một cái tên trên đường đời muôn vạn nẽo. Về đâu, hởi người con gái một lần tôi gặp giữa trời miên viễn? Họ còn hay mất, có ai nghĩ đến, đoái hoài? Người con gái ngày nào có còn nhớ đến tấm lòng, tôi đã bỏ lại trong chiếc nón lá rách vành một chuyến qua sông? Buổi chiều rơi nhè nhẹ, như vẳng lại đâu đây tiếng hát mơ hồ, hư thực.Tiếng hát của ai? Tiếng hát tôi tâm tưởng hay tiếng người con gái hát dạo ngày xưa của bến phà Mỹ Thuận:

“… Mưa rừng ơi! Mưa rừng
Tìm đâu hỡi ơi bóng người xưa
Mỗi khi mưa rừng về muộn màng

Bóng chiều về dần tàn
Lòng thương nhớ nào nguôi…
(3)

© Nguyễn Vĩnh Long

Thân mời đọc thêm Việt Báo

Apr24-6

Europe’s tech industry is lagging behind the US

Ngành công nghệ châu Âu đang tụt hậu so với Mỹ!

© Renaud Foucart. (Giảng viên cao cấp về Kinh tế, Trường Quản lý Đại học Lancaster)

Nguồn: © The Conversation (05/03/2024)

eu-flag

Europe’s Flag. © Wiki

Châu Âu đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu, xuất bản và cấp bằng sáng chế cho nhiều ý tưởng. Nhưng nó không thể cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc khi nói đến việc chuyển nỗ lực đổi mới của mình thành các công ty công nghệ lớn trên toàn cầu. Bảy công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ, Alphabet (Google), Amazon, Apple, Meta, Microsoft, Nvidia và Tesla, lớn hơn 20 lần so với bảy công ty lớn nhất EU và tạo ra doanh thu cao hơn gấp 10 lần.

Điều đó không có nghĩa là châu Âu không có câu chuyện thành công về công nghệ. Công ty hàng đầu thế giới về phát nhạc trực tuyến là Spotify, một công ty Thụy Điển. Công ty ASML của Hoà Lan sản xuất chip máy tính tiên tiến nhất thế giới và nhà sản xuất dược phẩm Đan Mạch Novo Nordisk đang dẫn đầu thị trường thuốc giảm cân cực kỳ có lợi nhuận…

Đọc tiếp…

Các công ty khởi nghiệp ở châu Âu thực sự cũng là một thương vụ tốt hơn đối với các nhà đầu tư mạo hiểm so với các công ty khởi nghiệp ở Mỹ. Nhưng họ hiếm khi phát triển thành những công ty lớn trên toàn cầu. Lý do chính cho điều này là châu Âu quy định nhiều hơn.

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng người châu Âu kém lạc quan hơn người Mỹ về tính di động xã hội, muốn phân phối lại thu nhập nhiều hơn ở Mỹ và có mối quan hệ thận trọng hơn trong việc sở hữu tài sản rủi ro. Điều này dẫn đến một số kết quả rất có thể dự đoán được. Các số liệu về môi trường, bất bình đẳng và tuổi thọ hoạt động tốt hơn ở châu Âu, trong khi Mỹ hoạt động tốt hơn về các chỉ số kinh tế thuần túy.

Đây không hẳn là tin xấu. Trong cuộc cạnh tranh để xác định các quy tắc của trò chơi công nghệ, việc kết hợp hệ sinh thái công nghệ khổng lồ của Hoa Kỳ và nỗi ám ảnh về quy định của châu Âu có thể là cơ hội tốt nhất để bảo vệ người tiêu dùng, quyền tự do ngôn luận, trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trên toàn thế giới.

Dẫn đầu thế giới về quy định

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) nhanh chóng xúc tiến phê duyệt các loại thuốc mới so với Cơ quan Y tế Châu Âu. Các công ty dược phẩm cũng được phép thu lợi nhuận lớn hơn: thuốc ở Mỹ trung bình đắt hơn ba lần so với phần còn lại của OECD.

Vì vậy, việc các công ty dược phẩm phát triển sản phẩm của họ trước tiên ở Mỹ là điều hợp lý. Điều này cũng đúng nếu bạn muốn phát triển một loại thịt tổng hợp mới, một loại cây trồng biến đổi hoặc một sản phẩm được liên kết với Trí tuệ nhân tạo (AI).

Châu Âu có thể tăng trưởng nhanh hơn bằng cách thay đổi mô hình của mình. Nhưng hãy hỏi các nhà lãnh đạo châu Âu xem họ sẵn lòng nới lỏng quy định chính xác nào, bạn sẽ nghe thấy một sự im lặng chói tai.

Nước Anh có lẽ là minh họa tốt nhất. Phần lớn dự án Brexit là nhằm đơn giản hóa các quy định của châu Âu vốn bị cho là quá mức. Tuy nhiên, Anh quốc vẫn chưa thực hiện bất kỳ thay đổi quy định lớn nào tám năm sau cuộc trưng cầu dân ý và chính phủ tỏ ra không quan tâm đến việc thay đổi chiến lược.

Ở Mỹ, đổi mới đi đôi với sự tập trung thị trường và sức mạnh thị trường . Khi các công ty có sức mạnh thị trường cao, họ có thể có ít động lực để đổi mới hơn. Họ cũng bắt đầu đạt được quyền lực chính trị.

Đây là lúc vai trò của Châu Âu với tư cách là cơ quan quản lý độc lập là rất quan trọng. Các công ty lớn nhất có xu hướng tuân thủ luật pháp EU vì họ muốn tiếp tục tiếp cận EU. Họ cũng có xu hướng cung cấp các sản phẩm giống nhau trên khắp thế giới, điều đó có nghĩa là các quy định của Châu Âu áp dụng cho tất cả mọi người.

Các quy tắc của châu Âu có mục tiêu rõ ràng. Đạo luật Thị trường kỹ thuật số của EU, có hiệu lực vào tháng 3/2024, thiết lập các quyền và quy tắc cho các nền tảng trực tuyến lớn – được gọi là “người gác cổng – gatekeepers” như Google, Amazon hay Meta – để ngăn chặn họ lạm dụng sức mạnh thị trường của mình.

Châu Âu cũng đáng tin cậy trong việc bảo vệ người tiêu dùng, công dân và tính minh bạch. Không thể nghi ngờ rằng nó thiên vị các công ty vô địch công nghệ châu Âu, bởi vì chẳng có nhà vô địch nào cả. Ví dụ, châu Âu có thể đánh giá Tiktok dựa trên việc liệu nó có vi phạm các quy tắc bảo vệ trẻ em hay không, chứ không dựa trên lo ngại rằng một công ty Trung Quốc đang chiếm lấy thị phần từ một công ty châu Âu.

Công nghệ và dân chủ

Có lẽ ví dụ điển hình nhất về lợi ích của việc điều tiết cũ ở Châu Âu và nước Mỹ được giải phóng là cuộc chạy đua hiện tại về AI. Hoa Kỳ được định vị là nước dẫn đầu thị trường về công nghệ AI, có thể cung cấp năng lượng cho các sản phẩm và ứng dụng như trình tạo hình ảnh, trợ lý giọng nói và công cụ tìm kiếm. Khoảng một nửa đầu tư của thế giới vào AI hiện đang diễn ra ở Mỹ.

Đồng thời, châu Âu đã thực hiện một số bước để điều chỉnh. Ví dụ, Đạo luật Trí tuệ nhân tạo của EU xác định các mức độ minh bạch khác nhau và kiểm toán các thuật toán tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm của chúng.

Châu Âu chắc chắn sẽ không giành chiến thắng trong cuộc đua đổi mới toàn cầu về AI. Nhưng nó có cơ hội để viết các quy tắc toàn cầu theo các giá trị riêng của nó. Điều này có nghĩa là nó có thể khiến các công ty chịu trách nhiệm về hành động của các công cụ AI của họ và minh bạch về dữ liệu được sử dụng để đào tạo họ. Nó cũng có nghĩa là nó có thể yêu cầu các thuật toán AI của công ty được kiểm toán.

Nhưng để EU viết ra các quy tắc mới về AI, các công ty phương Tây phải giành chiến thắng trong cuộc đua đổi mới. Đối thủ cạnh tranh chính là Trung Quốc, nơi các công ty được cấp quyền truy cập lớn vào dữ liệu của chính phủ, bao gồm cả nhận dạng khuôn mặt. Chính phủ Trung Quốc phần lớn có thể chọn người đứng đầu bằng cách quyết định ai có quyền truy cập vào dữ liệu.

Mối quan tâm của Trung Quốc về quy định không thể xa hơn những lo ngại ở châu Âu. Trung Quốc không quan tâm đến việc cải thiện tính minh bạch và cạnh tranh chính trị công bằng – họ muốn sử dụng dữ liệu để thúc đẩy các chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc, kỷ luật và thúc đẩy nền kinh tế quốc gia.

Khác xa với cuộc cạnh tranh giữa châu Âu và Mỹ để giành ưu thế về công nghệ, các nền dân chủ phương Tây nên coi các cách tiếp cận khác nhau của họ là cơ hội duy nhất để phát huy các giá trị chung. Trong bối cảnh đó, việc thiếu các nhà lãnh đạo công nghệ lớn trên toàn cầu của châu Âu, thực sự có thể là một điều may mắn.

© Renaud Foucart.

Thân mời đọc thêm @ The Conversation

Các bài viết cùng tác giả hay cùng chủ đề (NnQ sưu tầm).

EU approves draft law to regulate AI – here’s how it will work

Google loses appeal against €2.4 billion fine: tech giants might now have to re-think their entire business models.

Leave a comment